settings icon
share icon
Câu hỏi

Kinh Thánh nói gì về việc vượt qua đau buồn?

Trả lời


Đau buồn là một cảm xúc phổ biến đối với trải nghiệm của con người và chúng ta chứng kiến quá trình đau buồn xuyên suốt câu chuyện trong Kinh Thánh. Nhiều nhân vật trong Kinh Thánh đã trải qua sự mất mát và đau khổ sâu sắc, trong đó có Gióp, Na-ô-mi, An-ne và Đa-vít. Ngay cả Chúa Giê-su cũng than khóc (Giăng 11:35; Ma-thi-ơ 23:37-39). Sau khi La-xa-rơ chết, Chúa Giê-su đến làng Bê-tha-ni, nơi chôn cất La-xa-rơ. Khi Chúa Giê-xu thấy Ma-thê và những người đưa tang khác khóc, Ngài cũng khóc. Ngài cảm động trước sự đau buồn của họ và cả sự kiện về cái chết của La-xa-rơ. Điều đáng kinh ngạc là, mặc dù Chúa Giê-su biết Ngài sẽ khiến La-xa-rơ sống lại từ cõi chết, nhưng Ngài đã chọn dự phần vào hoàn cảnh đau buồn đó. Chúa Giê-su thực sự là một thầy tế lễ thượng phẩm có thể “cảm thông với những yếu đuối của chúng ta” (Hê-bơ-rơ 4:15).

Một bước để vượt qua đau buồn là có quan điểm đúng đắn về nó. Đầu tiên, chúng ta nhận ra rằng đau buồn là một phản ứng tự nhiên đối với nỗi đau và sự mất mát. Không có gì sai với đau buồn. Thứ hai, chúng ta biết rằng những lúc đau buồn đều có mục đích. Truyền đạo 7:2 nói: “Đi đến nhà tang chế hơn là đến nhà yến tiệc; vì tại đó thấy sự cuối cùng của mọi người; và người sống để vào lòng”. Câu này ngụ ý rằng đau buồn có thể tốt vì nó có thể làm mới quan điểm của chúng ta về cuộc sống. Thứ ba, chúng ta nên nhớ rằng cảm giác đau buồn chỉ là tạm thời. “Sự khóc lóc đến trọ một đêm, nhưng buổi sáng bèn có sự vui mừng” (Thi Thiên 30:5). Có một kết thúc cho sự cư tang. Đau buồn có mục đích của nó, nhưng nó cũng có giới hạn.

Qua tất cả, Đức Chúa Trời là thành tín. Có nhiều câu Kinh Thánh nhắc nhở chúng ta về sự thành tín của Đức Chúa Trời trong những lúc đau buồn. Ngài ở với chúng ta ngay cả trong trũng bóng chết (Thi Thiên 23:4). Khi đau buồn, Đa-vít đã cầu nguyện điều này trong Thi-thiên 56:8: “Chúa đếm các bước đi qua đi lại của tôi: Xin Chúa để nước mắt tôi trong ve của Chúa, Nước mắt tôi há chẳng được ghi vào sổ Chúa sao?” Hình ảnh cảm động về Đức Chúa Trời hứng nước mắt của chúng ta đầy ý nghĩa. Ngài nhìn thấy nỗi đau của chúng ta và không coi thường nó. Khi Chúa Giê-su bước vào nỗi đau buồn của những người than khóc ở Bê-tha-ni, Đức Chúa Trời bước vào nỗi đau buồn của chúng ta. Đồng thời, Ngài trấn an chúng ta rằng tất cả sẽ không mất đi. Thi Thiên 46:10 nhắc nhở chúng ta “hãy yên lặng” và yên nghỉ trong sự hiểu biết rằng Ngài là Đức Chúa Trời. Ngài là nơi nương náu của chúng ta (Thi Thiên 91:1-2). Ngài hiệp lại mọi sự vì ích lợi cho những kẻ Ngài đã kêu gọi (Rô-ma 8:28).

Một phần quan trọng của việc vượt qua đau buồn là bày tỏ điều đó với Thượng Đế. Các Thi thiên chứa đựng vô số ví dụ về việc dốc hết lòng mình cho Đức Chúa Trời. Điều thú vị là tác giả Thi thiên không bao giờ kết thúc ở nơi ông bắt đầu. Ông có thể bắt đầu một bài Thi thiên với những lời bày tỏ sự đau buồn, nhưng hầu như luôn luôn kết thúc bằng lời ngợi khen (Thi thiên 13; Thi thiên 23:4; Thi thiên 30:11-12; Thi thiên 56). Đức Chúa Trời hiểu chúng ta (Thi thiên 139:2). Khi giao tiếp với Ngài, chúng ta có thể mở rộng tâm trí mình để tiếp nhận lẽ thật rằng Ngài yêu thương chúng ta, rằng Ngài thành tín, rằng Ngài đang kiểm soát và rằng Ngài biết cách Ngài sẽ thực hiện điều đó vì lợi ích của chúng ta.

Một bước quan trọng khác để vượt qua đau buồn là chia sẻ nó với người khác. Thân thể của Đấng Christ được thiết kế để giảm bớt gánh nặng cho nhau (Ga-la-ti 6:2), và các anh em đồng đức tin có khả năng “than khóc với những người than khóc” (Rô-ma 12:15). Thông thường, người đau buồn có xu hướng xa lánh người khác, làm tăng cảm giác bị cô lập và đau khổ. Tìm kiếm sự tư vấn sẽ tốt cho sức khỏe hơn nhiều và việc thành lập các nhóm có thể là vô giá. Các nhóm mang đến những đôi tai biết lắng nghe và những lời động viên hữu ích, tình bạn thân thiết và hướng dẫn để vượt qua nỗi đau. Khi chúng ta chia sẻ những câu chuyện của mình với Chúa và những người khác, nỗi đau của chúng ta sẽ giảm bớt.

Đáng buồn thay, đau buồn là một phần trải nghiệm của con người. Mất mát là một phần của cuộc sống, và đau buồn là một phản ứng tự nhiên đối với sự mất mát. Nhưng chúng ta có hy vọng trong Đấng Christ, và chúng ta biết rằng Ngài đủ mạnh để mang gánh nặng của chúng ta (Ma-thi-ơ 11:30). Chúng ta có thể trao nỗi đau của mình cho Ngài vì Ngài quan tâm đến chúng ta (1 Phi-e-rơ 5:7). Chúng ta có thể tìm thấy sự an ủi trong Đức Thánh Linh, Đấng Yên Ủi và Đấng Bảo Trợ của chúng ta (Giăng 14:16). Trong lúc đau buồn, chúng ta trao gánh nặng của mình cho Ngài, trông cậy vào cộng đồng của hội thánh, tìm hiểu lẽ thật của Lời Chúa, và cuối cùng cảm nghiệm được hy vọng (Hê-bơ-rơ 6:19-20).

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Kinh Thánh nói gì về việc vượt qua đau buồn?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries