settings icon
share icon
Câu hỏi

Làm cách nào để tôi vượt qua khi cố gắng nuôi dạy một đứa trẻ ở tuổi vị thành niên?

Trả lời


Nhiều bậc phụ huynh Cơ Đốc tự hỏi họ có thể vượt qua thử thách nuôi dạy đứa con tuổi vị thành niên của mình hay không. Trẻ vị thành niên thường có một số đặc điểm chung. Đầu tiên, chúng đang trải qua giai đoạn trong cuộc đời mà bọn trẻ tin rằng chúng biết tất cả những gì cần biết và những gì chúng không biết là không đáng biết. Thứ hai, các Hóc-môn và hợp chất hóa học khác truyền qua não và cơ thể góp phần ngăn trở khiến trẻ không thể suy nghĩ và lý luận như người trưởng thành có lý trí. Trẻ muốn có những gì mình muốn, bất cứ khi nào mình muốn, và không có chút ý niệm nào rằng điều mình đang đòi hỏi có thể gây tổn hại cho chính mình. Nhiệm vụ của các bậc cha mẹ là giữ an toàn cho con cái họ khi chúng đang đối diện thời điểm khó khăn này của cuộc đời.

Chúa Giê-su gián tiếp dạy chúng ta trong Ma-thi-ơ 7:9-10 rằng, “Có ai trong các ngươi, khi con mình xin bánh lại cho đá? Hay là xin cá, mà lại cho rắn chăng?” Chắc chắn là không rồi! Đôi khi con cái đòi hỏi ở chúng ta những thứ có vẻ tốt cho chúng, nhưng thực chất sẽ làm hại chúng. Vậy nên các bậc cha mẹ có trách nhiệm phân biệt và làm điều tốt nhất cho con của mình. Chúng ta cũng có nguyên tắc giống như vậy – nếu chúng ta cầu xin Chúa những điều chúng ta nghĩ là tốt cho bản thân, nhưng Chúa biết là nó không tốt, thì Ngài sẽ không ban cho chúng ta.

Có Chúa Giê-su làm trung tâm của gia đình bạn là cách tốt nhất để nuôi dạy con cái. “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo, để khi trở về già, nó cũng không lìa khỏi đó” (Châm Ngôn 22:6). Nếu bạn đã là Cơ Đốc nhân bằng việc mời Chúa Giê-su ngự vào lòng thì Đức Thánh Linh đang sống trong bạn và Ngài sẽ dạy bạn mọi điều (Giăng 14:26; I Giăng 2:27); và điều này cũng bao gồm cả cách thức bạn nuôi dạy con cái. Con trẻ học qua những gì chúng quan sát được từ chúng ta nhiều hơn những gì chúng ta nói với chúng, vì vậy việc trở thành một tấm gương tốt cho con cái là rất quan trọng.

Kinh Thánh dạy chúng ta tầm quan trọng của kỷ luật. “Người nào kiêng roi vọt là ghét con cái mình, Nhưng ai thương con sẽ sớm lo sửa dạy nó.” (Châm Ngôn 13:24). “Hãy sửa phạt con cái ngươi lúc còn hi vọng, nhưng đừng định tâm giết nó” (Châm Ngôn 19:18). “Hãy sửa phạt con cái, nó sẽ cho con được an tịnh, và làm cho lòng con vui mừng.” (Châm Ngôn 29:17). Điều rất quan trọng là phải đặt ra các quy tắc và thực thi chúng. Khi trẻ biết việc mình làm là sai, nên áp dụng hình thức sửa phạt nào đó, nhưng phải phù hợp với "tội". Ví dụ, nói dối cho thấy một đứa trẻ không thể được tin tưởng, vì vậy có thể cho đến khi sự tin tưởng đó được khôi phục, thời gian ra khỏi nhà nên hạn chế. Chúng sẽ muốn bạn tin tưởng chúng một lần nữa, vì vậy chúng sẽ học hỏi từ điều đó. Điều tồi tệ nhất mà chúng ta có thể làm là cố gắng trở thành bạn của con cái chúng ta thay vì trở thành cha mẹ.

Kỷ luật phải luôn được thực hiện với lợi ích tốt nhất của đứa trẻ như là động lực. Ê-phê-sô 6:4 dạy rằng chúng ta không nên chọc giận con cái qua cách đối xử của mình (điều này không có nghĩa là không sửa phạt con; ý ở đây là đừng sửa phạt trong sự giận dữ hoặc tuyệt vọng), nhưng hãy nuôi dạy con bằng kỷ luật và những sự giáo huấn đến từ Đức Chúa Trời. Hãy nhớ cho trẻ biết lý do vì sao hành động đó là sai, vì sao bạn không đồng ý với quan điểm của trẻ. Đồng thời, hãy cho trẻ biết rằng mọi điều bạn đang làm đều là vì bạn yêu thương chúng. Hê-bơ-rơ 12:7 cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời kỷ luật tất cả con cái Ngài khi chúng ta làm điều sai trái vì Ngài yêu chúng ta và sẽ không tốt cho chúng ta nếu Ngài không làm vậy. Khi con cái tranh cãi về việc bị trừng phạt, điều mà chúng chắc chắn sẽ làm, cha mẹ khôn ngoan trả lời: “Đó là trách nhiệm của cha mẹ để sửa dạy con, và nếu cha mẹ không làm tròn việc đó, cha mẹ sẽ phải trả lời trước Chúa.”

Cuối cùng, một số điều rất quan trọng để vượt qua trong việc nuôi dạy thanh thiếu niên: óc hài hước, cảm giác tin chắc rằng bạn đang làm điều đúng, lòng tin cậy vào sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời trong Lời Ngài và cầu nguyện, cầu nguyện, cầu nguyện! Những điều này không chỉ giúp cha mẹ “tồn tại” mà còn giúp họ làm gương cho cách nuôi dạy con tốt, những điều mà thanh thiếu niên cuối cùng sẽ sử dụng khi chính chúng trở thành cha mẹ.

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Làm cách nào để tôi vượt qua khi cố gắng nuôi dạy một đứa trẻ ở tuổi vị thành niên?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries