Câu hỏi
Thuyết JEDP là gì?
Trả lời
Nói một cách ngắn gọn, thuyết JEDP cho rằng năm sách đầu tiên của Kinh thánh là Sáng thế ký, Xuất Ê-díp-tô ký, Lê-vi ký, Dân số ký và Phục truyền luật lệ ký không phải hoàn toàn do Môi-se viết, là người đã qua đời năm 1406 trước Công Nguyên, nhưng bởi những trước giả hay những nhà biên soạn khác nhau sau Môi-se. Thuyết này dựa vào sự việc là có những danh xưng khác nhau dành cho Chúa được sử dụng trong những đoạn khác nhau của Ngũ kinh, và có thể nhận ra sự khác biệt giữa những văn phong này. Tên của thuyết JEDP là những chữ đại diện cho bốn trước giả: trước giả sử dụng danh xưng của Chúa là "Jehovah" (J), trước giả sử dụng danh xưng của Chúa là "Elohim" (E), trước giả của Phục truyền luật lệ ký (D), và trước giả thuộc dòng dõi thầy tế lễ viết sách Lê-vi ký (P). Thuyết JEDP cho rằng những phần khác nhau của Ngũ kinh có khả năng được Ê-xơ-ra biên soạn lại vào thế kỷ thứ 4 trước Công Nguyên.
Vậy, tại sao có những danh xưng khác nhau dành cho Chúa trong những quyển sách được cho là được viết bởi một trước giả duy nhất? Ví dụ, Sáng thế ký chương một sử dụng danh xưng "Elohim" (Đấng toàn năng) trong khi đó Sáng thế ký chương hai lại sử dụng danh xưng YHWH (Đức Giê-hô-va hay Đức Gia-vê). Những cách sử dụng như vậy thường xuyên xuất hiện trong Ngũ kinh. Câu trả lời rất đơn giản. Môi-se sử dụng danh xưng của Chúa để ghi dấu sự kiện. Trong Sáng thế ký chương 1, Chúa là Elohim, nghĩa là Đức Chúa Trời toàn năng là Đấng sáng tạo. Trong sáng thế ký chương 2, Chúa là Yahweh (Đức Giê-hô-va), nghĩa là Đức Chúa Trời là người đã tạo dựng và thiết lập mối liên hệ với con người. Điều này không phải ám chỉ đến những trước giả khác nhau nhưng mà là một trước giả duy nhất sử dụng nhiều danh xưng khác nhau của Chúa để nhấn mạnh một sự kiện và miêu tả những khía cạnh khác nhau của bản tính Ngài.
Với nhiều văn phong khác nhau, chúng ta có nên trông đợi một trước giả sử dụng một văn phong duy nhất khi viết về lịch sử (Sáng thế ký), về quy chế luật pháp (Xuất Ê-díp-tô ký, Phục truyền luật lệ ký) và về những chi tiết phức tạp của hệ thống/nghi thức dâng tế lễ (Lê-vi ký) không? Thuyết JEDP dùng những sự khác nhau có thể giải thích được trong Ngũ kinh để bịa đặt ra một thuyết tinh vi mà không dựa trên thực tế hay lịch sử. Chưa bao giờ có một tài liệu J, E, D hay P được khám phá. Chưa bao giờ có một người Do Thái cổ xưa hay một học giả Cơ Đốc nào gợi ý đến sự tồn tại của những tài liệu đó.
Sự tranh luận gay gắt nhất chống lại thuyết JEDP chính là Kinh thánh.
Trong Mác 12:26, Chúa Giê-xu có nói: "Còn về những người chết được sống lại, thì trong sách Môi-se có chép lời Đức Chúa Trời phán cùng người trong bụi gai rằng: 'Ta là Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời của Y-sác, Đức Chúa Trời của Gia-cốp, các ngươi há chưa đọc đến sao?'" Vậy thì, Chúa Giê-xu nói một cách rõ ràng rằng Môi-se đã viết lời giải thích về bụi gai cháy trong Xuất Ê-díp-tô ký 3:1-3. Trong Công vụ 3:22, Lu-ca cũng có lời giải thích về phân đoạn trong Phục truyền 18:15 và công nhận Môi-se là trước giả của phân đoạn Kinh thánh đó. Trong Rô-ma 10:5, Phao-lô cũng nói về sự công bình của Môi-se được miêu tả trong Lê-vi ký 18:5. Vậy thì, Phao-lô đã chứng minh rằng Môi-se là trước giả của Lê-vi ký. Vậy, chúng ta biết Chúa Giê-xu chứng minh rằng Môi-se là trước giả của Xuất-ê-díp-tô ký, Lu-ca (trong sách Công vụ) cho biết Môi-se đã viết Phục truyền luật lệ ký, và Phao-lô nói rằng Môi-se là trước giả của Lê-vi ký. Nếu thuyết JEDP là đúng thì Chúa Giê-xu, Lu-ca, và Phao-lô tất cả chỉ là những kẻ dối trá hoặc họ có sự hiểu biết nhầm lẫn nào đó về Cựu Ước. Hãy đặt niềm tin của chúng ta vào Chúa Giê-xu và những trước giả con người trong Kinh thánh hơn là sự lố bịch và vô căn cứ của thuyết JEDP (II Ti-mô-thê 3:16-17).
English
Thuyết JEDP là gì?