settings icon
share icon
Câu hỏi

Kinh Thánh nói gì về sự không công bình?

Trả lời


Kinh Thánh nói rất nhiều về chủ đề liên quan đến sự không công bình. Chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời chuộng sự công bình; chúng ta cũng biết Ngài nghịch lại với sự không công bình, kể cả ở hình thức căn bản nhất. Tác giả sach Châm Ngôn có nói: “Hai thứ quả cân là điều ghê tởm đối với Đức Giê-hô-va, và cây cân giả trá đâu phải là vật tốt lành” (Châm Ngôn 20:23). Sự công bình là nền của ngôi Chúa (Thi Thiên 89:14), và Đức Chúa Trời không chấp nhận sự thiên kiến, ngay cả khi chỉ nói đến một quả cân sai trọng lượng hay một hệ thống pháp lý không công bằng (Lê-vi Ký 19:15; Gia-cơ 2:8-9). Còn nhiều câu Kinh Thánh khác, cả trong Cựu Ước lẫn Tân Ước, giúp chúng ta hiểu được sự ghê tởm mà Đức Chúa Trời dành cho sự không công bình (II Sử Ký 19:7; Gióp 6:29; 11:14; Châm Ngôn 16:8; Ê-xê-chi-ên 18:24; Rô-ma 9:14).

Tiên tri Ê-sai sống trong thời kỳ nước Giu-đa đang phải tranh chiến với sự không công bình: “Vì thế, công lý bị đẩy lui, Sự công chính đứng cách xa; Vì chân lý vấp ngã giữa quảng trường, Và sự ngay thẳng không thể vào được. Chân lý đã không còn, Ai lánh điều dữ thì bị cướp giật.” (Ê-sai 59:14-15). Thông điệp của Đức Chúa Trời dành cho họ rất đơn giản: “Hãy học làm lành, Tìm kiếm công lý; Giúp đỡ người bị áp bức, Xét xử công minh cho kẻ mồ côi, Bênh vực lý lẽ người góa bụa” (Ê-sai 1:17). Kế đó, Chúa phán bảo họ hãy “Tháo những xiềng gian ác” (Ê-sai 58:6; đối chiếu Thi Thiên 82:3), chỉ ra rằng sự không công bình là một hình thức nô lệ và áp bức.

Trong thư Gia-cơ, chúng ta được nhìn thấy rõ hơn suy nghĩ của Đức Chúa Trời liên quan đến sự không công bình. Đức Chúa Trời không hề nhỏ mọn hay bị ám ảnh. Ngài không xem trọng sự công chính chỉ bởi vì nó mang đến trật tự. Căn nguyên của vấn đề sâu sắc hơn như vậy. Trong Gia-cơ 2, chúng ta thấy sự bàn luận về tính thiên vị. Gia-cơ nói với một nhóm tín hữu đang phán xét những người cùng nhóm lại với mình dựa trên địa vị xã hội của họ. Trong tấm lòng con người, sự không công bình là dấu hiệu của tính thiên vị, hay phán xét, và thiếu tình yêu thương. Khi chúng ta cố gắng đạt đến sự công bình bằng thước đo của loài người, thì mặc định ta sẽ bỏ quên thước đo của Đức Chúa Trời: sự toàn hảo. Bất cứ thứ gì kém hơn sự toàn hảo, đối với Chúa, đều là một cán cân không cân bằng.

Bởi sự sa ngã của nhân loại, mỗi người đều trở nên không công bình. Chúng ta làm rất nhiều thứ mâu thuẫn. Chúng ta phạm lỗi, tính khí lúc nóng lúc lạnh, chúng ta làm và nói những điều hoàn toàn trái ngược nhau. Như Gia-cơ đã nói, “Tất cả chúng ta đều vấp phạm nhiều cách” (Gia-cơ 3:2). Sự không công bình ngập tràn cuộc sống chúng ta, khi chúng ta xét đoán không công bình và bắt người khác vâng giữ theo những chuẩn mực mà chính bản thân mình không sẵn sàng để làm theo.

Cách duy nhất để thực sự thoát khỏi sự không công bình chính là trước hết chấp nhận rằng Đức Chúa Trời là công bình tuyệt đối, còn con người vốn dĩ là không công bình, hay không toàn hảo, và rồi sau đó tiếp nhận sự công chính của Chúa (I Giăng 1:5-9). Chỉ khi chúng ta không còn bận tâm đến việc tự khiến cho mình trở nên công bình, khi đó chúng ta mới có thể tin cậy vào Đấng xưng công chính cho người có tội (Rô-ma 4:5). Kế đó, với tư cách là con cái Đức Chúa Trời, chúng ta mới có thể nhìn rõ để tranh chiến với sự không công bình đang diễn ra quanh mình bằng một thái độ nhân từ (Mi-chê 6:8; Gia-cơ 1:27).

Chúa Giê-su là Đấng công bình trọn vẹn; trong Ngài không có bóng dáng của sự không công chính nào cả. Chính bởi sự trọn vẹn của Ngài, Chúa Giê-su có thể đem đến cho chúng ta sự công bình thật. Thực chất, “Cha cũng không phán xét ai hết, nhưng giao trọn quyền phán xét cho Con” (Giăng 5:22). Chúng ta trông đợi một tương lai khi lẽ phải và công lý được xác lập, và sự không công bình bị loại bỏ mãi mãi: “Quyền cai trị của Ngài cứ gia tăng mãi, Và nền hòa bình sẽ vô tận trên ngôi Đa-vít và trên vương quốc Ngài, Để lập vững và duy trì vương quốc ấy trong công lý và sự công chính, từ nay cho đến đời đời. Lòng sốt sắng của Đức Giê-hô-va vạn quân sẽ thực hiện điều ấy” (Ê-sai 9:6).

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Kinh Thánh nói gì về sự không công bình?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries