settings icon
share icon
Câu hỏi

Bản chất của sứ điệp Phúc Âm là gì?

Trả lời


Từ “Phúc Âm” nghĩa là “Tin Lành”, và định nghĩa tốt nhất cho nó là sứ điệp của sự tha thứ tội lỗi thông qua công tác cứu chuộc của Chúa Giê-xu Christ. Kế hoạch cứu chuộc của Đức Chúa Trời rất cần thiết cho những ai tin vào Con Thánh của Ngài để được giải hòa với Đức Chúa Trời công bình và thánh khiết. Bản chất của sứ điệp cứu rỗi được trình bày rõ ràng cho chúng ta trong Kinh Thánh.

Trong thư tín đầu tiên của sứ đồ Phao-lô gửi cho người Cô-rinh-tô, ông trình bày nội dung của sứ điệp Phúc Âm, “Thưa anh em, tôi muốn nhắc lại cho anh em Tin Lành tôi đã rao giảng và anh em đã tiếp nhận, cũng như đang đứng vững trong đó. Nhờ Tin Lành ấy, anh em được cứu rỗi nếu anh em giữ vững điều tôi đã rao giảng; bằng không, anh em có tin cũng vô ích. Trước hết, tôi đã truyền đạt cho anh em điều chính tôi đã nhận lãnh, ấy là Đấng Christ chịu chết vì tội lỗi chúng ta theo lời Kinh Thánh. Ngài đã bị chôn; đến ngày thứ ba, Ngài đã sống lại theo lời Kinh Thánh” (1 Cô-rinh-tô 15:1-4).

Trong phân đoạn này, chúng ta nhìn thấy ba yếu tố thiết yếu của sứ điệp Phúc Âm. Thứ nhất, cụm từ “chịu chết vì tội lỗi chúng ta” là rất quan trọng. Rô-ma 3:23 cũng cho chúng ta biết điều đó, “vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất vinh quang của Đức Chúa Trời.” Những ai tiến đến gần ngôi cứu rỗi của Đức Chúa Trời cần phải biết rõ ràng về những sự thật liên quan đến tội lỗi. Một tội nhân phải nhận biết ra sự vô vọng vì những việc làm phạm tội trước mặt Chúa để được thay vào đó bằng sự tha thứ, và người đó phải hiểu rõ rằng “tiền công của tội lỗi là sự chết” (Rô-ma 6:23). Nếu không có chân lý cơ bản này, thì không thể trình bày trọn vẹn sứ điệp Phúc Âm.

Thứ hai, con người và công tác của Đấng Christ đều không thể thiếu để bày tỏ đầy đủ về Phúc Âm. Chúa Giê-xu vừa là Đức Chúa Trời (Cô-lô-se 2:9), vừa là người (Giăng 1:14; 8:40). Chúa Giê-xu sống đời sống vô tội mà chúng ta không bao giờ sống được như vậy (1 Phi-e-rơ 2:22) và Ngài là Đấng duy nhất chịu chết để đền tội thay cho tội nhân. Tội lỗi chống lại một Đức Chúa Trời vô hạn đòi hỏi một sự hy sinh vô hạn. Vì thế, những con người hữu hạn, phải gánh lấy hậu quả của tội lỗi đời đời nơi địa ngục, nếu không nhờ Đấng Christ vô hạn gánh thay họ. Chúa Giê-xu chết trên thập giá để thay chúng ta trả món nợ đền tội mà chúng ta đã nợ Đức Chúa Trời, và những ai được che phủ bởi sự hy sinh của Ngài sẽ thừa kế nước thiên đàng của Đức Chúa Trời trong địa vị làm con cái của Ngài (Giăng 1:12).

Thứ ba, sự sống lại của Đấng Christ là một yếu tố quan trọng của Phúc Âm (1 Cô-rinh-tô 15:4). Sự sống lại là bằng chứng về quyền năng của Đức Chúa Trời. Chỉ duy Ngài là Đấng đã tạo nên sự sống mới có thể sống lại sau khi chết, chỉ duy Ngài là Đấng làm đảo ngược hậu quả gớm ghê của tội lỗi là sự chết, và chỉ duy Ngài là Đấng có thể làm chuyển dời cái nọc của sự chết (1 Cô-rinh-tô 15:54-55). Hơn nữa, không giống những tôn giáo khác, Cơ Đốc giáo sở hữu Đấng thiết lập vượt hơn sự chết và Ngài hứa rằng những ai theo Ngài sẽ làm điều tương tự. Tất cả những tôn giáo khác được dựng nên bởi con người và đến cuối cùng những giáo chủ của họ cũng sẽ chôn vùi nơi mồ mả.

Cuối cùng, Đấng Christ dâng sự cứu chuộc của Ngài như là món quà của ân điển (Rô-ma 5:15; 6:23) chỉ có thể được nhận bởi đức tin, không bởi việc làm hay công trạng của chúng ta (Ê-phê-sô 2:8-9). Sứ đồ Phao-lô cũng cho chúng ta biết, Phúc Âm là “…quyền năng của Đức Chúa Trời để cứu mọi người tin, trước là người Do Thái, sau là người Hi Lạp” (Rô-ma 1:16). Cũng chính tác giả được soi dẫn để cho chúng ta biết, “Vậy nếu miệng anh em xưng Đức Chúa Jêsus là Chúa, và lòng anh em tin rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ cõi chết sống lại thì anh em sẽ được cứu” (Rô-ma 10:9).

Vậy nên, những điều này là yếu tố cần thiết của Phúc Âm: tội lỗi của tất cả mọi người, sự chết của Đấng Christ trên thập giá để gánh thay tội lỗi này, sự sống lại của Đấng Christ để đem đến sự sống đời đời cho những ai tin theo Ngài, và đem đến sự cứu chuộc là món quà ân điển cho tất cả mọi người.

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Bản chất của sứ điệp Phúc Âm là gì?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries