settings icon
share icon
Câu hỏi

Kinh Thánh nói gì về quyền con người?

Trả lời


Bất kỳ nghiên cứu chân chính nào về Kinh Thánh đều phải thừa nhận rằng con người, với tư cách là tạo vật đặc biệt của Đức Chúa Trời, đã được chúc phước bởi những “quyền con người” căn bản. Bất kỳ người học Kinh Thánh chân chính nào cũng sẽ được thôi thúc hướng đến lý tưởng về công bằng, công lý và lòng nhân từ. Kinh Thánh nói rằng con người được dựng nên theo ảnh tượng của Đức Chúa Trời (Sáng Thế Ký 1:27). Vì cớ đó, con người có một phẩm giá nhất định và được trao quyền cai quản những tạo vật còn lại (Sáng Thế Ký 1:26).

Hình ảnh Đức Chúa Trời ở trong con người cũng đồng nghĩa rằng việc giết người là tội ác ghê tởm nhất. “Kẻ nào làm đổ máu người, / Sẽ bị người khác làm đổ máu lại; / Vì Đức Chúa Trời tạo nên loài người / Theo hình ảnh của Ngài” (Sáng Thế Ký 9:6). Mức độ nghiêm trọng của hình phạt đã nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của tội phạm đó. Luật Pháp Môi-se chứa đầy những ví dụ về việc Đức Chúa Trời muốn con người đối xử với nhau một cách nhân văn. Mười Điều Răn đã nghiêm cấm hành động giết người, trộm cướp, tham lam, tà dâm, và làm chứng dối. Năm điều luật này đề cao cách cư xử có đạo đức với đồng loại của chúng ta. Những ví dụ khác trong Luật Pháp bao gồm các mạng lệnh phải đối xử tốt với người nhập cư (Xuất Ê-díp-tô Ký 22:21: Lê-vi Ký 19:33-34), phải chu cấp cho người nghèo (Lê-vi Ký 19:10; Phục Truyền Luật Lệ Ký 15:7-8), phải cho người nghèo vay không lấy lãi (Xuất Ê-díp-tô Ký 22:25), và phải trả tự do cho những nô lệ trong nhà theo chu kỳ 50 năm/lần (Lê-vi Ký 25:39-41).

Kinh Thánh dạy rằng Đức Chúa Trời không phân biệt đối xử hay thiên vị bất kỳ ai (Công Vụ 10:34). Mỗi một người đều là tạo vật độc nhất của Ngài, và Ngài yêu mỗi người chúng ta (Giăng 3:16; II Phi-e-rơ 3:9). “Kẻ giàu và người nghèo đều gặp nhau; Đức Giê-hô-va đã dựng nên cả hai. (Châm Ngôn 22:2). Cũng một lẽ ấy, Kinh Thánh dạy Cơ Đốc Nhân không nên phân biệt đối xử người khác dựa trên sắc tộc, giới tính, nền tảng văn hóa hay địa vị xã hội (Ga-la-ti 3:28; Cô-lô-se 3:11; Gia-cơ 2:1-4). Chúng ta phải tử tế với tất cả mọi người (Lu-ca 6:35,36). Kinh Thánh cũng đưa ra cảnh báo nghiêm khắc đối với hành vi lợi dụng, hà hiếp người nghèo hay người yếu thế hơn. “Kẻ ức hiếp người cô thế làm nhục Đấng tạo hóa mình, Ai thương xót người nghèo khó là tôn kính Ngài.” (Châm Ngôn 14:31)

Thay vào đó, con dân Chúa phải giúp đỡ tất cả những ai đang cần (Châm Ngôn 14:21; Ma-thi-ơ 5:42; Lu-ca 10:30-37). Xuyên suốt lịch sử, hầu hết các Cơ Đốc nhân đều hiểu được trách nhiệm giúp đỡ đồng loại của mình. Vô số những bệnh viện và trại mồ côi trên thế giới được thành lập bởi những Cơ Đốc nhân có lòng trắc ẩn. Nhiều cuộc cải cách nhân đạo lớn trong lịch sử, kể cả phong trào bãi nô, đều được dẫn đầu bởi những người nam, người nữ Cơ Đốc khát khao tìm kiếm công lý.

Ngày nay, các Cơ Đốc nhân vẫn đang miệt mài đấu tranh chống lại vi phạm nhân quyền và thúc đẩy chế độ phúc lợi cho tất cả mọi người. Song song với việc truyền giảng Phúc Âm cho khắp thế giới, họ cũng đào giếng, gieo trồng, trao tặng quần áo, phân phát thuốc men và dịch vụ giáo dục cho những người nghèo khó. Đây là những điều chúng ta nên làm.

Ở một khía cạnh nào đó, Cơ Đốc nhân không còn nắm giữ “quyền” trên chính thân mình nữa, vì họ đã tận hiến cả cuộc đời mình cho Đấng Christ. Đấng Christ là “chủ” của những kẻ tin. “… Anh em cũng không còn thuộc về chính mình nữa, vì anh em đã được mua bằng giá rất cao ...” (I Cô-rinh-tô 6:19, 20). Nhưng thẩm quyền của Đức Chúa Trời trên chúng ta không phủ nhận ảnh tượng của Ngài trong chúng ta. Việc thuận phục ý muốn Chúa không hề miễn cho chúng ta trách nhiệm “yêu người lân cận như chính mình” (Ma-thi-ơ 22:39). Thực chất, chúng ta hầu việc Chúa đúng nghĩa nhất khi phục vụ những người xung quanh mình (Ma-thi-ơ 25:40).

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Kinh Thánh nói gì về quyền con người?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries