settings icon
share icon
Câu hỏi

Lectio Divina là gì?

Trả lời


Lectio Divina là tiếng La-tin cho việc "đọc về Chúa", "đọc về tâm linh", hay "đọc về điều thánh" và là một phương pháp cầu nguyện và đọc kinh thánh nhằm mục đích thúc đẩy mối giao thông với Thiên Chúa và được ban cho những hiểu biết đặc biệt về tâm linh. Các nguyên tắc của lectio divina đã được diễn đạt vào khoảng năm 220 và sau đó được tập luyện bởi các tu sĩ Công giáo, đặc biệt là các qui tắc trong tu viện của Thánh Pachomius, Augustine, Basil, và Benedict.

Việc luyện tập lectio divina hiện đang rất phổ biến giữa vòng những người Công giáo và những người theo Thuyết Ngộ Giáo, và đang được chấp nhận như là một phần không thể tách rời của các tập tục tôn sùng của Giáo Hội Ngày Nay ("Emerging Church"). Đức Giáo hoàng Benedict XVI đã nói trong bài phát biểu vào năm 2005, "Tôi muốn đặc biệt gợi lại và giới thiệu truyền thống cổ xưa của lectio divina: việc đọc Sách Thánh một cách siêng năng cùng với sự cầu nguyện là điều mang đến một cuộc đối thoại mật thiết mà người đọc được nghe Thiên Chúa đang nói, và trong khi cầu nguyện, người ấy đáp ứng với Ngài bằng tấm lòng cởi mở tin tưởng." Lectio cũng được cho biết là có thể thích ứng với những người có đức tin khác khi đọc kinh của họ — dù đó là Chí Tôn Ca (của Ấn-độ giáo), Ngũ Thư (Kinh Tô-ra của Do-thái giáo) hay là Kinh Koran (của Hồi giáo). Những người không phải là Ki-tô hữu có thể chỉ đơn giản sửa đổi phương pháp sao cho thích hợp với các truyền thống thế tục. Hơn nữa, bốn nguyên tắc của lectio divina cũng có thể được điều chỉnh cho phù hợp với bốn nguyên lý là cảm nhận, suy nghĩ, trực quan, và cảm giác thuộc trường phái phân tích tâm lý do nhà tâm lý học người Thụy sĩ C. G. Jung thiết lập.

Việc luyện tập lectio divina hiện nay được bắt đầu với một khoảng thời gian thư giãn, làm cho bản thân mình được thoải mái và thanh lọc tâm trí khỏi những ý tưởng và sự quan tâm về thế tục. Một số người tập lectio thấy hữu ích để tập trung bằng cách bắt đầu hít thở sâu và thanh lọc rồi lặp lại nhiều lần một cụm từ hoặc một chữ nào đó đã chọn sẵn để giúp giải thoát tâm trí. Kế đến, họ làm theo bốn bước sau đây:

Lectio — Đọc một đoạn Kinh Thánh một cách nhẹ nhàng và chậm rãi nhiều lần. Chính đoạn văn tự nó không quan trọng bằng việc thưởng thức từng phần của bài đọc, liên tục lắng nghe "tiếng êm dịu, nhỏ nhẹ" của một chữ hay một cụm từ đang nói với người tập luyện bằng cách nào đó.

Meditatio — Suy ngẫm về bản văn của đoạn kinh thánh và suy nghĩ về cách áp dụng nó cho cuộc sống của chính người ấy. Điều này được coi là việc đọc Sách Thánh của riêng từng cá nhân cùng với việc ứng dụng rất cá nhân.

Oratio — Đáp ứng với đoạn kinh thánh bằng cách mở lòng với Thiên Chúa. Đây chủ yếu không phải là một bài tập tri thức, nhưng nó được cho là sự bắt đầu một cuộc đối thoại với Thiên Chúa.

Contemplatio — Lắng nghe Thiên Chúa. Đây là sự giải thoát bản thân ra khỏi những tư tưởng của chính mình, cả trần tục lẫn thánh khiết, và nghe Thiên Chúa nói chuyện với chúng ta. Để cho sự ảnh hưởng của Thiên Chúa lên tâm trí, tấm lòng và linh hồn đang rộng mở của mình.

Tất nhiên, mối quan hệ giữa việc đọc Kinh thánh và cầu nguyện là điều cần phải được khuyến khích; và nên luôn đi chung với nhau. Tuy vậy, những mối nguy hiểm vốn có trong loại luyện tập này, cùng với sự giống nhau đáng kinh ngạc của nó đối với thiền định và các nghi thức nguy hiểm khác, cần phải được xem xét cách cẩn thận. Nó có khả năng trở thành sự tìm kiếm kinh nghiệm thần bí, mà mục tiêu là giải thoát tâm trí và trao quyền cho chính mình. Cơ-đốc nhân nên sử dụng Thánh Kinh để tìm kiếm sự hiểu biết về Đức Chúa Trời, sự khôn ngoan, cùng sự thánh khiết qua ý nghĩa mục đích của bản văn với mục tiêu là biến đổi tâm trí theo lẽ thật. Đức Chúa Trời nói rằng dân của Ngài bị hủy diệt vì cớ thiếu sự thông biết (Ô-sê 4:6), chớ không phải vì thiếu những cuộc gặp gỡ thần bí, riêng tư với Ngài.

Những người ứng dụng phương thức siêu nhiên đối với bản văn có xu hướng tách rời nó khỏi ngữ cảnh và ý nghĩa tự nhiên của nó và sử dụng nó theo cách chủ quan, theo chủ nghĩa cá nhân, hoặc theo kinh nghiệm chủ nghĩa mà nó không bao giờ có ý muốn nói đến. Đây là chỗ mà lectio và Thuyết Ngộ Đạo có cùng điểm giống nhau. Những tín đồ tin theo Thuyết Ngộ Đạo tin rằng người ta phải có một "gnosis" (từ tiếng Hy-lạp Gnosko, "biết") hoặc sự hiểu biết nội tâm thần bí, đạt được chỉ sau khi người ta khởi đầu đúng cách. Chỉ có một vài người có thể nhận được sự hiểu biết thần bí này. Đương nhiên, ý tưởng về việc có sự hiểu biết đặc biệt rất hấp dẫn và khiến cho "người biết" cảm thấy mình quan trọng và độc đáo vì họ có được kinh nghiệm đặc biệt với Thiên Chúa mà không ai khác có được. "Người biết" tin rằng quần chúng không phải là những người có được sự hiểu biết thiêng liêng và chỉ có ai thực sự "giác ngộ" mới có thể kinh nghiệm Thiên Chúa. Vì vậy, cần đưa trở lại vào trong Giáo hội sự cầu nguyện chiêm niệm, hoặc định tâm — một cách luyện tập thiền nhằm giúp tập trung vào việc có một kinh nghiệm thần bí với Thiên Chúa. Cầu nguyện chiêm niệm giống như các bài tập thiền định được sử dụng trong các tôn giáo Đông phương và các tà giáo (giáo phái không chính thông và nguy hiểm) của Thời Đại Mới (New Age) chớ chẳng có dựa vào bất cứ nền tảng nào trong Kinh Thánh cả, mặc dù những người cầu nguyện chiêm niệm sử dụng Kinh Thánh như là điểm khởi đầu.

Hơn nữa, những nguy hiểm vốn có trong việc mở rộng tâm trí của chúng ta để lắng nghe những tiếng nói là hiển nhiên. Những người cầu nguyện chiêm niệm rất mong muốn được nghe một cái gì đó – bất cứ cái gì – đến nỗi họ có thể mất đi sự khách quan cần thiết để phân biệt giữa tiếng nói của Đức Chúa Trời, những suy nghĩ riêng của họ, và sự xâm nhập của ma quỷ vào tâm trí của họ. Sa-tan và các thuộc hạ của nó luôn luôn mong muốn đột nhập vào tâm trí của những người thiếu cảnh giác, nên việc cởi mở tâm trí của chúng ta như thế chính là mời gọi thảm họa đến. Chúng ta không bao giờ được quên rằng Sa-tan liên tục đi rình mò, tìm kiếm để nuốt linh hồn chúng ta (1 Phi-e-rơ 5: 8) và có thể xuất hiện như một thiên sứ sáng láng (2 Cô-rinh-tô 11:14), đang thì thầm sự lừa dối của nó vào tâm trí cởi mở và sẵn sàng của chúng ta.

Sau cùng, cuộc tấn công của lectio divina vào thẩm quyền của Thánh Kinh là đặc biệt rõ ràng. Trong khi Kinh Thánh tuyên bố Kinh Thánh là tất cả những gì mà chúng ta cần để sống đời sống Cơ-đốc (2 Ti-mô-thê 3:16), thì những người tin theo lectio lại chối bỏ điều đó. Những ai luyện tập cầu nguyện "theo cách trò chuyện", tức tìm kiếm một sự mặc khải đặc biệt từ Đức Chúa Trời, là xin Ngài bỏ qua những gì mà Ngài đã bày tỏ ra cho nhân loại, như thể bây giờ Ngài sẽ phủ nhận tất cả những gì mà Ngài đã hứa trong Lời hằng sống của Ngài. Thi thiên 19:7-14 chứa đựng tuyên bố dứt khoát về sự đầy đủ của Thánh Kinh. Đó là "trọn vẹn, bổ linh hồn lại"; là "ngay thẳng, làm cho lòng vui mừng"; là "trong sạch, làm cho mắt sáng sủa"; là "chân thật" và "thảy đều công bình"; và là "quí hơn vàng." Nếu Đức Chúa Trời đã có ý muốn nói về tất cả những gì mà Ngài đã nói trong bài thánh vịnh này, thì không cần phải mặc khải thêm nữa, và xin Ngài ban cho việc đó có nghĩa là chối bỏ những gì mà Ngài đã bày tỏ.

Cựu Ước và Tân Ước là lời của Đức Chúa Trời được dùng để nghiên cứu, rồi suy gẫm, kế tiếp là cầu nguyện và học thuộc lòng kiến thức và ý nghĩa khách quan mà lời của Ngài chứa đựng cũng như mang đến thẩm quyền của Đức Chúa Trời, chứ không phải nhờ kinh nghiệm thần bí hoặc cảm giác của năng lực cá nhân và sự yên tĩnh nội tâm có thể do họ khơi dậy. Sự hiểu biết đúng đắn đến trước; rồi loại kinh nghiệm và sự bình an bền vững sẽ đến như là một hệ quả của sự hiểu biết và giao thông với Đức Chúa Trời một cách đúng đắn. Khi nào ai đó tiếp nhận quan điểm này về Kinh thánh và cầu nguyện, thì người ấy mới đang tham gia vào cùng một loại suy ngẫm và cầu nguyện mà các tín đồ tin theo Kinh Thánh của Đấng Christ luôn luôn khen ngợi.

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Lectio Divina là gì?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries