settings icon
share icon
Câu hỏi

Làm thế nào để nhận biết những phép lạ giả mạo?

Trả lời


Trong Ma-thi-ơ 24:24, Chúa Giê-su đã cảnh báo, “Vì những kẻ giả danh Đấng Christ và bọn tiên tri giả sẽ xuất hiện và làm nhiều dấu lạ, phép mầu lớn để dối gạt; và nếu có thể, chúng dối gạt cả những người được chọn.” Tương tự như thế, II Tê-sa-lô-ni-ca 2:9 nói rằng “Nhờ tác động của Sa-tan, kẻ gian ác sẽ đến với tất cả quyền năng cũng như những phép mầu, dấu lạ giả dối.”

Khi Đức Chúa Trời sai Môi-se đi giải cứu dân Y-sơ-ra-ên khỏi ách nô lệ tại Ai Cập, Ngài phô bày những dấu kỳ phép lạ qua Môi-se để chứng minh rằng ông thật sự là người được Ngài sai phái. Tuy nhiên, Xuất Ê-díp-tô Ký 7:22 ghi lại rằng, “Nhưng các thuật sĩ Ai Cập cũng dùng ma thuật làm giống như vậy nên lòng Pha-ra-ôn vẫn cứng cỏi, không nghe lời Môi-se và A-rôn, đúng như lời Đức Giê-hô-va đã phán …” (cũng xem Xuất Ê-díp-tô Ký 7:11, 8:7). Kế đó Đức Chúa Trời cũng bày tỏ quyền năng tối cao của Ngài qua những phép lạ mà các thuật sĩ, hay đúng hơn là các tà linh đang trao quyền lực cho các thuật sĩ ấy, không thể bắt chước được (Xuất Ê-díp-tô Ký 8:18; 9:11). Nhưng có một sự thật đó là các thuật sĩ của Pha-ra-ôn cũng có thể làm ra những dấu lạ. Vậy nếu các phép lạ có thể đến từ Đức Chúa Trời hoặc thế giới tà linh, thì làm sao chúng ta có thể phân biệt được?

Kinh Thánh không đưa ra những chỉ dẫn rõ ràng cho việc nhận biết các phép lạ giả mạo. Tuy nhiên, Kinh Thánh có đưa ra chỉ dẫn cụ thể để nhận biết những sứ giả giả mạo. “Các ngươi nhận biết họ nhờ bông trái của họ” (Ma-thi-ơ 7:16, 20). I Giăng 4:2-6 giải thích thêm, “Bởi điều nầy, anh em nhận biết Thánh Linh của Đức Chúa Trời: Thần linh nào thừa nhận Đức Chúa Jêsus Christ đã đến trong thân xác thì thần linh đó đến từ Đức Chúa Trời; thần linh nào không thừa nhận như thế về Đức Chúa Jêsus thì không phải đến từ Đức Chúa Trời. Đó là thần linh của kẻ chống Đấng Christ mà anh em nghe nói sắp đến, và bây giờ đã ở trong thế gian rồi. Các con bé nhỏ ơi, các con thuộc về Đức Chúa Trời và đã chiến thắng chúng, vì Đấng ở trong các con vĩ đại hơn kẻ ở trong thế gian. Chúng thuộc về thế gian nên nói những việc thế gian, và thế gian nghe chúng. Chúng ta thuộc về Đức Chúa Trời. Ai biết Đức Chúa Trời thì nghe chúng ta, còn ai không thuộc về Đức Chúa Trời thì không nghe chúng ta. Bởi điều nầy, chúng ta nhận biết được thần linh của chân lý và thần linh của sự sai lầm.”

Hai phân đoạn này trình bày 2 phương pháp để nhận biết một giáo sư giả. Trước hết, hãy xem xét kết quả công việc của người đó. Họ có bày tỏ những phẩm cách giống với Đấng Christ như một sứ giả thật sự của Đức Chúa Trời (I Ti-mô-thê 3:1-13) hay không? Thứ hai, hãy xem xét lời dạy của họ, xem những gì họ day dỗ có hiệp với Lời Chúa hay không (II Ti-mô-thê 2:15; 3:16-17; 4:2; Hê-bơ-rơ 4:12)? Nếu vị giáo sư đó trượt một trong hai bài kiểm tra này, thì người đó không đến từ Đức Chúa Trời. Việc người đó làm bao nhiêu phép lạ không quan trọng. Nếu một người không bước đi trong lẽ thật hay giảng dạy lẽ thật, chúng ta có thể loại bỏ bất cứ phép lạ nào mà họ đã thực hiện. Những phép lạ làm ra bởi giáo sư giả thì không đến từ Đức Chúa Trời.

Trong Tân Ước, các phép lạ chủ yếu được thực hiện bởi các sứ đồ và những người có liên quan gần gũi với họ. Các phép lạ phục vụ mục đích chứng nhận cho sứ điệp phúc âm và mục vụ của các sứ đồ (Công Vụ 2:43; 5:12; II Cô-rinh-tô 12:12; Hê-bơ-rơ 2:4). Chúng ta không bao giờ nên nghi ngờ quyền năng thi hành phép lạ của Chúa, nhưng mục đích của phép lạ trong Kinh Thánh cũng cho chúng ta một chút hoài nghi nhất định về tin tức của những phép lạ trong thời kỳ hiện đại. Sẽ là ngược lại với Kinh Thánh nếu nói rằng Đức Chúa Trời không bao giờ làm phép lạ nữa, nhưng Kinh Thánh cũng nói rõ rằng chúng ta nên tìm kiếm lẽ thật chứ không phải phép lạ (Ma-thi-ơ 12:39).

Một sự đảo ngược khá thú vị là các phép lạ trong Kinh Thánh giúp minh chứng cho một sứ giả, nhưng ngày nay phép lạ không còn là một dấu chỉ cho một sứ giả thật đến từ Đức Chúa Trời nữa. Sự khác biệt chính là Lời Đức Chúa Trời. Ngày nay chúng ta đã có một quyển Kinh Thánh được tổng hợp trọn vẹn, và đó là chỉ dẫn không sai trật. Chúng ta có một Lời vững chắc hơn (II Phi-e-rơ 1:19) để sử dụng nhằm phân biệt liệu một sứ giả hay sứ điệp có đến từ Chúa hay không. Các phép lạ có thể bị giả mạo. Đó là lý do Đức Chúa Trời hướng chúng ta đến với Lời của Ngài. Dấu kỳ và phép lạ có thể dẫn chúng ta sai lạc, còn Lời Đức Chúa Trời sẽ luôn là ánh sáng dẫn chúng ta đi con đường của lẽ thật (Thi Thiên 119:105).

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Làm thế nào để nhận biết những phép lạ giả mạo?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries