settings icon
share icon
Câu hỏi

Kinh thánh nói gì về nỗi lo sợ?

Trả lời


Kinh thánh có đề cập cụ thể đến hai loại lo sợ. Loại đầu tiên có lợi nên được khuyến khích. Loại thứ hai có hại nên cần phải khắc phục. Loại lo sợ đầu tiên là sự kính sợ Chúa. Loại lo sợ này không nhất thiết nghĩa là sợ một điều gì đó. Đúng hơn là một sự tôn kính Chúa, một sự kính trọng về quyền năng và vinh hiển của Ngài. Tuy nhiên, nó cũng là sự kính sợ hoàn toàn về sự thịnh nộ và cơn giận của Chúa. Nói một cách khác, sự kính sợ Chúa là một sự công nhận hoàn toàn về tất cả mọi điều về Chúa thông qua việc hiểu biết Ngài và thuộc tính của Ngài.

Sự kính sợ Chúa mang đến nhiều phước hạnh và ích lợi. Nó là khởi đầu của sự khôn ngoan và dẫn đến sự hiểu biết ích lợi (Thi thiên 111:10). Chỉ có những kẻ ngu muội mới khinh bỉ sự khôn ngoan và lời khuyên dạy (Châm ngôn 1:7). Hơn nữa, sự kính sợ Chúa còn dẫn đến sự sống, sự yên nghỉ, sự bình an, và thỏa lòng (Châm ngôn 19:23). Nó là nguồn sự sống (Châm ngôn 14:27) và là nơi trú ngụ an toàn, vững chắc cho chúng ta (Châm ngôn 14:26).

Như vậy thì chúng ta đã có thể hiểu tại sao sự kính sợ Chúa nên được khuyến khích. Tuy nhiên, loại lo sợ thứ hai mà Kinh thánh đề cập đến thì hoàn toàn không có lợi. Đây là “sự sợ hãi tinh thần” được đề cập trong II Ti-mô-thê 1:7 “vì Đức Chúa Trời không ban cho chúng ta tinh thần nhút nhát,nhưng tinh thần mạnh mẽ, có tình yêu thương và tự chủ”. Một tâm thần sợ hãi và nhút nhát thì không phải đến từ Chúa.

Tuy nhiên, có đôi lúc chúng ta sợ hãi và “sự sợ hãi tinh thần” này đánh bại chúng ta, và để chiến thắng nó chúng ta cần phải tin cậy Chúa và yêu Ngài cách trọn vẹn. “Không hề có sự sợ hãi trong tình yêu thương, nhưng tình yêu thương trọn vẹn thì loại bỏ sự sợ hãi. Vì sợ hãi có liên quan đến hình phạt, và ai sợ hãi thì không được trọn vẹn trong tình yêu thương” (I Giăng 4:18). Không có ai hoàn hảo và Chúa biết điều này. Đó là lý do tại sao Ngài đã đưa ra nhiều sự khích lệ xuyên suốt Kinh thánh để chống lại sự sợ hãi. Bắt đầu từ sách Sáng thế ký và tiếp tục xuyên suốt đến sách Khải huyền, Chúa đều nhắc nhở chúng ta rằng “Đừng sợ”.

Ví dụ, trong Ê-sai 41:10 khích lệ chúng ta, “Đừng sợ, vì ta ở với ngươi; chớ kinh khiếp, vì ta là Đức Chúa Trời ngươi! Ta sẽ bổ sức cho ngươi; phải, ta sẽ giúp đỡ ngươi, lấy tay hữu công bình ta mà nâng đỡ ngươi”. Thường thì chúng ta lo sợ về tương lai và điều gì sẽ xảy đến với chúng ta. Nhưng Chúa Giê-xu nhắc nhở chúng ta rằng Đức Chúa Trời chăm sóc cho những con chim trên trời, vậy thì Ngài sẽ còn chăm sóc cho con cái Ngài nhiều đến mức nào? “Vậy, đừng sợ chi hết, vì các ngươi quí trọng hơn nhiều con chim sẻ” (Ma-thi-ơ 10:31). Chỉ với một vài câu Kinh thánh này thôi mà đã chứa đựng nhiều loại sợ hãi khác nhau. Chúa nói với chúng ta rằng đừng sợ cô đơn, đừng sợ quá yếu, đừng sợ không hiểu, và đừng sợ vì thiếu những nhu cầu thuộc thể. Những lời khích lệ như vậy diễn ra xuyên suốt Kinh thánh để bù đắp lại nhiều khía cạnh khác nhau của “sự sợ hãi tinh thần”.

Trong Thi thiên 56:11, tác giả Thi thiên có viết, “Tôi đã để lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời, ắt sẽ chẳng sợ chi. Người đời sẽ làm chi tôi?” Đây là một lời chứng tuyệt vời về sức mạnh của sự tin cậy Chúa. Bất luận điều gì xảy ra, tác giả Thi thiên vẫn sẽ tin cậy vào Chúa bởi vì ông biết và hiểu về quyền năng của Chúa. Vậy thì, điều cốt yếu để chiến thắng sự sợ hãi là hoàn toàn tin cậy vào Chúa. Tin cậy Chúa là từ chối nhượng bộ sự sợ hãi. Hướng về Chúa ngay cả trong những lúc tối tăm nhất và tin cậy Ngài để làm những điều đúng. Đây là sự tin cậy đến từ sự hiểu biết Chúa và biết rằng Ngài là tốt lành. Như Gióp đã nói khi ông đang kinh nghiệm một số thử thách khó khăn nhất được ghi chép lại trong Kinh thánh, “Dẫu Chúa giết ta, ta cũng còn nhờ cậy nơi Ngài” (Gióp 13:15).

Khi chúng ta đã học biết đặt niềm tin cậy vào Chúa, thì chúng ta sẽ không còn sợ hãi bất cứ điều gì xảy đến với chúng ta. Chúng ta sẽ giống như tác giả Thi thiên là người đã nói với sự tin chắc rằng: “Nhưng tất cả những ai trú ẩn nơi Ngài sẽ mừng rỡ, ca hát mãi mãi. Xin bảo vệ họ để những người yêu mến danh Ngài được hân hoan trong Ngài” (Thi thiên 5:11).

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Kinh thánh nói gì về nỗi lo sợ?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries