settings icon
share icon
Câu hỏi

Cơ Đốc Nhân có nên có những kì nghỉ không?

Trả lời


Kinh Thánh không đề cập cụ thể về những kỳ nghỉ. Tuy nhiên, Lời Chúa có nhắc đến khái niệm nghỉ ngơi và quản trị, cả hai đều có thể được áp dụng khi suy gẫm liệu Cơ Đốc Nhân có nên đi nghỉ dưỡng hay không.

Kỳ nghỉ là một khoảng thời gian nghỉ ngơi, và Đức Chúa Trời đã là một gương mẫu cho sự nghỉ ngơi trong Sáng Thế Ký 2:2-3, khi Ngài nghỉ ngơi khỏi sự sáng tạo. Trong Xuất Ê-díp-tô Ký 20:8-11, Chúa phán dạy dân sự của Ngài rằng họ phải nghỉ ngơi khỏi tất cả công việc của mình trong ngày thứ 7 – về bản chất, đó chính là kỳ nghỉ hằng tuần. Mạng lệnh ngày Sa-bát được lặp lại xuyên suốt Cựu Ước. Trong Tân Ước, chúng ta thấy Chúa Giê-su làm trọn ý nghĩa của ngày Sa-bát. Cơ Đốc Nhân không còn ở dưới luật pháp của ngày Sa-bát nữa, nhưng khái niệm của sự nghỉ ngơi vẫn rất quan trọng. Chúa Giê-su đã phán về ngày Sa-bát được lập ra vì con người, nghĩa là Đức Chúa Trời ban nó cho chúng ta như một món quà (Mác 2:27). Thay vì trở thành gánh nặng, như với những con người trong thời Chúa Giê-su, ngày Sa-bát vốn được lập ra với mục đích phục hồi. Trong sự nghỉ ngơi, chúng ta khẳng định sự phụ thuộc của mình vào Đức Chúa Trời, thực hành niềm tin trong sự chu cấp của Ngài, và nhận lãnh sự tươi mới.

Chúa Giê-xu không có một kỳ nghỉ nào trong suốt chức vụ, nhưng Ngài có dành thời gian để làm mới lại chính mình, và Ngài đảm bảo các môn đồ cũng như vậy. Tại thời điểm “kẻ qua người lại quá đông, nên Ngài và sứ đồ không có thì giờ để ăn,” thì Ngài bảo các sứ đồ: “Các con hãy đi tẽ vào nơi thanh vắng, nghỉ ngơi một lúc” (Mác 6:31). Nếu chính Chúa Giê-su cũng tìm thời gian để nghỉ ngơi, thì rõ ràng việc nghỉ ngơi là tốt lành.

Sự cân bằng là yếu tố cần thiết khi lên kế hoạch nghỉ dưỡng. Nghỉ ngơi là một món quà; hơn thế nữa, đó là một nhu cầu của con người. Chúng ta không thể sinh tồn nếu không giữ đúng nhịp độ giữa làm việc và nghỉ ngơi, như có thể thấy trong nhu cầu đi ngủ mỗi ngày. Đồng thời cũng cần nhớ, nghỉ ngơi không phải là mục đích của cuộc sống. Chúng ta cũng phải làm việc nữa. Ê-phê-sô 5:15-17 nói rằng, “Vậy, hãy xem xét cẩn thận về cách sống của anh em, đừng sống như người dại dột, nhưng sống như người khôn ngoan. Hãy tận dụng thì giờ, vì những ngày là xấu. Vì vậy, đừng trở nên như người dại dột, nhưng phải hiểu rõ thế nào là ý muốn của Chúa.” Môi-se đã cầu nguyện, “Cầu xin Chúa dạy chúng con biết đếm các ngày chúng con, hầu cho chúng con được lòng khôn ngoan” (Thi Thiên 90:12), và Chúa Giê-su đã phán, “Lúc còn ban ngày, chúng ta phải làm những công việc của Đấng đã sai Ta; đêm đến, không ai có thể làm việc được ...” (Giăng 9:4). Rõ ràng, mục đích của cuộc đời chúng ta không phải là đi nghỉ dưỡng. Nhưng chúng ta thật sự cần thời gian để tạm lánh khỏi những công việc hằng ngày để có thể nhận lãnh sự phục hồi, làm mới lại từ nơi Chúa. Đức Chúa Trời không thiết kế chúng ta để làm việc hay đảm nhận mục vụ 24/7, 365 ngày một năm.

Một khía cạnh nữa cần phải xem xét khi nói đến các kỳ nghỉ đó chính là sự quản trị. Chúng ta phải là những quản gia trung tín với thời gian và tài chính Chúa ban. Việc chi tiêu những nguồn lực của mình vào những điều thật sự có giá trị là rất quan trọng. Một kỳ nghỉ tốt sẽ giúp làm mới lại tâm hồn và giúp chúng ta có thể tiếp tục làm việc cho Đức Chúa Trời. Một kỳ nghỉ cũng là để nhắc nhở rằng chúng ta phụ thuộc vào Chúa – không phải chính bản thân mình – để được nuôi dưỡng mỗi ngày.

Quản trị tài chính là một vấn đề rất quan trọng liên quan đến những kỳ nghỉ. Thật tốt khi cân nhắc cẩn thận về tài chính mỗi khi nghĩ đến việc đi nghỉ dưỡng. Chi phí bỏ ra cho kỳ nghỉ ấy có nằm trong khả năng tài chính của chúng ta không? Chi phí ấy có tương thích với giá trị đem lại từ kỳ nghỉ ấy không? Chúng ta có đang thể hiện trách nhiệm trong những lĩnh vực tài chính khác (trả các hóa đơn, dâng hiến cho Hội Thánh, giúp đỡ người xung quanh, v.vv.) hay không? Đây không phải có ý nói rằng nghỉ dưỡng là phải rẻ tiền. Thật không sai khi chúng ta chi tiền – thậm chí là rất nhiều tiền – cho một trải nghiệm nào đó. Những gì nhận lại được như mối quan hệ, sự tái tạo, hay niềm vui, có thể rất xứng đáng với khoản chi ấy. Mấu chốt ở đây đó là trình dâng quyết định tài chính của mình trong tay Chúa và quản trị thật tốt những nguồn lực Ngài ban cho.

Những kỳ nghỉ không những được cho phép đối với Cơ Đốc Nhân, mà còn hết sức cần thiết. Về việc một kỳ nghỉ cần phải có những yếu tố nào, còn phụ thuộc vào nhận thức, nguồn lực của mỗi cá nhân và tính thực tiễn của kế hoạch đó. Một kỳ nghỉ có thể đơn giản nhưng cũng có thể phức tạp, nhưng Cô-lô-se 3:17 nhắc rằng, “Bất cứ điều gì anh em nói hay làm, hãy thực hiện mọi sự trong danh Chúa là Đức Chúa Giê-su, nhờ Ngài mà tạ ơn Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha.”

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Cơ Đốc Nhân có nên có những kì nghỉ không?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries