settings icon
share icon
Câu hỏi

Những câu hỏi nào quan trọng/nổi tiếng nhất trong Kinh Thánh?

Trả lời


Có nhiều, rất nhiều câu hỏi trong Kinh Thánh. Thật khó để đưa ra một con số chính xác bởi vì tiếng Hê-bơ-rơ cổ và tiếng Hy-lạp Koine không sử dụng dấu chấm câu—chúng ta không thể mở những Cuộn Kinh Thánh Biển Chết và đếm các dấu hỏi! Thông thường, rất khó để biết một câu có thực sự là một câu hỏi hay không. Nhưng các học giả Kinh Thánh ước tính có khoảng 3.300 câu hỏi trong Kinh Thánh.

Danh sách những câu hỏi trong Kinh Thánh này chắc chắn cũng chưa hoàn tất. Đơn giản chỉ là một cuộc khảo sát về những câu hỏi quan trọng và nổi tiếng nhất trong Kinh Thánh.

"Liệu Đức Chúa Trời có thực sự phán . . . ? (Sáng thế ký 3:1)
Câu hỏi đầu tiên này trong Kinh Thánh, và cũng là thí dụ đầu tiên về việc người ta thắc mắc Lời của Đức Chúa Trời. Sa-tan cám dỗ Ê-va nghi ngờ Lời của Đức Chúa Trời. Ê-va đã đáp ứng lại bằng việc thêm vào Lời của Chúa: "và các ngươi không được rờ chạm đến". Đức Chúa Trời phán rằng đừng ăn trái của cây đó. Ngài không nói rằng chớ rờ chạm đến cái cây hoặc trái của nó. A-đam và Ê-va đáp ứng lại câu hỏi của Sa-tan bằng việc không vâng theo Lời của Đức Chúa Trời. Tất cả đã bắt đầu bằng một câu hỏi nhỏ.

"Ngươi ở đâu?" (Sáng thế ký 3:9)
Đây là câu hỏi đầu tiên mà Đức Chúa Trời đã hỏi trong Kinh Thánh. Dĩ nhiên, Đức Chúa Trời biết chính xác A-đam và Ê-va thực sự đã ở đâu. Câu hỏi là vì lợi ích của họ. Đức Chúa Trời chủ yếu muốn hỏi "Các con đã không vâng lời Ta. Có phải mọi việc đã diễn ra như các con muốn, hoặc như Ta đã báo trước?" Câu hỏi cũng cho thấy tấm lòng của Đức Chúa Trời, đó là tấm lòng của người chăn bầy đang tìm kiếm những con chiên đi lạc để đưa chúng về chuồng. Sau đó Đức Chúa Giê-xu đã đến "để tìm và cứu người bị hư mất" (Lu-ca 19:10).

"Tôi là người giữ em tôi sao?" (Sáng thế ký 4:9)
Đây là câu hỏi của Ca-in khi đáp lại câu hỏi của Đức Chúa Trời về nơi mà A-bên đã ở. Thực ra thì Ca-in mới vừa giết em của mình, Ca-in đã biểu lộ thứ cảm xúc mà tất cả chúng ta đều có khi chúng ta không muốn quan tâm hay chăm sóc người khác. Chúng tôi là người giữ em chúng tôi sao? Đúng, chúng ta là người chăm sóc anh em của mình. Phải chăng điều này có nghĩa là, lúc nào chúng ta cũng phải biết họ đang ở đâu và đang làm gì? Không phải thế. Nhưng, chúng ta nên dành đủ thời gian cho người khác, để lưu ý khi có những điều có vẻ như sai trật. Nếu cần thiết, chúng ta nên quan tâm vừa đủ để cầu thay.

"Lẽ nào Đấng đoán xét thế gian không thực thi công lý sao?" (Sáng thế ký 18:25)
Đúng vậy, Đấng đoán xét thế gian luôn luôn làm điều phải. Áp-ra-ham đã đặt câu hỏi này khi ông van nài Đức Chúa Trời chừa lại những người công bình, và bảo vệ họ khỏi sự trừng phạt. Nếu Đức Chúa Trời làm những điều có vẻ thiếu công bình, khiến chúng ta hiểu lầm nó. Khi chúng ta thắc mắc về sự công bình của Đức Chúa Trời, đó là bởi cảm xúc của chúng ta về sự công bình đã bị biến dạng. Khi chúng ta nói rằng, "Tôi không hiểu làm thế nào một Đức Chúa Trời tốt lành và công bình lại cho phép điều này xảy ra," đó là bởi chúng ta không hiểu chính xác ý nghĩa về Đức Chúa Trời công bình và tốt lành là gì. Nhiều người nghĩ rằng họ có sự hiểu biết về sự công bình tốt hơn Đức Chúa Trời.

"Ông vẫn còn bền đỗ trong sự hoàn toàn (lòng trọn lành) của mình sao? Hãy phỉ báng Đức Chúa Trời và chết đi!" (Gióp 2:9)
Toàn bộ sách Gióp vang vọng câu hỏi từ người vợ của Gióp. Qua tất cả, Gióp đã duy trì được sự toàn vẹn của mình. "Những người bạn" của Gióp đã nhiều lần nói rằng, "Gióp, anh phải làm điều gì đó thật tồi tệ, vì Đức Chúa Trời đã khiến việc này xảy ra cho anh." Đức Chúa Trời đã quở trách những người bạn Gióp vì họ đã công kích Gióp và lạm dụng quyền tể trị của Đức Chúa Trời. Và rồi Đức Chúa Trời quở trách Gióp bằng việc nhắc nhở ông rằng, chỉ có Ngài là hoàn hảo trong tất cả mọi đường lối của Ngài. Bao gồm trong lời trình bày của Đức Chúa Trời về sự vĩ đại của Ngài là nhiều câu hỏi: "Khi Ta đặt nền trái đất, thì ngươi ở đâu?" (Gióp 38:4).

"Nếu loài người chết, có được sống lại chăng?" (Gióp 14:14)
Trừ khi Giê-xu trở lại trong quãng đời của chúng ta, một ngày nào đó tất cả chúng ta đều sẽ chết. Liệu có sự sống sau khi chết? Rốt cuộc, mọi người đều thắc mắc về câu hỏi này. Đúng vậy, sau khi chết có sự sống, và mỗi người đều sẽ trải nghiệm nó. Vấn đề đơn giản là chúng ta sẽ tồn tại ở đâu. Có phải tất cả mọi con đường đều dẫn đến Đức Chúa Trời chăng? Theo một cách thì đúng như vậy. Sau khi chết, tất cả chúng ta đều sẽ ứng hầu trước mặt Đức Chúa Trời (Hê-bơ-rơ 9:27). Bất kỳ con đường nào mà người đã chọn, sau khi chết người sẽ gặp Đức Chúa Trời. "Nhiều người ngủ trong bụi đất sẽ thức dậy: Kẻ thì để được sự sống đời đời; kẻ thì chịu xấu hổ nhơ nhuốc đời đời" (Đa-ni-ên 12:2).

"Làm thế nào người trẻ tuổi giữ đường lối mình được trong sạch?" (Thi thiên 119:9)
Trả lời: Bằng việc sống theo Lời của Đức Chúa Trời. Khi chúng ta "giấu" Lời Chúa trong lòng, Lời Chúa giữ chúng ta khỏi phạm tội (Thi-thiên 119:11). Kinh Thánh không dạy chúng ta tất cả mọi thứ, cũng không có lời giải đáp cho tất cả mọi câu hỏi. Nhưng Kinh Thánh nói cho chúng ta mọi thứ mà chúng ta cần biết để sống đời sống Cơ-đốc (2 Phi-e-rơ 1:3). Lời của Đức Chúa Trời dạy cho chúng ta biết mục đích của mình, và hướng dẫn chúng ta làm thế nào để hoàn thành mục đích đó. Kinh Thánh dạy cho chúng ta mục đích và phương pháp để đạt được mục đích đó. Lời của Đức Chúa Trời có ích cho sự dạy dỗ, quở trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được sắm sẵn để làm mọi việc lành" (2 Ti-mô-thê 3:16-17).

"Ta sẽ sai ai đi? Và ai sẽ đi cho chúng ta?" (Ê-sai 6:8)
Câu trả lời chính xác được nói bởi Ê-sai: "Có con đây. Xin hãy sai con!" Rất thường câu trả lời của chúng ta là, "Có con đây—nhưng hãy sai người khác." Ê-sai 6:8, là câu Kinh Thánh phổ biến được sử dụng để liên hệ với việc truyền giáo hải ngoại. Nhưng, trong văn mạch, Đức Chúa Trời không đang kêu gọi một người du hành đến nửa bên kia của hành tinh. Đức Chúa Trời đang kêu gọi một người ban phát sứ điệp của Ngài cho người Y-sơ-ra-ên. Đức Chúa Trời muốn Ê-sai công bố lẽ thật cho những người mà ông gặp hàng ngày, dân sự của ông, gia đình của ông, hàng xóm của ông, bạn hữu của ông.

"Lạy Chúa, nếu anh em tôi phạm tội cùng tôi, thì tôi phải tha thứ họ bao nhiêu lần? Có phải đến bảy lần chăng?" (Ma-thi-ơ 18:21)
Tha thứ là một việc khó. Lời đề nghị về sự tha thứ bảy lần của Phi-e-rơ, với ông hình như đã là vô cùng rộng lượng. Lời đáp của Đức Chúa Giê-xu cho thấy sự tha thứ của chúng ta thường yếu kém là thế nào. Chúng ta tha thứ bởi Chúa đã tha thứ cho chúng ta nhiều hơn thế (Cô-lô-se 3:13). Chúng ta tha thứ không bởi vì người ấy xứng đáng. "Xứng đáng" không có gì liên quan đến ân điển. Chúng ta tha thứ bởi vì đó là việc phải làm. Người ấy có thể không xứng đáng với sự tha thứ của chúng ta, nhưng chúng ta cũng đã không xứng đáng với sự tha thứ của Đức Chúa Trời, dầu vậy Đức Chúa Trời đã tha thứ cho chúng ta rồi.

"Ta sẽ xử thế nào với Giê-xu?" (Ma-thi-ơ 27:22)
Đây là câu hỏi của Phi-lát với đám đông tụ tập lúc Đức Chúa Giê-xu bị xử án. Câu trả lời của họ là: "Đóng đinh hắn!" Trước đó vài ngày, tiếng kêu la của họ rất khác: "Hô-sa-na Con vua Đa-vít! Đáng khen ngợi cho Đấng nhân danh Chúa mà đến!" (Ma-thi-ơ 21:9). Ngạc nhiên thay những mong đợi không được như ý muốn hiện thực, và áp lực từ những người chung quanh có thể làm thay đổi quan điểm của công chúng. Trong thế kỷ thứ nhất, tại Giê-ru-sa-lem, những người có quan điểm sai lầm về Đức Chúa Giê-xu và chức vụ của Ngài, đã chối bỏ Ngài; Cũng thế, ngày nay, nhiều người đến với đức tin Cơ-đốc với sự hiểu biết sai lạc về Đấng Christ là ai, cuối cùng cũng sẽ quay lưng lại. Chúng ta phải thật chắc chắn khi chúng ta giới thiệu chính xác Đức Chúa Giê-xu là ai, và Đạo Cơ-đốc là gì khi chúng ta chia sẻ đức tin của mình.

"Các ngươi nói Ta là ai?" (Ma-thi-ơ 16:15)
Câu hỏi này, của Đức Chúa Giê-xu là một trong những câu hỏi quan trọng nhất mà mỗi người sẽ phải trả lời. Với hầu hết mọi người, Ngài là một Thầy nhân lành. Với một số người khác, Ngài là một Tiên tri. Với những người khác, Ngài là một huyền thoại. Câu trả lời của Phi-e-rơ, "Thầy là Đấng Mê-si, Con của Đức Chúa Trời hằng sống," là câu trả lời chính xác (Ma-thi-ơ 16:16).

"Người nào được cả thiên hạ mà mất linh hồn mình, thì có ích gì?" (Mác 8:36)
Nếu giá phải trả là linh hồn của một người, thì bất kỳ thứ gì đã đạt được –thậm chí là cả thế giới—đều là hư không. Buồn thay, "hư không" là những gì mà đại đa số mọi người theo đuổi—những thứ thuộc về đời này. Mất linh hồn có hai nghĩa. Thứ nhất, ý nghĩa rõ ràng hơn là người đánh mất linh hồn vĩnh viễn, kinh nghiệm sự chết đời đời trong địa ngục. Tuy nhiên, việc tìm kiếm để được cả thế gian cũng sẽ khiến cho bạn đánh mất linh hồn mình theo một cách khác, trong suốt cuộc đời này. Bạn sẽ không bao giờ kinh nghiệm đời sống sung mãn được sắm sẵn qua Đức Chúa Giê-xu Christ (Giăng 10:10). Sa-lô-môn đã theo đuổi lạc thú và chính ông đã không chối bỏ bất kỳ điều gì, nhưng ông đã nói, "mọi thứ đều là hư không, theo luồng gió thổi; chẳng có gì ích lợi" (Truyền đạo 2:10-11).

"Thưa thầy nhơn lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?" (Lu-ca 18:18) và "Tôi phải làm gì để được cứu?" (Công vụ 16:30)
Thật thú vị để thấy câu trả lời rất khác nhau của Đức Chúa Giê-xu, và của sứ đồ Phao-lô về những điều cơ bản cho cùng một câu hỏi. Đức Chúa Giê-xu, biết rõ tư duy về sự công bình riêng của người trẻ tuổi quyền thế và giàu có, Ngài đã dạy anh ta hãy giữ mọi điều răn. Anh ta nghĩ rằng mình là người công bình; Đức Chúa Giê-xu biết rằng chủ nghĩa vật chất và lòng tham đã ngăn cản anh ta thực lòng tìm kiếm sự cứu rỗi. Trước hết, người ấy cần hiểu rằng anh ta là một tội nhân và cần đến một Chúa Cứu Thế. Phao-lô, nhận biết rằng người Phi-líp cai ngục đã sẵn sàng để được cứu, ông đã tuyên bố, "Hãy tin Đức Chúa Giê-xu thì anh sẽ được cứu." Người cai ngục đã tin, và gia đình ông đã làm theo ông trong việc tiếp nhận Chúa Giê-xu là Cứu Chúa. Như vậy, việc nhận biết một người ở đâu trong hành trình thuộc linh có thể tác động đến cách chúng ta giải đáp những thắc mắc của mọi người, và thay đổi điểm khởi đầu trong phần trình bày phúc âm của chúng ta.

"Người đã già làm sao có thể sanh lại? Chắc chắn họ không thể vào trong lòng mẹ lần thứ hai để được sanh lại!" (Giăng 3:4)
Câu hỏi này đến từ Ni-cô-đem khi Đức Chúa Giê-xu bảo rằng, ông ấy cần phải được sanh lại. Ngày nay, nhiều người vẫn đang hiểu lầm ý nghĩa của sự sanh lại. Hầu hết mọi người đều hiểu rằng, được sanh lại không nói đến thân thể được sanh ra lần thứ hai. Tuy nhiên, hầu hết mọi người thất bại để hiểu đầy đủ ý nghĩa của thuật ngữ này. Trở thành một Cơ-đốc-nhân—là được sanh lại—là bắt đầu một đời sống hoàn toàn mới. Đó là di chuyển từ tình trạng chết thuộc linh đến tình trạng sống thuộc linh (Giăng 5:24; 1 Phi-e-rơ 1:23). Đó là trở nên một tạo vật mới (2 Cô-rinh-tô 5:17-18). Được sanh lại không phải là thêm một thứ gì đó vào đời sống hiện tại của bạn, đó là sự thay đổi hoàn toàn đời sống hiện tại của bạn.

"Chúng ta cứ tiếp tục phạm tội để cho ân điển được gia tăng chăng?" (Rô-ma 6:1)
Chúng ta đã được cứu nhờ ân điển (Ê-phê-sô 2:8; Tít 3:5). Khi chúng ta đặt đức tin của mình trong Đức Chúa Giê-xu Christ, tất cả mọi tội lỗi của chúng ta đã được tha thứ, và chúng ta được bảo đảm sự sống đời đời trên thiên đàng (Giăng 10:27-29). Sự cứu rỗi là món quà ân điển của Đức Chúa Trời. Điều này có nghĩa là, một Cơ-đốc-nhân có thể sống như anh hay chị ấy muốn, và vẫn được cứu chăng? Đúng. Nhưng một Cơ-đốc-nhân thật sẽ không sống "theo cách anh hay chị ấy muốn". Cơ-đốc-nhân có một người Chủ mới, và không còn phục vụ chính mình nữa (2 Cô-rinh-tô 5:15. Cơ-đốc-nhân sẽ trưởng thành thuộc linh, dần dần từng bước trong đời sống mới mà Đức Chúa Trời đã ban cho mình. Ân điển không phải là cái cớ để chúng ta phạm tội. Tội cố ý, không ăn năn trong đời sống của một người gây ra sự nhạo báng về ân điển, và nghi ngờ về sự cứu rỗi của người ấy (Ê-xê-chi-ên 36:26-27; 1 Giăng 3:6). Đúng vậy, trong đời sống của người Cơ-đốc có những lúc thất bại hoặc chống nghịch. Và, trong lúc còn sống trong xác thịt, hoàn toàn vô tội là điều không thể. Nhưng Cơ-đốc-nhân là người sống với lòng biết ơn vì ân điển của Đức Chúa Trời, chứ không lợi dụng ân điển của Ngài. Sự quân bình được thấy trong những lời mà Đức Chúa Giê-xu phán với người đàn bà bị bắt vì phạm tội tà dâm. Sau khi từ chối kết tội bà, Chúa đã phán rằng, "Hãy đi và đừng phạm tội nữa" (Giăng 8:11).

"Nếu Đức Chúa Trời đứng về phía chúng ta, thì còn ai nghịch với chúng ta?" (Rô-ma 8:31)
Con cái của Đức Chúa Trời sẽ đối diện với sự chống đối trong thế gian này (Giăng 15:18). Sa-tan và các quỷ của nó chống đối chúng ta. Nhiều người trong thế gian chống đối chúng ta. Các triết lý, những giá trị và những ưu tiên của thế gian chống lại chúng ta. Trong nhiều lĩnh vực của đời sống chúng ta nơi trần thế, chúng ta có thể bị chèn ép, bị thua bại, thậm chí bị giết. Nhưng, trong những phạm trù của sự đời đời, Đức Chúa Trời đã hứa rằng chúng ta sẽ chiến thắng (1 Giăng 5:4). Điều gì tồi tệ nhất có thể xảy đến cho chúng ta trong thế giới này? Đó là sự chết. Với những người đã được sanh bởi Đức Chúa Trời, điều gì xảy ra sau khi chết? Sự sống đời đời trong nơi vinh hiển nhất có thể tưởng tượng được.

Có nhiều câu hỏi quan trọng khác trong Kinh Thánh. Những thắc mắc của những người tìm kiếm, những câu hỏi của những người giễu cợt, những câu hỏi của những tín hữu ngã lòng, và những câu hỏi từ Đức Chúa Trời. Đừng ngại đưa ra những câu hỏi, nhưng hãy sẵn sàng chấp nhận lời giải đáp của Đức Chúa Trời khi nó đến.

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Những câu hỏi nào quan trọng/nổi tiếng nhất trong Kinh Thánh?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries