settings icon
share icon
Câu hỏi

Cầu nguyện theo phương pháp labyrinth là gì? Cầu nguyện theo phương pháp labyrinth có đúng theo Kinh Thánh dạy không?

Trả lời


"Labyrinth" là một lối đi theo đường vòng quanh dẫn đến trung tâm của một thiết kế phức tạp rồi lại quay trở ra. Lộ trình của labyrinth là đường đơn hoạch, nghĩa là nó chỉ có một con đường duy nhất. Không giống như mê cung, labyrinth được thiết kế để dễ dàng định hướng, và không thể nào bị lạc ở trong đó.

"Cầu nguyện theo phương pháp labyrinth" là xử dụng labyrinth để tạo điều kiện cho việc cầu nguyện, suy ngẫm, biến đổi tâm linh, và/hoặc là sự hiệp nhất toàn cầu. Cầu nguyện theo phương pháp labyrinth nổi tiếng nhất ngày nay bao gồm một cái cổ xưa ở giáo đường Chartres, Pháp, một cái khác trong giáo đường Duomo di Siena, Tuscany; và hai cái được duy trì bởi Grace Cathedral, một nhà thờ Tân giáo ở San Francisco. Trong khi việc cầu nguyện theo phương pháp labyrinth được xử dụng trong các nhà thờ Công giáo trải qua nhiều thế kỷ, thì trong thập kỷ qua đã thấy sự trỗi dậy về sự nổi tiếng của chúng, đặc biệt là trong Hội Thánh Ngày Nay và giữa các nhóm Thời Đại Mới và những tân ngoại giáo.

Labyrinth đang được sử dụng rộng rãi bởi nhiều nền văn hoá ít nhất từ 3.500 năm qua. Bằng chứng về những labyrinth cổ xưa tồn tại ở Crete, Ai Cập, Ý, Scandinavia và Bắc Mỹ. Những labyrinth cổ xưa có những cái thường được gọi là thiết kế "cổ điển" của bảy vòng đai, hoặc vòng quanh. Chắc chắn chúng là của ngoại giáo với chức năng: nhiều labyrinth được dâng cho nữ thần và được xử dụng trong các điệu múa theo nghi lễ. Người Hopi Ấn Độ đã xem labyrinth như một biểu tượng của Mẹ Trái Đất, và hàng trăm labyrinth bằng đá dọc theo bờ biển Scandinavia được dùng như bẫy thần thông dùng để bắt mưa ma gió quỉ nhằm bảo đảm việc đánh bắt an toàn.

Vào thời Trung Cổ, Giáo hội Công giáo đã thay đổi labyrinth cho phù hợp với mục đích riêng của nó trong những giáo đường của mình. Hình dạng cổ điển đã được thay thế bằng một thiết kế phức tạp hơn gồm 11 vòng quanh trong 4 cung phần tư, thường được gọi là thiết kế "thời trung cổ". Trong đạo Công giáo, labyrinth có thể tượng trưng cho một số điều: con đường đến với Thiên Chúa khó khăn và quanh co, sự thăng thiên thần bí để đến sự cứu rỗi và sự khai sáng, hoặc thậm chí là một cuộc hành hương tới Giê-ru-sa-lem cho những ai không thể thực hiện được một cuộc hành trình thực sự.

Việc "tái khám phá" thời nay về labyrinth và sự xử dụng nó qua cách thiết lập trong nhà thờ được tổ chức bởi các nhóm như The Labyrinth Society và Veriditas, Dự án Labyrinth Toàn cầu. Theo các nhóm này, labyrinth là một "dấu ấn thiêng liêng", một "truyền thống thần bí", một "con đường thánh", và là một "cổng thánh." Mục đích đã được tuyên bố của Veriditas là "để biến đổi Tâm linh Con người," bằng cách xử dụng "Trải nghiệm Labyrinth như là một phương pháp cá nhân để chữa lành và tăng trưởng, một công cụ để xây dựng cộng đồng, một tác nhân cho nền hòa bình toàn cầu và một ẩn dụ cho sự nở hoa của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống của chúng ta" (từ trang web chính thức của Veriditas).

Theo Veriditas, đi bộ cầu nguyện theo phương pháp labyrinth liên quan đến 3 giai đoạn: thanh tẩy (giải thoát), soi sáng (tiếp nhận), và hợp nhất (trở lại). Sự thanh tẩy xảy ra khi một người di chuyển về phía trung tâm của labyrinth. Trong giai đoạn này, người ấy loại bỏ những sự lo lắng và bối rối của cuộc sống và mở lòng cũng như tâm trí của mình ra. Soi sáng xảy ra ở trung tâm của labyrinth; đây là thời gian để "tiếp nhận những gì mà nơi đó dành cho bạn" qua sự cầu nguyện và suy ngẫm. Hợp nhất xảy ra khi một người thoát ra khỏi labyrinth và kết hợp "cùng với Thiên Chúa, Quyền năng Cao cả của bạn, hoặc sức mạnh của sự chữa lành đang tác động trên thế giới."

Những người ủng hộ sự cầu nguyện theo phương pháp labyrinth nói về việc xử dụng labyrinth để trở nên được khai sáng, hiệu chỉnh lại với vũ trụ và càng được ban cho quyền để biết về Bản thân mình và để hoàn thành công việc của linh hồn. Một số người, như Tiến sĩ Lauren Artress, chủ tịch của Veriditas, cũng nói về "nhiều cấp độ về nhận thức" là điều đụng chạm đến người thờ phượng trong labyrinth, bao gồm việc nhận thức rằng người ấy là "một trong những người hành hương đang bước đi trong thời đại ban đầu. Nó được cảm thấy như là nó đến từ một thời điểm nào khác; nó không cảm thấy như là nó đang trong cuộc sống đời này" (từ một cuộc phỏng vấn với Tiến sĩ Lauren Artress trên trang web chính thức của Veriditas).

Có lẽ giống như là sự trở lại việc thờ phượng nữ thần ngày xưa, nhiều cách cầu nguyện theo phương pháp labyrinth chứa đựng các biểu tượng nữ giới ở trung tâm. Tiến sĩ Artress nhận ra biểu tượng và phát biểu cách tự do về việc kết nối với "thánh nữ" trong labyrinth và cần nên xem Thiên Chúa vừa là "nam" mà cũng vừa là "nữ".

Cầu nguyện theo phương pháp labyrinth có đúng theo Kinh Thánh dạy không? Không, không đúng. Không những labyrinth không bao giờ được đề cập trong Kinh Thánh, mà nó còn mâu thuẫn với một số nguyên tắc thờ phượng và cầu nguyện trong Kinh Thánh.

1. Đức Chúa Trời tìm kiếm những người thờ phượng Ngài bằng tâm thần và lẽ thật (Giăng 4:24, Phi-líp 3:3, Thi thiên 29:2). Những người ủng hộ sự cầu nguyện theo phương pháp labyrinth nói về sự "thờ phượng bằng thân thể" và mục tiêu sử dụng tất cả năm giác quan trong sự thờ phượng. Nhưng sự thờ phượng bằng thân thể không phải là quan điểm của Kinh Thánh. Chúng ta sống bằng đức tin, chớ không phải bởi mắt thấy, và sự thờ phượng không phải là hoạt động của giác quan, thể chất; thờ phượng là vấn đề của tấm lòng, được bày tỏ qua sự ngợi khen và phục vụ Đức Chúa Trời. Đối với những người tin vào Tân Ước, sự thờ phượng không liên quan gì đến các trang sức bên ngoài như thắp nến, quỳ trước bàn thờ, hoặc đi vòng quanh.

2. Cầu nguyện không phải là để trở thành nghi lễ (Ma-thi-ơ 6:5-8). Tiến sĩ Artress nói rằng "nghi thức nuôi sống linh hồn" và đề nghị hành trình được lặp đi lặp lại, thường xuyên qua labyrinth. Nếu nghi thức thực sự là thực phẩm cho linh hồn, thì những người Pha-ri-si trong thời Chúa Jesus sẽ là những linh hồn được nuôi sống tốt nhất – suy cho cùng, hệ thống tôn giáo của họ đầy dẫy nghi lễ và truyền thống. Tuy nhiên, Chúa Jesus đã khiển trách họ nhiều lần vì sự chết và giả hình trong tôn giáo của họ (Ma-thi-ơ 15:3, Ma-thi-ơ 7:6-13).

3) Mỗi người tin Chúa đều có tâm trí của Đấng Christ (I Cô-rinh-tô 2:16). Nhiều người đi bộ cầu nguyện theo phương pháp labyrinth đang tìm kiếm sự sáng suốt đặc biệt, sự mặc khải mới, hoặc sự khám phá ra "Thiên Chúa Đấng ở bên trong." Sự nhấn mạnh về chủ nghĩa huyền bí và tri thức bí truyền như thế tiến gần một cách nguy hiểm tới Thuyết Ngộ Giáo và tư duy của Thời Đại Mới. Cơ-đốc nhân không cần trải nghiệm thần bí hay mặc khải ngoài Kinh Thánh: "Về phần các con, đã chịu xức dầu từ nơi Đấng thánh, thì đã biết mọi sự rồi." (1 Giăng 2:20).

4) Đức Chúa Trời ở gần mọi người cầu khẩn Ngài trong lẽ thật (Thi thiên 145:18, Công vụ 17:27). Không có nghi thức nào, bao gồm cả việc đi theo hành trình labyrinth, có thể mang được bất kỳ người nào gần gũi hơn với Đức Chúa Trời. Chúa Jesus là con đường (Giăng 14:6). Chỉ đòi hỏi sự ăn năn và đức tin mà thôi (Công vụ 20:21).

5) Kinh Thánh là đủ để làm cho Cơ-đốc nhân thánh khiết, khôn ngoan và hoàn toàn thành thạo về công việc của mình trong thế gian này (II Ti-mô-thê 3: 15-17). Nói rằng, để tìm được sức mạnh thực sự, chúng ta phải thêm thuyết huyền bí hay truyền thống vào Kinh thánh là phỉ báng Lời Đức Chúa Trời và công việc của Thánh Linh qua Lời ấy.

Về mặt lịch sử, labyrinth bắt nguồn từ thuyết ngoại giáo và được kết hợp bởi Công giáo. Giờ đây, nó được quảng bá bởi Hội Thánh Ngày Nay và những người tìm kiếm một tâm linh phóng khoáng ngoài Kinh Thánh. Lời cảnh báo của Phao-lô đến với hội thánh phải đủ để giữ cho chúng ta tập trung vào Chúa Jesus và tránh những nghi thức trống rỗng: "Ðừng để ai trói buộc anh chị em bằng những triết lý mơ hồ và những lời giả dối rỗng tuếch dựa trên truyền thống của loài người và trên những nguyên tắc sống cơ bản của đời nầy, thay vì dựa trên Ðấng Christ."(Cô-lô-se 2: 8).

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Cầu nguyện theo phương pháp labyrinth là gì? Cầu nguyện theo phương pháp labyrinth có đúng theo Kinh Thánh dạy không?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries