settings icon
share icon
Câu hỏi

Kinh Thánh nói gì về người vợ Cơ Đốc?

Trả lời


Người vợ Cơ Đốc là người tin Chúa Giê-su Christ, là người phụ nữ đã kết hôn và luôn có những ưu tiên đúng đắn. Cô ấy chọn sự tin kính làm trọng tâm của cuộc đời mình, và cô ấy luôn đặt trọng tâm đó vào trong tất cả các mối liên hệ, bao gồm cả hôn nhân. Một người vợ tin kính là người quyết định rằng việc vâng phục và làm vui lòng Đức Chúa Trời là quan trọng hơn mọi niềm vui thích hoặc sự hài lòng nhất thời của cá nhân, và cô ấy sẵn lòng hy sinh bất cứ điều gì cần thiết để tôn cao Chúa qua vai trò làm vợ của mình.

Bước đầu tiên để trở nên người vợ Cơ Đốc là đầu phục quyền chủ tể của Chúa Giê-su. Chỉ khi được Chúa Thánh Linh trao năng quyền, bất kỳ ai trong chúng ta có thể sống như những người tin kính (Ga-la-ti 2:20; Tít 2:12). Khi chúng ta đặt đức tin của mình nơi Đấng Christ, là Đấng Cứu Chuộc và là Chúa (Giăng 3:3) thì ngày đó tương tự như ngày cưới. Toàn bộ hướng đi của cuộc đời chúng ta thay đổi (2 Cô-rinh-tô 5:17). Chúng ta bắt đầu nhìn cuộc sống theo quan điểm của Đức Chúa Trời, hơn là theo đuổi kế hoạch riêng của mình. Điều đó có nghĩa rằng một người nữ Cơ Đốc sẽ bước vào hôn nhân với một tâm trí khác với người nữ thế gian. Cô ấy không chỉ mong ước trở nên người vợ tốt mà còn là người nữ tin kính cho Chúa của cô ấy.

Trở thành người vợ Cơ Đốc liên quan đến việc sống theo nguyên tắc được tìm thấy trong Phi-líp 2:3-4: “Đừng làm điều gì vì lòng ích kỷ, hoặc vì hư vinh, nhưng hãy khiêm nhường, xem người khác đáng tôn trọng hơn mình. Mỗi người trong anh em đừng chỉ quan tâm đến lợi ích riêng của mình, nhưng phải quan tâm đến lợi ích của người khác nữa.” Nếu được tuân thủ cách chặt chẽ, nguyên tắc này sẽ loại bỏ phần lớn những tranh cãi trong hôn nhân. Bởi vì bản chất chúng ta là ích kỷ, chúng ta phải nhờ Chúa để đóng đinh những thôi thúc ích kỷ và giúp chúng ta tìm kiếm lợi ích tốt nhất cho người phối ngẫu của mình. Đối với một người vợ, điều này có nghĩa là luôn ý thức chồng mình không phải là một phụ nữ và không suy nghĩ như phụ nữ. Những nhu cầu của người chồng khác với nhu cầu của vợ, và trách nhiệm của vợ là phải hiểu những nhu cầu này và tìm cách đáp ứng chúng bất cứ khi nào có thể.

Ê-phê-sô 5:22-24 nhấn mạnh vấn đề vâng phục, điều đáng tiếc là nhiều người đã giải quyết sai. Người vợ được dạy bảo là phải vâng phục chồng mình như vâng phục Chúa. Nhiều phụ nữ co rúm người trước từ vâng phục vì nó được sử dụng như cách buộc họ phải trở nên như nô lệ. Khi ba câu này bị tách khỏi ngữ cảnh của nó và chỉ áp dụng cho phụ nữ thì chúng trở thành công cụ trong tay Sa-tan. Sa-tan thường xuyên bóp méo Kinh thánh để thực hiện những mục đích xấu xa của chúng, và nó đã lợi dụng điều này để làm hỏng kế hoạch hôn nhân của Đức Chúa Trời. Mệnh lệnh về sự vâng phục thật sự được bắt đầu từ câu 21, nói rằng tất cả Cơ Đốc Nhân phải vâng phục lẫn nhau. Kế đến, câu này được áp dụng cho người nữ trong hôn nhân, nhưng trách nhiệm được đặt nơi người chồng là phải yêu vợ như cách Đấng Christ yêu Hội thánh (Ê-phê-sô 5:25-32). Khi một người chồng sống vâng phục theo mong đợi của Chúa đối với mình, thì người vợ Cơ Đốc sẽ ít gặp khó khăn trong việc thuận phục quyền lãnh đạo của chồng.

Trong khi có những người vợ Cơ Đốc không có con, thì đa số phụ nữ kết hôn sẽ trở thành mẹ. Trong suốt quá trình chuyển đổi này, việc cô ấy sẽ dành mọi nỗ lực và tập chú cho con cái là điều hiển nhiên. Có thể mất một thời gian để thích nghi với những trách nhiệm mới trong gia đình, nhưng người vợ Cơ Đốc cần ghi nhớ rằng chồng mới là ưu tiên hàng đầu của mình. Những nhu cầu của chồng vẫn là điều quan trọng. Đôi khi người vợ có thể cảm thấy rằng cô ấy không còn gì để cho chồng của mình vào một cuối ngày thất vọng, nhưng cô ấy có thể chạy đến với Chúa và tìm thấy sức mạnh và năng lực từ Ngài để duy trì vai trò làm vợ trước tiên và kế đến là làm mẹ (Châm ngôn 18:10, Thi 18:2).

Giao tiếp rất quan trọng trong những năm đầu nuôi con, và một người vợ Cơ Đốc sẽ bắt đầu những cuộc trò chuyện không phán xét với chồng, giải thích cách anh ấy có thể giúp đỡ và những gì cô ấy cần ở anh để đáp ứng nhu cầu của anh ấy nhiều hơn. Những cặp đôi duy trì kết nối và dành ra những khoảng thời gian có chủ đích cùng nhau sẽ phát triển bền chặt hơn và xây dựng mối quan hệ sâu sắc hơn để giữ cho hôn nhân của họ luôn bền vững. Một người vợ Cơ Đốc cũng phải nhận ra rằng dành thời gian cho bản thân không phải là ích kỷ. Người vợ nên cởi mở với chồng về nhu cầu tình cảm và tâm lý của mình. Người vợ phớt lờ hoặc không bày tỏ nhu cầu của bản thân vì sợ mình tỏ ra ích kỷ sẽ chỉ tạo ra cho mình sự oán giận và kiệt sức về sau. Trước khi một người vợ, người mẹ có thể mang lại cho gia đình những gì họ cần, thì cô ấy cần phải chăm sóc chính mình trước tiên.

Châm ngôn 31 ca ngợi những người nữ đức hạnh, thông minh và cần cù – và nó được viết vào thời điểm mà những đóng góp của những người vợ và người mẹ hầu như không được chú ý. Phụ nữ tin Chúa có thể vui mừng về điều này khi sự lựa chọn của chính họ phản ánh một số phẩm chất được mô tả ở đó.

Các bà vợ thường bày tỏ rằng họ muốn chồng mình trở thành người lãnh đạo tốt, và một số than phiền rằng chồng mình lãnh đạo không tốt. Đúng là Đức Chúa Trời mong người chồng phải chịu trách nhiệm về hạnh phúc gia đình. Nhưng điều quan trọng cần nhớ là những nhà lãnh đạo giỏi phải có những người đi theo tốt. Là một phần trong lời rủa sả mà Đức Chúa Trời đặt trên Ê-va vì tội lỗi của bà (Sáng Thế Ký 3:16), về bản chất, phụ nữ có xu hướng muốn cai trị chồng mình. Nhiều phụ nữ coi chồng là những dự án chưa hoàn thành mà họ có ý định sửa chữa. Những nỗ lực “giúp đỡ anh ấy” của người vợ thường có thể khiến người chồng thất vọng, đặc biệt nếu người chồng không cảm thấy thoải mái trong vai trò lãnh đạo. Điều đó không bào chữa cho việc anh ta từ chối bước vào vai trò mà Đức Chúa Trời đã thiết kế cho người làm chồng. Nhưng một người vợ Cơ Đốc cần nhận ra vai trò của mình và phải để cho chồng lãnh đạo. Người vợ có thể tôn trọng trong khi đưa ra lời khuyên và ý kiến của mình, và một người chồng khôn ngoan sẽ xem xét nó, và một khi cô ấy làm vậy, trách nhiệm của cô ấy đã hết và quyết định cuối cùng thuộc về chồng. Khi người chồng biết rằng vợ sẽ không cự cãi với mình dù rằng cô ấy không đồng ý, thì người chồng có nhiều khả năng sẽ bước lên và dẫn đầu.

Một mối nguy hiểm mà phụ nữ Cơ Đốc có thể gặp phải trong hôn nhân và trong vai trò làm mẹ là cho phép danh tính của mình được ấn định hoàn toàn trong vai trò là người của gia đình. Tỷ lệ ly hôn của các cặp vợ chồng trung niên ở một số nơi trên thế giới chứng minh cho mô hình sai lệch này. Nhiều khi một người vợ rời bỏ người chồng tốt không vì lý do gì ngoài việc cô ấy không hạnh phúc. Một phần nguyên nhân khiến các cô gái trẻ vỡ mộng là vì đã xem hôn nhân là mục tiêu cuối cùng của cuộc đời. Từ nhỏ cô đã tin rằng, một khi cô gặp và kết hôn với một người đàn ông phù hợp, cô sẽ được viên mãn. Phần lớn giáo lý nhà thờ là một nguyên nhân dẫn đến sự sùng bái hôn nhân, vì vậy, đối với một phụ nữ Cơ Đốc, sự thất vọng có thể khiến cô cảm thấy như thể Chúa đã lừa dối mình. Mặc dù hôn nhân là tốt đẹp và đúng đắn và là phương tiện ban phước, nhưng nó không bao giờ được xem là nguồn gốc của giá trị và sự hoàn thiện của người nữ. Chỉ có Đức Chúa Trời mới có thể làm được điều đó, và những người vợ Cơ Đốc là người nhìn thấy vai trò của mình, không phải mục đích của bản thân, nhưng là con đường để họ có thể phục vụ Chúa tốt hơn (1 Cô-rinh-tô 10:31).

Một người nữ có ước muốn trở thành một người vợ Cơ Đốc tin kính sẽ tự hỏi chính mình những câu hỏi sau:

1. Tôi có giữ đời sống thuộc linh lành mạnh và đó là ưu tiên hàng đầu của tôi không? (Ma-thi-ơ 6:33)

2. Tôi đã sẵn lòng chấp nhận vai trò mà Chúa đặt để cho tôi với tư cách là người giúp đỡ chồng tôi? (1 Cô-rinh-tô 11:3)

3. Mỗi ngày tôi có tìm kiếm sự khiêm nhường và phục vụ như Chúa Giê-su đã làm, hơn là mong đợi được phục vụ? (Mác 10:44-45)

4. Tôi có từ bỏ những thần tượng trong lòng tôi, chẳng hạn như mua sắm, tán tỉnh, tích trữ hay nghiện ngập? (Xuất Ê-díp tô Ký 20:3)

5. Thời gian rảnh rỗi của tôi có cho thấy rằng tôi quý trọng chồng, gia đình và Đấng Cứu Chuộc tôi hay không? (Galati 5:13)

6. Tôi có đang bảo vệ thuộc linh cho gia đình của mình bằng những gì tôi cho phép qua phương tiện truyền thông, tạp chí, âm nhạc không? (Phi-líp 4:8)

7. Tôi có giữ cho mình luôn hài lòng về thể chất và tình cảm đối với chồng không? (Châm ngôn 27:15; 31:30)

8. Cách ăn mặc, trang điểm, và thể hiện bề ngoài của tôi có cho thấy rằng tôi tôn trọng thân thể mình, chồng tôi và Đấng Cứu Chuộc tôi không? (I Phi 3:3-5)

9. Tôi đã loại bỏ những điều thô tục thế gian khỏi lời nói của mình (chửi thề, nói thô tục, đùa cợt bẩn thỉu) để lời nói của tôi được nhã nhặn chưa? (Cô-lô-se 4:6)

10. Tôi có phải là một người khôn ngoan và là một người quản trị tài chính gia đình cách cẩn thận không? (Châm ngôn 31:16)?

11. Tôi dành cho chồng sự tôn trọng vì vị trí của anh ấy, hay chỉ khi tôi nghĩ anh ấy xứng đáng? (Ê-phê-sô 5:33)

12. Tôi có chăm sóc tốt nhà cửa và những đứa con? (Châm ngôn 31:27-28)

13. Tôi có bảo vệ những tâm tình của chồng mình bằng cách không bao giờ công khai tiết lộ những cuộc thảo luận riêng tư hoặc sử dụng những điểm yếu của anh ấy để chống lại anh ấy không? (Châm ngôn 31:11)

14. Tôi có đang tiếp tục phát triển những ân tứ và đam mê mà Chúa đã giao phó cho tôi? (2 Ti-mô-thê 1:6)

15. Tôi có đang dựa vào năng lực của chính mình hay năng quyền của Thánh Linh để làm vợ, làm mẹ và làm môn đồ tin kính? (Ga-la-ti 5:25)

Vì Chúa Giê-su đã hủy bỏ món nợ tội lỗi của chúng ta (Cô-lô-se 2:14), nên bất cứ ai mong muốn đều có thể trở thành người tin kính. Sự tin kính không phụ thuộc vào trí tuệ, học vấn hay tôn giáo. Nó cũng không phải là giới hạn cho những người có quá khứ tội lỗi, ly hôn hoặc tù đày. Là môn đồ của Chúa Giê-su Christ, tất cả chúng ta nên tìm cách trở nên tin kính hơn trong bất kỳ vai trò nào mà chúng ta giữ, vì đó là điều răn (1 Phi-e-rơ 1:16) và vì chúng ta muốn giống Đấng mình yêu càng hơn.

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Kinh Thánh nói gì về người vợ Cơ Đốc?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries