settings icon
share icon
Câu hỏi

Hạt giống đức tin là gì? Sự bày tỏ hạt giống đức tin là gì?

Trả lời


Những người quảng bá cho “phúc âm thịnh vượng” và phong trào Lời của Đức tin (Word of Faith) sai lạc thường thích nói về “gieo hạt giống”, “dâng hiến bằng hạt giống đức tin” và “lợi nhuận gấp trăm lần”. Của lễ bởi hạt giống đức tin là tiền được trao ra với niềm tin rằng Đức Chúa Trời sẽ nhân bội nó lên và trả lại cho người dâng. Bạn càng cho ra nhiều tiền — và đức tin bạn càng cao — thì bạn sẽ càng nhận được nhiều tiền hơn. Những người thuyết giáo về sự thịnh vượng thường kêu gọi cho các mục vụ của họ bằng cách hứa trả lại bằng hiện vật như: “Hãy gửi cho tôi 10 đô la và tin cậy vào Đức Chúa Trời, Ngài sẽ cho lại bạn 1.000 đô la”. Họ tạo ra lời kêu gọi về tiền bạc một cách bóng bẩy, về mặt tâm linh với những tuyên bố như “Đức Chúa Trời muốn ban phước cho bạn bằng một phép lạ” và “Chúa Giê-su còn lớn hơn cả món nợ của bạn”. Và họ sẽ sử dụng lệch lạc những câu Kinh Thánh như Mác 4:8: “Một phần khác nữa rơi nhằm nơi đất tốt, thì kết quả, lớn lên và nẩy-nở ra; một hột ra ba chục, hột khác sáu chục, hột khác một trăm." Bạn nên nhớ “hạt giống” trong câu này là Lời Đức Chúa Trời (Mác 4:14), không phải tiền bạc.

Oral Roberts quá cố là người có ảnh hưởng lớn trong việc truyền bá khái niệm dâng hiến bằng hạt giống đức tin, và ông dạy mọi người mong đợi một phép màu khi họ gieo một “hạt giống” từ “nhu cần” của họ. Ông viết, “Để nhận ra tiềm năng của bạn, để vượt qua các nan đề trong cuộc sống, để thấy cuộc sống của bạn trở nên hiệu quả, sinh sôi và sự chu cấp dồi dào (tức là sức khỏe, thịnh vượng, đổi mới tâm linh trong gia đình hoặc bản thân), bạn cần quyết định tuân theo luật thánh về người gieo giống và người gặt. Hãy gieo hạt giống lời hứa của Ngài trong nhu cần của bạn ”(từ “Các nguyên tắc của Hạt giống”). Trong ấn bản tháng 7 năm 1980 của Abundant Life, Roberts đã viết, “Hãy giải quyết nhu cần tiền bạc của bạn bằng những hạt giống tiền” (trang 4).

Richard Roberts, con trai của Oral, nói trên trang web của mình, “Hãy giao cho Đức Chúa Trời thứ gì đó để Ngài hành động. Dù bạn nghĩ mình có ít đến đâu, hãy gieo nó bằng niềm vui và đức tin, trong tấm lòng bạn biết rằng bạn đang gieo hạt giống để bạn có thể gặt hái những điều kỳ diệu. Sau đó, hãy bắt đầu trông đợi tất cả những phép lạ!” Vào tháng 5 năm 2016, trong thư của Roberts gởi ra, đã kêu gọi dâng hiến những món quà bằng tiền với tuyên bố sau: “Gieo một hạt giống đặc biệt 100 đô la. . . Nếu bạn gieo hạt giống này theo nhu cần của bạn và đi đến một thỏa thuận thánh với tôi, thì bạn và tôi sẽ CÙNG mong đợi một PHÉP LẠ TỪ ĐỨC CHÚA TRỜI” (Trích nguyên văn từ trang web của ông).

Theo Oral Roberts, cách tận dụng quy luật gieo và gặt có ba phần: 1) nhìn vào Chúa như nguồn cội của bạn, 2) hãy cho đi thì bạn sẽ nhận được như vậy, và 3) mong đợi một phép lạ. Lu-ca 6:38 là “văn bản bằng chứng” cho bước thứ hai, những người truyền bá hạt giống đức tin đã sử dụng, “Hãy cho, người sẽ cho mình; họ sẽ lấy đấu lớn, nhận, lắc cho đầy tràn, mà nộp trong lòng các ngươi; vì các ngươi lường mực nào, thì họ cũng lường lại cho các ngươi mực ấy." Việc lạm dụng câu này bắt đầu từ việc áp dụng nó để kiếm lợi về vật chất — Chúa Giê-su chủ yếu nói về sự tha thứ trong Lu-ca 6:37, chứ không phải tiền bạc. Ngoài ra, có sự khác biệt giữa "Cho đi" và "Cho như vậy". Những người giảng dạy hạt giống đức tin ủng hộ động cơ ích kỷ qua việc cho đi — hãy cho đi để bạn có thể nhận được — và họ nói rõ càng cho ra nhiều càng tốt. Kinh Thánh dạy rằng chúng ta cho đi để làm lợi cho người khác và làm vinh danh Đức Chúa Trời, chứ không phải để làm giàu cho bản thân.

Những người giảng dạy về sự dâng hiến bằng hạt giống đức tin cũng yêu thích câu Kinh Thánh trong Ma-thi-ơ 17:20, “Vì ta nói thật cùng các ngươi, nếu các ngươi có đức-tin bằng một hột cải, sẽ khiến núi nầy rằng: Hãy dời đây qua đó, thì nó liền dời qua, và không có sự gì mà các ngươi chẳng làm được.” Tất nhiên, câu này không nói gì về việc kiếm tiền hay dâng hiến bằng hạt giống đức tin.

Một đoạn Kinh Thánh khác cũng được sử dụng sai lệch bởi những người thuyết giáo về hạt giống đức tin là Mác 10: 29–30, “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, chẳng một người nào vì ta và Tin-lành từ-bỏ nhà-cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con-cái, đất-ruộng, mà chẳng lãnh được đương bây giờ, trong đời nầy, trăm lần hơn về những nhà-cửa, anh em, chị em, mẹ con, đất ruộng, với sự bắt-bớ, và sự sống đời đời trong đời sau.” Những người giảng dạy hạt giống đức tin bám chặt vào lời hứa “trăm lần hơn”, nhưng họ chỉ áp dụng nó cho “nhà cửa” và “đất ruộng” — nghĩa là của cải vật chất. Họ bỏ qua phần còn lại của danh sách. Chúng ta có cho rằng Chúa Giê-su đã hứa với các môn đồ của Ngài về một trăm bà mẹ theo đúng nghĩa đen hay chúng ta nên mong đợi số họ hàng cùng huyết thống gấp trăm lần hơn so với hiện tại? Hay Chúa Giê-su đang nói về sự tăng trưởng của một gia đình thuộc linh? Vì cha mẹ và anh chị em là thuộc linh, thì có lẽ nhà cửa và ruộng đồng cũng là thuộc linh.

Những người quảng bá giáo lý về sự dâng hiến bằng hạt giống đức tin đã bỏ qua một số chi tiết quan trọng trong Kinh Thánh. Chẳng hạn, hãy xem xét 2 Cô-rinh-tô 9:10–12, “Đấng phát hột giống cho kẻ gieo giống và bánh để nuôi mình, cũng sẽ phát hột giống cho anh em và làm cho sanh-hóa ra nhiều, Ngài lại sẽ thêm nhiều trái của sự công-bình anh em nữa. Như vậy, anh em được giàu trong mọi sự, để làm đủ mọi cách bố-thí, hầu cho người khác bởi chúng tôi mà tạ ơn Đức Chúa Trời. Vì việc phát tiền bố-thí dường ấy chẳng những đỡ ngặt cho các thánh-đồ mà thôi, lại xui nhiều người càng thêm lòng tạ ơn Đức Chúa Trời.” Phân đoạn này nói rằng Đức Chúa Trời cung ứng hạt giống để gieo; nghĩa là Ngài cung ứng các nguồn lực để chúng ta quảng đại cho đi. Và, khi chúng ta cho đi, Đức Chúa Trời sẽ cung ứng nhiều tài nguyên hơn để việc cho đi được tiếp tục. Tuy nhiên, lưu ý rằng việc gặt hái không phải là tiền bạc mà là “thu hoạch thêm nhiều trái của sự công-bình”. Ngoài ra, đó cũng là lời tạ ơn Đức Chúa Trời không thôi chứ không phải là những tài khoản ngân hàng của chúng ta. Hạt giống được gieo trong phân đoạn này không dẫn đến phép lạ hoặc của cải cá nhân.

Những người quảng bá việc dâng hiến bằng hạt giống đức tin cũng phớt lờ sự thật rằng các sứ đồ không phải là những người giàu có. Các sứ đồ chắc chắn đã cho đi những người khác: “Về phần tôi, tôi rất vui lòng phí của và phí trọn cả mình tôi vì linh-hồn anh em, dẫu rằng tôi yêu anh em thêm, mà cần phải bị anh em yêu tôi kém” (2 Cô-rinh-tô 12:15). Dựa trên học thuyết về sự dâng hiến bằng hạt giống đức tin, Phao-lô đáng lẽ phải là một người giàu có. Tuy nhiên, “Cho đến bây giờ, chúng tôi vẫn chịu đói khát, trần mình, bị người ta vả trên mặt, lưu-lạc rày đây mai đó” (I Cô-rinh-tô 4:11). Các sứ đồ nghèo khó về vật chất, nhưng họ được Chúa ban phước về thuộc linh.

Đức Chúa Trời yêu thích một người dâng hiến vui lòng (2 Cô-rinh-tô 9: 7). Nhưng, chúng ta không được cho rằng sự ưu ái của Ngài sẽ được thể hiện qua lợi nhuận tài chính. Chúng ta cũng không nên dành riêng những lời hứa ban cho dân Y-sơ-ra-ên trong Cựu Ước cho chính chúng ta. Động cơ cho đi của chúng ta không nên là để nhận lại tiền. Mục tiêu của chúng ta phải là sự tin kính với sự vui lòng (xin xem 1 Ti-mô-thê 6:6–10). Chúng ta nên cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin giúp con học cách thỏa lòng với những gì con có, ngay cả khi con đói hay thiếu thốn” (xin xem Phi-líp 4:11–13).

Sự dạy dỗ về hạt giống đức tin không chỉ là một kế hoạch làm giàu nhanh chóng mà nó nhắm vào những người tuyệt vọng và bị tổn thương trong dân sự của Chúa. Phi-e-rơ đã cảnh báo hội thánh về trò gian trá như vậy: “Họ sẽ bởi lòng tham mình, lấy lời dối-trá khoét anh em; nhưng sự kêu án nghịch cùng họ đã nghị-định từ lâu nay, và sự hư-mất của họ chẳng ngủ.” (2 Phi-e-rơ 2:3).

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Hạt giống đức tin là gì? Sự bày tỏ hạt giống đức tin là gì?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries