settings icon
share icon
Câu hỏi

Kinh Thánh nói gì về đức tin và sự sợ hãi?

Trả lời


Đức tin và sự sợ hãi không thể cùng tồn tại. Đức tin được mô tả trong Hê-bơ-rơ 11:1 là "sự biết chắc vững vàng của những điều mình đang trông mong là bằng cớ của những điều mình chẳng xem thấy." Đó là một đức tin tuyệt đối rằng Đức Chúa Trời không ngừng hành động đằng sau hậu trường trong mọi lĩnh vực của cuộc sống chúng ta, ngay cả khi không có bằng chứng hữu hình nào chứng minh cho sự thật đó. Mặt khác, sợ hãi, nói một cách đơn giản, là sự thiếu đức tin hoặc niềm tin yếu ớt. Khi sự hoài nghi chiếm thế thượng phong trong suy nghĩ của chúng ta, nỗi sợ hãi sẽ chiếm lấy cảm xúc của chúng ta. Sự giải thoát khỏi sợ hãi và lo lắng của chúng ta dựa trên đức tin, điều này hoàn toàn trái ngược với sự vô tín. Chúng ta cần hiểu rằng đức tin không phải là thứ mà chúng ta có thể tạo ra trong chính mình. Đức tin là một ân tứ (Ê-phê-sô 2:8-9) và sự trung tín được mô tả như một bông trái (hoặc đặc tính) được Đức Thánh Linh sản sinh trong đời sống chúng ta (Ga-la-ti 5:22–23). Đức tin Cơ Đốc là sự bảo đảm chắc chắn vào một Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta, biết ý nghĩ của chúng ta và quan tâm đến những nhu cầu sâu xa nhất của chúng ta. Đức tin đó tiếp tục phát triển khi chúng ta nghiên cứu Kinh Thánh và học biết các thuộc tính trong bản tánh tuyệt vời của Ngài. Càng tìm hiểu về Thượng Đế, chúng ta càng có thể thấy Ngài hành động trong cuộc sống của chúng ta và đức tin của chúng ta càng phát triển mạnh mẽ.

Đức tin tăng trưởng là điều chúng ta khao khát có được và là điều Đức Chúa Trời mong muốn tạo ra trong chúng ta. Nhưng làm thế nào, trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta có thể phát triển một đức tin để chiến thắng nỗi sợ hãi của chúng ta? Kinh Thánh chép, “đức tin đến bởi sự người ta nghe, mà người ta nghe, là khi lời của Đấng Christ được rao giảng” (Rô-ma 10:17). Việc cẩn thận nghiên cứu Lời Đức Chúa Trời là điều quan trọng hàng đầu trong việc phát triển đức tin vững mạnh. Đức Chúa Trời muốn chúng ta biết Ngài và hoàn toàn nương cậy nơi sự hướng dẫn của Ngài trong đời sống chúng ta. Chính nhờ nghe, đọc và suy gẫm Kinh Thánh mà chúng ta bắt đầu cảm nghiệm được một đức tin mạnh mẽ, vững tin loại bỏ lo lắng và sợ hãi. Việc dành thời gian để cầu nguyện và thờ phượng trong yên lặng sẽ phát triển mối quan hệ với Cha trên trời, Đấng luôn nhìn thấy chúng ta ngay cả trong những đêm đen tối nhất. Trong các Thi Thiên, chúng ta thấy hình ảnh của Đa-vít, giống như chúng ta, đã trải qua những lúc sợ hãi. Thi Thiên 56:3 bày tỏ đức tin của ông: "Trong ngày sợ hãi, Tôi sẽ để lòng nhờ cậy nơi Chúa." Thi thiên 119 chứa đầy những câu diễn tả cách Đa-vít trân trọng Lời Đức Chúa Trời: “Tôi hết lòng tìm cầu Chúa, chớ để tôi lạc các điều răn Chúa” (c. 10); “Tôi sẽ suy gẫm về giềng mối Chúa, chăm xem đường lối của Chúa” (c. 15); “Tôi đã giấu lời Chúa trong lòng tôi, để tôi không phạm tội cùng Chúa” (c. 11). Đây là những lời mặc khải nói lên sự khôn ngoan cho chúng ta ngày nay.

Đức Chúa Trời nhân từ và thấu hiểu những điểm yếu của chúng ta, nhưng Ngài đòi hỏi chúng ta phải tiến bước trong đức tin, và Kinh Thánh nói rõ rằng đức tin không trưởng thành và vững mạnh nếu không có thử thách. Nghịch cảnh là công cụ hữu hiệu nhất của Đức Chúa Trời để phát triển một đức tin mạnh mẽ. Khuôn mẫu đó được thể hiện rõ trong Kinh Thánh. Đức Chúa Trời đưa mỗi người chúng ta vượt qua những hoàn cảnh đáng sợ, và khi chúng ta học cách vâng theo Lời Đức Chúa Trời và để Lời ấy thấm nhuần tư tưởng mình, chúng ta thấy mỗi thử thách trở thành một viên đá lót đường cho một đức tin mạnh mẽ và sâu sắc hơn. Nó cho chúng ta khả năng để nói, "Ngài đã nâng đỡ tôi trong quá khứ, Ngài sẽ giúp tôi vượt qua ngày hôm nay và Ngài sẽ nâng đỡ tôi trong tương lai!" Đức Chúa Trời đã hành động theo cách này trong đời sống của Đa-vít. Khi Đa-vít tình nguyện chiến đấu chống lại Gô-li-át, ông nói: “Đức Giê-hô-va đã giải cứu tôi khỏi vấu sư tử và khỏi cẳng gấu, ắt sẽ giải cứu tôi khỏi tay người Phi-li-tin kia” (1 Sa-mu-ên 17:37). Đa-vít biết Đức Chúa Trời là Đấng đã nâng đỡ ông qua những hoàn cảnh nguy hiểm trong quá khứ. Ông đã nhìn thấy và kinh nghiệm quyền năng và sự bảo vệ của Chúa trong cuộc đời mình, và điều này đã phát triển trong ông một đức tin không sợ hãi.

Lời Đức Chúa Trời chứa đựng nhiều lời hứa để chúng ta nắm lấy và tuyên bố cho chính mình. Khi chúng ta gặp khó khăn về tài chính, Phi-líp 4:19 nói với chúng ta, "Đức Chúa Trời tôi sẽ làm cho đầy đủ mọi sự cần dùng của anh em y theo sự giàu có của Ngài ở nơi vinh hiển trong Đức Chúa Jêsus Christ." Nếu chúng ta lo lắng về một quyết định trong tương lai, Thi thiên 32:8 nhắc nhở chúng ta rằng Đức Chúa Trời sẽ "dạy dỗ ngươi, chỉ cho ngươi con đường phải đi; mắt ta sẽ đoái xem ngươi mà khuyên dạy ngươi." Trong lúc đau ốm, chúng ta có thể nhớ đến Rô-ma 5:3–5: "Nào những thế thôi, nhưng chúng ta cũng khoe mình trong hoạn nạn nữa, vì biết rằng hoạn nạn sanh sự nhịn nhục, sự nhịn nhục sanh sự rèn tập, sự rèn tập sanh sự trông cậy. Vả, sự trông cậy không làm cho hổ thẹn, vì sự yêu thương của Đức Chúa Trời rải khắp trong lòng chúng ta bởi Đức Thánh Linh đã được ban cho chúng ta”. Nếu ai đó chống lại chúng ta, chúng ta có thể được an ủi bằng những lời trong Rô-ma 8:31, “… Nếu Đức Chúa Trời vùa giúp chúng ta, thì còn ai nghịch với chúng ta?" Suốt cuộc đời, chúng ta sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thử thách khác nhau khiến chúng ta sợ hãi, nhưng Đức Chúa Trời đảm bảo rằng chúng ta có thể biết được sự bình an êm dịu qua mọi hoàn cảnh: “Chớ lo phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu xin của mình cho Đức Chúa Trời. Sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết, sẽ giữ gìn lòng và ý tưởng anh em trong Đức Chúa Jêsus Christ" (Phi-líp 4:6-7).

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Kinh Thánh nói gì về đức tin và sự sợ hãi?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries