settings icon
share icon
Câu hỏi

Đức tin vào Đức Chúa Trời có phải là một sự nương cậy không?

Trả lời


Jesse Ventura, cựu thống đốc bang Minnesota, từng nói, "Tổ chức tôn giáo là một sự giả dối và là chỗ nương cậy cho những người yếu đuối cần sức dựa trên số đông". Cùng đồng ý với ông là người làm phim khiêu dâm Larry Flynt, người đã bình luận, "Tôi không có gì tốt để nói về nó [tôn giáo]. Mọi người dùng nó như một chỗ nương cậy". Ted Turner từng nói một cách đơn giản, "Cơ Đốc giáo là một tôn giáo cho những kẻ thua cuộc!" Ventura, Flynt, Turner, và những người cùng quan điểm xem các Cơ đốc nhân là những người yếu đuối về tinh thần và cần sự hỗ trợ tưởng tượng để sống qua ngày. Họ ám chỉ rằng chính họ là mạnh mẽ và không cần một Đức Chúa Trời được cho là giúp họ trong cuộc sống.

Những tuyên bố như vậy mang lại một số câu hỏi: Tư duy đó bắt đầu từ đâu? Có sự thật nào trong đó không? Và Kinh thánh đáp lại những tuyên bố đó như thế nào?

Đức tin vào Đức Chúa Trời có phải là một chỗ nương cậy không? – Ảnh hưởng của Freud
Sigmund Freud (1856-1939) là một nhà thần kinh học người Áo, người đã sáng lập ra phương pháp phân tâm học, một hệ thống đưa ra lý thuyết cho rằng các động cơ vô thức quyết định nhiều các hành vi của con người. Mặc dù ủng hộ thuyết vô thần, Freud thừa nhận rằng chân lý của tôn giáo không thể bị bác bỏ và niềm tin tôn giáo đã cung cấp sự an ủi cho vô số người trong lịch sử. Tuy nhiên, Freud nghĩ rằng khái niệm về Thiên Chúa là ảo tưởng. Trong một trong các tác phẩm tôn giáo của mình, Tương lai của một Ảo tưởng, ông viết, "Họ [các tín đồ] đặt tên "Thiên Chúa" cho một sự trừu tượng mơ hồ họ tự tạo ra cho mình".

Về động lực tạo ra những ảo tưởng đó, Freud tin vào hai điều cơ bản: (1) những người có đức tin tạo ra một vị thần vì họ có những điều mong ước và hy vọng mạnh mẽ nhằm an ủi họ trước những sự khắc nghiệt của cuộc sống; (2) Ý tưởng về Thiên Chúa đến từ nhu cầu cần có một hình mẫu cha già lý tưởng nhằm át đi một người cha hoặc không tồn tại hoặc không hoàn hảo trong cuộc đời của người thần tín. Phát biểu về nhân tố gọi là thoả mong ước (wish-fulfillment) trong tôn giáo, Freud viết, "Chúng [niềm tin tôn giáo] là những ảo tưởng, là sự thoả mãn của những điều ước lâu đời nhất, mạnh mẽ nhất, và khẩn cấp nhất của nhân loại. Chúng ta gọi niềm tin là một ảo ảnh khi nhân tố thoả mong ước là một yếu tố nổi bật trong động cơ và khi đó, chúng ta không quan tâm đến sự liên quan của nó đến thực tế, cũng như chính ảo ảnh không màng được xác minh".

Với Freud, Đức Chúa Trời không là gì hơn một phép chiếu tâm lý nhằm bảo vệ một người khỏi thực tế mà anh ta không muốn phải đối diện và không thể tự giải quyết được. Sau Freud, các nhà khoa học và triết gia khác cũng khẳng định điều tương tự và nói rằng tôn giáo chỉ là một ảo ảnh/ ảo tưởng của tâm trí. Robert Pirsig, một nhà văn và triết gia người Mỹ, một trong những điển hình của những người theo Freud, đã nói, "Khi một người bị ảo tưởng, đó gọi là điên rồ. Khi nhiều người ảo tưởng, đó gọi là tôn giáo".

Còn các cáo buộc trên thì sao? Có sự thật nào trong các khẳng định của Freud và những người khác không?

Khảo sát các cáo buộc "Chỗ nương cậy cho đám đông"
Khi thực hiện một cuộc khảo sát trung thực cho những cáo buộc này, điều đầu tiên chúng ta phải nhận ra là những người đưa ra các khẳng định này đang tuyên bố điều gì về bản thân họ. Những người chế nhạo tôn giáo đang nói rằng các Cơ đốc nhân có khuynh hướng tâm lý và những yếu tố thoả mong ước mà họ, những người hoài nghi, không bị. Nhưng làm sao họ biết được điều đó? Chẳng hạn như, Freud nhìn nhận nhu cầu cho một Cha Thiên Thượng là sự thể hiện của một người dễ dao động tâm lý mong muốn một hình tượng người cha, nhưng liệu có phải chính Freud có một nhu cầu tâm lý là không cần hình mẫu người cha tồn tại? Và có thể là Freud thể hiện ra sự thoả mong ước trong việc không muốn có sự tồn tại của một Đức Thánh Chúa và sự phát xét trong thế giới bên kia, mong ước rằng đia ngục không có thật. Minh chứng cho tính thích đáng của những suy nghĩ này được thấy trong văn kiện của chính Freud từng viết, "Phần xấu của nó, đặc biệt đối với tôi, nằm ở chỗ khoa học của mọi thứ dường như đòi hỏi sự tồn tại của Đức Chúa Trời."

Có vẻ kết luận như thế này là hợp lý, như Freud và những người theo ông đã lập luận trong quan điểm của họ, rằng cách duy nhất một người có thể thắng được bằng chứng trắng đen "đòi hỏi khắt khe" của một thứ là bằng cách tạo ra một niềm hy vọng ảo tưởng chế phục được sự xác minh về sự tồn tại của Chúa, nhưng họ lại không xem khả năng đó có thể xảy ra với họ. Tuy nhiên, một số người vô thần đã thành thật và công khai thừa nhận khả năng này. Một ví dụ là nhà vô thần Giáo sư/Triết gia Thomas Nagel từng nói, "Tôi muốn thuyết vô thần là đúng và tôi cảm thấy không thoải mái vì thực tế là mốt số người thông minh nhất và thông thái nhất mà tôi biết là những người tin theo tôn giáo. Không chỉ là tôi không tin vào Đức Chúa Trời và hy vọng một lẽ tự nhiên rằng tôi đúng trong niềm tin của mình. Đó là tôi hy vọng rằng không có Đức Chúa Trời nào cả! Tôi không muốn có một Thiên Chúa; tôi không muốn vũ trụ như thế."

Một điều khác cần được cân nhắc là không phải mọi khía cạnh của Cơ đốc giáo đều dễ chịu. Chẳng hạn như, học thuyết về địa ngục, sự công nhận nhân loại là những tội nhân không thể làm hài lòng Đức Chúa Trời bằng sức của họ, và các giáo lý tương tự khác không phải loại ấm áp và dễ chịu. Freud có thể giải thích sự sáng tạo của những giáo lý này như thế nào?

Một suy nghĩ khác xuất phát từ câu hỏi trên là tại sao, nếu con người chỉ đơn thuần là tạo ra khái niệm về Chúa nhằm làm cho mình cảm thấy tốt hơn, liệu người ta có dựng lên một Đức Chúa Trời thánh khiết không? Đức Chúa Trời như vậy dường như trái ngược với những ham muốn tự nhiên và hành động của con người. Thực tế là, một Đức Chúa Trời như thế có vẻ như là loại thần cuối cùng họ có thể nghĩ đến. Thay vào đó, người ta mong muốn con người tạo ra một thần đồng ý với những điều họ muốn làm theo lẽ tự nhiên, thay vì phản đối các thực hành mà chính họ (vì một số lý do chưa được giải thích) đóng mác là "tội lỗi".

Một câu hỏi cuối cùng là làm thế nào để sự khẳng định về "chỗ nương cậy" giải thích cho những người ban đầu tỏ ra thù địch với tôn giáo và không muốn tin? Những người như vậy dường như không hề mong muốn Cơ Đốc giáo là chân chính, nhưng sau khi đã thành thật kiểm tra các bằng chứng và thừa nhận tính "chân thật" của chúng, họ trở thành tín đồ. Học giả người Anh C. S. Lewis là một người như vậy. Lewis nổi tiếng vì đã nói rằng không có ai trên toàn nước Anh có thể miễn cưỡng hơn ông để tin vào Cơ đốc, rằng ông đã chính xác là bị lôi vào đức tin một cách miễn cưỡng, không phải là một tuyên bố mà người ta mong đợi từ một người mơ mộng viển vông.

Các vấn đề và những câu hỏi này dường như trái ngược với những cáo buộc về "chỗ nương cậy" của đám đông và thường được bỏ qua dễ dàng. Nhưng Kinh thánh nói gì về những cáo buộc này của họ? Kinh thánh trả lời những cáo buộc này như thế nào?

Đức tin vào Đức Chúa Trời có phải là "chỗ nương cậy" không? Kinh thánh trả lời thế nào?
Có ba phản hồi chính Kinh thánh đưa ra với cáo buộc rằng con người tự tạo ra ý tưởng về Đức Chúa Trời làm chỗ nương cậy cho họ. Thứ nhất, Kinh thánh nói rằng Đức Chúa Trời đã tạo ra con người cho chính Ngài và thiết kế để nhân loại tự nhiên mong ước được có mối liên hệ với Ngài. Về điều này, Thánh Augustine viết, ""Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa và tâm hồn con còn mãi băn khoăn khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa". Kinh thánh nói rằng loài người được tạo ra theo hình ảnh Thiên Chúa (Sáng Thế ký 1:26). Nếu điều này là đúng, thì chẳng phải việc chúng ta cảm thấy khao khát Thiên Chúa là hợp lý vì chúng ta được tạo ra với khao khát này sao? Chẳng phải những dấu vân tay của Thiên Chúa và khả năng về mối liên hệ giữa tạo vật và Đấng Tạo Hoá nên tồn tại song song?

Thứ hai, Kinh thánh nói rằng người ta thực sự hành động ngược lại với những gì Freud và những người theo ông cáo buộc. Kinh thánh nói rằng nhân loại đang nổi loạn chống lại Chúa và theo lẽ tự nhiên đẩy Ngài ra xa thay vì khao khát Ngài, và sự chối bỏ đó là lý do khiến cho cơn thịnh nộ của Chúa đến với họ. Thực tế là mọi người theo lẽ tự nhiên làm mọi điều họ có thể để chối bỏ chân lý về Đức Chúa Trời, chính là điều mà Phao-lô đã viết: "Cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời từ trên trời được tỏ bày để chống lại mọi sự vô luân và gian ác của những kẻ dùng sự gian ác mà áp chế chân lý. Vì những gì người ta có thể biết về Đức Chúa Trời thì đã rõ ràng, bởi Đức Chúa Trời đã bày tỏ cho họ rồi. Những gì về Đức Chúa Trời mà mắt trần không thấy được, tức là quyền năng đời đời và thần tính của Ngài, thì ngay từ buổi sáng thế người ta đã nhận thức rõ ràng khi quan sát các tạo vật của Ngài; cho nên họ không thể bào chữa được. Vì mặc dù đã biết Đức Chúa Trời, họ vẫn không chịu tôn cao Ngài là Đức Chúa Trời và không tạ ơn Ngài, nhưng cứ suy luận viển vông; lòng dạ ngu muội của họ trở nên tăm tối. Họ tự xưng mình là khôn ngoan, nhưng đã trở nên điên dại"(Rô-ma 1:18-22). Việc Chúa đã hiển hiện rõ ràng trong tạo vật đến tất cả, theo lời Phao-lô, được C. S. Lewis tóm gọn đơn giản khi viết rằng, "Chúng ta có thể bỏ qua, nhưng chúng ta không tài nào tránh né được sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Cả thế giới này tràn đầy Ngài."

Chính bản thân Freud tự thừa nhận rằng tôn giáo là "kẻ thù", và đây chính xác là cách Chúa miêu tả về loài người trước khi được soi dẫn về mặt thuộc linh – là những kẻ thù của Chúa. Đây là điều mà Phao-lô cũng thừa nhận: "Vì nếu khi chúng ta là kẻ thù nghịch mà nhờ sự chết của Con Ngài, chúng ta còn được hòa giải với Đức Chúa Trời thì huống chi nay đã được hòa giải rồi, chúng ta lại càng được cứu nhờ sự sống của Con Ngài là dường nào." (Rô-ma 5:10, thêm nhấn mạnh).

Thứ ba, bản thân Kinh thánh nói rằng cuộc sống là khó khăn, các nan đề thử thách là bình thường, và nỗi sợ hãi sự chết là kinh nghiệm chung của mọi người. Đây là những lẽ thật dễ thấy trên toàn thế giới xung quanh chúng ta. Kinh thánh cũng nói rằng Chúa ở đây để giúp chúng ta vượt qua những giai đoạn khó khăn và đảm bảo với chúng ta rằng Chúa Giê-su đã vượt qua nỗi sợ sự chết. Chính Chúa Giê-su đã phán rằng: "Các con sẽ có hoạn nạn trong thế gian," khẳng định những nan đề trong cuộc sống tồn tại, nhưng Ngài cũng nói, "hãy vững lòng," và bảo những môn đồ của Ngài nhìn vào Ngài là người "đã thắng thế gian rồi" (Giăng 16:33).

Kinh thánh nói rằng Đức Chúa Trời quan tâm và giúp đỡ dân của Ngài và rằng Ngài truyền các môn đồ Ngài giúp đỡ lẫn nhau cũng như mang gánh nặng cho nhau (Ga-la-ti 6:2). Nói về sự quan tâm của Đức Chúa Trời với con người, Phi-e-rơ đã viết, "Vậy, hãy hạ mình dưới cánh tay quyền năng của Đức Chúa Trời, để đến thời điểm thích hợp Ngài sẽ nhấc anh em lên. Hãy trao mọi điều lo lắng mình cho Ngài, vì Ngài luôn chăm sóc anh em" (I Phi-e-rơ 5:6-7, thêm nhấn mạnh). Lời tuyên bố nổi tiếng của Chúa Giê-su cũng nói lên điều này: "Hỡi những ai mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến với Ta, Ta sẽ cho các ngươi được an nghỉ. Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; hãy gánh lấy ách của Ta và học theo Ta thì linh hồn các ngươi sẽ được an nghỉ. Vì ách Ta dễ chịu và gánh Ta nhẹ nhàng."(Ma-thi-ơ 11:28-30).

Bên cạnh sự giúp đỡ hàng ngày, nỗi sợ hãi sự chết cũng đã được Đấng Christ vượt qua. Qua sự phục sinh của Ngài, Chúa Giê-su chứng minh rằng sự chết không có quyền lực trên Ngài, và Ngôi Lời Đức Chúa Trời nói rằng sự phục sinh của Đấng Christ là bằng chứng cho sự phục sinh và sự sống đời đời của tất cả những ai đặt niềm tin vào Ngài (1 Cô-rinh-tô 15:20). Sự giải thoát khỏi nỗi sợ hãi sự chết là một lẽ thật được tuyên bố bởi tác giả sách Hê-bơ-rơ, người nói rằng, "Vì con cái thì cùng chung huyết nhục, nên chính Đức Chúa Giê-su cũng mang lấy huyết nhục giống như họ, để qua sự chết, Ngài tiêu diệt kẻ cầm quyền sự chết là ma quỷ, và giải phóng mọi người vì sợ chết mà sống trong nô lệ suốt đời" (Hê-bơ-rơ 2:14-15, thêm nhấn mạnh).

Thế nên, thật sự là Kinh thánh nói về sự quan tâm, lo lắng và giúp đỡ của Đức Chúa Trời đến tạo vật của Ngài. Lẽ thật này thật sự mang lại sự an ủi, nhưng là một sự an ủi căn cứ trên thực tế, và không chỉ đơn giản là một khao khát thoả mong ước.

Vậy, đức tin vào Đức Chúa Trời có phải là một chỗ nương cậy không? – Kết luận
Jesse Ventura đã sai khi nói rằng tôn giáo không là gì hơn ngoài một chỗ nương cậy. Phát biểu này thể hiện bản chất tự cao của con người và chính là ví dụ hoàn hảo cho những người bị Chúa Giê-su quở trách trong sách Khải huyền: "Con nói: 'Tôi giàu, tôi đã phát đạt rồi, tôi không cần gì nữa.' Nhưng con không biết rằng mình đang cùng khổ, đáng thương, nghèo ngặt, đui mù và lõa lồ" (Khải huyền 3:17).

Cáo buộc về thoả mong ước của Freud, Ventura, và những người khác chỉ là một bản cáo trạng đối với bản thân họ và thể hiện khao khát chối bỏ Chúa và những đòi hỏi của Ngài trong cuộc đời họ của chính họ, chính xác là điều mà Kinh thánh nói nhân loại sa ngã đang làm. Nhưng cũng đối với những người này, Chúa yêu cầu họ nhận ra sự khao khát thật của bản thân họ và tự hiến Ngài vào chỗ của hy vọng giả tạo của chủ nghĩa nhân bản mà họ đang bám lấy.

Những phát biểu của Kinh thánh về sự thật và chứng cớ của sự phục sinh của Đấng Christ mang lại sự an ủi và hy vọng thật – hy vọng mà không làm thất vọng – và hướng dẫn chúng ta bước đi trong đường lối tin cậy Đức Chúa Trời và công nhận vị trí "yếu đuối" thật sự của chúng ta trước Ngài. Khi điều này đã xong, chúng ta trở nên mạnh mẽ, chính như Phao-lô đã nói, "Vì khi tôi yếu đuối chính là lúc tôi mạnh mẽ" (2 Cô-rinh-tô 12:10).

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Đức tin vào Đức Chúa Trời có phải là một sự nương cậy không?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries