settings icon
share icon
Câu hỏi

Kinh Thánh nói gì về định mệnh / vận mệnh?

Trả lời


Đây là một vấn đề rất phức tạp, và chúng ta sẽ bắt đầu với những gì mà Kinh Thánh không dạy. Định mệnh thường được nghĩ đến như là một tiến trình định trước của các sự kiện ngoài tầm kiểm soát của con người. Một phản ứng điển hình cho niềm tin vào định mệnh là sự cam chịu – Nếu chúng ta không thể thay đổi vận mệnh, thì tại sao phải cố gắng? Việc gì xảy ra cũng xảy ra, và chúng ta không thể làm gì với nó. Đây được gọi là “ fatalism – thuyết định mệnh hay chủ nghĩa định mệnh”, và nó không có trong Kinh Thánh.

Thuyết định mệnh là một tiền đề chính của Hồi giáo, đòi hỏi sự tuân phục hoàn toàn chủ quyền của Allah. Trên thực tế, nó cũng được thể hiện rộng rãi trong Ấn Độ giáo; đó là một quan điểm về sự sống, và điều đó giúp duy trì hệ thống chế độ đẳng cấp ở Ấn Độ (chế độ phân chia giai cấp). Thần thoại Hy lạp kể về các nàng “Moirai” hay được gọi là “Định mệnh” – Ba nữ thần được miêu tả như những người thợ dệt nên cuộc sống của nhân loại. Các quyết định của họ không thể bị huỷ bỏ hoặc bãi bỏ được, ngay cả bởi các vị thần khác (sự can thiệp/tác động). Một lần nữa, thuyết định mệnh- nó không phải là một khái niệm trong Kinh Thánh.

Định mệnh và vận mệnh – Ý chí tự do của chúng ta

Kinh Thánh dạy rằng con người được tạo ra với khả năng đưa ra các lựa chọn liên quan đến vấn đề đạo đức và họ phải chịu trách nhiệm với những lựa chọn đó. Sự sa ngã của loài người không phải là một sự kiện đã được định trước, trong đó A-đam và Ê-va là những nạn nhân không may mắn của một Đức Chúa Trời điều khiển rối lão luyện. Ngược lại, A-đam và vợ có khả năng lựa chọn vâng lời (với những phước lành kèm theo) hoặc không vâng lời (với hậu quả là sự rủa sả). Họ biết kết quả quyết định của họ sẽ như thế nào và họ phải chịu trách nhiệm với quyết định đó (Sáng thế ký 3).

Chủ đề về việc chịu trách nhiệm cho những lựa chọn của chúng ta tiếp tục xuyên suốt Kinh Thánh. “Kẻ gieo bất công chắc chắn sẽ gặt tai hoạ” (Châm ngôn 22:8a). “Mọi công lao đều đem đến ích lợi, những lời nói suông chỉ mang lại cảnh nghèo nàn” (Châm ngôn 14:23). “…Bạn muốn khỏi phải sợ nhà cầm quyền chăng? Hãy làm điều tốt đẹp, và bạn sẽ được khen thưởng” (Rôma 13:3).

Thông thường, khi Kinh Thánh nói về vận mệnh, nó liên quan đến một vận mệnh mà con người đang mang trên mình: “Có nhiều người đã sống như kẻ thù của thập tự giá Đấng Christ. Kết cuộc của họ là hư mất…” (Phi-líp 3:18-19). “Đây là số phận của những kẻ cho mình là người công bình…” (Thi thiên 49:13). “Người phạm tội ngoại tình là kẻ mất trí, Ai làm như vậy, tự huỷ diệt linh hồn mình” (Châm ngôn 6:32). “…Mỗi người sẽ bị phán xét tuỳ theo công việc mình đã làm” (Khải huyền 20:13).

Chúng ta phạm tội vì chúng ta chọn làm như vậy. Chúng ta không thể đổ lỗi cho "Số phận", cơ duyên, tiền định hay Chúa. Gia cơ 1:13-14, nói rằng: “đang lúc bị cảm dỗ đừng ai nói: “Tôi bị Đức Chúa Trời cám dỗ” vì Đức Chúa Trời không thể nào bị điều ác cám dỗ, và chính Ngài cũng không cám dỗ ai. Nhưng mỗi người bị cám dỗ bởi chính dục vọng mình lôi cuốn và quyễn dụ”.

Điều đáng lưu ý là nhiều người chọn phạm tội lại tỏ ra khó chịu với những hậu quả tiêu cực của tội lỗi họ. “Sự ngu dại của một người phá hỏng đường lối người, và lòng người lại oán trách Đức Ghê-hô-va” (Châm ngôn 19:3). Đây là một câu Kinh Thánh rất sâu sắc. Khi một người ngu ngốc tự phá hoại cuộc đời mình, người đó vẫn có thể khăng khăng đổ lỗi cho Đức Chúa Trời, hoặc có lẽ là “ Định mệnh”. Bằng cách này người đó vẫn tiếp tục theo đuổi sự điên rồ của mình.

Kinh Thánh cũng dạy rằng chúng ta chọn có đức tin. Mệnh lệnh phải tin được lặp đi lặp lại thường xuyên trong Kinh Thánh ngụ ý rằng trong vấn đề này, chúng ta luôn có một sự lựa chọn. “…Đừng vô tín, nhưng hãy tin…” (Giăng 20:27, cũng có thể xem thêm ở Công vụ các sứ đồ 16:31; 19:4).

Định mệnh và vận mệnh – Quyền tối thượng của Đức Chúa Trời

Đừng để chúng ta hiểu sai ý, chúng ta không là chủ nhân của số phận mình. Chỉ có Đức Chúa Trời là Đấng tối cao. Quyền kiểm soát chủ quyền của Ngài được gọi là “Sự quan phòng”. Ngài đã chọn để ban cho chúng ta sự tự do ý chí, và Ngài đã tạo một luân thường đạo lý, trong đó luật nhân quả đã được thành lập. Nhưng, chỉ Đức Chúa trời là Đức Chúa trời duy nhất và không có gì là “ngẫu nhiên / tình cờ hay sự cố” trong vũ trụ.

Một Đức Chúa Trời toàn tri, toàn năng phải có một kế hoạch, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi Kinh Thánh nói về một kế hoạch thiêng liêng. Kế hoạch của Đức Chúa Trời, nó thuộc về Đức Chúa Trời nên nó thánh khiết, khôn ngoan và nhân từ. Sự quan phòng của Đức Chúa Trời đang hành động để thực hiện các kế hoạch tạo dựng ban đầu của Ngài .

Đức Chúa Trời đã phán trong Ê-sai 48:3, “Ta đã báo trước từ xưa những việc qua rồi, những việc ấy ra từ miệng Ta, và Ta đã nói cho chúng biết, Thình lình, Ta thực hiện, và những việc ấy xảy ra”. Đức Chúa Trời công bố, Ngài sẽ làm (và Ngài có thể công bố điều đó trước hàng thế kỷ!).

Chống lại kế hoạch của Đức Chúa Trời là vô nghĩa. “Chẳng có sự khôn ngoan, thông sáng hay là mưu kế nào có thể chống lại Đức Ghê-hô-va được” (Châm ngôn 21:30). Đó là lý do cho tại sao Tháp Ba-bên không bao giờ được hoàn thành (Sáng thế ký 11:1-9), tại sao những kẻ đã kiện cáo Đa-ni-ên đều bị đem quăng vào hầm sư tử (Đa-ni-ên 6:24), tại sao Giô-na ở trong bụng cá cá (Giô-na 1:15), và tại sao tôi gặp rắc rối khi tôi phạm tội

Ngay cả những gì chúng ta thường gọi là “cơ hội” hay “định mệnh” cũng nằm trong quyền kiểm soát của Đức Chúa Trời. “Người ta rút thăm trong vạt áo, nhưng mọi quyết định đến từ Đức Giê-hô-va” (Châm ngôn 16:33). Nói cách khác, Đức Chúa Trời tham dự vào việc điều hành thế giới.

Mọi điều xảy ra trên thế giới đều được thực hiện theo ý định của Đức Chúa Trời. Cái ác vẫn tồn tại, nhưng nó không được cho phép cản trở sự quan phòng của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời sử dụng ngay cả những tội lỗi của nhân loại cho mục đích của Ngài. “ Lòng của vua trong tay Đức Giê-hô-va khác nào dòng nước chảy, Ngài muốn làm nghiêng lệch nó bên nào tuỳ ý Ngài” (Châm ngôn 21:1). “Đức Chúa Trời đã tác động tấm lòng của những người Ai cập” (Xuất Ai Cập 12:36) và Vua Ạt-ta-xét-xe (E-xơ-ra 7:27) để thực hiện ý định của Ngài. Ngay cả khi ý định của loài người hoàn toàn là ác, Đức Chúa Trời vẫn có thể thực hiện ý muốn của Ngài, như trường hợp của những người đã đóng đinh Chúa Giêsu (Công vụ 2:23; 4:27-28).

Kế hoạch của Đức Chúa Trời bao gồm phần thưởng cho những ai tin cậy nơi Ngài, và Ngài hứa sẽ làm vinh hiển con cái Ngài. “Nhưng chúng tôi rao giảng sự khôn ngoan, mầu nhiệm và kín giấu của Đức Chúa Trời, điều đã được Đức Chúa Trời định sẵn từ trước các thời đại…Như điều đã chép: ‘những gì mắt chưa thấy, tai chưa nghe, và lòng chưa nghĩ đến thì Đức Chúa Trời đã dành sẵn cho những người yêu mến Ngài’” (I Cô-rinh-tô 2: 7-9). Lưu ý việc sử dụng từ vận mệnh trong đoạn văn này — đó là vận mệnh dựa trên tình yêu mến của chúng ta đối với Chúa.

Đinh mệnh và vận mệnh – Một kế hoạch cá nhân

Quyền tể trị của Đức Chúa Trời thậm chí còn đạt đến một kế hoạch cho cuộc sống cá nhân của chúng ta. Điều này được minh họa trong việc Đức Chúa Trời kêu gọi Giê-rê-mi — trước cả khi nhà tiên tri được sinh ra. "Lời của Đức Giê-hô-va phán với tôi rằng: 'Trước khi tạo nên con trong lòng mẹ, Ta đã biết con; Trước khi con ra đời, Ta đã biệt riêng con, Ta đã lập con làm nhà tiên tri cho các nước’” (Giê-rê-mi 1: 4-5).

Đa-vít cũng nhận ra rằng Đức Chúa Trời đã có một kế hoạch cho ông. “Mắt Chúa đã thấy thể chất vô hình của con; số các ngày định cho con, đã biên vào sổ Chúa khi chưa có một ngày nào trong các ngày ấy” (Thi thiên 139:16). Vì sự hiểu biết này, Đa-vít đã tìm kiếm sự hướng dẫn cụ thể của Chúa trong nhiều tình huống, chẳng hạn như trong 1 Sa-mu-ên 23: 9-12.

Định mệnh và vận mệnh – Gắn kết tất cả lại với nhau

Trong Công Vụ Các Sứ Đồ 9, Chúa Giê-su hiện ra với Sau-lơ người Tạt-sơ với một câu nói thú vị: “Đá vào mũi nhọn thì thật khó chịu cho ngươi” (câu 5; Công vụ 26:14). Rõ ràng Chúa Giê-su đã có một kế hoạch cho Sau-lơ, và Sau-lơ đã phải chịu đựng nó (sự đau đớn). Thực hiện quyền tự do của chúng ta chống lại kế hoạch của Đức Chúa Trời có thể gây đau đớn.

Sau đó, Chúa Giêsu nói với Sau-lơ rằng một người tên là A-na-nia sẽ đến thăm — và rồi Chúa Giêsu nói với A-na-nia (Công vụ 9, câu 11-12)! Rõ ràng, Chúa Giê-su cũng đã có một kế hoạch sắp đặt trước cho A-na-nia. Bây giờ, A-na-nia không muốn đến thăm Sau-lơ (Công vụ 9, câu 13-14). Ông ta có thể giống như Giô-na và đi theo một hướng khác. Nếu đó là sự lựa chọn của ông ta, Đức Chúa Trời sẽ chuẩn bị sẵn một "con cá" để mang ông trở lại. Nhưng may mắn thay, A-na-nia đã vâng lời (câu 17). Thực hiện quyền tự do của chúng ta để làm theo kế hoạch của Đức Chúa Trời sẽ mang lại một phước lành.

Tóm lại, Kinh Thánh dạy rằng Đức Chúa Trời là Đấng cầm quyền. Đồng thời, Ngài ban cho chúng ta quyền tự do để vâng lời hoặc không vâng lời Ngài, và có một số điều mà Đức Chúa Trời chỉ làm khi đáp lời cầu nguyện (Gia-cơ 4:2).

Đức Chúa Trời ban phước cho những người vâng lời, và Ngài kiên nhẫn với những người không vâng lời, thậm chí đến mức có vẻ lỏng lẻo. Ngài có một kế hoạch cho cuộc đời của chúng ta, bao gồm niềm vui của chúng ta và vinh hiển của Ngài cả trong đời này và trong đời sau. Những người tiếp nhận Đấng Christ là Đấng Cứu Rỗi đã chấp nhận kế hoạch của Đức Chúa Trời (Giăng 14: 6). Từ đó trở đi, chúng ta từng bước tuân theo những điều tốt nhất của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta,và cầu nguyện cho ý muốn của Ngài được thực hiện (Ma-thi-ơ 6:10) và tránh xa tội lỗi (Thi-thiên 32:1-11; 119:59; Hê-bơ-rơ 12:1-2).

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Kinh Thánh nói gì về định mệnh / vận mệnh?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries