settings icon
share icon
Câu hỏi

Trận lụt trong thời Nô-ê diễn ra như thế nào?

Trả lời


Trận lụt cả thế gian trong thời của Nô-ê là sự phán xét trực tiếp của một Đức Chúa Trời công chính. Kinh Thánh cho biết trận lụt đã quét sạch “từ loài người cho đến loài thú, loài côn trùng, cùng loài chim trời” — mọi sự sống ở trên mặt đất (Sáng thế ký 7:23). Một số người ngày nay cảm thấy bị xúc phạm bởi câu chuyện nước lụt, họ nói rằng đó là bằng chứng về một Đức Chúa Trời bất công, độc đoán hoặc đơn thuần là sự hèn hạ. Họ cáo buộc Kinh Thánh quảng bá một Đức Chúa Trời thất thường, phán xét bừa bãi và cho rằng chỉ kẻ bắt nạt mới có thể nhấn chìm tất cả mọi loài, kể cả trẻ em và tất cả những động vật vô tội.

Những cuộc tấn công như vậy đối với Đức Chúa Trời không có gì là mới. Chừng nào còn có tội nhân trên thế gian, thì còn những cáo buộc rằng Đức Chúa Trời không công bình. Hãy xem xét cách đổ lỗi tinh vi của A-đam. Khi được hỏi về việc ăn trái cấm, A-đam nói: “Người nữ mà Chúa đã để gần bên tôi - cho tôi trái cây đó và tôi đã ăn rồi” (Sáng thế ký 3:12). Đó là, lỗi của người nữ, và của Đức Chúa Trời, vì Ngài đã tạo ra người nữ. Nhưng việc đổ lỗi cho Đức Chúa Trời không làm giảm nhẹ tội lỗi của A-đam. Và việc gọi Đức Chúa Trời là "bất công" vì đã cho trận lụt xảy ra sẽ không làm cho chúng ta bớt đi tội lỗi.

Trận lụt trong thời Nô-ê có nhiều điểm tương đồng với lịch sử. Đức Chúa Trời phán xét dân Ca-na-an bằng mệnh lệnh tận diệt họ (Phục truyền luật lệ ký 20:16–18). Ngài cũng phán xét thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ (Sáng thế ký 19: 24–25), thành Ni-ni-ve (Nahum 1:14) và thành Ty-rơ (Ê-xê-chi-ên 26: 4) theo cách tương tự. Và sự phán xét cuối cùng trước Tòa Lớn và Trắng sẽ khiến tất cả những kẻ ác từ mọi thời bị ném xuống hồ lửa (Khải Huyền 20:11–15). Thông điệp rõ ràng của Kinh Thánh là Đức Chúa Trời phán xét tội lỗi, cho dù là bởi một đội quân xâm lược, bằng lửa và diêm sinh, hay bởi một trận lụt thảm khốc cả thế gian.

Trận lụt xảy ra chỉ bởi vì Đức Chúa Trời đã truyền lệnh (và Đức Chúa Trời là công bình). “Đức Giê-hô-va là ngay thẳng . . . và trong Ngài không có sự bất nghĩa” (Thi thiên 92:15). “Sự công bình và sự chánh trực là nền của ngôi Chúa …” (Thi thiên 89:14). Đức Chúa Trời luôn luôn làm những gì đúng. Các sắc lệnh và phán quyết của Ngài luôn luôn chánh trực. Nếu Ngài ra lệnh rằng cả thế gian sẽ bị ngập lụt, thì Ngài sẽ làm như vậy, bất kể loài người hoài nghi nói gì. Không có gì ngạc nhiên khi chúng ta có xu hướng xác định công lý theo cách có lợi cho bản thân.

Trận lụt chỉ vì loài người xấu xa. “Đức Giê-hô-va thấy sự hung ác của loài người trên mặt đất rất nhiều, và các ý tưởng của lòng họ chỉ là xấu luôn” (Sáng thế ký 6:5). Chúng ta không thể hình dung hết mức độ của sự gian ác ngày đó. Chúng ta chưa bao giờ thấy điều tương tự. Sự hung ác là "rất lớn", và mọi ý tưởng trong lòng của mọi người chỉ toàn là sự ác. Không có sự tốt lành nào trên thế gian này; tất cả đã hoàn toàn bại hoại. Không có gì bên trong họ là không xấu xa. Những người vào thời Nô-ê không phải là những kẻ đơn thuần phạm tội; mà là họ đã lao vào, và tất cả mọi điều họ làm là một sự ghê tởm.

Bản văn cung cấp một số manh mối về mức độ của tội ác trước trận lụt. Một vấn đề nổi cộm là bạo lực tràn lan: “Thế gian bấy giờ đều bại hoại trước mặt Đức Chúa Trời và đầy dẫy sự hung ác” (Sáng thế ký 6:11). Những hậu duệ của Cain, kẻ sát nhân đầu tiên, đã đổ máu rất nhiều. Một tệ nạn khác giữa những người thời bấy giờ là tình dục huyền bí. Sáng thế ký 6:1–4 đề cập đến Nephilim - "những người mạnh dạn ngày xưa là tay anh hùng có danh", những người đó là sản phẩm của sự kết hợp giữa các thiên sứ sa ngã và con gái loài người. Những con quỷ tham dự vào tội lỗi này hiện đang ở trong “vực sâu, tại đó họ bị trói buộc bằng xiềng nơi tối tăm để chờ sự phán xét” (2 Phi-e-rơ 2:4). Những người tham gia — và bản thân Nephilim — đã bị tiêu diệt trong trận lụt. Kinh Thánh mô tả về loài người trước trận lụt là họ đã trở nên hoàn toàn cứng rắn và không thể ăn năn được nữa. Mọi việc tồi tệ đến nỗi Đức Chúa Trời "tự trách đã dựng nên loài người trên mặt đất, và buồn rầu trong lòng” (Sáng thế ký 6:6).

Nhưng những đứa trẻ bị chết đuối thì sao? Thực tế là tội lỗi ảnh hưởng đến toàn xã hội, không chỉ những người cố tình tham dự vào điều ác. Khi một xã hội khuyến khích phá thai, kết quả là trẻ sơ sinh chết. Khi một người cha hoặc người mẹ bắt đầu sử dụng ma túy bất hợp pháp, con cái của họ sẽ phải gánh chịu hậu quả. Và, trong trường hợp của thế hệ Nô-ê, khi một nền văn hóa tự phó mặc cho bạo lực và tình dục dị thường, thì những đứa trẻ đã phải gánh chịu. Nhân loại đã đem trận lụt đến cho chính họ và con cái của họ.

Trận lụt chỉ vì tất cả tội lỗi đều là tội ác. “Tiền công của tội lỗi là sự chết” (Rô-ma 6:23). Chúng ta không nên bị sốc khi Đức Chúa Trời quét sạch dân số thế giới bằng một trận lụt; chúng ta sẽ bị sốc rằng Ngài đã không làm điều gì đó tương tự như vậy đối với chúng ta! Tội nhân thường có cái nhìn nhẹ nhàng về tội lỗi, nhưng tất cả tội lỗi đều đáng bị chết. Chúng ta xem lòng thương xót của Đức Chúa Trời là điều hiển nhiên, như thể chúng ta xứng đáng để được, nhưng chúng ta phàn nàn về sự công bình của Đức Chúa Trời như thể nó không công bình bằng cách nào đó, như thể chúng ta không đáng để phải chịu như vậy.

Trận lụt xảy ra chỉ bởi vì Đấng Tạo Hóa có quyền làm theo ý muốn của Ngài với tạo vật của Ngài. Vì người thợ gốm có thể làm bất cứ điều gì mình muốn với đất sét trên bánh xe của mình, nên Đức Chúa Trời có quyền làm theo ý Ngài bằng công việc của chính tay Ngài. “Điều nào đẹp ý Đức Giê-hô-va làm, Ngài bèn làm điều nấy, hoặc trên trời, dưới đất, trong biển, hay là trong các vực sâu” (Thi thiên 135: 6).

Đây là phần đáng kinh ngạc nhất của câu chuyện về cơn nước lụt: “Nô-ê được ơn trước mặt Đức Giê-hô-va” (Sáng thế ký 6:8). Ân điển của Đức Chúa Trời kéo dài trong sự sáng tạo bị hủy hoại, nhuốm màu tội lỗi và sự bảo tồn một người đàn ông và gia đình của ông. Khi làm như vậy, Đức Chúa Trời đã bảo tồn cả loài người thông qua dòng dõi thánh của Sết. Và, khi đưa các con vật vào trong tàu, Đức Chúa Trời cũng bảo tồn phần còn lại sự sáng tạo của Ngài. Vì vậy, sự phán xét của Đức Chúa Trời không phải là một sự hủy diệt hoàn toàn; nó là một sự tái thiết.

Sự phán xét của Đức Chúa Trời vào thời Nô-ê đi kèm với ân điển. Ngài là một “Đức Chúa Trời nhân từ, thương xót, chậm giận, đầy dẫy ân huệ và thành thực, ban ơn đến ngàn đời, xá điều gian ác, tội trọng, và tội lỗi; nhưng chẳng kể kẻ có tội là vô tội, và nhân tội tổ phụ phạt đến con cháu trải ba bốn đời” (Xuất Ê-díp-tô Ký 34: 6–7). Đức Chúa Trời muốn kẻ ác ăn năn và được sống (Ê-xê-chi-ên 18:23). Đức Chúa Trời đã trì hoãn sự phán xét đối với người A-mô-rít trong bốn trăm năm (Sáng thế ký 15:16). Đức Chúa Trời sẽ tha cho Sô-đôm vì lợi ích của cả mười người công chính đang cư ngụ ở đó (Sáng thế ký 18:32). Nhưng, cuối cùng, sự phán xét của Ngài đã phải giáng xuống.

Nô-ê đã mất tới một trăm năm để đóng con tàu. Chúng ta có thể giả định rằng, nếu những người khác muốn lên tàu và được cứu, họ đã có thể làm như vậy. Nhưng điều đó cần phải có đức tin. Một khi Đức Chúa Trời đóng cửa lại, thì đã quá muộn; họ đã đánh mất cơ hội của mình (Sáng thế ký 7:16). Vấn đề là Đức Chúa Trời không bao giờ đưa ra sự phán xét mà không có sự cảnh báo trước. Như nhà bình luận Matthew Henry đã nói, "Không ai bị trừng phạt bởi công lý của Đức Chúa Trời, nhưng những ai không muốn được biến đổi bởi ân điển của Đức Chúa Trời."

Cơn nước lụt cả thế gian vào thời Nô-ê là một hình phạt chính đáng của tội lỗi. Những người nói trận lụt là bất công có lẽ không thích ý tưởng về sự phán xét ngay từ đầu. Câu chuyện về Nô-ê là một lời nhắc nhở sống động rằng, dù muốn hay không, thì sẽ có một sự phán xét khác sắp xảy ra: “Trong đời Nô-ê thể nào, khi Con người đến cũng thể ấy” (Ma-thi-ơ 24:37). Bạn đã sẵn sàng chưa, hay bạn sẽ bị cuốn đi?

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Trận lụt trong thời Nô-ê diễn ra như thế nào?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries