settings icon
share icon
Câu hỏi

Tại sao các tôn giáo lại không thể cùng tồn tại một cách hòa bình?

Trả lời


Người ta thường nói rằng nhiều cuộc chiến đã xảy ra nhân danh tôn giáo hơn bất cứ điều gì khác. Tuy nhận định đó hoàn toàn không chính xác nhưng nhiều người vẫn trăn trở với câu hỏi “Tại sao các tôn giáo không thể cùng tồn tại một cách hòa bình? Câu trả lời ngắn gọn là vì các tôn giáo khác nhau đang cạnh tranh với nhau để giành lấy trái tim và linh hồn của con người. Bản chất của niềm tin tôn giáo là độc quyền, bởi vì mỗi tôn giáo đưa ra những tuyên bố về chân lý trái ngược với những tuyên bố của các tôn giáo khác.

Mỗi tôn giáo đều cần giải quyết những câu hỏi cơ bản: Con người đến từ đâu, tại sao con người lại ở đây? Liệu có sự sống sau cái chết? Có Đức Chúa Trời hay không, và làm thế nào để chúng ta có thể nhận biết Ngài? Những câu hỏi này giúp định hình nên thế giới quan của một con người, triết lý nền tảng về cách một người đối phó với cuộc sống. Khi hai người có câu trả lời khác nhau cho những câu hỏi này, chắc chắn sẽ có xung đột ở một số lĩnh vực nào đó. Xung đột này có thể từ một bất đồng thân thiện cho đến một trận chiến sinh tử, tùy thuộc vào những người có liên quan. Vì có hàng trăm tôn giáo khác nhau trên thế giới và hàng triệu người đóng khung thế giới quan của họ, thật dễ dàng để nhận thấy rằng mọi thứ có thể leo thang như thế nào.

Thông thường, khi câu hỏi “tại sao các tôn giáo không thể cùng tồn tại” được đặt ra, thì trọng tâm chính là lịch sử của các cuộc đấu tranh giữa Cơ Đốc giáo, Do Thái giáo và Hồi giáo, mặc dù các tôn giáo khác cũng có đôi lúc tham gia vào cuộc chiến. Đôi khi, sự tương phản lại nảy sinh giữa chủ nghĩa hòa bình của chủ nghĩa thần bí phương Đông và bạo lực của chủ nghĩa độc thần truyền thống (Cơ Đốc giáo, Do Thái giáo, Hồi giáo), tuy vậy bạo lực và chủ nghĩa cực đoan cũng có thể được tìm thấy trong các tôn giáo thần bí. Một cái nhìn ngắn gọn về lịch sử như vậy sẽ xác nhận rằng mọi tôn giáo đều có những kẻ cực đoan và gánh phần trách nhiệm trong việc gây nên bạo lực. Nhưng, lại có một câu hỏi quan trọng cần đặt ra là liệu cuộc chiến tranh đổ máu là do có những mâu thuẩn về những giáo lý chính yếu của một tôn giáo hay nó xuất phát từ sự áp dụng sai lầm dựa trên những niềm tin đó?

Cơ Đốc giáo thường bị cáo buộc cho những hành động tàn bạo nhân danh Chúa Giê-su Christ. Các cuộc Thập tự chinh (1096-1272), Tòa án dị giáo (1200-1800), và Cuộc chiến tôn giáo của Pháp (1562-98) là những ví dụ điển hình. Tất cả những sự kiện này đều được thực hiện dưới sự bảo trợ và chấp thuận của Giáo hội Công giáo La Mã, nhưng rõ ràng chúng đã vi phạm những lời dạy của Chúa Giê-su Christ. Trên thực tế, cả Tòa án Dị giáo và Cuộc chiến Tôn giáo của Pháp đều là những cuộc tấn công của những người Công giáo chống lại những Cơ Đốc nhân nào không đồng ý với giáo lý và nghi lễ của Giáo hội Công giáo. Viết về lịch sử này, Noah Webster nói, "Các cơ sở giáo hội của châu Âu phục vụ hỗ trợ các chính phủ chuyên chế không phải là tôn giáo của Cơ Đốc giáo mà là sự lạm dụng và phá hoại tôn giáo."

Khi xem xét lời dạy của Chúa Giê-su và của các sứ đồ, rõ ràng Cơ Đốc nhân được dạy phải có phẩm chất sống hòa bình với nhau. Rô-ma 12:14 và 18 dạy rằng: “Hãy chúc phước cho kẻ bắt bớ anh em; hãy chúc phước, chớ nguyền rủa… Nếu có thể được, thì hãy hết sức mình mà hòa thuận với mọi người”. Chúa Giê-su cũng dạy trong Ma-thi-ơ 5:39 “đừng chống cự kẻ dữ. Trái lại, nếu ai vả má bên hữu ngươi, hãy đưa má bên kia cho họ luôn;” Phi-e-rơ viết thư dạy rằng “Đừng lấy ác trả ác, cũng đừng lấy rủa sả trả rủa sả; trái lại, phải chúc phước, ấy vì điều đó mà anh em được gọi để hưởng phước lành.” (I Phi-e-rơ 3:9)

Do Thái giáo bị cáo buộc là khuấy động bạo lực, nhưng trong suốt lịch sử, người Do Thái đã phải nhận lấy hậu quả của bạo lực trong hơn hai ngàn năm. Ở mọi quốc gia nơi họ sinh sống, họ đều bị nói xấu và bị ngược đãi, mặc dù họ sống yên bình và cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho người khác. Một số người sẽ chỉ ra những đoạn trong Cựu Ước, trong đó người Do Thái được truyền lệnh phải tiêu diệt các quốc gia khác và nói rằng điều này chứng tỏ những hành vi bạo lực của Do Thái giáo. Điều thú vị là, mặc dù Đức Chúa Trời đã truyền lệnh cho người Do Thái phải quét sạch dân ngoại bang khi vào Đất Hứa (Phục truyền luật lệ ký 7:1-5) để ngăn dân sự của Ngài rơi vào tình trạng thờ hình tượng, Ngài cũng truyền cho họ không được “bạc đãi khách ngoại bang, và cũng chẳng nên hà hiếp họ” (Xuất Ê-díp-tô Ký 22:21). Và Ngài đã mở rộng lời mời gọi cho tất cả mọi người, không chỉ người Do Thái, tin vào Ngài và được cứu (Ê-sai 45:22; Rô-ma 10:12; 1 Ti-mô-thê 2: 4). Ý định của Đức Chúa Trời là ban phước cho tất cả mọi người thông qua người Do Thái (Sáng thế ký 12: 3; Ê-sai 49: 6). Đạo Do Thái dạy người ta “làm sự công bình, ưa sự nhân từ và bước đi cách khiêm nhường với Đức Chúa Trời” (Mi-chê 6:8).

Hồi giáo cũng bị cáo buộc là bạo lực, và trong những năm gần đây, nhiều người đã cố gắng phân biệt giữa chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo và "tôn giáo của hòa bình". Không còn nghi ngờ gì nữa, có rất nhiều người theo Hồi giáo ôn hòa, nhưng rõ ràng là nền tảng của Hồi giáo bắt nguồn từ bạo lực. Muhammad (570-632), người sáng lập và nhà tiên tri của đạo Hồi, lớn lên ở thành phố Mecca và bắt đầu rao giảng những điều mặc khải của mình ở tuổi 40. Khi một số bộ lạc phản đối ông, ông đã dẫn dắt những người theo đạo của mình vào một chiến dịch tàn bạo để đánh bại và cải đạo họ. Nhiều khải tượng đã được đưa ra khuyến khích người Hồi giáo giết những người không tin (Surah 2:191; 4:74; 8:12), và đó là cách chính yếu mà đạo Hồi đã truyền bá trong suốt lịch sử của nó. Khi Hoa Kỳ chiến tranh với cướp biển Barbary, Ngoại trưởng Timothy Pickering đã nói: “Tuyên bố rằng chiến tranh với những người theo đạo Cơ Đốc sẽ đảm bảo sự cứu rỗi linh hồn của họ, và tìm thấy những lợi thế thế tục to lớn trong việc tuân thủ nghĩa vụ tôn giáo này, sự thúc đẩy của họ để chiến đấu trong tuyệt vọng là rất mạnh mẽ". Trái ngược với những kẻ cực đoan Cơ đốc giáo, những người rõ ràng đã vặn vẹo Kinh thánh để biện minh cho bạo lực của họ, những người theo Hồi giáo cực đoan có thể chỉ ra sự dạy dỗ và thực hành rõ ràng của người sáng lập để ủng hộ hành vi của họ. Chính những người ôn hòa trong đạo Hồi phải giải thích những câu thơ dung túng bạo lực.

Một từ có thể tóm tắt lý do tại sao các tôn giáo không thể chung sống hòa bình ấy là: tội lỗi. Bởi vì tội lỗi ảnh hưởng đến tất cả mọi người, nên khuynh hướng đấu tranh có thể nổi lên ngay cả trong bối cảnh tôn giáo. Trong khi các tôn giáo khác nhau có thể có những lợi ích tích cực giống nhau cho xã hội, tất cả các tôn giáo không bình đẳng. Chỉ có Cơ Đốc giáo mới giải quyết vấn đề tội lỗi bằng cách thay đổi tấm lòng của con người. “Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới.” (2 Cô-rinh-tô 5:17).

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Tại sao các tôn giáo lại không thể cùng tồn tại một cách hòa bình?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries