settings icon
share icon
Câu hỏi

Là cha mẹ, làm sao tôi có thể buông bỏ những đứa con của tôi đã trưởng thành?

Trả lời


Buông bỏ con cái đã trưởng thành là một cuộc đấu tranh của tất cả các bậc cha mẹ, cho người tin Chúa lẫn người không tin. Khi chúng ta cho rằng gần hai mươi năm cuộc đời của mình được đầu tư vào việc nuôi dạy, dưỡng dục và chăm sóc một đứa trẻ, chúng ta dễ dàng hiểu tại sao việc buông bỏ vai trò đó lại là một nhiệm vụ khó khăn. Đối với hầu hết các bậc cha mẹ, việc nuôi dạy con cái tiêu tốn thời gian, sức lực, tình yêu và sự quan tâm của chúng ta trong suốt hai thập kỷ. Chúng ta đầu tư tấm lòng, tâm trí và tinh thần của mình vào thể chất, cảm xúc, xã hội và tinh thần của chúng, và có thể rất khó khăn khi phần đó của cuộc đời chúng ta kết thúc. Các bậc cha mẹ thấy mình trong “tổ ấm trống trãi” thường phải vật lộn để tìm sự cân bằng thích hợp giữa tình yêu thương và sự quan tâm dành cho con cái đã trưởng thành trong khi chống lại sự thôi thúc tiếp tục kiểm soát.

Theo Kinh Thánh, chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời rất xem trọng vai trò của cha mẹ. Có rất nhiều lời khuyên hữu ích về việc nuôi dạy con cái trong Kinh Thánh. Cha mẹ phải nuôi dạy con cái trong sự “huấn luyện và dạy dỗ của Chúa”, không làm chúng bực bội hay tức giận (Ê-phê-sô 6:4). Chúng ta phải “dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo” (Châm Ngôn 22:6), cho nó những món quà tốt (Ma-thi-ơ 7:11), yêu thương và kỷ luật trẻ vì lợi ích của chúng (Châm Ngôn 13:24), và chu cấp nhu cầu của chúng (I Ti-mô-thê 5:8). Trớ trêu thay, các bậc cha mẹ thường xem trọng vai trò nuôi dạy con cái của họ nhất và những người làm rất tốt vai trò của mình lại gặp khó khăn nhất trong việc buông bỏ. Người mẹ dường như gặp khó khăn trong việc buông bỏ hơn người cha, có thể là do sự thôi thúc mạnh mẽ của người mẹ trong việc nuôi dưỡng và chăm sóc con cái cũng như lượng thời gian dành cho chúng khi chúng lớn lên.

Trở ngại lớn nhất trong việc buông bỏ con cái chính là nỗi lo lắng sợ hãi. Thế giới là một nơi đáng sợ, và vô số câu chuyện về những điều khủng khiếp xảy ra khiến cho nỗi sợ hãi của chúng ta gia tăng. Khi con chúng ta còn nhỏ, chúng ta có thể theo dõi mọi khoảnh khắc của chúng, kiểm soát môi trường và bảo vệ chúng an toàn. Nhưng khi lớn lên và trưởng thành, chúng bắt đầu tự mình bước ra thế giới. Chúng ta không còn kiểm soát mọi hành động của chúng, chúng nhìn thấy ai, đi đâu và làm gì. Đối với cha mẹ Cơ Đốc thì đây là lúc thể hiện hành động của đức tin. Có lẽ không có gì trên thế gian thử thách đức tin của chúng ta nhiều hơn là thời điểm mà con cái chúng ta bắt đầu cắt đứt những ràng buộc đã giữ chúng gần gũi với chúng ta. Buông bỏ con cái không có nghĩa là chỉ thả chúng ra ngoài thế giới để chúng tự bảo vệ mình. Nó có nghĩa là giao chúng cho Cha trên trời của chúng ta, Đấng yêu thương chúng hơn chúng ta, và là người hướng dẫn và bảo vệ chúng theo ý muốn hoàn hảo của Ngài. Thực tế chúng là con cái của Ngài, chúng thuộc về Ngài, không thuộc về chúng ta. Chúa đã cho chúng ta mượn chúng một thời gian và hướng dẫn chúng ta cách chăm sóc chúng. Nhưng cuối cùng, chúng ta phải trả chúng lại cho Ngài và tin rằng Ngài sẽ yêu thương và nuôi dưỡng tâm linh của chúng giống như cách chúng ta đã nuôi dưỡng chúng về mặt thể xác. Càng đặt đức tin nơi Ngài, chúng ta càng ít sợ hãi và càng sẵn lòng giao con cái của mình cho Ngài.

Giống như rất nhiều điều trong đời sống Cơ Đốc, khả năng thực hiện điều này tùy thuộc vào mức độ chúng ta hiểu biết về Đức Chúa Trời và dành bao nhiêu thời gian cho Lời Ngài. Chúng ta không thể tin người mà mình không biết, và không thể biết Chúa ngoại trừ qua Kinh Thánh. Khi Chúa hứa sẽ không thử thách chúng ta hơn khả năng chịu đựng của chúng ta (I Cô-rinh-tô 10:13), làm sao chúng ta có thể tin được điều đó trừ khi chúng ta biết trong lòng rằng Ngài là thành tín? Phục truyền luật lệ ký 7:9 nói, “Vậy nên, phải nhận biết rằng Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, ấy là Đức Chúa Trời, tức Đức Chúa Trời thành tín, giữ sự giao ước và nhân từ đến ngàn đời cho những người yêu mến Ngài và vâng giữ các điều răn Ngài”. Phục truyền luật lệ ký 32:4 đồng tình: “Công việc của Hòn Đá là trọn vẹn, vì các đường lối Ngài là công bình. Ấy là Đức Chúa Trời thành tín và vô tội. Ngài là công bình và chánh trực”. Nếu chúng ta thuộc về Ngài, Ngài sẽ thành tín với chúng ta và con cái chúng ta, cũng như chúng ta càng biết và tin cậy Ngài, thì chúng ta càng có thể đặt con cái mình trong bàn tay quyền năng của Ngài. Thiếu đức tin nơi Chúa và các mục đích của Ngài dành cho con cái chúng ta sẽ dẫn đến việc chúng ta không có khả năng hoặc không sẵn lòng buông bỏ chúng.

Vậy vai trò của cha mẹ là gì khi con cái đã trưởng thành? Chắc chắn chúng ta không bao giờ ‘buông bỏ’ chúng với nghĩa là bỏ rơi chúng. Chúng ta vẫn là và sẽ luôn luôn là cha mẹ của chúng. Nhưng mặc dù chúng ta không còn nuôi dưỡng và bảo vệ chúng về mặt thể chất, nhưng chúng ta vẫn lo lắng cho chúng. Nếu chúng ta ở trong Đấng Christ và con cái của chúng ta cũng vậy, thì chúng cũng là anh chị em của chúng ta trong Đấng Christ. Chúng ta liên hệ với chúng giống như chúng ta làm với những người bạn khác của chúng ta trong Chúa. Quan trọng nhất là chúng ta cầu nguyện cho chúng. Chúng ta khuyến khích con cái bước đi với Chúa và đưa ra lời khuyên khi chúng cần. Chúng ta trợ giúp nếu con cái cần và chấp nhận quyết định nhận hay từ chối của chúng. Cuối cùng, chúng ta tôn trọng quyền riêng tư của chúng giống như bất kỳ người lớn nào khác. Khi cha mẹ buông bỏ con cái đã trưởng thành, thì họ thường tìm thấy một mối quan hệ bền chặt hơn, sâu sắc hơn và viên mãn hơn những gì họ có thể tưởng tượng.

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Là cha mẹ, làm sao tôi có thể buông bỏ những đứa con của tôi đã trưởng thành?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries