settings icon
share icon
Câu hỏi

Cơ Đốc nhân có nên bè phái không?

Trả lời


Một bè phái có thể được hiểu là một nhóm độc quyền, là những người dành thời gian với nhau và không thân thiện với những người ngoài. Những người giống nhau có lực hút về phía nhau một cách tự nhiên, và đôi khi họ không hề nhận ra rằng mình đang tách thành một bè phái. Khi chúng ta tìm kiếm những người cùng sở thích, cùng có khiếu hài hước, và cùng giống nhau về thế giới quan, chúng ta lại muốn dành nhiều thời gian với người đó hơn. Chúng ta yêu thích được ở bên cạnh những người mà chúng ta nhận thấy họ cùng quan điểm hay cùng tính cách với mình. Việc dành thời gian cho một nhóm nhỏ bạn bè mà mình yêu thích là điều hoàn toàn bình thường và có thể chấp nhận được. Nhưng không thể chấp nhận được việc đối xử không tử tế với những người không thuộc nhóm của bạn. Kinh Thánh nói với chúng ta rằng hãy yêu thương mọi người như yêu chính mình (Ga-la-ti 5:14), kể cả những người khác biệt với chúng ta.

Các bè phái thường gắn liền với hành vi chưa trưởng thành của trẻ em tại trường học, nhưng một số hội thánh lại cũng nổi tiếng là có bè phái. Một số hệ phái nhất định có xu hướng tuyên truyền văn hóa bè phái nhiều hơn những hệ phái khác, và thái độ của hội chúng thường chính là sự phản ánh của giới lãnh đạo. Một mục sư cởi mở, khiêm tốn và mong muốn kết nối với mọi người thường dẫn dắt một hội thánh đầy những người có cùng thái độ. Tuy nhiên, những mục sư coi mình hơn hội chúng hoặc cô lập mình trong vòng vây chặt chẽ của một số ít thành viên được chọn có thể vô tình khuyến khích cho cho hội chúng của họ làm điều tương tự. I Phi-e-rơ 5: 5 cảnh báo chúng ta về những thái độ như vậy: “… Hết thảy đối đãi với nhau phải trang sức bằng khiêm nhường; vì Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo, mà ban ơn cho kẻ khiêm nhường.’

Chúng ta không thể không thu hút những người khiến chúng ta cảm thấy thoải mái và được chấp nhận. C. S. Lewis đã phát biểu một câu rất nổi tiếng rằng “tình bạn được sinh ra vào thời điểm khi một người nói với người khác là: “Cái gì! Bạn cũng vậy à? Tôi nghĩ mình là người duy nhất chứ!” Khi chúng ta tìm thấy một số người mà chúng ta có trải nghiệm như vậy, chúng ta có thể thích nhóm người của họ hơn những người mà chúng ta không biết rõ hoặc không đặc biệt quan tâm. Kết bạn với những người mới có thể khó xử và không thoải mái. Vì vậy, một cách tự nhiên, chúng ta tìm kiếm những người mà mình đã biết, và mô hình đó có thể dẫn đến việc tạo ra một bè phái. Một vòng kết nối bạn bè trở thành một bè phái khi họ mất hứng thú gặp gỡ những người mới và không đặc biệt chào đón một người mới khi họ cố gắng hòa nhập.

Giữa vòng hội thánh, sự xuất hiện của những bè phái có thể phá huỷ thuộc linh đối với những tân tín hữu, và đặc biệt là những tín đồ yếu đuối. Gia-cơ 2:1 nói rằng: “Hỡi anh em, anh em đã tin đến Đức Chúa Jêsus Christ, là Chúa vinh hiển chúng ta, thì chớ có tây vị người nào.” Sự thiên vị này có thể là do vị thế tài chính, mức độ nổi tiếng, ngoại hình, lối sống hoặc lịch sử cá nhân. Người tin Chúa phải nhận thức được khuynh hướng thiên vị và dập tắt nó bất cứ khi nào chúng ta nhận thấy nó trong chính mình. Khi chúng ta thừa nhận những định kiến của mình trước mặt Đức Chúa Trời, chúng ta đã tiến được một bước để vượt qua điều này. Chúng ta không thể thay đổi những gì bản thân không thừa nhận.

Có người cho rằng Chúa Giê-su là một trong những thành phần của một bè phái, vì Ngài đã dành nhiều thời gian của mình hơn cho Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng (Mác 5:37). Chúa Giê-xu có nhiều môn đồ (Giăng 6:60), nhưng chỉ có mười hai sứ đồ được chọn (Ma-thi-ơ 10: 1). Đúng là Ngài đã chia sẻ một số trải nghiệm tâm linh lớn hơn hết chỉ với những người gần gũi nhất với Ngài, nhưng điều đó có tạo thành một bè phái không?

Những người lành mạnh nhận ra rằng có nhiều cấp độ trong mối quan hệ và không phải tất cả mọi người đều xứng đáng có được mức độ tin cậy như nhau. Cuộc đời của Chúa Giê-su cho thấy sự cân bằng hoàn hảo trong các mối quan hệ. Ngài có một nhóm nhỏ trong vòng những người bạn đáng tin cậy, nhưng Ngài không dành tất cả thời gian rảnh rỗi chỉ cho họ mà thôi. Cuộc đời của Ngài dành cho việc tương tác, ban phước, dạy dỗ và phục vụ mọi người đến với Ngài, và Ngài dạy các môn đồ của Ngài làm điều tương tự (Ma-thi-ơ 4:23; 12:15; Lu-ca 20:1). Chúa Giê-su đã cho đi một cách vô vị lợi mà không cho phép người khác nhận lấy những gì Ngài không sẵn sàng cho đi. Ngay cả sự sống của chính Ngài cũng không bị tước đoạt khỏi Ngài, nhưng Ngài đã sẵn lòng ban cho nó (Giăng 10:18).

Chúng ta không thể cho đi tất cả thời gian của mình. Ngay cả Chúa Giê-su cũng dành thời gian để ở một mình với Cha (Mác 6:45-46). Ngài cũng khuyến khích các môn đồ nghỉ ngơi (Mác 6:31). Những người lành mạnh biết sự khác biệt giữa những người họ phục vụ và những người giúp họ mang gánh nặng phục vụ, và họ dành lượng thời gian và năng lượng thích hợp cho mỗi nhóm.

Một nhóm bạn thân có thể không nhất thiết phải bị xem là bè phái. Có thể đó là những người tìm được đồng đội để đỡ gánh nặng cho mình. Nếu họ cũng được đầu tư vào việc phục vụ người khác, cống hiến vị tha cho những người không thể đáp lại, thì họ có thể cần nhóm người này như một cách để giải tỏa khỏi áp lực của việc cho đi liên tục, giống như Chúa Giê-su đã làm. Những người lo mục vụ toàn thời gian đặc biệt cần những người chủ chốt mà họ tin cậy, những người mà họ có thể đơn giản là chính mình mà không có những đòi hỏi và áp lực liên tục để phục vụ. Những người không thuộc nhóm người này có thể ghen tị và gọi đó là bè phái, mà không nhận ra rằng tất cả mọi người - kể cả các lãnh đạo - đều cần một vài người bạn đáng tin cậy.

Mặc dù mục tiêu của mọi Cơ Đốc nhân trở nên gương mẫu của Đấng Christ và phát triển lòng nhân ái vị tha đối với mọi người, nhưng việc vun trồng tình bạn thân thiết cũng rất quan trọng. Tuy nhiên, nếu vòng tròn bạn bè này trở thành một khối khép kín cố tình loại trừ những đồng đội tiềm năng khác, nó có thể đã phát triển không lành mạnh. Nếu sự độc quyền của một nhóm trong hội thánh đang gây ra tổn thương hoặc xúc phạm trong thân thể của Đấng Christ, nhóm người đó nên xem xét việc sửa đổi bản thân để tránh mang tiếng là một bè phái.

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Cơ Đốc nhân có nên bè phái không?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries