settings icon
share icon
Câu hỏi

Khi nào thì việc bất tuân dân sự được cho phép đối với Cơ Đốc Nhân?

Trả lời


Hoàng đế La Mã từ năm 54 - 68 S.C là Nero Claudius Caesar Augustus Germanicus, hay còn được gọi đơn giản là Nero. Vị hoàng đế này không phải là người tin kính Chúa và đã tham dự vào nhiều việc làm không công bình, trong đó có hôn nhân đồng tính. Năm 64 S.C. trận hỏa hoạn thành Rô-ma xảy ra, và Nero bị cho là nghi phạm đã phóng hỏa. Trong tác phẩm của mình, sử gia và nghị sĩ thành Rô-ma Tacitus đã ghi chép lại, “để loại bỏ bản báo cáo [rằng chính ông ta đã gây ra trận hỏa hoạn], Nero đã buộc tội và giáng những đòn tra tấn tàn bạo nhất lên một tầng lớp bị ghét bỏ và kỳ thị, được dân chúng gọi là Cơ Đốc Nhân” (Biên Niên Sử, XV).

Chính trong thời trị vì của Nero, sứ đồ Phao-lô đã viết bức thư gửi cho hội thánh tại thành Rô-ma. Một người bình thường có thể mong đợi ông khuyến khích các Cơ Đốc Nhân tại Rô-ma nổi dậy chống lại kẻ cầm quyền áp bức của họ, nhưng trong chương 13 chúng ta lại đọc thấy:

“Mọi người phải phục tùng nhà cầm quyền; vì chẳng có thẩm quyền nào mà không đến từ Đức Chúa Trời; các nhà cầm quyền hiện có đều do Đức Chúa Trời chỉ định. Cho nên ai chống đối nhà cầm quyền là chống lại mệnh lệnh Đức Chúa Trời đã lập; và những người làm vậy sẽ chuốc lấy sự phán xét cho mình. Vì nhà chức trách không phải để cho người lương thiện sợ, mà để cho người gian ác sợ. Bạn muốn khỏi phải sợ nhà cầm quyền chăng? Hãy làm điều tốt đẹp, và bạn sẽ được khen thưởng; vì họ là đầy tớ của Đức Chúa Trời để làm ích lợi cho bạn. Nhưng nếu bạn làm điều gian ác thì hãy lo sợ, vì họ mang gươm không phải là vô cớ đâu; họ là đầy tớ của Đức Chúa Trời để thi hành sự trừng phạt đối với kẻ làm điều gian ác. Cho nên phải phục tùng nhà cầm quyền, không những vì sợ bị trừng phạt nhưng cũng vì lương tâm nữa. Cũng vì lý do đó mà anh em nộp thuế, vì nhà cầm quyền là đầy tớ của Đức Chúa Trời để lo công việc nầy. Hãy trả cho mọi người điều mình mắc nợ: nộp thuế cho kẻ mình phải nộp; đóng lợi tức cho người mình phải đóng; sợ kẻ mình đáng sợ; tôn trọng người đáng tôn trọng” (Rô-ma 13:1-7).

Kể cả khi phải ở dưới sự cai trị của một hoàng đế tàn bạo và vô tín, Phao-lô bởi sự cảm thúc của Đức Thánh Linh, vẫn khuyên đọc giả của mình phải vâng phục nhà cầm quyền. Hơn thế nữa, ông nhấn mạnh rằng không có thẩm quyền nào tồn tại nếu không phải bởi sự chỉ định của Đức Chúa Trời, và các nhà cầm quyền đều đang phục sự Chúa trong vai trò chính trị của mình.

Phi-e-rơ cũng viết về điều tương tự trong hai thư tín Tân Ước của ông:

“Vì Chúa, hãy thuận phục mọi thẩm quyền của loài người, hoặc với vua là người nắm quyền tối cao, hoặc các tổng đốc là những người được vua phái đến để trừng phạt kẻ làm ác và khen thưởng người làm lành. Vì ý muốn của Đức Chúa Trời là anh em làm điều lành để làm câm lặng lời ngây ngô của những kẻ ngu dại. Là đầy tớ của Đức Chúa Trời, anh em hãy sống như những người tự do, nhưng đừng dùng sự tự do của mình làm màn che sự gian ác. Hãy tôn trọng mọi người, yêu thương anh em cùng niềm tin, kính sợ Đức Chúa Trời, tôn trọng vua.” (I Phi-e-rơ 2:13-17).

Lời dạy của cả Phao-lô và Phi-e-rơ đều dẫn đến không ít những thắc mắc từ các Cơ Đốc Nhân ở những nơi mà việc bất tuân dân sự đang được cân nhắc. Có phải Phao-lô và Phi-e-rơ muốn nói rằng Cơ Đốc Nhân phải luôn vâng phục bất cứ mệnh lệnh nào từ các nhà cầm quyền, dù cho sự đòi hỏi đó là gì hay không?

Sơ lược những quan điểm khác nhau về bất tuân dân sự

Có ít nhất 3 góc nhìn khác nhau về vấn đề bất tuân dân sự. Góc nhìn của chủ nghĩa vô chính phủ cho rằng một người có thể chọn bất tuân nhà cầm quyền bất cứ khi nào họ thích, bất cứ khi nào họ thấy cá nhân mình có lý do chính đáng để làm điều đó. Góc nhìn này không được Kinh Thánh ủng hộ chút nào, như bằng chính trong thư Rô-ma 13 của Phao-lô.

Chủ nghĩa ái quốc cực đoan nói rằng một người phải luôn đi theo và tuân thủ luật pháp của quốc gia mình, dù cho những mệnh lệnh đó là gì đi chăng nữa. Chúng ta sẽ thấy trong phần sau là góc nhìn này cũng không được sự ủng hộ của Kinh Thánh. Hơn thế nữa, nó cũng không được sự ủng hộ từ sự thật lịch sử của các quốc gia. Ví dụ, tại tòa án Nuremberg, các luật sư bào chữa cho các tội phạm chiến tranh thuộc phe Phát-xít đã thử dùng lập luận rằng thân chủ của họ chỉ đơn giản là tuân theo mệnh lệnh trực tiếp từ chính phủ mà thôi, và vì thế không thể bị buộc phải chịu trách nhiệm cho hành động của họ. Tuy nhiên, một trong các thẩm phán đẽ bác bỏ lập luận này với một câu hỏi đơn giản: “Nhưng thưa các ngài, liệu rằng không có một luật pháp nào cao hơn luật pháp mà chính chúng ta đặt ra sao?”

Góc nhìn mà Kinh Thánh nêu ra là sự vâng phục theo Lời Chúa, khi một Cơ Đốc Nhân được cho phép có hành động bất tuân dân sự khi chính quyền của họ đưa ra một mệnh lệnh gian ác, ví dụ như yêu cầu Cơ Đốc Nhân phải hành xử trái với lời dạy và đòi hỏi rõ ràng trong Lời Chúa.

Ví dụ về bất tuân dân sự trong Kinh Thánh

Trong Xuất Ê-díp-tô Ký 1, Pha-ra-ôn Ai Cập đưa ra mệnh lệnh rõ ràng cho hai bà mụ Hê-bơ-rơ rằng họ phải giết chết tất cả các bé trai Do Thái. Một người theo chủ nghĩa yêu nước cực đoan chắc sẽ làm theo mệnh lệnh này của chính quyền, nhưng Kinh Thánh cho biết các bà mụ đã bất tuân mệnh lệnh của Pha-ra-ôn và họ “kính sợ Đức Chúa Trời, không làm theo lệnh của vua Ai Cập, vẫn cứ để cho các bé trai sống” (Xuất Ê-díp-tô Ký 1:17). Kinh Thánh tiếp tục cho biết các bà mụ đã nói dối với Pha-ra-ôn về lý do vì sao họ đã để cho các bé trai sống sót; nhưng mặc dù họ đã nói dối và bất tuân mệnh lệnh của bậc cầm quyền, “Đức Chúa Trời ban ơn cho những bà mụ; dân sự gia thêm và trở nên đông đúc. Ấy vậy, vì bà mụ có lòng kính sợ Đức Chúa Trời, nên Ngài làm cho nhà họ được thạnh vượng” (Xuất Ê-díp-tô Ký 1:20-21).

Trong Giô-suê 2, Ra-háp đã bất tuân mệnh lệnh trực tiếp của vua Giê-ri-cô là giao nộp các thám tử Y-sơ-ra-ên đã lẻn vào trong thành để thu thập tin tình báo cho cuộc chiến sắp đến. Thay vào đó, bà đã lấy dây thòng họ qua cửa sổ để trốn thoát. Mặc dù Ra-háp đã nhận mệnh lệnh rõ ràng từ người đứng đầu chính quyền, bà vẫn chống lại mệnh lệnh đó và đã được cứu khỏi sự diệt vong của thành khi Giô-suê và đội quân Y-sơ-ra-ên hủy phá nó.

Sách I Sa-mu-ên đã ghi lại một mạng lệnh trực tiếp từ vua Sau-lơ trong một chiến dịch quân sự rằng không ai được ăn chi hết cho đến khi Sau-lơ đã chiến thắng dân Phi-li-tin. Tuy nhiên, con trai của Sau-lơ là Giô-na-than, người đã không nghe được mệnh lệnh, đã ăn mật ong để phục hồi sức lực sau khi đã chiến đấu cật lực với đội quân. Khi Sau-lơ biết được điều đó, ông ra lệnh rằng con trai mình phải chết. Tuy nhiên, dân sự đã chống đối lại Sau-lơ cùng mệnh lệnh của ông và cứu Giô-na-than khỏi án tử (I Sa-mu-ên 14:45).

Một ví dụ khác về sự bất tuân dân sự trong tinh thần thuận phục của Kinh Thánh được tìm thấy trong I Các Vua 18. Chương này giới thiệu sơ lược về một người tên Áp-đia, là người “rất kính sợ Đức Giê-hô-va.” Khi hoàng hậu Giê-sa-bên đang giết hại các tiên tri của Đức Chúa Trời, Áp-đia đã đem 100 người trong số đó và giấu họ đi để khỏi chết. Đó là một hành động rõ ràng thể hiện sự bất tuân ý muốn của bậc cầm quyền.

Trong II Các Vua, cuộc nổi dậy duy nhất chống lại chính phủ đương thời một cách rõ ràng đã được ghi lại. A-tha-li, mẹ của vua A-cha-xia, bắt tay tiêu diệt hết hậu tự hoàng gia của nước Giu-đa. Tuy nhiên, Giô-ách con trai của vua A-cha-xia đã được con gái của vua đem ra khỏi hoàng cung và giấu khỏi A-tha-li để dòng dõi được lưu truyền. Sáu năm sau, Giê-hô-gia-đa đã tập hợp những chiến sĩ quanh mình, tuyên bố lập Giô-ách làm vua và xử tử A-tha-li.

Sách Đa-ni-ên cũng ghi lại một vài ví dụ về bất tuân dân sự. Ví dụ thứ nhất được tìm thấy trong chương 3 khi Sa-đơ-rắc, Mê-sác và A-bết-nê-gô từ chối quỳ lạy pho tượng bằng vàng và bất tuân mệnh lệnh của vua Nê-bu-cát-nết-sa. Ví dụ thứ hai nằm ở chương 6 khi Đa-ni-ên bất chấp sắc lệnh của vua Đa-ri-út là không được cầu nguyện với thần nào khác ngoài vua. Trong cả hai trường hợp, Đức Chúa Trời giải cứu dân sự của Ngài khỏi án tử đã được giáng cho họ.

Trong Tân Ước, sách Công Vụ Các Sứ Đồ ghi lại sự bất tuân dân sự của Phi-e-rơ và Giăng đối với chính quyền đang cai trị thời bấy giờ. Sau khi Phi-e-rơ chữa lành cho một người bại, Phi-e-rơ và Giăng đã bị bắt vì rao giảng về Chúa Giê-su và bị bắt bỏ tù. Chính quyền tôn giáo đã nhất quyết ngăn cấm họ không được giảng dạy về Chúa Giê-su; tuy nhiên, Phi-e-rơ đã nói, “Xin các ông hãy suy xét, trước mặt Đức Chúa Trời có nên vâng lời các ông hơn là vâng lời Đức Chúa Trời chăng? Vì chúng tôi không thể không nói về những điều mình đã thấy và nghe” (Công Vụ 4:19-20). Về sau, các bậc cầm quyền lại một lần nữa đối đầu với các sứ đồ và nhắc nhở họ về mệnh lệnh không được giảng dạy về Chúa Giê-xu, nhưng Phi-e-rơ lại đáp, “Thà phải vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn vâng lời người ta” (Công Vụ 5:29).

Một ví dụ cuối cùng về bất tuân dân sự được tìm thấy trong sách Khải Huyền, khi An-ti Christ ra lệnh cho tất cả dân cư sống trong thời kỳ cuối cùng phải thờ lạy một hình tượng của hắn. Nhưng sứ đồ Giăng, người viết sách Khải Huyền, đã khẳng định rằng những ai trở nên Cơ Đốc Nhân vào thời kỳ đó sẽ bất tuân mệnh lệnh của An-ti Christ và chính quyền của hắn, từ chối thờ phượng hình tượng ấy (Khải Huyền 13:15) cũng như những người bạn của Đa-ni-ên đã trái sắc lệnh của Nê-bu-cát-nết-sa về việc thờ lạy pho tượng của ông ta.

Bất tuân dân sự - kết luận:
Vậy chúng ta có thể rút ra kết luận gì từ những ví dụ Kinh Thánh kể trên? Những hướng dẫn về việc bất tuân dân sự của Cơ Đốc Nhân có thể được tổng kết thành vài điều như sau:
• Cơ Đốc Nhân nên phản đối một chính quyền đưa ra mệnh lệnh hay khuyến khích những việc làm xấu xa và nên có những động thái phi bạo lực trong khuôn khổ luật pháp sở tại để thay đổi chính quyền đang ủng hộ điều ác đó.
• Bất tuân dân sự được cho phép khi luật pháp hay mệnh lệnh của chính quyền là một sự vi phạm trực tiếp đối với luật pháp và mệnh lệnh của Đức Chúa Trời.
• Nếu một Cơ Đốc Nhân bất tuân một chính quyền gian ác, trừ khi người đó có thể trốn thoát khỏi chính quyền ấy, họ nên sẵn sàng chấp nhận những sự trừng phạt của chính quyền vì hành động của mình.
• Cơ Đốc Nhân hoàn toàn được phép có hành động để tiến cử những lãnh đạo chính quyền mới trong khuôn khổ luật pháp đã được thiết lập.

Cuối cùng, Cơ Đốc Nhân được truyền lệnh cầu nguyện cho các bậc cầm quyền để Chúa can thiệp trong thời điểm của Ngài và thay đổi đường lối không đẹp lòng Chúa mà họ đang theo đuổi: “Vậy, trước hết ta khuyên dặn con phải dâng lời khẩn nguyện, cầu xin, cảm tạ và cầu thay cho mọi người, cho các vua, cho tất cả những người lãnh đạo, để chúng ta được sống yên ổn, bình an với tất cả lòng tin kính và đạo đức” (I Ti-mô-thê 2:1-2).

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Khi nào thì việc bất tuân dân sự được cho phép đối với Cơ Đốc Nhân?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries