settings icon
share icon
Câu hỏi

Kinh Thánh dạy gì về việc tự xưng mình là công chính?

Trả lời


Từ điển định nghĩa về tự xưng công chính là “tự tin về việc làm đúng đắn của chính bản thân mình, đặc biệt là tự mãn về hành vi đạo đức của mình và không khoan dung với ý kiến và hành vi của người khác”. Theo Kinh Thánh, tự cho mình là công chính (công bình) liên quan đến chủ nghĩa luật pháp, với ý tưởng cho rằng bằng cách nào đó chúng ta có thể tạo ra bên trong mình một sự công chính sẽ được Đức Chúa Trời chấp nhận (Rô-ma 3:10). Mặc dù bất kỳ Cơ Đốc nhân thực sự nào cũng sẽ nhận ra sai lầm của suy nghĩ này, nhưng vì bản chất tội lỗi của chúng ta, tất cả chúng ta luôn bị cám dỗ để tin rằng bên trong chúng ta công chính hoặc có thể trở nên công bình. Trong Tân Ước, Chúa Giê-su và sứ đồ Phao-lô đặc biệt nghiêm khắc với những người cố gắng theo lối sống tự cho mình là công chính.

Chúa Giê-su lên án mạnh mẽ sự tự xưng mình là công chính trong cách Ngài đối diện với giới lãnh đạo Do Thái thời bấy giờ. Trong Ma-thi-ơ chương 23, Chúa Giê-su lên án các thầy thông giáo và người Pha-ri-si vì đã cứng nhắc tuân theo các truyền thống luật pháp của họ để làm cho mình trông tốt đẹp hơn trong mắt người khác. Câu chuyện ẩn dụ về người Pha-ri-si và người thu thuế đã được Chúa Giê-su đặc biệt kể cho “kẻ cậy mình là người công bình và khinh dể kẻ khác” (Lu-ca 18:9–14). Người Pha-ri-si cho rằng mình được Đức Chúa Trời chấp nhận dựa trên việc làm của chính mình, trong khi người thu thuế nhận ra rằng không có điều gì nơi bản thân khiến Đức Chúa Trời chấp nhận mình. Nhiều lần trong các sách Phúc âm, Chúa Giê-su tranh cãi với những người Pha-ri-si và các thầy thông giáo về sự công chính thật. Đồng thời, Ngài dành rất nhiều thời gian và sức lực để cảnh báo các môn đồ của Ngài về sự nguy hiểm của việc tự xưng công chính, nói rõ rằng “ngoài Ta, các ngươi chẳng làm chi được” (Giăng 15:5).

Cách Phao-lô đối xử với những người tự xưng mình là công chính cũng gay gắt không kém gì so với Chúa Giê-su. Ông bắt đầu sự tranh luận vĩ đại của ông trong thư Rô-ma về ân điển của Đức Chúa Trời bằng cách lên án sự công bình dựa vào phép cắt bì của người Do Thái (Rô-ma 2:17-24). Ông tiếp tục điều này trong chương 10, khi nói rằng người Giu-đa cố gắng đạt được sự chấp nhận của Đức Chúa Trời dựa vào sự công chính riêng của mình, chứng tỏ họ chẳng biết gì về sự công chính thật của Ngài (Rô 10:3). Ông kết luận rằng Đấng Christ là cứu cánh cho sự công chính của luật pháp chứ chẳng phải con người (câu 4).

Trong bức thư gửi cho hội thánh tại Ga-la-ti, Phao-lô cũng đã giải thích về vấn đề này. Những tín đồ này được dạy rằng, họ phải làm điều gì đó để được Đức Chúa Trời công nhận, cụ thể là phép cắt bì. Phao-lô thậm chí đã cho rằng việc này chính là một phúc âm khác, và những người dạy điều này thật đáng bị rủa sả (Ga-la-ti 3:21). Đáng chú ý hơn, ông nói với độc giả của mình rằng, nếu sự công chính có thể đến từ việc làm của chính họ, thì “Đấng Christ chịu chết là vô ích” (Ga-la-ti 2:21) và sự công chính có thể đến “bởi luật pháp” (Ga-la-ti 3:21). Kết luận của Phao-lô về các tín hữu Ga-la-ti là họ đã dại dột cố gắng để trở nên toàn hảo bởi xác thịt (Ga-la-ti 3:1-3).

Các tín đồ tiếp tục đấu tranh với thái độ này. Bản chất tội lỗi của chúng ta là cố gắng làm điều gì đó để xứng đáng được cứu rỗi. Sự tự do đắt giá bởi ân điển, mà chúng ta được chuộc mua bằng huyết của Chúa Giê-su không cần có sự đóng góp của chúng ta, thật khó để lòng kiêu hãnh của chúng ta hiểu hoặc biết ơn điều này. So sánh bản thân với người khác thì dễ hơn nhiều so với việc nhận ra rằng chúng ta không thể đạt được tiêu chuẩn của một Đức Chúa Trời thánh khiết. Tuy nhiên, trong Đấng Christ, chúng ta có thể biết được sự công chính thật. Trong Đấng Christ, chúng ta có thể biết được sự tha thứ tội lỗi đến với chúng ta nhờ ân điển. Bởi vì Ngài đứng ở vị trí của chúng ta, nên chúng ta được nhận hưởng được cả đời sống vô tội lẫn sự chết cất đi tội lỗi của Ngài. Vì sự hy sinh của Ngài, chúng ta có thể đối mặt với tội lỗi của mình và mang đặt tại nơi thập tự giá, thay vì cố gắng trở nên đủ tốt cho Đức Chúa Trời. Chỉ trên thập tự giá, chúng ta mới có thể nhìn thấy ân điển che lấp mọi tội lỗi của chúng ta và đánh bại khuynh hướng luôn tự cho mình là công chính trong lòng.

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Kinh Thánh dạy gì về việc tự xưng mình là công chính?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries