settings icon
share icon
Câu hỏi

Một thế hệ trong Kinh Thánh là bao lâu?

Trả lời


Kinh Thánh sử dụng thuật ngữ thế hệ theo một số cách khác nhau. Thông thường, từ thế hệ đề cập đến tất cả những người sống cùng thời điểm—nghĩa là từ trong Kinh Thánh có cùng định nghĩa với những từ mà hiện nay chúng ta thường hay sử dụng khi nói về Thế hệ X hoặc Thế hệ Millennial (hay còn gọi là thế hệ thiên niên kỷ). Thông thường, một thế hệ là khoảng ba mươi năm và thế hệ này nâng đỡ thế hệ tiếp theo. Tuy nhiên, trong một số bối cảnh Kinh Thánh, một “thế hệ” có thể ám chỉ một thời đại dài hơn hoặc một nhóm người sống trong một khoảng thời gian dài hơn.

Trong Sáng thế ký 2:4, “gốc tích của trời và đất” dường như bao gồm toàn bộ lịch sử loài người—kỷ nguyên bắt đầu bằng sự sáng tạo vũ trụ. Trong Xuất Ê-díp-tô ký 1:6, “thế hệ” đã chết (“mọi kẻ đồng đời đó”) ám chỉ tất cả những người đã sống trong thời Giô-sép và các anh của ông. Trong Dân số ký 32:13, “thế hệ” được giới hạn cho dân Y-sơ-ra-ên—một nhóm người từ hai mươi tuổi trở lên, vào thời điểm họ từ chối vào Đất Hứa (“…cho đến chừng nào cả dòng dõi …”). Thế hệ đó đã phải lang thang trong đồng vắng cho đến khi tất cả đều chết, ngoại trừ Giô-suê và Ca-lép. Khi từ thế hệ ở dạng số nhiều xuất hiện trong Kinh Thánh, như trong Ê-sai 51:9 (“các đời thượng cổ”) và Công vụ 14:16 (“các đời trước đây”), nó ám chỉ một khoảng thời gian không xác định—nhiều thế hệ nối tiếp nhau.

Các ngôn ngữ gốc của Kinh Thánh đã dùng ít nhất ba từ khác nhau để chỉ “thế hệ”. Từ dor trong tiếng Hê-bơ-rơ có thể ám chỉ đến một thế hệ vật lý, bình thường, như trong Xuất Ê-díp-tô ký 1:6. Nhưng nó cũng có thể được sử dụng một cách ẩn dụ để xác định những người thuộc loại có thể phân biệt được. Chẳng hạn, Thi Thiên 78:8 nói: “Để chúng nó chẳng như tổ phụ mình. Là một dòng dõi cố chấp phản nghịch. Chẳng dọn lòng cho chánh đáng. Có tâm thần không trung tín cùng Đức Chúa Trời”. Ở đây, từ dor được sử dụng hai lần để chỉ một nhóm người trải qua một thời gian dài nổi loạn và tội lỗi. “Dòng dõi” trong Thi Thiên 78:8 không giới hạn trong khoảng thời gian ba mươi năm bình thường mà kéo dài suốt lịch sử Y-sơ-ra-ên để bao gồm tất cả những người ương ngạnh chống lại Đức Chúa Trời.

Từ Hê-bơ-rơ khác cho “thế hệ” là toledot. Điều này không đề cập đến đặc điểm của một nhóm hoặc thời kỳ mà là cách thời kỳ đó được tạo ra. Vì vậy, “gốc tích của trời và đất” trong Sáng thế ký 2:4 đề cập đến khoảng thời gian bắt đầu với sự sáng tạo và tiếp tục một cách tự nhiên từ thời điểm đó. “Các dòng dõi của A-đam” trong Sáng thế ký 5:1 có nghĩa là nền văn minh của những người bắt đầu cùng với ông. “Thế hệ” tiếp theo là thế hệ của Nô-ê, bao gồm trận lụt và các nền văn minh đến sau đó. Ảnh hưởng của Sem được đánh dấu là một “thế hệ” vì ông là cha của người Xê-mít [hậu duệ của Sem] (Sáng thế ký 11:10). Và của Tha-rê, bởi vì ông rời U-rơ cùng với con trai mình là Áp-ram (Sáng thế ký 11:27). Sau đó, Ích-ma-ên (Sáng thế ký 25:12) và Y-sác (Sáng thế ký 25:19) là nguồn gốc của các thế hệ mới. Trong mỗi trường hợp, những người nam đều trải qua hoặc gây ra một sự kiện quan trọng làm thay đổi dòng họ của họ. Họ đã tạo ra một sự kiện làm thay đổi văn hóa.

Trong Tân Ước, từ genea trong tiếng Hy Lạp là nguồn gốc của từ thế hệ. Nó tương tự như cả hai từ tiếng Hê-bơ-rơ. Theo nghĩa đen, nó có nghĩa là “cha đẻ, sinh ra, sự ra đời” đề cập đến một dòng dõi. Nhưng nó có thể được sử dụng như là khung thời gian tiêu biểu cho một thái độ văn hóa cụ thể và cả con người trong nền văn hóa đó. Trong Ma-thi-ơ 1:17, các thế hệ được đánh dấu bằng những sự kiện quan trọng và con người như Áp-ra-ham, Đa-vít, sự lưu đày của người Ba-by-lôn—như chữ toledot trong tiếng Hê-bơ-rơ. Nhưng khi Chúa Giê-su gọi những người Pha-ri-si và các thầy thông giáo là “dòng dõi hung ác gian dâm” thì Ngài đang đề cập đến nền văn hóa mà họ đã sống và cổ súy họ (Ma-thi-ơ 12:39; xin xem thêm Ma-thi-ơ 17:17 và Công vụ 2:40).

Vì vậy, khi đọc từ “thế hệ” trong Kinh Thánh, chúng ta phải xem xét bối cảnh. Thông thường, một thế hệ trong Kinh Thánh dài khoảng ba mươi năm hoặc những người sống trong thời gian đó, giống như những gì chúng ta hiểu về một thế hệ trong cuộc nói chuyện hàng ngày. Nhưng có những lúc từ thế hệ được sử dụng một cách thơ mộng để chỉ một lớp người được đánh dấu bằng một điều gì khác ngoài tuổi tác.

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Một thế hệ trong Kinh Thánh là bao lâu?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries