settings icon
share icon
Câu hỏi

Vai trò của Thánh Linh trong Cựu Ước là gì?

Trả lời


Vai trò của Thánh Linh trong Cựu Ước cũng khá giống với vai trò của Ngài trong Tân Ước. Khi nhắc đến vai trò của Thánh Linh, chúng ta cần nhận biết bốn lĩnh vực tổng quát mà Thánh Linh làm việc: 1) tái tạo, tái sinh, Tít 3:5. 2) ngự trị (hay đổ đầy, Giăng 14:17; Rô-ma 8:9, 3), can ngăn, và 4) thêm năng lực để phục vụ. Cả Cựu Ước và Tân Ước đều có bằng chứng cho bốn lĩnh vực này.

Lĩnh vực đầu tiên trong công tác của Thánh Linh là tái tạo. Chúng ta cũng có thể dùng từ “tái sinh,” nhờ vậy mà có khái niệm “sinh lại.” Đoạn Kinh Thánh thường dùng để chứng minh điều này là Phúc Âm Giăng: “Thật, Ta bảo thật ngươi, nếu một người không được sinh lại, thì không thể thấy vương quốc Đức Chúa Trời.” (Giăng 3:3). Điều này dẫn đến câu hỏi: vậy câu này có liên quan gì đến công tác của Thánh Linh trong Cứu Ước? Tiếp tục cuộc đối thoại, Chúa Giê-xu nói với Ni-cô-đem: “Ngươi là giáo sư của dân Y-sơ-ra-ên mà không hiểu điều nầy sao?” (Giăng 3:10). Ý Chúa Giê-xu muốn nói là Ni-cô-đem đúng ra cần phải biết lẽ thật rằng Thánh Linh là nguồn của sự sống mới bởi vì điều này đã được tỏ ra trong Cựu Ước rồi. Ví dụ, Môi-se nói với người Y-sơ-ra-ên trước khi vào Đất Hứa rằng “Giê-hô-va Đức Chúa Trời sẽ cắt bì tấm lòng anh em và tấm lòng của dòng dõi anh em để anh em hết lòng hết linh hồn kính mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời mình và nhờ đó mà anh em được sống.” (Phục Truyền 30:6). Sự cắt bì tấm lòng này là công việc của Thần Linh Chúa và chỉ có thể được thực hiện bởi Ngài. Chúng ta cũng thấy chủ đề tái tạo trong Ê-xê-chi-ên 11:19-20 và Ê-xê-chi-ên 36:26-29.

Công tác tái tạo của Thánh Linh sinh ra bông trái đức tin (Ê-phê-sô 2:8). Giờ chúng ta biết có rất nhiều người hùng đức tin trong Cựu Ước vì Hê-bơ-rơ 11 liệt kê ra rất nhiều. Nếu đức tin do quyền năng tái tạo của Thánh Linh mà ra thì đây chắc chắn là những vị thánh trong Cựu Ước đã ngước trông lên thập tự, tin rằng lời hứa giải cứu của Chúa sẽ thành. Họ nhìn thấy lời hứa và “chỉ trông thấy và chào mừng những điều ấy từ đằng xa” (Hê-bơ-rơ 11:13), dựa vào đức tin để chấp nhận rằng những gì Chúa đã hứa thì Ngài sẽ làm thành.

Khía cạnh thứ hai của công việc Thánh Linh là ngự trị, hay đổ đầy. Chính điểm này là sự khác biệt lớn nhất giữa vai trò của Thánh Linh trong Cựu và Tân Ước. Tân Ước dạy rằng Thánh Linh ngự trị mãi mãi trong lòng người tin (Giăng 14:16-17; 1 Cô 3:16-17; 6:19-20). Khi chúng ta đặt đức tin vào Đấng Christ để được cứu rỗi, Thánh Linh đến sống trong chúng ta. Sứ đồ Phao-lô gọi sự ngự trị mãi này là “quyền đảm bảo thừa kế” (Ê-phê-sô 1:13-14). Trái ngược với công tác này trong Tân Ước, sự ngự trị của Thánh Linh trong Cựu Ước là có chọn lọc và tạm thời. Thánh Linh “đến trên” những nhân vật trong Cựu Ước như Giô-suê (Dân số ký 27:18), Đa-vít (1 Sa-mu-ên 16:12-13) và kể cả Sau-lơ (1 Sa-mu-ên 10:10). Trong sách Thẩm Phán (Các Quan Xét), chúng ta thấy Thánh Linh “đến trên” rất nhiều thẩm phán khác nhau, những người được Chúa dấy lên để giải cứu Y-sơ-ra-ên khỏi sự đàn áp. Thánh Linh ngự trên những cá nhân để làm những công việc cụ thể. Sự ngự trị của Thánh Linh là dấu hiệu Chúa ban ơn trên cá nhân đó (trong trường hợp của Đa-vít), và nếu ơn của Chúa rời một người thì Thánh Linh cũng sẽ rời đi (vd. trong trường hợp của Sau-lơ ở 1 Sa-mu-ên 16:14). Cuối cùng, Thánh Linh “đến trên” một người không phải lúc nào cũng phản ánh hiện trạng thuộc linh của người đó (vd. Sau-lơ, Sam-sôn, và nhiều thẩm phán khác). Vậy, trong Tân Ước Thánh Linh chỉ ngự trên những tín hữu và ngự mãi mãi, còn trong Cựu Ước thì Thánh Linh chỉ đến trên những cá nhân với những công tác cụ thể, bất kể tình trạng thuộc linh của họ như thế nào. Khi công tác hoàn thành, có thể nói Thánh Linh sẽ rời khỏi người đó.

Lĩnh vực thứ ba trong công tác của Thánh Linh trong Cựu Ước là sự can ngăn tội lỗi. Sáng Thế Ký 6:3 dường như chỉ ra rằng Thánh Linh ngăn cản tội lỗi của con người, và sự ngăn cản đó có thể mất đi khi sự kiên nhẫn của Chúa đối với tội lỗi đạt đến mức đỉnh điểm. Điều này được nhắc lại trong 2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:3-8, khi thời kỳ cuối đến gần, sự bội đạo đang lớn lên sẽ là dấu cho sự phán xét sắp đến của Chúa. Cho đến thời điểm đã được định trước khi “đứa con của sự hủy diệt” lộ diện, Thánh Linh vẫn cầm giữ quyền lực của Satan và chỉ buông thả khi thời điểm hợp với mục đích của Ngài.

Lĩnh vực thứ tư và cuối cùng của công tác Thánh Linh trong Cựu Ước sự ban cho năng lực để phục vụ. Giống các ân tứ thuộc linh trong Tân Ước, Thánh Linh ban cho mỗi người cụ thể một năng lực để phục vụ. Điển hình như ví dụ của Bê-za-lên trong Xuất Ai Cập Ký 31:2-5, người được ban ơn làm các công tác nghệ thuật liên quan đến Đền Tạm. Hơn nữa, nhắc lại sự chọn lọc và ngự trị tạm thời của Thánh Linh được nhắc đến ở trên, chúng ta thấy những cá nhân này được ban cho năng lực để thực hiện các nhiệm vụ cụ thể, chẳng hạn như cai trị người Y-sơ-ra-ên (vd. Sau-lơ và Đa-vít).

Chúng ta cũng có thể nhắc đến vai trò của Thánh Linh trong sự sáng tạo. Sáng Thế Ký 1:2 nói đến Thánh Linh “vận hành trên mặt nước” và giám sát công tác sáng tạo. Tương tự, Thánh Linh có trách nhiệm trong công tác sáng tạo mới (2 Cô-rinh-tô 5:17) vì Ngài sẽ đưa nhân loại vào vương quốc của Chúa qua sự tái tạo.

Tóm lại, Thánh Linh thực hiện các chức năng trong thời Cựu Ước tương tự như trong hiện tại. Điểm khác biệt lớn nhất là sự ngự trị mãi mãi của Thánh Linh trong lòng người tin. Như Chúa Giê-xu đã nhắc đến sự thay đổi trong công tác của Thánh Linh, “Nhưng các con biết Ngài vì Ngài đang ở với các con, và sẽ ở trong các con.” (Giăng 14:17).

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Vai trò của Thánh Linh trong Cựu Ước là gì?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries