settings icon
share icon
Câu hỏi

Tại sao Đức Chúa Trời đặt câu hỏi nếu Ngài là Đấng toàn tri?

Trả lời


Đức Chúa Trời là Đấng toàn tri—Ngài biết mọi sự. Nhưng chúng ta cũng thấy có một số chỗ trong Kinh Thánh Chúa lại đặt những câu hỏi. Trong Vườn Địa Đàng, Đức Chúa Trời hỏi A-đam ông ở đâu và ông đã làm gì (Sáng thế ký 3:9, 11). Trên thiên đàng, Chúa hỏi Sa-tan hắn ở đâu đến (Gióp 1:7). Trong đồng vắng, Chúa hỏi Môi-se ông cầm gì trong tay (Xuất Ê-díp-tô ký 4:2). Trong đám đông trên đường đến nhà Giai-ru, Chúa Giê-su hỏi ai đã chạm vào Ngài (Mác 5:30). Là Đấng toàn tri, Đức Chúa Trời đã biết câu trả lời cho những câu hỏi này. “Ngài biết thấu sự bí mật của lòng” (Thi Thiên 44:21). Vậy tại sao Ngài lại hỏi?

Những câu hỏi Chúa đặt ra luôn luôn có mục đích. Chúa không hỏi để thu thập thông tin, vì Ngài nắm giữ mọi thông tin. Các câu hỏi của Chúa luôn có mục đích khác nhau và nó thay đổi tùy theo bối cảnh của câu hỏi và nhu cầu của người mà câu hỏi hướng đến.

Sau khi A-đam và Ê-va ăn trái cấm và trốn tránh Đức Chúa Trời, Ngài đã gọi: “Ngươi ở đâu?” (Sáng thế ký 3:9). Tất nhiên, Chúa biết A-đam đang ở đâu và đó không phải là mục đích của câu hỏi. Câu hỏi được đặt ra để kéo A-đam ra khỏi nơi ẩn náu. Đức Chúa Trời lẽ ra có thể tiếp cận tạo vật tội lỗi của Ngài trong cơn giận dữ, bằng những lời lên án gay gắt và phán xét ngay lập tức, nhưng Ngài đã không làm vậy. Thay vào đó, Đức Chúa Trời đến gặp A-đam bằng một câu hỏi để bày tỏ ân điển, sự mềm mại và mong muốn hòa giải của Ngài.

Khi dạy số học cơ bản cho một học sinh mẫu giáo, giáo viên có thể hỏi: “2 + 2 bằng bao nhiêu?” Giáo viên hỏi điều này không phải vì cô ấy không biết câu trả lời mà vì cô ấy muốn tập trung suy nghĩ của học sinh vào vấn đề trước mắt. Khi Chúa hỏi A-đam: “Ngươi ở đâu?” thì mục đích của câu hỏi một phần là nhằm tập trung A-đam vào vấn đề mà ông và vợ ông đang vướng vào.

Những câu hỏi khác của Chúa trong Kinh Thánh có thể có những mục đích khác. Trong Gióp 38-41, Đức Chúa Trời không ngừng hỏi Gióp về mọi thứ, từ sự vắng mặt của Gióp khi nền móng trái đất được thiết lập (Gióp 38:4) cho đến việc Gióp không thể đánh bắt quái vật biển (Gióp 41:1). Ở đây, rõ ràng là Đức Chúa Trời đang sử dụng các câu hỏi như một công cụ giảng dạy để nhấn mạnh quyền năng và sự tể trị tối thượng của chính Ngài.

Đức Chúa Trời lặp đi lặp lại câu hỏi với Giô-na: “Ngươi giận có nên không?” (Giô-na 4:4, 9) nhằm khuyến khích Giô-na tự xét mình. Câu hỏi của Đức Chúa Trời dành cho Ê-li: “Ngươi ở đây làm gì?” (1 Các Vua 19:9) cho thấy Ê-li đã đi chệch khỏi ý định Đức Chúa Trời dành cho ông như thế nào. Câu hỏi của Đức Chúa Trời trong sự hiện thấy của Ê-sai: “Ta sẽ sai ai đi? Ai sẽ đi cho chúng ta?” (Ê-sai 6:8) đã có tác dụng thúc đẩy sự tình nguyện của nhà tiên tri.

Trong thời gian làm chức vụ trên đất, Chúa Giê-su thường đặt câu hỏi. Một giáo viên giỏi sẽ sử dụng những câu hỏi mang tính chiến lược để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình học tập, và Chúa Giê-su chính là Bậc Thầy. Đôi khi Chúa Giê-su đặt câu hỏi để tạo ra cơ hội học hỏi: “Người ta nói ta là ai?” (Mác 8:27). Hoặc để tập trung sự chú ý của người nghe vào một điều gì đó quan trọng: “Trong luật pháp có chép điều gì? Ngươi đọc gì trong đó?” (Lu-ca 10:26). Hoặc để nhắc nhở sự xem xét nội tâm: “Ngươi có muốn lành chăng?” (Giăng 5:6). Hoặc để thúc đẩy suy nghĩ sâu sắc hơn: “Vậy thì lời chép, ‘Hòn đá thợ xây nhà bỏ ra, trở nên đá góc nhà’ nghĩa là gì?” (Lu-ca 20:17). Hoặc để đem đức tin ra ánh sáng: “Ai rờ đến ta?” (Lu-ca 8:45). Hoặc để bày tỏ một sự mặc khải lớn: “Sao ngươi khóc? Ngươi tìm ai?” (Giăng 20:15).

Đức Chúa Trời là Cha sử dụng ngôn ngữ để giảng dạy trong bối cảnh mối liên hệ. Ngài là bậc Thầy dùng những câu hỏi để thu hút học trò của Ngài, buộc họ phải suy nghĩ và chỉ cho họ lẽ thật. Khi Chúa hỏi, không phải vì Ngài không biết câu trả lời mà vì Ngài muốn chúng ta biết.

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Tại sao Đức Chúa Trời đặt câu hỏi nếu Ngài là Đấng toàn tri?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries