settings icon
share icon
Câu hỏi

Kinh Thánh nói gì về sự khiêm nhường?

Trả lời


Kinh Thánh mô tả sự khiêm nhường là nhu mì, khiêm tốn và không có cái tôi. Từ Hy Lạp được dịch là “khiêm nhường” trong Cô-lô-se 3:12 và ở những nơi khác có nghĩa đen là “sự khiêm tốn của tâm hồn”, vì vậy chúng ta thấy rằng khiêm nhường là thái độ trong lòng chứ không chỉ là thái độ bên ngoài. Một người có thể bề ngoài tỏ ra khiêm nhường nhưng trong lòng vẫn đầy kiêu căng và ngạo mạn. Chúa Giê-su nói rằng những ai có “lòng khó khăn” thì nước thiên đàng sẽ thuộc về những kẻ ấy (Ma-thi-ơ 5:3). Người nghèo khó tâm linh là người nhận thấy tình trạng thuộc linh bất lực, tuyệt vọng của mình thì sẽ được hưởng sự sống đời đời. Vì thế, khiêm nhường là điều kiện tiên quyết của Cơ Đốc nhân.

Khi chúng ta đến với Đấng Christ với tư cách là tội nhân, chúng ta phải đến trong sự khiêm nhường. Chúng ta thừa nhận rằng mình là những người nghèo khổ và ăn xin không có gì để dâng cho Ngài ngoài tội lỗi và nhu cầu được cứu rỗi của chúng ta. Chúng ta nhận ra mình không xứng đáng và hoàn toàn không có khả năng tự cứu mình. Rồi khi Ngài ban ân điển và lòng thương xót của Đức Chúa Trời, chúng ta đón nhận với lòng biết ơn khiêm nhường và phó thác cuộc đời mình cho Ngài và cho người khác. Chúng ta “làm chết đi cái tôi của mình” để có thể sống như tạo vật mới trong Đấng Christ (II Cô-rinh-tô 5:17). Chúng ta không bao giờ quên rằng Ngài đã đổi sự vô dụng của chúng ta lấy giá trị vô hạn của Ngài, tội lỗi của chúng ta lấy sự công chính của Ngài, và cuộc sống mà chúng ta đang sống hiện nay, chúng ta sống bởi đức tin nơi Con trai của Đức Chúa Trời, Đấng đã yêu thương chúng ta và phó chính Ngài vì chúng ta (Ga-la-ti 2:20). Đó là sự khiêm nhường đích thực.

Sự khiêm nhường theo Kinh Thánh không chỉ cần thiết để vào vương quốc, mà còn cần thiết để trở nên vĩ đại trong vương quốc (Ma-thi-ơ 20:26-27). Ở đây Chúa Giê-su là mẫu mực của chúng ta. Cũng như Ngài không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ, thì chúng ta cũng phải cam kết phục vụ người khác, coi lợi ích của họ trên lợi ích của mình (Phi-líp 2:3). Thái độ này loại bỏ tham vọng ích kỷ, tự phụ và xung đột đi kèm với sự tự biện minh và tự vệ. Chúa Giê-su không hổ thẹn khi hạ mình làm đầy tớ (Giăng 13:1-16), thậm chí cho đến chết trên thập tự giá (Phi-líp 2:8). Trong sự khiêm nhường của Ngài, Ngài luôn vâng lời Đức Chúa Cha và Cơ Đốc nhân khiêm nhường cũng vậy, phải sẵn sàng gạt bỏ mọi ích kỷ để vâng phục Đức Chúa Trời và Lời Ngài. Sự khiêm nhường thật sự tạo ra sự tin kính, sự mãn nguyện và sự bảo đảm.

Đức Chúa Trời đã hứa ban ơn cho kẻ khiêm nhường và chống lại kẻ kiêu ngạo (Châm ngôn 3:34; I Phi-e-rơ 5:5). Vì vậy, chúng ta phải xưng nhận và dẹp bỏ sự kiêu ngạo. Nếu chúng ta tự đề cao mình nghĩa là chúng ta tự đặt mình vào thế đối nghịch với Thượng Đế, là Đấng sẽ hạ chúng ta xuống trong ân điển của Ngài và vì lợi ích của chúng ta. Nhưng nếu chúng ta hạ mình xuống, Chúa sẽ ban thêm ơn và nhấc chúng ta lên (Lu-ca 14:11). Cùng với Chúa Giê-su, sứ đồ Phao-lô cũng là tấm gương khiêm nhường cho chúng ta. Bất chấp những ân tứ và sự hiểu biết to lớn mà ông đã nhận được, Phao-lô tự xem mình là “người hèn mọn nhất trong các sứ đồ” và “người đứng đầu trong những kẻ có tội” (I Ti-mô-thê 1:15; I Cô-rinh-tô 15:9). Giống như Phao-lô, người thực sự khiêm nhường sẽ tự hào về ân điển của Đức Chúa Trời và về thập tự giá, chứ không phải là sự công bình riêng của mình (Phi-líp 3:3-9).

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Kinh Thánh nói gì về sự khiêm nhường?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries