settings icon
share icon
Câu hỏi

Vì sao Đức Chúa Trời lại dung chịu sự bao lực kinh khủng như vậy trong Cựu Ước?

Trả lời


Việc Đức Chúa Trời ra lệnh tuyệt diệt cả một dân tộc như ghi chép trong Cựu Ước từ lâu đã trở thành chủ đề chỉ trích nặng nề đến từ những người chống đối Cơ Đốc Giáo. Sự hiện diện của bạo lực trong Cựu Ước là không thể bàn cãi. Câu hỏi đặt ra là liệu sự bạo lực tìm thấy trong Cựu Ước là công bình và được Đức Chúa Trời cho phép hay không. Trong quyển sách bán chạy nhất của mình là Ảo tưởng về Đức Chúa Trời, Richard Dawkins đã mô tả Đức Chúa Trời của Cựu Ước là một “kẻ thanh trừng sắc tộc đầy hận thù và khát máu” Nhà báo Christopher Hitchens than phiền rằng Cựu Ước tạo tiền đề đảm bảo cho sự “thảm sát bừa bãi.” Các nhà phê bình chống Cơ Đốc Giáo khác cũng nêu ra những cáo trạng tương tự, tố cáo Đức Giê-hô-va về “tội ác chống lại loài người.”

Nhưng những chỉ trích này có xác đáng không? Đức Chúa Trời của Cựu Ước có phải là một “quái vật về đạo đức” đã tùy tiện ra lệnh thảm sát nhiều nam phụ lão ấu vô tội? Liệu phản ứng của Ngài trước tội lỗi của dân Ca-na-an và dân A-ma-léc là một hình thức “thanh trừng sắc tộc” tàn độc? Hoặc có thể nào Đức Chúa Trời đã có đủ những lý do chính đáng để truyền lệnh tiêu diệt những dân tộc này?

Sự hiểu biết căn bản về văn hóa của dân Ca-na-an cho thấy bản chất suy đồi đạo đức của họ. Dân Ca-na-an là những người bạo lực, hung hăng, có tập tục quan hệ với thú vật, loạn luân, thậm chí dâng con trẻ làm sinh tế. Thói tình dục lệch lạc là một lệ thường. Tội lỗi của dân Ca-na-an lấy làm gớm ghiếc đến nỗi Đức Chúa Trời phán, “đất đã mửa dân nó ra” (Lê-vi Ký 18:25). Tuy nhiên, sự hủy diệt này chủ yếu nhằm vào tôn giáo của Ca-na-an (Phục Truyền 7:3–5, 12:2-3) hơn là người dân Ca-na-an nói chung. Sự phán xét này không phát xuất từ động cơ phân biệt chủng tộc. Những cá nhân tại Ca-na-an, như Ra-háp ở thành Giê-ri-cô, vẫn có thể tìm thấy sự thương xót nếu bằng lòng ăn năn (Giô-suê 2). Ý muốn của Đức Chúa Trời là cho kẻ có tội từ bỏ tội lỗi mình hơn là phải chết (Ê-xê-chi-ên 18:31-32, 33:11).

Song song với việc giải quyết tội lỗi ở cấp độ quốc gia, Đức Chúa Trời cũng dùng cuộc chinh phạt Ca-na-an để tạo lập một bối cảnh lịch sử/tôn giáo mới để về sau Đấng Mê-si-a được đem vào thế gian. Đấng Mê-si-a này sẽ đem sự cứu rỗi đến, không chỉ cho dân Y-sơ-ra-ên, nhưng cũng cho những kẻ thù của Y-sơ-ra-ên nữa, trong đó có dân Ca-na-an (Thi Thiên 87:4-6; Mác 7:25–30).

Cần phải nhớ rằng Đức Chúa Trời đã cho dân Ca-na-an dư dật thời gian để ăn năn và xây bỏ những đường lối gian ác của họ - cụ thể là hơn 400 năm! Sách Hê-bơ-rơ cho chúng ta biết rằng dân Ca-na-an đã “không vâng lời”, ý chỉ họ phải chịu trách nhiệm đạo đức cho hành vi của mình (Hê-bơ-rơ 11:31). Dân Ca-na-an nhận thức về quyền năng của Chúa (Giô-suê 2:10 – 11; 9:9) và đã có thể dốc lòng ăn năn. Ngoại trừ một vài trường hợp đặc biệt, phần lớn họ lại tiếp tục chống nghịch Chúa cho đến khi nhận cái kết cay đắng.

Nhưng chẳng phải Đức Chúa Trời cũng ra lệnh giết cả những người không tham gia chiến đấu sao? Theo ghi chép của Kinh Thánh thì đúng là như vậy. Tại đây, một lần nữa, chúng ta cần nhớ rằng, một mặt những phụ nữ Ca-na-an không tham chiến, nhưng điều đó không có nghĩa là họ hoàn toàn vô tội, nếu xét đến hành vi dụ dỗ của họ như Dân số Ký 25 có chỉ ra (Dân số Ký 25:1-3). Tuy nhiên, vẫn còn đó một câu hỏi: vậy những đứa trẻ thì sao? Đây không phải là thắc mắc dễ tìm đáp án, nhưng chúng ta cần lưu ý một số điều. Trước hết, không một con người nào (kể cả trẻ sơ sinh) là hoàn toàn vô tội. Kinh Thánh dạy rằng tất cả chúng ta đều được sinh ra trong tội lỗi (Thi Thiên 51:5: 58:3). Điều này ngụ ý rằng tất cả mọi người đều phải chịu trách nhiệm đạo đức về tội lỗi của A-đam theo một cách nào đó. Trẻ sơ sinh cũng cùng bị xem là có tội như những người trưởng thành.

Điều thứ hai, Đức Chúa Trời nắm quyền tể trị trên tất cả sinh mạng và có thể lấy nó đi bất cứ khi nào Ngài thấy phù hợp. Đức Chúa Trời, và chỉ Đức Chúa Trời mà thôi, là Đấng ban sự sống, và cũng chỉ có Ngài nắm quyền cất lấy nó đi theo ý muốn của Ngài. Thực chất, Ngài sẽ cất lấy sự sống của mỗi người trong thời khắc người đó chết đi. Chúng ta không tự bắt đầu cuộc sống này, mà nó vốn là do Chúa ban cho. Sẽ là sai trái khi chúng ta làm hành động tước đoạt mạng sống, ngoại trừ trường hợp thi hành án tử, trong chiến tranh hay tự vệ, nhưng điều này không có nghĩa là nó sai khi Đức Chúa Trời làm như vậy. Bằng trực giác chúng ta thừa nhận điều này khi lên án hành vi tước đoạt mạng sống thực hiện bởi một cá nhân hay chính quyền nào đó bằng diễn ngôn “đóng vai Chúa Trời.” Chúa không hề có nghĩa vụ phải kéo dài sự sống của bất cứ ai thêm một ngày nào. Bằng cách nào và khi nào một người qua đời là hoàn toàn nằm ở quyết định của Ngài.

Thứ ba, một lập luận khả dĩ đó là việc Chúa kết liễu mạng sống của toàn thể dân Ca-na-an và chỉ chừa lại trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là thật sự rất tàn nhẫn. Thiếu đi sự bảo vệ và chu cấp của cha mẹ, những trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ này khả năng cao cũng sẽ phải đối diện với án tử vì đói ăn mà thôi. Khả năng sống sót của một đứa trẻ mồ côi tại khu vực Cận Đông thời cổ đại là không cao.

Cuối cùng, những đứa trẻ ở Ca-na-an có thể cũng sẽ lớn lên trong sự đồng cảm với những tà giáo gian ác mà cha mẹ chúng đã theo. Đã đến lúc đặt dấu chấm hết cho toàn bộ văn hóa thờ hình tượng và đồi bại của Ca-na-an, và Đức Chúa Trời muốn dùng dân Y-sơ-ra-ên để chấm dứt nó. Hơn thế nữa, những đứa trẻ mồ côi ở Ca-na-an về lẽ tự nhiên sẽ lớn lên với lòng hận thù dân Y-sơ-ra-ên. Vì thế, một bộ phận trong số này chắc sẽ tìm cơ hội trả thù cho sự đối đãi “bất công” mà cha mẹ mình đã phải chịu, qua đó đưa Ca-na-an trở về với sự thờ hình tượng.

Một điểm đáng cân nhắc nữa đó là tình trạng đời đời của những đứa trẻ bị giết tại Ca-na-an. Nếu Đức Chúa Trời cất chúng đi trước khi đến tuổi chịu trách nhiệm về đạo đức, thì chúng sẽ đi thẳng đến thiên đàng (theo như chúng ta tin). Những đứa trẻ này hiện đang ở một nơi tốt đẹp hơn nhiều so với việc sống đến tuổi trưởng thành như một người Ca-na-an.

Chắc rằng việc Đức Chúa Trời ra lệnh cho sự bạo lực trong Cựu Ước là một vấn đề khó. Tuy nhiên, chúng ta cần nhớ rằng Chúa xem xét mọi điều từ góc nhìn đời đời, và đường lối Ngài chẳng phải như đường lối của chúng ta (Ê-sai 55:8-9). Sứ đồ Phao-lô cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời vừa nhân từ nhưng cũng vừa nghiêm khắc (Rô-ma 11:22). Mặc dù sự thật là bản tính thánh khiết của Ngài đòi hỏi tội lỗi phải bị trừng phạt, nhưng ân điển và sự nhân từ của Ngài hằng rộng mở cho những ai bằng lòng ăn năn và được cứu. Sự hủy diệt dân Ca-na-an đem đến cho chúng ta lời nhắc nhở nghiêm túc rằng, mặc dù Đức Chúa Trời chúng ta là Đấng đầy ơn và đầy lòng thương cót, Ngài cũng là một Đức Chúa Trời của sự thánh khiết và thạnh nộ.

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Vì sao Đức Chúa Trời lại dung chịu sự bao lực kinh khủng như vậy trong Cựu Ước?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries