settings icon
share icon
Câu hỏi

Kinh Thánh nói gì về việc phải lòng một ai đó?

Trả lời


“Phải lòng” là say mê một ai đó hoặc bắt đầu cảm thấy yêu người đó. Phải lòng là một cách diễn đạt mô tả trạng thái cảm xúc của một người khi cảm giác hạnh phúc của thứ được cho là tình yêu bắt đầu bám lấy tâm hồn. Kinh Thánh không nói gì về phải lòng một ai đó, nhưng nói nhiều về tình yêu.

Kinh Thánh trình bày tình yêu không phải là một cảm xúc mà là một hành động của ý chí. Chúng ta chọn để yêu nghĩa là chúng ta tự mình cam kết hành động vì lợi ích tốt nhất cho người khác. Khái niệm “phải lòng” dựa trên những cảm xúc nồng nhiệt và (nhiều khả năng là) các hoóc-môn (kích thích tố) tăng mạnh. Quan điểm của Kinh Thánh về tình yêu đó là tình yêu có thể tồn tại ngoài cảm xúc, không cần kích thích tố để tuân theo mệnh lệnh “Hãy yêu người lân cận như mình” (Gia-cơ 2:8).

Tất nhiên, những cảm xúc tốt đẹp thường đi kèm với tình yêu và chúng ta tự nhiên có cảm xúc nồng nhiệt đối với người mà chúng ta bị thu hút. Và dĩ nhiên, thật tốt và đúng đắn nếu có những cảm xúc tích cực và kích thích tố tăng mạnh khi ở bên người phối ngẫu của mình. Nhưng nếu đó là tất cả để “phải lòng”, thì chúng ta sẽ gặp rắc rối. Điều gì sẽ xảy ra khi hết cảm xúc? Còn khi các hoóc-môn ngừng tăng lên thì sao? Có phải chúng ta đã “hết” phải lòng?

Tình yêu không bao giờ được xem là phụ thuộc vào cảm xúc hay vụ lợi hoặc sự hấp dẫn lãng mạn. Khái niệm “phải lòng” nhấn mạnh quá mức vào tình trạng cảm xúc của những người có liên quan. Cách diễn đạt của cụm từ gần như khiến người ta nghe như thể tình yêu là một sự tình cờ: “Tôi không thể không phải lòng em” tạo nên một bài hát hay, nhưng trong cuộc sống thực tế, chúng ta có trách nhiệm kiểm soát cảm xúc của mình. Nhiều cuộc hôn nhân đã kết thúc (và nhiều cuộc đã bắt đầu một cách dại dột) vì ai đó đã “phải lòng” nhầm người. Đức Chúa Trời ghét ly dị (Ma-la-chi 2:16), bất kể ai đó “phải lòng” mãnh liệt một người nam hay người nữ khác.

Tình yêu không phải là trạng thái mà chúng ta vấp phải rồi ngã vào, mà đó là một cam kết mà chúng ta phát triển thành. Phần rắc rối với khái niệm “phải lòng” là thế giới đang xoay vần về ý nghĩa của tình yêu. Thông thường sẽ chính xác hơn khi nói rằng những người “phải lòng” thực sự là đang “rơi vào tình trạng ham muốn” hoặc “say mê” hoặc “rơi vào tình trạng cuồng dại”. Tình yêu là “con đường tốt lành nhất” (I Cô-rinh-tô 12:31). “Tình yêu thương hay nhịn nhục, tình yêu thương hay nhân từ” (I Cô-rinh-tô 13:4), và chúng ta không “ngã vào” sự kiên nhẫn hay nhân từ. Càng trưởng thành trong tình yêu thương, chúng ta càng trở nên cho đi nhiều hơn và tập chú vào người khác hơn (xin xem Giăng 3:16 và I Giăng 4:10).

“Phải lòng” là một cụm từ đáng yêu, và nó gợi lên những cảm giác thú vị khi bước vào một mối tình lãng mạn lý tưởng. Bản chất của những cảm giá như vậy là ổn và có thể những người đang phải lòng đã thực sự tìm thấy một nửa hoàn hảo. Nhưng chúng ta phải luôn nhớ rằng tình yêu không chỉ là cảm xúc lôi cuốn dựa trên sự hấp dẫn về thể xác. Những người đang “phải lòng” đôi khi mù quáng trước hoàn cảnh thực tế của họ và có thể dễ dàng nhầm lẫn cường độ cảm xúc của họ với tình yêu đích thực. Cô dâu trong Nhã ca nói về sự vĩnh cửu của tình yêu đích thực khi khuyên chồng mình: “Hãy để tôi như một cái ấn nơi lòng chàng, như một cái ấn trên cánh tay chàng” (Nhã ca 8:6). Nói cách khác, “Hãy cam kết với em tất cả cảm xúc của anh (tim chàng) và tất cả sức mạnh của anh (cánh tay anh)”.

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Kinh Thánh nói gì về việc phải lòng một ai đó?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries