settings icon
share icon
Câu hỏi

Chúng ta có thể học được gì từ cuộc đời của Môi-se?

Trả lời


Môi-se là một trong những nhân vật nổi bật nhất trong Cựu Ước. Trong khi Áp-ra-ham được gọi là “Cha của những người trung thành” và là người nhận giao ước ân điển vô điều kiện của Đức Chúa Trời dành cho dân Ngài, thì Môi-se là người được chọn để mang lại sự giải cứu cho dân Ngài. Đức Chúa Trời đặc biệt chọn Môi-se từ dẫn dắt dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi cảnh lưu đày Ai Cập cho đến sự giải cứu trong Đất Hứa. Môi-se cũng được công nhận là người trung gian của Giao ước cũ và thường được gọi là người ban hành Luật Pháp. Cuối cùng, Môi-se là tác giả chính của Ngũ Kinh, những cuốn sách nền tảng của toàn bộ Kinh Thánh. Vai trò của Môi-se trong Cựu Ước là một hình bóng và là hình bóng của vai trò Chúa Giê-su trong Tân Ước. Như vậy, cuộc đời của ông chắc chắn đáng để xem xét.

Lần đầu tiên chúng ta gặp Môi-se trong các chương mở đầu của sách Xuất Ê-díp-tô Ký. Trong chương 1, chúng ta biết rằng sau khi tộc trưởng Giô-sép giải cứu gia đình mình khỏi nạn đói lớn và đưa họ đến định cư ở vùng đất Gô-sen (ở Ai Cập), con cháu của Áp-ra-ham đã sống trong hòa bình trong nhiều thế hệ cho đến khi có một pha-ra-ôn lên nắm quyền ở Ai Cập “không biết Giô-sép” (Xuất Ê-díp-tô Ký 1:8). Vị pha-ra-ôn này đã hà hiếp dân Hê-bơ-rơ và bắt họ làm nô lệ cho các dự án xây dựng đồ sộ của mình. Bởi vì Đức Chúa Trời ban phước cho dân Hê-bơ-rơ với sự gia tăng dân số nhanh chóng, người Ai Cập bắt đầu lo sợ về số lượng ngày càng tăng của người Hê-bơ-rơ sinh sống trên đất của họ. Vì vậy, Pha-ra-ôn đã ra lệnh giết tất cả trẻ em trai do phụ nữ Hê-bơ-rơ sinh ra (Xuất Ê-díp-tô Ký 1:22).

Trong Xuất Ê-díp-tô Ký chương 2, chúng ta thấy mẹ của Môi-se cố gắng cứu con mình bằng cách đặt ông vào một cái thúng và thả xuống sông Nin. Chiếc giỏ cuối cùng đã được tìm thấy bởi con gái của Pha-ra-ôn, và bà đã nhận ông làm con của mình và tự mình nuôi nấng ông trong cung điện của pha-ra-ôn. Khi trưởng thành, Môi-se bắt đầu đồng cảm với hoàn cảnh khó khăn của người dân mình, và khi chứng kiến cảnh một người Ai Cập đánh đập một nô lệ Hê-bơ-rơ, Môi-se đã can thiệp và giết chết người Ai Cập. Trong một sự việc khác, Môi-se cố gắng can thiệp vào cuộc tranh chấp giữa hai người Hê-bơ-rơ, nhưng một trong hai người Hê-bơ-rơ quở trách Môi-se và nhận xét một cách mỉa mai: “Ai đặt ngươi làm vua, làm quan án cho chúng ta? Có phải muốn giết ta như đã giết người Ê-díp-tô kia chăng?” (Xuất Ê-díp-tô Ký 2:14). Nhận thấy rằng hành vi phạm tội của mình đã bị bại lộ, Môi-se chạy trốn đến vùng đất Mi-đi-an, nơi đó ông lại can thiệp—lần này là giải cứu các con gái của Giê-trô khỏi sự bắt nạt của những kẻ chăn chiên. Để tỏ lòng biết ơn, Giê-trô (còn gọi là Rê-u-ên) đã gả con gái mình là Sê-phô-ra cho Môi-se (Xuất Ê-díp-tô Ký 2:15–21). Môi-se sống ở Ma-đi-an khoảng bốn mươi năm.

Biến cố quan trọng tiếp theo trong cuộc đời Môi-se là cuộc gặp gỡ của ông với Đức Chúa Trời tại bụi gai cháy (Xuất Ê-díp-tô ký 3–4), nơi Đức Chúa Trời kêu gọi Môi-se làm người giải cứu cho dân Ngài. Bất chấp những lời bào chữa ban đầu và thẳng thắn yêu cầu Đức Chúa Trời gửi người khác đến, Môi-se vẫn đồng ý vâng lời Chúa. Đức Chúa Trời hứa sai A-rôn, anh trai của Môi-se đi cùng với ông. Phần còn lại của câu chuyện được khá nhiều người biết đến. Môi-se và anh trai ông, A-rôn, nhân danh Đức Chúa Trời đến gặp Pha-ra-ôn và yêu cầu vua cho dân chúng đi thờ phượng Đức Chúa Trời của họ. Pha-ra-ôn ngoan cố từ chối, và mười tai vạ phán xét của Đức Chúa Trời giáng xuống dân chúng và xứ sở, tai vạ cuối cùng là con đầu lòng bị giết chết. Trước tai họa cuối cùng này, Đức Chúa Trời đã truyền lệnh cho Môi-se tổ chức Lễ Vượt Qua, để kỷ niệm sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời trong việc cứu chuộc dân Ngài khỏi cảnh nô lệ ở Ai Cập.

Sau cuộc xuất hành, Môi-se dẫn dân sự đến bờ Biển Đỏ, nơi Đức Chúa Trời thực hiện một phép lạ cứu rỗi khác bằng cách rẽ nước và cho phép dân Y-sơ-ra-ên đi qua bờ bên kia trong khi nhấn chìm quân Ai Cập (Xuất Ê-díp-tô Ký 14). Môi-se dẫn dân sự đến chân núi Si-nai, nơi Luật Pháp được ban hành và Giao Ước Cũ được thiết lập giữa Đức Chúa Trời và quốc gia Y-sơ-ra-ên mới được thành lập (Xuất Ê-díp-tô ký 19–24).

Phần còn lại của sách Xuất Ê-díp-tô Ký và toàn bộ sách Lê-vi Ký diễn ra trong khi dân Y-sơ-ra-ên đóng trại ở chân núi Sinai. Đức Chúa Trời ban cho Môi-se những hướng dẫn chi tiết về việc xây dựng Đền tạm— đó là một lều thờ phượng lưu động có thể được lắp ráp và tháo rời để dễ di chuyển—và cách làm các dụng cụ thờ phượng, trang phục dành cho thầy tế lễ và hòm giao ước, biểu tượng cho sự hiện diện của Đức Chúa Trời giữa dân sự Ngài cũng như là nơi mà thầy tế lễ thượng phẩm sẽ thực hiện lễ chuộc tội hàng năm. Đức Chúa Trời cũng ban cho Môi-se những chỉ dẫn rõ ràng về cách thờ phượng Chúa và những hướng dẫn để duy trì sự tinh sạch và thánh khiết giữa dân vòng dân sự. Sách Dân số ký cho thấy dân Y-sơ-ra-ên di chuyển từ núi Sinai đến rìa Đất Hứa, nhưng họ từ chối tiến vào khi mười trong số mười hai thám tử được sai đi do thám mang về một báo cáo xấu về khả năng để dân Y-sơ-ra-ên chiếm lấy đất. Đức Chúa Trời kết án thế hệ dân Y-sơ-ra-ên này phải chết trong đồng vắng vì sự bất tuân của họ và bắt họ phải lang thang bốn mươi năm trong đồng vắng. Đến cuối sách Dân số ký, thế hệ tiếp theo của dân Y-sơ-ra-ên đã trở lại phía bên ngoài rìa của Đất Hứa, sẵn sàng tin cậy Đức Chúa Trời và tiến chiếm nó bằng đức tin.

Sách Phục Truyền Luật Lệ Ký cho thấy Môi-se đã có một số bài giảng cho dân chúng, nhắc nhở họ về quyền năng cứu rỗi và sự thành tín của Đức Chúa Trời. Ông đọc nhắc lại Luật Pháp lần hai (Phục Truyền Luật Lệ Ký 5) và chuẩn bị cho thế hệ dân Y-sơ-ra-ên này đón nhận những lời hứa của Đức Chúa Trời. Chính Môi-se cũng bị cấm vào xứ vì tội lỗi của ông tại Mê-ri-ba (Dân số ký 20:10-13). Ở cuối sách Phục Truyền Luật Lệ Ký có ghi lại cái chết của Môi-se (Phục Truyền Luật Lệ Ký 34). Ông lên trên núi Nê-bô và được phép nhìn vào Đất Hứa. Khi qua đời, Môi-se được 120 tuổi và Kinh Thánh ghi lại rằng “mắt người không làng, sức người không giảm” (Phục truyền luật lệ ký 34:7). Chính Đức Chúa Trời đã chôn cất Môi-se (Phục truyền luật lệ ký 34:5–6), và Giô-suê lên nắm quyền lãnh đạo dân sự (Phục truyền luật lệ ký 34:9). Phục truyền luật lệ ký 34:10–12 nói: “Về sau, trong Y-sơ-ra-ên không còn dấy lên tiên tri nào giống như Môi-se, mà Đức Giê-hô-va biết giáp mặt. Không có ai bằng người, hoặc về các dấu kỳ, phép lạ mà Đức Giê-hô-va sai người làm tại trong xứ Ê-díp-tô, trước mặt Pha-ra-ôn, các quần thần, và cả xứ của người; hoặc hết thảy công việc lớn lao và đáng sợ mà Môi-se cậy tay quyền năng mình làm tại trước mặt cả Y-sơ-ra-ên” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 34:10-12).

Trên đây chỉ là một bản phác thảo ngắn gọn về cuộc đời của Môi-se và không nói về những tương tác của ông với Đức Chúa Trời, cách ông dẫn dắt dân sự, mà một số cách cụ thể ông báo trước về Chúa Giê-su Christ, vai trò thiết yếu của ông đối với niềm tin người Y-sơ-ra-ên, sự xuất hiện của ông lúc Chúa Giê-su hóa hình và các chi tiết khác. Nhưng nó cho chúng ta một số khuôn mẫu về con người. Vậy bây giờ chúng ta có thể học được gì từ cuộc đời của Môi-se? Cuộc đời của Môi-se được chia thành ba giai đoạn, mỗi giai đoạn 40 năm. Đầu tiên là cuộc đời của ông trong triều đình Pha-ra-ôn. Là con nuôi của con gái Pha-ra-ôn, Môi-se hẳn có tất cả những đặc quyền và đặc ân của một hoàng tử Ai Cập. Ông đã được dạy “cả sự khôn ngoan của người Ê-díp-tô; lời nói và việc làm đều có tài năng” (Công vụ 7:22). Khi hoàn cảnh khốn cùng của dân Y-sơ-ra-ên bắt đầu làm xáo trộn tâm trí ông, Môi-se đã tự mình trở thành vị cứu tinh cho dân tộc mình. Như Ê-tiên đã nói trước hội đồng cai trị Do Thái, “Người [Môi-se] ngờ anh em mình chắc hiểu rằng Đức Chúa Trời dùng tay mình giải cứu họ; nhưng họ chẳng hiểu” (Công vụ 7:25). Từ sự việc này, chúng ta biết rằng Môi-se hành động như là của một người nóng nảy và có xu hướng hành động hấp tấp. Đức Chúa Trời có muốn cứu dân Ngài không? Có. Có phải Đức Chúa Trời muốn dùng Môi-se làm công cụ cứu rỗi mà Ngài đã chọn không? Đúng. Nhưng Môi-se, dù có thực sự nhận thức được vai trò của mình trong việc giải cứu dân Do Thái hay không, ông vẫn hành động hấp tấp và nóng nảy. Ông cố gắng thực hiện theo thời điểm của mình những gì Đức Chúa Trời muốn thực hiện trong thời điểm của Ngài. Bài học dành cho chúng ta rất rõ ràng: chúng ta phải nhận thức sâu sắc rằng không chỉ làm theo ý Chúa mà còn làm theo ý Chúa trong thời điểm của Ngài chứ không phải theo thời điểm của chúng ta. Như rất nhiều trường hợp khác trong Kinh Thánh, khi chúng ta cố gắng làm theo ý muốn của Chúa vào đúng thời điểm của mình, chúng ta đã tạo ra một mớ hỗn độn còn lớn hơn những gì tồn tại lúc ban đầu.

Môi-se cần thời gian để lớn lên, trưởng thành và học cách nhu mì và khiêm nhường trước Chúa, và điều này đưa chúng ta đến chương tiếp theo trong cuộc đời của Môi-se, 40 năm ông ở xứ Ma-đi-an. Trong thời gian này, Môi-se đã học được cuộc sống giản dị của một người chăn chiên, một người chồng và một người cha. Đức Chúa Trời đã chọn một thanh niên bốc đồng và nóng nảy rồi bắt đầu quá trình uốn nắn và tôi luyện ông thành một công cụ hoàn hảo để Đức Chúa Trời sử dụng. Chúng ta có thể học được gì từ thời điểm này trong cuộc đời của Môi-se? Nếu bài học đầu tiên là chờ đợi thời điểm của Chúa thì bài học thứ hai là đừng lười biếng trong khi chờ đợi thời điểm của Chúa. Mặc dù Kinh Thánh không dành nhiều thời gian cho các chi tiết về phần này của cuộc đời Môi-se, nhưng cũng không phải là Môi-se ngồi yên chờ đợi tiếng gọi của Đức Chúa Trời. Ông đã dành gần 40 năm để học cách chăn chiên và nuôi sống một gia đình. Đây không phải là những điều tầm thường! Trong khi chúng ta có thể khao khát những trải nghiệm “trên đỉnh núi” với Chúa, thì chin mươi chín phần trăm cuộc đời chúng ta lại sống ở thung lũng và làm những công việc trần tục hàng ngày tạo nên cuộc sống. Chúng ta cần phải sống cho Đức Chúa Trời “trong thung lũng” trước khi Ngài chiêu mộ chúng ta bước vào trận chiến. Thông thường, chính trong những điều tưởng chừng như tầm thường của cuộc sống mà Chúa huấn luyện và chuẩn bị chúng ta cho sự kêu gọi của Ngài trong những năm tháng tới.

Một điều khác mà chúng ta thấy từ Môi-se trong thời gian ông ở Ma-đi-an là khi cuối cùng Đức Chúa Trời kêu gọi ông phục vụ, Môi-se đã phản đối. Là một người hành động từ rất sớm, Môi-se, lúc này 80 tuổi, đã trở nên quá rụt rè. Khi được kêu gọi để nói thay cho Đức Chúa Trời, Môi-se nói rằng ông “miệng và lưỡi tôi hay ngập ngừng” (Xuất Ê-díp-tô ký 4:10). Một số nhà bình luận tin rằng Môi-se có thể đã gặp trở ngại trong lời nói. Có lẽ vậy, nhưng sẽ thật kỳ quặc khi Ê-tiên nói rằng Môi-se “lời nói và việc làm đều có tài năng” (Công vụ 7:22). Có lẽ Môi-se không muốn quay trở lại Ai Cập và thất bại lần nữa. Đây không phải là một cảm giác hiếm gặp. Có bao nhiêu người trong chúng ta đã cố gắng làm điều gì đó (dù có phải vì Chúa hay không) và thất bại, rồi lại ngần ngại thử lại? Có hai điều dường như Môi-se đã bỏ qua. Một là sự thay đổi rõ ràng đã xảy ra trong cuộc đời ông trong suốt 40 năm qua. Sự thay đổi khác và quan trọng hơn là Đức Chúa Trời sẽ ở bên ông. Lúc đầu, Môi-se thất bại không phải vì ông hành động bốc đồng mà vì ông hành động không có Chúa. Vì vậy, bài học rút ra ở đây là khi bạn nhận ra tiếng gọi rõ ràng từ Chúa, hãy bước đi trong đức tin, biết rằng Chúa luôn đi cùng bạn! Đừng nhút nhát, nhưng hãy mạnh dạn trong Chúa, nhờ sức toàn năng của Ngài (Ê-phê-sô 6:10).

Chương thứ ba và cũng là chương cuối cùng trong cuộc đời của Môi-se là chương mà Kinh Thánh dành nhiều thời gian nhất để ghi lại, đó là vai trò của ông trong việc cứu chuộc dân Y-sơ-ra-ên. Một số bài học cũng có thể được rút ra từ chương này của cuộc đời Môi-se. Đầu tiên là làm thế nào để trở thành người lãnh đạo hiệu quả trước mọi người. Về cơ bản, Môi-se chịu trách nhiệm đối với hai triệu người tỵ nạn Y-sơ-ra-ên. Khi mọi thứ bắt đầu đè nặng lên ông, ông gia của ông, Giê-trô, đã đề nghị ông giao trách nhiệm cho những người trung thành khác, một bài học mà nhiều người có thẩm quyền đối với người khác cần phải học (Xuất Ê-díp-tô ký 18). Chúng ta cũng thấy một người phụ thuộc vào ân sủng của Đức Chúa Trời để giúp đỡ trong nhiệm vụ của ông. Môi-se liên tục thay mặt dân sự cầu xin trước mặt Đức Chúa Trời. Ước gì tất cả những người có thẩm quyền sẽ cầu nguyện Đức Chúa Trời thay cho những người mà họ phụ trách! Môi-se nhận thức sâu sắc sự cần thiết sự hiện diện của Chúa và thậm chí còn yêu cầu được nhìn thấy vinh quang của Chúa (Xuất Ê-díp-tô ký 33). Môi-se biết rằng nếu không có Đức Chúa Trời thì cuộc xuất hành sẽ vô nghĩa. Chính Đức Chúa Trời đã làm cho dân Y-sơ-ra-ên trở nên khác biệt và họ cần Ngài nhất. Cuộc đời của Môi-se cũng dạy chúng ta bài học rằng có một số tội lỗi sẽ tiếp tục đeo bám chúng ta suốt cuộc đời. Tương tự, tính nóng nảy đã khiến Môi-se gặp rắc rối ở Ai Cập cũng khiến ông gặp rắc rối trong hành trình đi trong đồng vắng. Trong sự việc xảy ra tại Mê-ri-ba, Môi-se đã tức giận dùng gậy đập vào tảng đá để có nước cho dân sự. Tuy nhiên, ông đã không để sự vinh hiển cho Đức Chúa Trời, cũng không tuân theo những mệnh lệnh chính xác của Đức Chúa Trời. Vì điều này, Đức Chúa Trời đã cấm ông vào Đất Hứa. Tương tự như vậy, tất cả chúng ta đều không chống nổi một số tội lỗi dày vò chúng ta, chúng hành hạ chúng ta suốt cuộc đời, những tội lỗi đòi hỏi chúng ta phải luôn cảnh giác.

Đây chỉ là một số bài học thực tế mà chúng ta có thể học được từ cuộc đời của Môi-se. Tuy nhiên, nếu nhìn vào cuộc đời của Môi-se dưới ánh sáng toàn cảnh của Kinh thánh, chúng ta sẽ thấy những lẽ thật thần học lớn hơn phù hợp với câu chuyện cứu chuộc. Trong chương 11, tác giả sách Hê-bơ-rơ dùng Môi-se làm gương về đức tin. Chúng ta biết rằng chính nhờ đức tin mà Môi-se đã từ chối vinh quang trong cung điện của Pha-ra-ôn để đồng cảm với hoàn cảnh khốn cùng của dân tộc ông. Tác giả sách Hê-bơ-rơ nói: “[Môi-se]coi sự sỉ nhục về Đấng Christ là quí hơn của châu báu xứ Ê-díp-tô” (Hê-bơ-rơ 11:26). Cuộc đời của Môi-se là một cuộc đời có đức tin, và chúng ta biết rằng không có đức tin thì không thể nào làm hài lòng Đức Chúa Trời (Hê-bơ-rơ 11:6). Tương tự như vậy, chính nhờ đức tin mà chúng ta, khi mong đợi sự vinh hiển cao trọng trên trời, có thể chịu đựng những khó khăn tạm thời trong đời này (2 Cô-rinh-tô 4:17–18).

Như đã đề cập trước đó, chúng ta cũng biết rằng cuộc đời của Môi-se là hình bóng về cuộc đời của Đấng Christ. Giống như Đấng Christ, Môi-se là người trung gian của một giao ước. Một lần nữa, tác giả sách Hê-bơ-rơ đã mất nhiều công sức để chứng minh điểm này (xem Hê-bơ-rơ 3; 8-10). Sứ đồ Phao-lô cũng đưa ra quan điểm tương tự trong 2 Cô-rinh-tô 3. Điểm khác biệt là giao ước mà Môi-se làm trung gian chỉ mang tính tạm thời và có điều kiện, trong khi giao ước mà Đấng Christ làm trung gian là vĩnh cửu và vô điều kiện. Giống như Đấng Christ, Môi-se đã giải cứu dân Ngài. Môi-se đã đưa dân Y-sơ-ra-ên thoát khỏi cảnh nô lệ và bị đọa đày ở Ai Cập và đưa họ đến Đất Hứa Ca-na-an. Đấng Christ giải cứu dân Ngài khỏi sự trói buộc và nô lệ cho tội lỗi và sự đoán phạt, đồng thời đưa họ đến Đất Hứa về sự sống đời đời trên một đất mới được đổi mới khi Đấng Christ trở lại để hoàn thành vương quốc mà Ngài đã khai mở khi Ngài đến lần thứ nhất. Giống như Đấng Christ, Môi-se là một tiên tri cho dân tộc mình. Môi-se đã nói chính những lời của Đức Chúa Trời cho dân Y-sơ-ra-ên giống như Đấng Christ đã làm (Giăng 17:8). Môi-se tiên đoán rằng Đức Chúa Trời sẽ dấy lên một Đấng tiên tri khác giống như ông trong dân sự (Phục truyền luật lệ ký 18:15). Chúa Giê-su và Hội thánh đầu tiên đã dạy và tin rằng Môi-se đang nói về Chúa Giê-su khi ông viết những lời đó (xem thêm Giăng 5:46, Công vụ 3:22, 7:37). Theo nhiều cách, cuộc đời của Môi-se là tiền đề cho cuộc đời của Đấng Christ. Như vậy, chúng ta có thể thoáng thấy cách Đức Chúa Trời thực hiện kế hoạch cứu chuộc của Ngài trong cuộc đời của những người trung tín trong suốt lịch sử nhân loại. Điều này cho chúng ta hy vọng rằng, giống như Đức Chúa Trời đã cứu dân Ngài và cho họ được yên nghỉ qua những việc làm của Môi-se, thì Đức Chúa Trời cũng sẽ cứu chúng ta và cho chúng ta được yên nghỉ trong ngày Sa-bát đời đời trong Đấng Christ, cả bây giờ và trong sự sống đời sau.

Cuối cùng, thật thú vị khi lưu ý rằng, mặc dù Môi-se chưa bao giờ đặt chân đến Đất Hứa trong suốt cuộc đời của mình, nhưng ông đã được trao cơ hội vào Đất Hứa sau khi chết. Trên núi hóa hình, khi Chúa Giê-su cho các môn đệ nếm trải vinh quang trọn vẹn của Ngài, Ngài đã ở cùng với hai nhân vật trong Cựu Ước, Môi-se và Ê-li, những người đại diện cho Luật pháp và Tiên tri. Ngày nay, Môi-se đang trải nghiệm ngày Sa-bát thực sự được yên nghỉ trong Đấng Christ mà một ngày nào đó tất cả các Cơ-Đốc nhân cũng sẽ được (Hê-bơ-rơ 4:9).

English





Trở lại trang chủ tiếng Việt

Chúng ta có thể học được gì từ cuộc đời của Môi-se?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries