settings icon
share icon
Câu hỏi

Nhân vật Ê-xê-chi-ên trong Kinh Thánh là ai?

Trả lời


Ê-xê-chi-ên, tên có nghĩa là “được Chúa ban sức mạnh”, lớn lên ở Giê-ru-sa-lem, nơi ông được đào tạo để trở thành thầy tế lễ trong đền thờ. Ông nằm trong nhóm tù binh thứ hai bị đưa đến Ba-by-lôn cùng với Vua Giê-hô-gia-kin vào khoảng năm 597 trước Công nguyên. Khi ở Ba-by-lôn, Ê-xê-chi-ên đã trở thành nhà tiên tri của Đức Chúa Trời; ông là tác giả của sách Cựu Ước mang tên ông.

Thánh chức của Ê-xê-chi-ên bắt đầu bằng việc đoán xét và phán xét dân Giu-đa. Sau khi thành Giê-ru-sa-lem bị sụp đổ, sứ điệp của Ê-xê-chi-ên là sứ điệp hi vọng về một tương lai tươi sáng_ về sự khôi phục của đất nước. Ê-xê-chi-ên muốn giúp mọi người nhìn nhận và học hỏi từ những thất bại của họ. Ông tuyên bố sự phán xét sắp xảy đến với các quốc gia bao quanh Giu-đa và lời hứa về niềm hy vọng cho sự phục hồi của Y-sơ-ra-ên. Khải tượng của ông về thung lũng đầy hài cốt khô (Ê-xê-chi-ên 37), hình dung ra cuộc sống mới đang được thổi vào đất nước. Lời tiên tri đó cuối cùng sẽ được ứng nghiệm trong triều đại ngàn năm của Đấng Christ trên đất.

Khải tượng đầu tiên của Ê-xê-chi-ên là về ngai của Đức Chúa Trời, bao gồm những mô tả về bốn sinh vật sống và những bánh xe quay tròn. Ê-xê-chi-ên cũng miêu tả chi tiết những khải tượng về một đền thờ mới (Ê-xê-chi-ên 40–43), một thành Giê-ru-sa-lem được phục hồi (Ê-xê-chi-ên 48:30–35), thời kỳ ngàn năm (chương 44) và miền đất mà dân của Đức Chúa Trời sẽ cư ngụ (Ê-xê-chi-ên 47:13– 23). Y-sơ-ra-ên và Giu-đa một lần nữa sẽ được phục hồi để hiệp nhất từ những nơi tận cùng của trái đất, cũng như sự vinh hiển của Đức Chúa Trời trở lại và Đức Chúa Trời ngự trị giữa dân Ngài. Những khải tượng đẹp đẽ này của Ê-xê-chi-ên liên quan đến những kế hoạch ngắn hạn và dài hạn của Đức Chúa Trời.

Ê-xê-chi-ên rao giảng thông điệp của Đức Chúa Trời bằng ngôn ngữ đơn giản mà mọi người đều có thể hiểu được, cho dù họ có nghe hay không (Ê-xê-chi-ên 2:7). Chính Ê-xê-chi-ên được kêu gọi làm người canh gác, và Đức Chúa Trời đã cảnh báo ông rằng, nếu ông không cảnh cáo kẻ dữ về hình phạt vì không vâng theo Đức Chúa Trời, thì ông sẽ phải chịu trách nhiệm về huyết của những người đã chết vì tội lỗi của họ_ “Kẻ dữ sẽ chết trong sự gian ác mình, nhưng Ta sẽ đòi máu nó nơi tay ngươi” (Ê-xê-chi-ên 33:8– 9). Ông không ngần ngại thực hiện sứ mệnh của mình và kiên định làm theo sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời. Ê-xê-chi-ên có cái nhìn đầy nhiệt huyết về về sự phán xét và hy vọng, đồng thời ông phản ánh nỗi đau buồn của Đức Chúa Trời đối với tội lỗi của dân sự.

Nỗi đau buồn của Ê-xê-chi-ên càng trở nên tồi tệ hơn sau cái chết của vợ ông (Ê-xê-chi-ên 24)—một sự kiện mà Đức Chúa Trời ngăn cấm ông không được khóc lóc. Đức Chúa Trời dùng cái chết của vợ Ê-xê-chi-ên làm dấu hiệu cho dân Giu-đa. Giống như nhà tiên tri mất vợ, dân Giu-đa sẽ mất đền thờ. Và cũng giống như Ê-xê-chi-ên không thể hiện nỗi đau buồn ra bên ngoài, người Do Thái sẽ bị choáng ngợp đến mức im lặng trước nỗi buồn mà họ cảm nhận được.

Tiên tri Ê-xê-chi-ên trải qua sự chống đối đáng kể trong suốt cuộc đời ông, nhưng ông vẫn kiên trì bày tỏ mong muốn của Đức Chúa Trời là kẻ ác không chết mà từ bỏ đường lối gian ác của mình và được sống. Tình trạng không nói được trong những năm đầu đời đã bị phá vỡ khi Đức Chúa Trời ban quyền cho ông nói, và lưỡi của ông đã được thong thả để nói những câu dài nhất về niềm hy vọng vững bền trong Kinh Thánh. Việc đốt, chặt và rải tóc của ông tượng trưng cho sự sụp đổ của Giê-ru-sa-lem và sự đem dân còn sót lại của Đức Chúa Trời trở lại (chương 5). Những lời đầy hy vọng lên đến đỉnh điểm với lời hứa về quyền sở hữu vĩnh viễn xứ này, một hoàng tử thuộc dòng dõi Đa-vít đời đời, một giao ước đời đời và một nơi thánh đời đời ở Y-sơ-ra-ên (Ê-xê-chi-ên 11:16–21).

Những khải tượng của Ê-xê-chi-ên đã tiến xa đến thời điểm mà dân Y-sơ-ra-ên sẽ phải đối mặt với một cuộc xâm lược bởi một liên minh của các quốc gia được lãnh đạo bởi một quốc gia từ phía Bắc. Các quốc gia đang đe doạ dân Y-sơ-ra-ên sẽ bị đánh bại hoàn toàn bởi sự can thiệp trực tiếp từ Đức Chúa Trời (Ê-xê-chi-ên 38-39). Sự chiến thắng trong tương lai này chứng tỏ hai điều đáng chú ý cho những người dân Do Thái đang bị lưu đày, đó là: (1) Đất nước của họ sẽ được phục hồi lại và (2) sau lần phục hồi cuối cùng đó, sẽ không kẻ thù nào có thể xâm chiếm thàng công Đất Thánh một lần nữa. Ê-xê-chi-ên cũng nhìn thấy sự vinh hiển của Đức Chúa Trời trở lại đền thờ, điều này được thể hiện trong chương 43 và sự vinh hiển đó đã mất đi trong chương 10.

Ê-xê-chi-ên đã cho tất cả các tín đồ Đấng Christ thấy rằng chúng ta phải vâng phục lời kêu gọi của Đức Chúa Trời trong cuộc đời mình. Đức Chúa Trời bảo Ê-xê-chi-ên phải rên rĩ với một trái tim tan vỡ và buồn khổ cay đắng trước sự phán xét sắp tới, và, qua cuốn sách đầy kịch tính của mình, Ê-xê-chi-ên cũng nói với chúng ta những điều tương tự. Sự phán xét đang đến! Điều đó chắc chắn sẽ xảy ra, Chúa tối thượng Giê-hô-va phán vậy. Chúng ta, cũng giống như Ê-xê-chi-ên, có thể cảnh báo những người khác, và chúng ta cũng có thể chia sẽ với họ tin mừng về sự cứu rỗi trong Cứu Chúa Giê-su Christ.

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Nhân vật Ê-xê-chi-ên trong Kinh Thánh là ai?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries