settings icon
share icon
Câu hỏi

Chúng ta học được gì từ cuộc đời của tiên tri Ê-sai?

Trả lời


Tiên tri Ê-sai, tên của ông có nghĩa là “Đức Giê-hô-va là sự cứu rỗi”, được biết đến nhiều nhất vì ông đã viết cuốn sách mang tên mình trong Kinh Thánh Cựu Ước. Các sách của ông đặc biệt quan trọng đối với những lời tiên tri ông chỉ ra về sự đến của Đấng Mê-si, hàng trăm năm trước khi Chúa Giê-su giáng sinh (Ê-sai 7:14; 9:1-7, 11:2-4; 53:4-7, 9, 12). Ma-thi-ơ đã trích dẫn lời trong sách Ê-sai khi mô tả chức vụ của Giăng Báp-tít (Ma-thi-ơ 3:3; Ê-sai 40:3), và khi Chúa Giê-su dời đến vùng Ga-li-lê để bắt đầu chức vụ của Ngài, lời tiên tri của Ê-sai đã được ứng nghiệm (Ma-thi-ơ 4:13-16; Ê-sai 9:1-2 ). Chúa Giê-su đã trích dẫn lời tiên tri của Ê-sai khi kể các chuyện ngụ ngôn (Ê-sai 6:9; Ma-thi-ơ 13:14-15), và sứ đồ Phao-lô cũng nhắc đến lời tiên tri tương tự khi ông ở Rô-ma (Công vụ 28:26-27). Khi Chúa Giê-su đọc sách Ê-sai (Ê-sai 61:1-2) trong nhà hội ở Na-xa-rét, Ngài đã khiến nhiều người Do Thái kinh ngạc khi tuyên bố lời tiên tri được ứng nghiệm nơi Ngài (Lu-ca 4:16-21). Điều thú vị cần lưu ý là các sách Phúc âm trích dẫn nhiều từ các bài viết của Ê-sai hơn bất kỳ nhà tiên tri nào khác của thời Cựu Ước.

Có rất ít điều được viết về Ê-sai. Chúng ta biết rằng ông là con trai của A-mốt, ông đã kết hôn và có con trai (Ê-sai 1:1; 7:3; 8:3). Mặc dù sự công nhận Ê-sai là một nhà tiên tri vĩ đại được chỉ ra trong sách Các Vua và Các Sử ký, nhưng cũng có khả năng ông là một thầy tế lễ, vì sự kêu gọi từ Đức Chúa Trời cho ông đã diễn ra trong đền thờ (Ê-sai 6:4), một khu vực chỉ dành riêng cho các thầy tế lễ. Sự xức dầu ông nhận khi được kêu gọi tương tự như sự xức dầu của tiên tri Giê-rê-mi (Giê-rê-mi 1:9; Ê-sai 6:7).

Cùng đương thời với tiên tri Mi-chê, Ê-sai phục vụ vương quốc Giu-đa ở phía nam, dưới triều đại của bốn vị vua. Vào thời Ê-sai thi hành chức vụ, Giu-đa là một quốc gia tội lỗi và bất công. Tuy nhiên, Ê-sai tin rằng Giu-đa là quốc gia được Đức Chúa Trời chọn và họ sẽ được Đức Chúa Trời tái xác nhận. Với sự hỗ trợ của Mi-chê và vị Vua tin kính Ê-xê-chia, kẻ thù của họ đã bị chặn đứng và một cuộc phục hưng đã quét qua quốc gia Giu-đa (2 Các Vua 19:32-36; 2 Sử Ký 32:20-23). Nhiều nhà bình luận mô tả Ê-sai là nhà truyền giáo của Giu-đa vì ông đã làm việc không mệt mỏi để đưa dân sự trở lại với Đức Chúa Trời.

Có nhiều thăng trầm trong cuộc đời của Ê-sai. Lòng trung thành của ông với Đức Chúa Trời đã được đền đáp bằng một số phép lạ đáng kinh ngạc. Đáp lại lời cầu nguyện của Ê-sai, Đức Chúa Trời đã dịch chuyển mặt trời lùi lại mười bước như một dấu hiệu cho Vua Ê-xê-chia biết rằng Đức Chúa Trời sẽ kéo dài cuộc đời của Ê-xê-chia thêm 15 năm nữa (2 Các Vua 20:8-11; 2 Sử ký 32:24). Tuy nhiên, Ê-sai đã trần truội không áo quần, đi chân trần suốt ba năm, trong sự vâng lời Đức Chúa Trời, như là “dấu kỳ” chống lại người Ai Cập (Ê-sai 20:2-4). Người cùng thời với ông, Mi-chê, cũng đã làm như vậy (Mi-chê 1:8), mặc dù chúng ta không được biết trong bao lâu.

Khi xem xét tấm lòng của một người, chúng ta có thể biết được người đó là người như thế nào, và Chúa Giê-su đã nói rằng chính từ trong lòng mà người ta mới nói ra (Ma-thi-ơ 12:34). Chính từ những bài viết của Ê-sai mà chúng ta học được về lòng trung tín kiên định và sự khiêm nhường hoàn toàn của ông trước mặt Đức Chúa Trời. Ông cũng được triều đình của Vua Ê-xê-chia và những người đồng lứa rất kính trọng, điều này thể hiện rõ trong thời kỳ khủng hoảng. Một số tác phẩm nghệ thuật, âm nhạc và thơ ca vĩ đại nhất thế giới đã đến từ những người đồng đi với Đức Chúa Trời, và chúng ta có thể kể đến Ê-sai trong số họ. Khả năng hiểu ngôn ngữ Hê-bơ-rơ của ông được ví như khả năng hiểu tiếng Anh của Shakespeare, như chúng ta đọc thấy trong sách Ê-sai những viết lách hay nhất trong Kinh thánh. Mặc dù sách Ê-sai đã được viết cách đây hơn 2,500 năm, nhưng cũng rất đáng để đọc hết sách, vì trong đó chúng ta thấy nhiều sự khôn ngoan vẫn còn áp dụng cho đời sống Cơ Đốc nhân của chúng ta ngày nay.

Có vẻ như Ê-sai là một người rất kín đáo. Khi gặp mặt trực tiếp một số diễn giả nổi tiếng ngày nay, chúng ta có thể thất vọng khi thấy họ có vẻ hơi xa cách. Tuy nhiên, như với Ê-sai, chúng ta có thể biết rằng chức vụ của họ chỉ nhằm hướng người ta đến với Đức Chúa Trời, chứ không phải đến với chính họ. Và bất chấp sự dè dặt của mình, sự nổi bật của Ê-sai là ở sự tác động của chức vụ ông đối với dân sự. Trong những ngày sau rốt này, chúng ta cần phải làm cho mọi lời mình nói đều có giá trị đối với Vương quốc của Chúa. Và từ lối sống của Ê-sai, chúng ta học được rằng, khi Đức Chúa Trời hoàn thành một phần kế hoạch của Ngài qua chúng ta, thì chúng ta cần đảm bảo rằng mọi sự vinh hiển thuộc về Ngài.

Ngoài ra, có vẻ chức vụ của Ê-sai được đặc trưng bởi sự kết nối với những con người tin kính khác, như với tiên tri Mi-chê và Vua Ê-xê-chia. Bước đi một mình thường có thể khiến chúng ta dễ bị tổn thương, nhưng khi chúng ta được hiệp nhất bởi Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời với các thành viên khác trong thân thể Đấng Christ thông qua sự thông công và cầu nguyện, chức vụ của chúng ta hiệu quả hơn nhờ sự bảo vệ và cung ứng bởi những người khác.

English





Trở lại trang chủ tiếng Việt

Chúng ta học được gì từ cuộc đời của tiên tri Ê-sai?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries