settings icon
share icon
Câu hỏi

Chúng ta có thể học hỏi điều gì từ cuộc đời của A-rôn?

Trả lời


A-rôn được biết đến nhiều nhất với vai trò của ông trong Xuất Ê-díp-tô ký là thầy tế lễ đầu tiên thuộc chi phái Lê-vi, hay dòng dõi A-rôn. Ông được sinh ra trong một gia đình người Lê-vi giữa thời kỳ dân Y-sơ-ra-ên bị nô lệ tại Ai Cập và là anh trai lớn hơn Môi-se 3 tuổi (Xuất Ê-díp-tô Ký 7:7). Lần đầu chúng ta được giới thiệu về A-rôn là trong Xuất Ê-díp-tô Ký chương 4 khi Đức Chúa Trời phán với Môi-se rằng Ngài sẽ sai A-rôn, anh của Môi-se, đến cùng ông để giải cứu dân Y-sơ-ra-ên khỏi tay Pha-ra-ôn.

Dân Y-sơ-ra-ên kiều ngụ tại Ai Cập sau khi Giô-sép và thế hệ của ông qua đời, và họ trở nên một dân đông đúc. Một vị Pha-ra-ôn mới lên ngai lo sợ người Y-sơ-ra-ên sẽ nổi dậy và chống lại Ai Cập, nên ông đã đặt những quản đốc nô lệ để cai quản họ và ban hành những luật lệ hà khắc (Xuất Ê-díp-tô Ký 1:8-14). Ông cũng ra lệnh cho các bà mụ người Hê-bơ-rơ phải ném hết các bé trai người Hê-bơ-rơ mới sinh xuống sông Nin. Những luật lệ này được ban hành tại thời điểm Môi-se chào đời. Giả thiết là A-rôn đã được sinh ra trước điều luật này, hoặc ông đã thoát khỏi cái chết vì các bà mụ kính sợ Đức Chúa Trời hơn là vâng lời Pha-ra-ôn (Xuất Ê-díp-tô Ký 1:15-22). Chúng ta không biết gì về A-rôn cho đến khi Đức Chúa Trời sai ông đến với Môi-se, lúc đó đã 80 tuổi.

Khi Đức Chúa Trời phán với Môi-se qua bụi gai cháy, kêu gọi ông trở về Ai Cập và yêu cầu Pha-ra-ôn trả tự do cho dân Y-sơ-ra-ên (Xuất Ê-díp-tô Ký 3-4), Môi-se đã viện lý do vì sao ông không phải là lựa chọn tốt cho công tác này. Môi-se cuối cùng đã xin Đức Chúa Trời sai phái một ai khác ngoài ông (Xuất Ê-díp-tô Ký 4:13). “Đức Giê-hô-va bèn nổi giận cùng Môi-se mà phán rằng: Có phải A-rôn, người Lê-vi, là anh ngươi chăng? Ta biết người đó có tài nói giỏi, và kìa, người đang đi đến đón ngươi kìa; khi thấy ngươi, chắc sẽ vui mừng trong lòng” (Xuất Ê-díp-tô Ký 4:14). Đức Chúa Trời phán tiếp với Môi-se rằng A-rôn sẽ đóng vai trò là người phát ngôn của ông (Xuất Ê-díp-tô Ký 4:15-17).

Đức Chúa Trời cũng phán với A-rôn, sai phái ông đi đến gặp Môi-se trong đồng vắng. A-rôn đã vâng lời và đi. Môi-se nói với A-rôn những gì Đức Chúa Trời đã phán với ông, bao gồm chỉ dẫn của Chúa về những dấu lạ mà họ sẽ thi hành trước mặt Pha-ra-ôn. Tại Ai Cập, Môi-se và A-rôn tập hợp các trưởng lão của dân Y-sơ-ra-ên, và A-rôn truyền đạt lại cho họ những gì Đức Chúa Trời đã phán với Môi-se (Xuất Ê-díp-tô Ký 4:27-31). Một điểm thú vị chúng ta nên để ý đó là A-rôn đã nhanh chóng đáp ứng lại với lời Đức Chúa Trời bằng sự vâng lời và cũng nhanh chóng tin những lời Môi-se đã nói với ông. A-rôn có vẻ như đã sẵn sàng cho công tác mà Chúa kêu gọi và không hề thắc mắc, sẵn sàng giúp đỡ người em của mình, thay mặt Môi-se để nói với dân sự. Có lẽ A-rôn cũng đóng vai trò là người kết nối giữa Môi-se và dân Y-sơ-ra-ên, vì Môi-se đã sống xa dân sự của mình trong hầu hết cuộc đời mình – giai đoạn đầu là ở trong hoàng cung Ai Cập, và sau đó là trốn chạy trong xứ Ma-đi-an.

Khi câu chuyện Xuất Ê-díp-tô ký tiếp diễn, chúng ta thấy cả Môi-se và A-rôn đều đối mặt với Pha-ra-ôn, đưa ra yêu cầu của họ là ông phải để cho dân sự đi, đồng thời thi hành nhiều dấu lạ. Đức Chúa Trời sử dụng cây gậy của A-rôn để làm ra nhiều dấu lạ và tai vạ. Cả hai người đều vâng theo sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời, và cuối cùng dân Y-sơ-ra-ên đã được giải phóng.

A-rôn tiếp tục cùng với Môi-se lãnh đạo dân Y-sơ-ra-ên trong thời gian lang thang trong đồng vắng (Xuất Ê-díp-tô Ký 16:2), “Môi-se và A-rôn bèn nói cùng dân Y-sơ-ra-ên rằng: Chiều nay các ngươi sẽ nhận biết rằng ấy là Đức Giê-hô-va đã rút các ngươi ra khỏi xứ Ê-díp-tô, và sáng mai sẽ thấy sự vinh quang của Đức Giê-hô-va, vì Ngài đã nghe lời các ngươi oán trách Ngài rồi. Vả lại, chúng ta là ai mà các ngươi oán trách chúng ta?” (Xuất Ê-díp-tô Ký 16:6-7). Môi-se bảo A-rôn tập hợp cả dân sự lại trước mặt Đức Chúa Trời, và sự vinh quang của Chúa hiện ra trước họ trong đám mây (Xuất Ê-díp-tô Ký 16:10). Chính trong thời điểm này Đức Chúa Trời đã chu cấp chim cút và Ma-na cho họ. Ngài phán dặn Môi-se phải giữ một ô-me Ma-na trong một cái bình để lưu truyền qua các thế hệ tương lai; Môi-se đã nhờ A-rôn thu lượm Ma-na cho mục đích ấy (Xuất Ê-díp-tô Ký 16:32-35).

Trong sự việc Cô-rê phản loạn chống lại Môi-se và A-rôn, Đức Chúa Trời đã làm một phép lạ để chứng nhận rằng A-rôn và con cháu của ông đích thực được chọn để thi hành công tác trước sự hiện diện của Chúa. Mười hai cây gậy được thu thập đại diện cho mười hai chi phái. Cây gậy đại diện cho chi phái Lê-vi có khắc tên của A-rôn trên đó. Các cây gậy được đặt trong đền tạm ngay trước hòm giao ước qua một đêm, và sáng hôm sau gậy của A-rôn “không những đâm chồi mà còn trổ hoa và ra trái hạnh nhân chín” (Dân Số Ký 17:8). Đức Chúa Trời lệnh cho Môi-se đặt cây gậy của A-rôn bên trong hòm giao ước, phán rằng dấu hiệu này sẽ “làm cho nín đi những lời lằm bằm đối nghịch cùng ta” (câu 10).

Trong một trận chiến với dân A-ma-léc, Giô-suê, vị chỉ huy của đội quân Y-sơ-ra-ên, đã giành được chiến thắng nhưng chỉ khi tay của Môi-se còn giơ lên. Môi-se trở nên mỏi, nên A-rôn và Hu-rơ đã kê một hòn đá cho ông ngồi và cùng giúp giữ cho tay ông vững vàng. Trong nhiều khía cạnh, đây chính là hình ảnh cho hầu hết những sự giúp đỡ mà A-rôn dành cho Môi-se. Ông hỗ trợ người em của mình, là người Đức Chúa Trời đã lựa chọn để dẫn dắt dân Y-sơ-ra-ên ra thoát khỏi ách nô lệ.

Tại núi Si-na-i, Đức Chúa Trời cảnh báo dân sự phải giữ khoảng cách khi Ngài gặp mặt Môi-se và ban cho ông Bảng Luật Pháp. Trong một lần Môi-se lên núi, Đức Chúa Trời dặn ông đem A-rôn theo cùng (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:24). Sau đó, khi Môi-se ở lại trên núi với Chúa, ông đã đặt A-rôn và Hu-rơ tiếp quản trách nhiệm và phân xử những tranh chấp có thể xảy ra giữa vòng dân sự (Xuất Ê-díp-tô Ký 24:14).

Thật đáng tiếc, mọi việc không diễn ra tốt đẹp khi A-rôn đang nắm quyền. Dân sự trở nên mất kiên nhẫn khi chờ đợi Môi-se trở về từ đỉnh núi và đã yêu cầu A-rôn làm ra một vị thần cho họ. Và, dường như không có một sự phản kháng nào đối với đòi hỏi của dân sự, A-rôn đã yêu cầu họ giao nộp những trang sức bằng vàng, tạo thành hình một con bò tơ, và qua đó làm ra một hình tượng. A-rôn thậm chí còn dựng một bàn thờ trước tượng con bò và công bố một lễ hội cho nó (Xuất Ê-díp-tô Ký 32:1-6). Có thể thật khó để chúng ta hiểu được làm thế nào một người sẵn sàng vâng phục tiếng gọi của Chúa để giúp đỡ người em của mình dẫn dắt dân sự ra khỏi Ai Cập, đã tận mắt chứng kiến những công việc lạ lùng của Chúa, và vừa mới đối diện với Đức Chúa Trời trên núi Si-na-i, lại có thể làm một chuyện như vậy. Thất bại của A-rôn là một minh họa cho bản tính của con người chúng ta. Chúng ta không biết động cơ của A-rôn là gì, nhưng không khó để tưởng tượng rằng ông đã có thể nghi ngờ Đức Chúa Trời và sợ hãi trước dân sự.

Khi Đức Chúa Trời bảo cho Môi-se biết những gì đang xảy ra với dân sự và câu chuyện con bò vàng, Ngài đã nổi ý định tiêu diệt dân sự và dùng Môi-se để sản sinh ra một dân tộc lớn thay vào đó. Môi-se đã cầu thay cho dân sự và trở về cùng họ (Xuất Ê-díp-tô Ký 32:7-18). Khi Môi-se đích thân nhìn thấy những gì đang diễn ra, ông đã “nổi giận, ném hai Bảng Chứng Ước khỏi tay mình, vỡ nát dưới chân núi” (Xuất Ê-díp-tô Ký 32:19). Hai Bảng Chứng Ước chứa đựng giao ước của Đức Chúa Trời; có vẻ như Môi-se phá hủy chúng không chỉ bởi vì một phút nóng giận, nhưng cũng bởi vì dân sự đã phá vỡ giao ước qua sự không vâng lời của họ. Môi-se nấu chảy hình tượng, nghiền nó ra tro bụi và bắt dân Y-sơ-ra-ên uống lấy (Xuất Ê-díp-tô Ký 32:20). Khi Môi-se hỏi A-rôn vì sao dân sự đã làm ra chuyện như vậy và vì sao ông đã dẫn họ vào con đường này, A-rôn đã thành thật về sự phàn nàn của dân sự và lời họ yêu cầu ông phải làm ra một vị thần, nhưng ông đã không nói về vai trò của mình. A-rôn thừa nhận việc thu thập trang sức của họ nhưng nói rằng ông đã “ném vào lửa và thành ra bò con nầy” (Xuất Ê-díp-tô Ký 32:24). “Khi Môi-se thấy dân chúng buông tuồng, vì A-rôn đã để họ buông tuồng, đến nỗi thành trò cười trước mặt kẻ thù,” (Xuất Ê-díp-tô Ký 32:25) Môi-se đã tập hợp tất cả những ai còn giữ lòng tin kính Đức Chúa Trời đến với mình. Những người Lê-vi cũng tập hợp xung quanh ông, và Môi-se truyền lệnh giết một vài người trong dân sự. Một lần nữa Môi-se lại cầu thay cho dân sự. Đức Chúa Trời yên ủi Môi-se nhưng cũng sai một tai vạ đến để sửa phạt dân sự vì tội lỗi của họ (Xuất Ê-díp-tô Ký 32:33-35).

Biến cố con bò vàng không phải là lần vấp phạm duy nhất của A-rôn. Trong Dân Số Ký 12, A-rôn và Mi-ri-am (là chị của A-rôn và Môi-se) chống đối Môi-se: “Mi-ri-am và A-rôn nói hành Môi-se về người nữ Ê-thi-ô-pi mà ông đã cưới vì ông đã cưới một người Ê-thi-ô-pi làm vợ. Hai người nói rằng: “Đức Giê-hô-va chỉ phán qua Môi-se thôi sao? Không phải Ngài cũng phán qua chúng ta nữa sao?” (Dân Số Ký 12:1-2). Sự kiêu ngạo dường ấy không đẹp lòng Chúa, nhưng đó là một cái bẫy thường thấy đối với giới lãnh đạo; nhiều người trong chúng ta chắc cũng nhìn thấy mình trong hình ảnh A-rôn. Đức Chúa Trời gọi cả ba anh chị em đến gặp Ngài, bênh vực Môi-se trước A-rôn và Mi-ri-am, và tra hỏi vì sao A-rôn và Mi-ri-am đã không kiêng nể gì khi nói hành ông ấy. Khi đám mây có tiếng phán của Đức Chúa Trời cất lên, Mi-ri-am bị nổi phung. A-rôn đã thay cho bà van xin Môi-se; Môi-se kêu khóc với Chúa, và sau bảy ngày ở ngoài trại quân, Mi-ri-am đã được chữa lành (Dân Số Ký 12:3-16). Điều đáng chú ý là chỉ có Mi-ri-am phải chịu đựng bệnh phung, còn A-rôn thì không. Cũng nên chú ý việc A-rôn cầu xin với Môi-se, nhận thức được tội lỗi ngu muội của mình và xin ông đừng để cho Mi-ri-am phải chịu đựng đau đớn. Có vẻ như A-rôn đã thật sự ăn năn.

A-rôn và các con trai ông đã được Đức Chúa Trời chỉ định để làm thầy tế lễ cho dân sự, và A-rôn chính là thầy tế lễ cả thượng phẩm đầu tiên. Trên núi Si-na-i, Đức Chúa Trời ban các mạng lệnh về chức tế lễ cho Môi-se, bao gồm cách thức biệt riêng ra thánh các thầy tế lễ và loại trang phục họ phải mặc. Đức Chúa Trời phán bảo Môi-se rằng chức tế lễ phải thuộc về A-rôn và dòng dõi của ông như một luật định đời đời (Xuất Ê-díp-tô Ký 29:9). A-rôn được lập làm thầy tế lễ cả thượng phẩm đầu tiên, và gia tộc của ông tiếp tục phục vụ trong chức tế lễ cho đến khi đền thờ bị hủy phá vào năm 70 SC. Sách Hê-bơ-rơ trong Tân Ước dành nhiều giấy mực để so sánh chức tế lễ đời đời của Đức Chúa Giê-su với chức tế lễ của dòng dõi A-rôn. Các thầy tế lễ thuộc chi phái Lê-vi phải liên tục dâng của lễ chuộc tội cho chính mình và cho dân sự. Chúa Giê-su là Đấng vô tội, và sự hy sinh của Ngài cho chúng ta đã được thực hiện một lần và hoàn tất trọn vẹn (xem Hê-bơ-rơ 4-10).

Mặc dù các con trai A-rôn đã theo ông bước vào chức vụ tế lễ, nhưng hai trong số đó – Na-đáp và A-bi-hu – đã bị Đức Chúa trời giết khi họ “dâng một thứ lửa lạ trước mặt Đức Giê-hô-va, là điều Ngài không phán dạy họ” (Lê-vi Ký 10:1). Khi Môi-se nói với A-rôn rằng đây chính là ý của Đức Chúa Trời khi Ngài phán Ngài sẽ được tỏ ra thánh, A-rôn đã giữ yên lặng (Lê-vi Ký 10:3). A-rôn không cố sức bào chữa cho các con trai mình, cũng không lên án Đức Chúa Trời đã làm sai. Có vẻ A-rôn đã thật sự hiểu sự thánh khiết của Đức Chúa Trời và chấp nhận hình phạt của Ngài cho các con của mình.

Cũng như Môi-se, A-rôn đã không được phép bước vào đất hứa bởi tội lỗi họ đã phạm tại Mê-ri-ba (Dân Số Ký 20:23). Đức Chúa Trời hướng dẫn Môi-se, A-rôn và Ê-lê-a-sa, con trai A-rôn, lên núi Hô-rơ. Tại đó Ê-lê-a-sa được lập làm thầy tế lễ thượng phẩm, và A-rôn qua đời (Dân Số Ký 20:26-29).

Cuộc đời A-rôn là một minh chứng cho sự thánh khiết và ân điển của Đức Chúa Trời. A-rôn khởi đầu là một tôi tớ vâng lời và trung tín, sẵn lòng đến với Môi-se và phục vụ trong vai trò người kết nối. Ông cũng đã trung tín phục vụ trong chức thầy tế lễ trong hệ thống tế lễ mà Đức Chúa Trời sử dụng như một hình bóng cho chương trình cứu chuộc đời đời của Ngài thông qua Chúa Giê-su Christ. Cũng như bao con người khác, A-rôn là một tội nhân. Sau khi chứng kiến công việc quyền năng của Đức Chúa Trời, ông vẫn làm ra con bò vàng và dẫn dắt dân sự thờ phượng nó. Nhưng A-rôn có vẻ là một người học hỏi và trưởng thành, thừa nhận tội lỗi của mình trong việc nói hành Môi-se và chấp nhận cái chết của hai người con bất trung. Từ A-rôn chúng ta học cách phục vụ người khác, chia sẻ trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, và thuận phục ý muốn của Đức Chúa Trời.

English





Trở lại trang chủ tiếng Việt

Chúng ta có thể học hỏi điều gì từ cuộc đời của A-rôn?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries