settings icon
share icon
Câu hỏi

Nguồn gốc của giáo lý Chúa Ba Ngôi là gì?

Trả lời


Giáo lý Ba Ngôi là bí ẩn độc đáo, quan trọng, không thể hiểu thấu, và rất tuyệt vời của Cơ Đốc Giáo. Đó là sự bày tỏ về danh tính của Đấng Tạo Hóa Toàn Năng của chúng ta – không phải chỉ là một vị thần, nhưng là Đấng vô hạn hằng hữu trong ba Thân Vị đồng đẳng, vô hạn, đồng bản thể nhưng lại riêng biệt. Nguồn gốc của Giáo lý Ba Ngôi chính là Kinh Thánh, mặc dù từ ngữ Đức Chúa Trời Ba Ngôi không được dùng trong Kinh Thánh.

Theo như tất cả Cơ Đốc Nhân chính thống đồng ý, giáo lý Đức Chúa Trời Ba Ngôi nói rằng Đức Chúa Trời là một bản thể nhưng ba Thân Vị; Đức Chúa Trời có duy nhất một bản tính, nhưng ba trung tâm nhận thức; Đức Chúa Trời là một khái niệm, nhưng ba Ngôi. Nhiều người không tin nhầm lẫn gọi đây là sự mâu thuẫn. Nhưng ngược lại, giáo lý Ba Ngôi chính là sự huyền nhiệm đã được Đức Chúa Trời bày tỏ trong chính Lời của Ngài. Sẽ là mâu thuẫn khi khẳng định rằng Đức Chúa Trời vừa có một bản tính lại vừa có ba bản tính, hay nói rằng Ngài chỉ có một Ngôi nhưng cũng lại ba Ngôi.

Ngay từ thuở sơ khai của hội thánh, Cơ Đốc nhân đã có nhận thức về sự huyền nhiệm của giáo lý Ba Ngôi, kể cả trước khi họ bắt đầu sử dụng thuật ngữ Đức Chúa Trời Ba Ngôi.

Ví dụ, các Cơ Đốc nhân thời kỳ đầu tiên biết rằng Đức Chúa Con chính là Đấng Tạo Hóa (Giăng 1:1-2), Đấng “Ta Là” trong Cựu Ước (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:14; Giăng 8:58), bình đẳng với Đức Chúa Cha (Giăng 14:9), và cầm quyền phán xét cả thế gian (Sáng Thế Ký 18:25; Giăng 5:22), là Đấng được thờ phượng như Đức Chúa Trời - chân thần duy nhất đáng được thờ phượng (Phục Truyền 6:13; Lu-ca 4:8; Ma-thi-ơ 14:33).

Các Cơ Đốc Nhân thời kỳ đầu biết Đức Thánh Linh là một Thân Vị riêng biệt với suy nghĩ và ý chí của riêng Ngài (Giăng 16:13), Đấng cầu thay cho chúng ta với Đức Chúa Trời (Rô-ma 8:27), chứng tỏ rằng Ngài là một Thân Vị độc lập với Đức Chúa Cha – vì sự cầu thay đòi hỏi phải có ít nhất hai bên liên quan (không ai tự cầu thay với chính mình cả). Hơn thế nữa, một người có thể được tha thứ nếu nói phạm đến Đức Chúa Con, nhưng sẽ không được tha nếu nói phạm đến Đức Thánh Linh (Ma-thi-ơ 12:32).

Các trước giả Tân Ước cũng đều nhắc đến ba Thân Vị của Đức Chúa Trời Ba Ngôi cùng với nhau rất nhiều lần (như Rô-ma 1:4; 15:30; II Cô-rinh-tô 13:14; Ê-phê-sô 1:13–14; I Tê-sa-lô-ni-ca 1:3–6). Các tín hữu đầu tiên biết rằng Đức Cha và Đức Con đã sai Ngôi Ba của Ba Ngôi Đức Chúa Trời, là Đức Thánh Linh – “một Đấng Yên Ủi khác” – đến ngự vào lòng chúng ta (Giăng 14:16–17, 26; 16:7). Những sự huyền nhiệm này đã được chấp nhận hoàn toàn bởi hội thánh đầu tiên như là lẽ thật được bày tỏ, nhưng chưa gọi tên đó là “Giáo lý Ba Ngôi”.

Kinh Thánh Cựu Ước đã hé lộ về Ba Ngôi Đức Chúa Trời, và không có một phân đoạn Kinh Thánh nào mâu thuẫn với giáo lý này cả. Ví dụ, trong Sáng Thế Ký 1:26, Đức Chúa Trời được mô tả bằng đại từ số nhiều phán rằng: “Chúng Ta hãy tạo nên loài người theo hình ảnh Chúng Ta và giống như Chúng Ta.” Đức Chúa Trời tuyên bố rằng Ngài hoàn toàn ở một mình khi dựng nên muôn vật, giương các từng trời và trải mặt đất ra “một mình ta” (Ê-sai 44:24). Tuy vậy Chúa Giê-xu là phương tiện cho sự sáng tạo thế gian của Đức Chúa Trời (Giăng 1:1-3; Cô-lô-se 1:16), với sự đồng công của Đức Thánh Linh, Đấng vận hành trên mặt nước hỗn loạn buổi sơ khai (Sáng Thế Ký 1:2). Chỉ có giáo lý Ba Ngôi mới có thể giải thích hết những điều này.

Các sách Ngũ Kinh cũng gợi mở về ý tưởng một Đức Chúa Trời tồn tại trong nhiều thân vị và tiên báo về việc Ngài sẽ đến trong xác thịt. Cựu Ước tràn ngập những ý chỉ về một đấng cai trị toàn thế gian sẽ hiện đến (Sáng Thế Ký 49:10), được sinh ra tại Bết-lê-hem (Mi-chê 5:2), Đấng không chỉ là Con Đức Chúa Trời (Ê-sai 9:6) nhưng còn là Đấng Mê-si-a – là Đức Chúa Trời ở trong xác thịt (Ê-sai 7:14; Xa-cha-ri 2:8-11). Nhưng người Do Thái – dưới ách cai trị của đế quốc La Mã – đang tuyệt vọng mong chờ và tìm kiếm một Đấng Mê-si-a chinh phạt và đắc thắng, không phải một Tôi tớ khiêm nhường, chịu khổ (Ê-sai 53). Người Y-sơ-ra-ên thất bại trong việc nhận ra Con Đức Chúa Trời bởi vì sự bình thường của Ngài (Ê-sai 53:2; Ma-thi-ơ 13:54–58; Giăng 10:33), và họ đã giết Ngài đi (Xa-cha-ri 12:10; Công vụ 2:36).

Trong những năm sau khi Giăng, vị sứ đồ cuối cùng, qua đời, đã có nhiều nhà thần học Cơ Đốc nỗ lực để định nghĩa và giải thích về Đức Chúa Trời cho hội thánh. Những giải thích về một thực thể tâm linh cho những tạo vật phàm trần sẽ luôn luôn kém thiếu; một vài lời giải thích còn khiếm khuyết, sai lệch, trong khi một số khác sa vào tà giáo. Những sai trật thường thấy trong thời kỳ hậu các sứ đồ trải dài từ việc cho rằng Đức Chúa Giê-su hoàn toàn là Đức Chúa Trời và chỉ trông có vẻ như con người thôi (Thuyết Ảo Ảnh), đến việc Ngài cũng là tạo vật được dựng nên chứ không phải Đấng Hằng Hữu (Nghĩa Tử Thuyết, Thuyết Arius, và những học thuyết khác), rồi việc có ba Đức Chúa Trời khác nhau trong cùng một gia đình (Thuyết Tam Thần), đến việc chỉ có một Đức Chúa Trời nhưng đóng ba vai trò khác nhau tại những thời điểm khác nhau (Thuyết Nhất Thể, Duy Nhất Thần Luận).

Vì không một tôn giáo nào có thể tồn tại khi chính những người tin theo không biết đối tượng mình đang thờ phượng là ai hay cái gì, nên việc rất cần thiết là phải có một định nghĩa về Đức Chúa Trời theo cách mà tất cả tín hữu Cơ Đốc có thể cùng đồng ý với nhau là “chính thức” hay giáo lý chính thống.

Dường như giáo phụ Tertullian (160 – 225 SC) là người đầu tiên áp dụng thuật ngữ Ba Ngôi cho Đức Chúa Trời. Tertullian dùng thuật ngữ này trong quyển Chống lại Praxeus, được viết năm 213 nhằm giải thích và bảo vệ cho thuyết Ba Ngôi trước những lời dạy của người cùng thời với ông là Praxeus, người đã ủng hộ tà giáo Duy Nhất Thần Luận. Từ đó, chúng ta có thể lướt qua hơn một thế kỷ bàn luận, ly khai, tranh biện của hội thánh, cho đến thời điểm Giáo hội nghị Nicea năm 325, khi giáo lý Ba Ngôi cuối cùng được xác nhận là giáo lý chính thức của giáo hội.

Một điểm lưu ý cuối cùng. Thần học là nỗ lực của con người bất toàn nhằm hiểu được Lời của Kinh Thánh, cũng như khoa học là nỗ lực bất toàn của con người để hiểu được những sự thật trong tự nhiên. Tất cả những sự thật trong tự nhiên đều chân thật, cũng như lời nguyên thủy của Kinh Thánh thảy đều chân thật. Nhưng con người đầy giới hạn và thường phạm sai lầm, như lịch sử liên tục chỉ ra. Vì thế, mỗi khi có sự sai sót hay bất đồng quan điểm trong khoa học hay thần học, cả hai lĩnh vực đều có những phương pháp để sửa sai. Lịch sử của hội thánh đầu tiên cho thấy nhiều Cơ Đốc nhân chân thật đã “hiểu sai” khi định nghĩa về bản tính của Đức Chúa Trời (một bài học lớn về sự cần thiết của tính khiêm nhường). Nhưng qua sự nghiên cứu cẩn thận Lời Đức Chúa Trời, hội thánh cuối cùng đã có thể diễn đạt được những gì Kinh Thánh dạy dỗ rõ ràng, và những gì họ biết chắc là lẽ thật – Chúa là Đức Chúa Trời Ba Ngôi Hằng Hữu.

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Nguồn gốc của giáo lý Chúa Ba Ngôi là gì?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries