settings icon
share icon
Câu hỏi

Một Người truyền giảng Tin lành (an evangelist) là gì?

Trả lời


Một người truyền giảng Tin Lành là người rao truyền tin mừng; nói cách khác, một người rao giảng Phúc Âm hay một người truyền giáo. Một người có ân tứ truyền giảng Tin Lành thường đi từ nơi này đến nơi khác để rao giảng Phúc Âm và kêu gọi sự ăn năn. Các tác giả của bốn sách Phúc âm—Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca và Giăng—đôi khi được gọi là “Những người truyền bá Phúc âm” vì họ ghi lại thánh chức của Chúa Giê-su Christ—thật vậy, đó là “tin tốt lành”.

Ê-phê-sô 4:11–13 nói, “Chính Ngài đã ban cho một số người làm sứ đồ, một số người làm tiên tri, một số người khác làm nhà truyền giảng Tin Lành, một số người khác nữa làm mục sư và giáo sư, để các thánh đồ được trang bị cho công tác phục vụ, và xây dựng thân thể Đấng Christ, cho đến khi tất cả chúng ta đạt đến sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự hiểu biết Con Đức Chúa Trời, để trở nên người trưởng thành, đạt đến tầm vóc đầy trọn của Đấng Christ”. Trong Công vụ 21:8, Phi-líp được gọi là người giảng Tin Lành; và trong 2 Ti-mô-thê 4:5, Phao-lô khuyên Ti-mô-thê làm công việc của người giảng Tin Lành. Đây là ba nhà truyền giảng Tin Lành duy nhất trong toàn bộ Kinh Thánh. Những người khác có thể được coi là “người giảng Tin Lành” vì họ rao giảng “Tin Lành”; bao gồm cả chính Đức Chúa Giê-su (Lu-ca 20:1) và Phao-lô (Rô-ma 1:15), nhưng Phi-líp là người duy nhất được gọi cụ thể là người giảng Tin Lành trong Kinh Thánh.

Phi-líp là một trong bảy chấp sự được chọn để các sứ đồ làm công việc giảng dạy lời Đức Chúa Trời và cầu nguyện (Công vụ 6:2–4). Rõ ràng là Phi-líp đã định cư ở Sê-sa-rê và sống ở đó khoảng 20 năm trước khi Phao-lô đến (Công vụ 21). Công việc truyền giảng Tin Lành trước đây của Phi-líp là ở Sa-ma-ri (Công vụ 8:4-8). Ông “rao giảng Đấng Christ” cho dân chúng Sa-ma-ri (câu 5) và thực hiện nhiều phép lạ, kể cả việc đuổi những uế linh ra khỏi nhiều người bị ám và chữa lành cho nhiều người bại liệt và què (câu 7). Đáng chú ý là Phi-líp đã thực hiện phép báp-têm dưới nước nhân danh Chúa Giê-su, nhưng phép báp-têm bằng Đức Thánh Linh đã không xảy ra cho đến khi các sứ đồ đến Sa-ma-ri.

Sự hiện diện của Phi-e-rơ và Giăng tại Sa-ma-ri và sự ngự trị của Đức Thánh Linh trong những người Sa-ma-ri tin kính (Công vụ 8:17) đã xác nhận chức vụ của Phi-líp ở đó. Là một người giảng Tin Lành Phi-líp đã rao giảng Phúc Âm, và khi những người Sa-ma-ri tin điều đó và nhận được Thánh Linh, họ được chào đón vào hội thánh. Nơi trước đây đã có sự chia rẽ và thù địch giữa người Do Thái và người Sa-ma-ri, giờ đây đã tồn tại sự gắn kết yêu thương thuộc linh (Cô-lô-se 3:14). Những nỗ lực tiên phong của Phi-líp đã đặt nền tảng cho những người nghe ông nhận được Đức Thánh Linh bởi đức tin. Công việc chuẩn bị cho sự cứu rỗi của người giảng Tin Lành là những điều mà những nhà truyền giáo đã làm kể từ đó đến giờ.

Thánh chức rao giảng của Phi-líp với tư cách là người giảng Tin Lành tiếp tục trong Công vụ 8, khi ông được một thiên sứ dẫn đường đi trên con đường sa mạc đến Ga-xa. Trên đường, ông gặp một hoạn quan Ê-thi-ô-bi, một quan lớn của Can-đác, nữ hoàng nước Ê-thi-ô-bi (câu 26-27). Phi-líp mở rộng sự hiểu biết của ông về Lời Đức Chúa Trời, và hoạn quan nhận được sự cứu rỗi. Phi-líp làm báp têm cho hoạn quan, và Thánh Linh của Chúa đem Phi-líp đi (Công vụ 8:39). Sau đó, Phi-líp “người ta thấy ở trong thành A-xốt; từ đó người đi đến thành Sê-sa-rê, cũng giảng Tin Lành khắp những thành nào mình đã ghé qua” (câu 40). Phi-líp đã chia sẻ Phúc Âm ở mọi nơi ông đến. Đó là những gì các nhà truyền giảng Tin Lành làm.

Ti-mô-thê được yêu cầu thực hiện công việc rao giảng trước khi được cứu rỗi, đó là “công việc của một người giảng Tin Lành” (2 Ti-mô-thê 4:5). Việc rao giảng Tin Lành này cũng là lời kêu gọi chung cho các môn đồ trong sứ mệnh to lớn và cho tất cả chúng ta cho đến tận thế (Ma-thi-ơ 28:16–20). Trong Giu-đe 1:3, tất cả các thánh hữu phải thực tâm vì đạo tranh chiến cho đức tin được ban cho họ, và trong câu 23, chúng ta phải “hãy giải cứu một số người khác, kéo họ ra khỏi lửa”.

Thánh chức của người giảng Tin Lành là sẽ cần thiết cho đến khi hội thánh đạt đến sự trưởng thành và đạt đến tầm vóc đầy trọn của Đấng Christ (Ê-phê-sô 4:13). “Tin Lành” là phải được chia sẻ. Và chúng ta có một tin tốt lành nhất—Chúa Giê-su đã chết và sống lại và cứu rỗi tất cả những ai kêu cầu danh Ngài (Rô-ma 10:9–13).

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Một Người truyền giảng Tin lành (an evangelist) là gì?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries