settings icon
share icon
Câu hỏi

Ngũ Kinh là gì?

Trả lời


Ngũ Kinh là tên năm sách đầu tiên của Kinh thánh mà các học giả Kinh thánh bảo thủ cho rằng hầu hết được viết bởi Môi-se. Mặc dù những sách của Ngũ Kinh bản thân chúng không giới thiệu rõ ràng tác giả là ai, nhưng có nhiều phân đoạn được cho là do Môi-se viết hoặc là những lời của ông (Xuất Ê-díp-tô-ký 17:14; 24:4-7; Dân số ký 33:1-2; Phục truyền 31:9-22). Một trong những bằng chứng quan trọng chứng minh rằng Môi-se là tác giả của Ngũ Kinh đó là chính Chúa Giê-x đã ám chỉ đến phần này của Cựu Ước là “Luật pháp của Môi-se” (Lu-ca 24:44 ; Giăng 5:46-47; 7:19-23). Mặc dù có một số câu trong Ngũ Kinh được thêm vào bởi một người nào đó hơn là Môi-se – ví dụ như trong Phục truyền 34:5-8 miêu tả về sự chết và chôn của Môi-se – nhưng hầu hết các học giả đều cho là phần lớn các sách trong Ngũ Kinh đều do Môi-se viết. Ngay cả nếu Giô-suê hay một người nào đó khác đã thật sự viết những bản gốc này, thì những lời giáo huấn và sự mặc khải này có thể truy nguyên thấy bắt nguồn từ Đức Chúa Trời thông qua Môi-se, và bất luận ai đã thật sự viết những lời này thì tác giả cuối cùng vẫn là Đức Chúa Trời, và những sách này vẫn được thần cảm.

Từ “Ngũ Kinh” xuất phát từ sự kết hợp của chữ Hy Lạp là penta nghĩa là “năm” và teuchos có thể được dịch là “cuộn giấy da”. Vì vậy, “Ngũ Kinh” đơn giản là ám chỉ đến năm cuộn giấy da bao gồm phần đầu tiên của ba phần giáo luật (Kinh Điển) Do Thái. Tên Ngũ Kinh có thể truy nguyên thấy bắt nguồn từ năm 200 sau Công Nguyên khi Tertullian nhắc đến năm sách đầu tiên của Kinh thánh bằng tên đó. Ngũ Kinh cũng được biết đến là Kinh Tô-ra, mà theo tiếng Hê-bơ-rơ có nghĩa là “Luật pháp”, năm sách này của Kinh thánh là Sáng thế ký, Xuất Ê-díp-tô-ký, Lê-vi ký, Dân số ký, Phục truyền luật lệ ký.

Người Do Thái nói chung đã chia Cựu Ước thành ba phần khác nhau bao gồm Luật pháp, Các tiên tri và Các bản văn. Luật pháp hay Kinh Tô-ra gồm có hoàn cảnh lịch sử của sự sáng tạo và sự lựa chọn Áp-ra-ham của Đức Chúa Trời và dân tộc Do Thái như là tuyển dân của Ngài. Kinh Tô-ra cũng bao gồm luật pháp được ban cho dân Y-sơ-ra-ên tại núi Si-na-i. Kinh thánh nhắc đến năm sách này bằng nhiều tên khác nhau. Trong Giô-suê 1:7, chúng được nói đến là “luật pháp (Tô-ra) mà Môi-se tôi tớ Ta đã truyền cho ngươi”, và chúng được gọi là “luật pháp của Môi-se” trong I Các Vua 2:3.

Năm sách của Kinh thánh cấu thành Ngũ Kinh là sự khởi đầu của sự mặc khải tiệm tiến của Đức Chúa Trời dành cho con người. Trong Sáng thế ký chúng ta thấy sự khởi đầu của sự sáng tạo, sự sa ngã của con người, lời hứa của sự cứu chuộc, sự khởi đầu của nền văn minh nhân loại và sự khởi đầu của mối giao ước của Đức Chúa Trời với tuyển dân của Ngài là Y-sơ-ra-ên.

Quyển sách kế tiếp là Xuất Ê-díp-tô-ký, ký thuật lại sự giải cứu của Đức Chúa Trời dành cho dân giao ước của Ngài khỏi tình trạng nô lệ và sự chuẩn bị tiến vào vùng Đất Hứa mà Đức Chúa Trời đã dành sẵn cho họ. Xuất Ê-díp-tô-ký ghi chép lại sự giải phóng của Y-sơ-ra-ên khỏi Ai Cập sau 400 năm nô lệ như lời Đức Chúa Trời đã hứa với Áp-ra-ham (Sáng thế ký 15:13). Xuất Ê-díp-tô-ký ghi chép lại giao ước mà Đức Chúa Trời đã thiết lập với dân Y-sơ-ra-ên tại núi Si-na-I (Xuất 19), những sự hướng dẫn xây dựng Dền Tạm (Trại Thánh, Xuất 25-29), sự ban cho Mười Điều Răn (Xuất 20), và những sự hướng dẫn khác về cách dân Y-sơ-ra-ên phải thờ phượng Đức Chúa Trời.

Tiếp theo sách Xuất Ê-díp-tô-ký là sách Lê-vi-ký giải thích rõ hơn về cách mà dân giao ước (Y-sơ-ra-ên) phải thờ phượng Đức Chúa Trời và cai trị chính họ. Nó trình bày những sự yêu cầu về hệ thống của tế lễ mà Đức Chúa Trời sẽ vui lòng để bỏ qua những tội lỗi của dân sự Ngài cho đến khi vật tế lễ hoàn hảo của Đấng Christ chuộc tội hoàn toàn.

Tiếp theo sách Lê-vi ký là sách Dân số ký bao gồm những sự kiện then chốt trong suốt 40 năm dân Y-sơ-ra-ên lang thang trong đồng vắng (Dân số 14:22-23) và ghi chép lại những sự hướng dẫn về sự thờ phượng Đức Chúa Trời và cách sống là dân giao ước của Ngài. Quyển cuối cùng trong Ngũ Kinh là sách Phục truyền luật lệ ký. Phục truyền luật lệ ký thỉnh thoảng được nhắc đến như là “luật pháp thứ nhì” hay “sự nhắc lại luật pháp”. Nó ghi chép lại những lời cuối cùng của Môi-se trước khi dân Y-sơ-ra-ên tiến vào vùng Đất Hứa (Phục truyền 1:1). Trong Phục truyền luật lệ ký, Luật pháp mà Đức Chúa Trời đã ban cho tại núi Si-na-i được nhắc lại và trình bày chi tiết (5:6vv). Vì dân Y-sơ-ra-ên sẽ bước đến một chương mới trong lịch sử của họ, nên Môi-se nhắc nhở họ về những mạng lệnh và những phước lành của Đức Chúa Trời mà họ nhận được bởi sự vâng phục Chúa và sự rủa sả sẽ đến từ sự bất tuân (Phục Truyển 28).

Năm sách Ngũ Kinh nói chung được xem như là những quyển sách lịch sử bởi vì chúng ghi chép lại những sự kiện lịch sử. Mặc dù chúng thường được gọi là Kinh Tô-ra hay Luật pháp, nhưng trên thực tế chúng chứa đựng nhiều điều hơn là luật pháp. Chúng trình bày một cái nhìn tổng quát về kế hoạch cứu rỗi của Đức Chúa Trời và đưa ra bối cảnh cho mọi điều xảy ra trong Kinh thánh. Giống phần còn lại của Cựu Ước, những lời hứa, những hình bóng, những lời tiên tri nằm trong Ngũ Kinh cuối cùng đều được ứng nghiệm trong con người và việc làm của Chúa Giê-xu Christ.

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Ngũ Kinh là gì?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries