settings icon
share icon
Câu hỏi

Có giáo lý về sự bảo tồn Kinh Thánh hay không?

Trả lời


Giáo lý về sự bảo tồn liên quan đến Kinh Thánh, có nghĩa là Đức Chúa Trời gìn giữ Lời của Ngài nguyên vẹn như ý nghĩa ban đầu của nó. Bảo tồn đơn giản có nghĩa là chúng ta có thể tin tưởng vào Kinh Thánh, bởi vì Đức Chúa Trời đã giám sát một cách đầy quyền năng trong quá trình chuyển giao qua nhiều thế kỷ.

Chúng ta cũng phải nhận biết rằng, chúng ta không sở hữu bản văn gốc, hay bản thảo gốc. Những gì chúng ta có là hàng ngàn những bản sao chép Kinh Thánh. Những bản sao chép này chứa nhiều sự khác biệt, nhưng chúng vô cùng nhỏ không đáng kể, và không ảnh hưởng nhiều đến những sự dạy dỗ cơ bản hoặc ý nghĩa của Lời Chúa. Những điểm không giống nhau hầu hết là những biến thể chính tả không mấy quan trọng. Dĩ nhiên, một biến thể chính tả không ảnh hưởng đến độ chính xác của Kinh Thánh, hoặc không có nghĩa là Đức Chúa Trời đã không bảo tồn Lời của Ngài. Trong nhiều trường hợp, nơi nào có một bản thảo khác với những bản thảo khác về bản chất, chúng ta có thể kiểm tra kỹ lưỡng và so sánh với tất cả các bản thảo khác, để xác định những từ gốc là gì.

Những thầy thông giáo ngày xưa, công việc của họ là tạo ra những bản sao chính xác lời Kinh Thánh rất kỹ càng. Một thí dụ về sự thận trọng của họ về độ chính xác là họ thực hiện việc đếm tất cả những ký tự được viết trong sách, và lưu ý đến ký tự chính giữa của cuốn sách. Và rồi, họ sẽ đếm tất cả những ký tự trong bản sao mà họ đã chép, và tìm chữ ở giữa để chắc chắn nó tương đồng với bản gốc. Họ đã sử dụng nhiều thời gian và những phương pháp rất cẩn thận để bảo đảm sự chính xác.

Hơn thế nữa, Kinh Thánh minh chứng kế hoạch của Đức Chúa Trời để bảo tồn Lời của Ngài. Trong Mat 5:18, Đức Chúa Giê-xu phán: “Ta nói thật cùng các ngươi, đương khi trời đất chưa qua đi, thì một chấm một nét trong luật pháp cũng không qua đi cho đến khi mọi sự được trọn”. Chúa Giê-xu không thể đưa ra lời hứa đó, trừ khi Ngài chắc chắn rằng Đức Chúa Trời sẽ bảo tồn Lời Ngài. Đức Chúa Giê-xu cũng phán, “Trời và đất sẽ qua đi, nhưng lời Ta không bao giờ qua đi” (Mat 24:35; Mác 13:31; Lu-ca 21:33). Lời của Đức Chúa Trời sẽ còn mãi, và sẽ hoàn thành những gì mà Đức Chúa Trời đã hoạch định.

Tiên tri Ê-sai, bởi quyền năng của Đức Thánh Linh, tuyên bố rằng Lời của Đức Chúa Trời sẽ còn mãi đời đời. “Cỏ khô hoa rụng, nhưng Lời của Đức Chúa Trời chúng ta còn mãi đời đời” (Ê-sai 40:8). Điều này đã được tái khẳng định trong Tân Ước, khi Phi-e-rơ trích dẫn Ê-sai và ám chỉ Kinh Thánh là “lời mà tôi đã giảng ra cho anh em” (1 Phi 1:24-25). Không có sự hiểu biết của Đức Chúa Trời thì cả Ê-sai và Phi-e-rơ cũng đều không thể tuyên bố như thế.

Khi Kinh Thánh nói Lời Chúa còn mãi đời đời, điều đó không có nghĩa là nó được giấu trong mấy cái hầm trên thiên đàng. Lời của Đức Chúa Trời đã được ban một cách cụ thể cho nhân loại, và Lời Chúa sẽ không làm trọn mục đích của nó, nếu nó không có sẵn cho chúng ta. “Mọi sự đã chép từ xưa đều để dạy dỗ chúng ta, hầu cho bởi sự nhịn nhục và sự yên ủi của Kinh Thánh dạy mà chúng ta được sự trông cậy” (Rôm 15:4). Cũng vậy, người ta không thể được cứu ngoài sứ điệp phúc âm, mà đã được chép trong Lời của Đức Chúa Trời (1 Cô-rinh-tô 15:3-4). Cho nên, để phúc âm được rao ra “đến đầu cùng đất” (Công-vụ 13:47), Lời Chúa phải được bảo vệ. Nếu Kinh Thánh không được bảo tồn một cách siêu nhiên, thì không có cách nào để bảo đảm sự nhất quán của sứ điệp Lời Chúa.

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Có giáo lý về sự bảo tồn Kinh Thánh hay không?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries