settings icon
share icon
Câu hỏi

Đức Chúa Trời có yêu tôi không?

Trả lời


Câu hỏi liệu Đức Chúa Trời có yêu thương chúng ta – với tư cách cá nhân và từng người một – hay không. Được bao quanh bởi tình yêu có điều kiện của con người hữu hạn, chúng ta không thể dễ dàng hiểu được rằng Chúa sẽ yêu thương chúng ta. Chúng ta nhận biết lỗi lầm của mình. Chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời là hoàn hảo và vô tội. Chúng ta biết rằng chúng ta không như vậy. Tại sao Đức Chúa Trời, Đấng vô hạn và thánh thiện, lại yêu thương chúng ta, những kẻ hữu hạn và tội lỗi? Tuy nhiên, lẽ thật vĩ đại của phúc âm cho biết là Ngài làm như vậy! Nhiều lần Kinh Thánh nhắc nhở chúng ta về tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta.

Đầu tiên, Đức Chúa Trời tạo dựng con người theo hình ảnh Ngài. Và Ngài đã làm điều đó một cách hết sức quan tâm và chăm sóc. Ngài “bèn lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sanh khí vào lỗ mũi; thì người trở nên một loài sanh linh ... Giê-hô-va Đức Chúa Trời làm cho A-đam ngủ mê, bèn lấy một xương sườn, rồi lấp thịt thế vào. Giê-hô-va Đức Chúa Trời dùng xương sườn đã lấy nơi A-đam làm nên một người nữ, đưa đến cùng A-đam” (Sáng-thế Ký 2:7, 21-22). Có một sự thân mật ở đây giữa Đức Chúa Trời và con người. Với phần còn lại của sự sáng tạo, Đức Chúa Trời chỉ phán và có đúng như vậy. Nhưng, Đức Chúa Trời đã dành thời gian để tạo nên người nam và người nữ. Ngài ban cho họ quyền thống trị thế gian (Sáng Thế Ký 1:28). Đức Chúa Trời có mối liên hệ trực tiếp đến A-đam và E-va. Sau sự sa ngã, hai vợ chồng đã lẩn trốn Đức Chúa Trời khi Ngài đến “Lối chiều, nghe tiếng Giê-hô-va Đức Chúa Trời đi ngang qua vườn, A-đam và vợ ẩn mình giữa bụi cây, để tránh mặt Giê-hô-va Đức Chúa Trời” (Sáng Thế Ký 3:8). Việc họ nói chuyện với Đức Chúa Trời không có gì là bất thường; việc họ che giấu là điều bất thường.

Mối liên hệ với Đức Chúa Trờ đã bị phá vỡ sau sự sa ngã, nhưng tình yêu của Ngài vẫn còn. Ngay sau lời Chúa tuyên bố rủa sả cặp vợ chồng tội lỗi, Kinh Thánh vẽ ra một hình ảnh yêu thương khác về Đức Chúa Trời. “Giê-hô-va Đức Chúa Trời lấy da thú kết thành áo dài cho vợ chồng A-đam, và mặc lấy cho. Giê-hô-va Đức Chúa Trời phán rằng: Nầy, về sự phân biệt điều thiện và điều ác, loài người đã thành một bực như chúng ta; vậy bây giờ, ta hãy coi chừng, e loài người giơ tay lên cũng hái trái cây sự sống mà ăn và được sống đời đời chăng. Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn đuổi loài người ra khỏi vườn Ê-đen đặng cày cấy đất, là nơi có người ra”( Sáng thế ký 3:21-23). Hành động của Đức Chúa Trời ở đây không mang tính chất báo thù hay trừng phạt; nó có tính bảo vệ. Đức Chúa Trời đã mặc áo cho A-đam và Ê-va để che giấu sự xấu hổ của họ. Ngài đuổi họ ra khỏi vườn Ê-đen để bảo vệ họ khỏi bị tổn hại thêm. Đức Chúa Trời đã hành động vì tình yêu. Sau đó, kế hoạch cứu chuộc và phục hồi của Đức Chúa Trời bắt đầu được thực hiện—một kế hoạch không phải được thiết kế sau Sự Sa Ngã nhưng đã có trước sự sáng tạo (1 Phi-e-rơ 1:20). Đức Chúa Trời yêu thương loài người đến nỗi Ngài đã chọn tạo dựng nên chúng ta dù biết rằng điều đó sẽ khiến Ngài phải đau lòng để cứu chuộc chúng ta.

Có nhiều câu Kinh Thánh bày tỏ tình yêu của Chúa. Chúng ta có thể thấy sự dịu dàng của Ngài trong Cựu Ước cũng như Tân Ước. Đa-vít và những người viết Thi Thiên khác đặc biệt nói rõ về tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Hãy xem Thi thiên 139. Bài ca của Sa-lô-môn là một bức tranh tuyệt vời khác về tình yêu. Tình yêu thương của Đức Chúa Trời thậm chí còn được thể hiện rõ ràng trong lịch sử của dân Y-sơ-ra-ên, khi Ngài liên tục bảo tồn dân sót và nài xin dân Ngài vâng phục và được sống. Đức Chúa Trời được xem là công chính nhưng cũng đầy lòng thương xót. Ngài dịu dàng. Ngài ghen với dân Ngài, mong muốn mối liên hệ đó được phục hồi.

Đôi khi chúng ta nhìn vào Cựu Ước và nghĩ rằng Đức Chúa Trời chỉ yêu thương con người với tư cách một quốc gia chứ không phải một cá nhân. Nhưng điều quan trọng cần nhớ là Ru-tơ, A-ga, Đa-vít, Áp-ra-ham, Môi-se và Giê-rê-mi đều là những cá nhân. Đức Chúa Trời bước vào cuộc đời mỗi người và yêu thương họ từng người một. Tình yêu này trở nên hiển nhiên qua con người của Chúa Giê-su.

Đức Chúa Trời giới hạn chính Ngài trong làn da con người để cứu chuộc chúng ta (xem Phi-líp 2:5-11). Ngài bước vào thế gian của chúng ta với tư cách là một con trẻ được sinh ra trong một gia đình khiêm tốn trong một cách rất khiêm nhu (Ngài đã trải qua đêm đầu tiên trong máng ăn của động vật). Chúa Giê-su đã lớn lên giống như bất kỳ đứa trẻ nào. Trong thời gian thi hành chức vụ công khai, Ngài thường kết giao với những người bị xã hội ruồng bỏ. Ngài dừng lại vì người bệnh. Ngài đã chữa lành họ. Ngài đã lắng nghe mọi người. Ngài chúc phúc cho con trẻ. Ngài cũng dạy chúng ta về tình yêu của Đức Chúa Trời. Lu-ca 13:34 ghi lại Chúa Giê-su kêu lên: “ Hỡi Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem, ngươi giết các tiên tri, và quăng đá các đấng chịu sai đến cùng ngươi, bao phen ta muốn nhóm họp con cái ngươi, như gà mái túc và ấp con mình dưới cánh, mà các ngươi chẳng muốn!" Điều này nói lên tấm lòng Đức Chúa Trời mong muốn con người quay về với Ngài. Ngài khao khát chúng ta. Không phải để trừng phạt chúng ta, mà để yêu thương chúng ta.

Có lẽ hình ảnh vĩ đại nhất về tình yêu của Chúa là cuộc khổ nạn và sự đóng đinh của Chúa Giê-su. Phao-lô nhắc nhở chúng ta: “Thật vậy, khi chúng ta còn yếu đuối, Đấng Christ đã theo kỳ hẹn chịu chết vì kẻ có tội. Vả, họa mới có kẻ chịu chết vì người nghĩa; dễ thường cũng có kẻ bằng lòng chết vì người lành. Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết” (Rô-ma 5:6-8). Công việc của Chúa Giê-su trên thập giá là một lời tuyên bố tình yêu rõ ràng, không thể nhầm lẫn. Và tình yêu này là vô điều kiện. Chúng ta đang ở trong tình trạng tồi tệ nhất khi Đấng Christ chết thay cho chúng ta. “Còn anh em đã chết vì lầm lỗi và tội ác mình ... Nhưng Đức Chúa Trời, là Đấng giàu lòng thương xót, vì cớ lòng yêu thương lớn Ngài đem mà yêu chúng ta, nên đang khi chúng ta chết vì tội mình, thì Ngài làm cho chúng ta sống với Đấng Christ, ấy là nhờ ân điển mà anh em được cứu” (Ê-phê-sô 2:1, 4-5).

Sự cứu rỗi này đã làm cho sự sống đích thực có thể thực hiện được. Chúa Giê-su phán: “Kẻ trộm chỉ đến để cướp giết và hủy diệt; còn ta đã đến, hầu cho chiên được sự sống và được sự sống dư dật” (Giăng 10:10). Đức Chúa Trời không keo kiệt. Ngài muốn ban phát tình yêu của Ngài cho chúng ta. Phao-lô tuyên bố trong Rô-ma 8:1-2: “Cho nên hiện nay chẳng còn có sự đoán phạt nào cho những kẻ ở trong Đức Chúa Giê-su Christ; vì luật pháp của Thánh Linh sự sống đã nhờ Đức Chúa Giê-su Christ buông tha tôi khỏi luật pháp của sự tội và sự chết.”

Hãy nhớ rằng Phao-lô trước đây là kẻ thù của Đấng Christ. Ông bắt bớ các Cơ Đốc nhân một cách kịch liệt. Ông sống theo từng chữ của Luật Pháp hơn là nhờ hiểu biết về tình yêu của Đức Chúa Trời. Phao-lô, nếu nghĩ đến tình yêu của Chúa, có lẽ đã cảm thấy rằng Chúa không thể yêu thương ông nếu không tuân theo luật lệ. Tuy nhiên, trong Đấng Christ, ông đã tìm thấy ân điển của Đức Chúa Trời và đón nhận tình yêu của Đức Chúa Trời. Một trong những câu nói hay nhất của ông về tình yêu Đức Chúa Trời là thế này: “Đã vậy thì chúng ta sẽ nói làm sao? Nếu Đức Chúa Trời vùa giúp chúng ta, thì còn ai nghịch với chúng ta? Ngài đã không tiếc chính Con mình, nhưng vì chúng ta hết thảy mà phó Con ấy cho, thì Ngài há chẳng cũng sẽ ban mọi sự luôn với Con ấy cho chúng ta sao? ... Ai sẽ phân rẽ chúng ta khỏi sự yêu thương của Đấng Christ? có phải hoạn nạn, khốn cùng, bắt bớ, đói khát, trần truồng, nguy hiểm, hay là gươm giáo chăng? Như có chép rằng: Vì cớ Ngài, chúng tôi bị giết cả ngày; Họ coi chúng tôi như chiên định đem đến hàng làm thịt. Trái lại, trong mọi sự đó, chúng ta nhờ Đấng yêu thương mình mà thắng hơn bội phần. Vì tôi chắc rằng bất kỳ sự chết, sự sống, các thiên sứ, các kẻ cầm quyền, việc bây giờ, việc hầu đến, quyền phép, bề cao, hay là bề sâu, hoặc một vật nào, chẳng có thể phân rẽ chúng ta khỏi sự yêu thương mà Đức Chúa Trời đã chứng cho chúng ta trong Đức Chúa Jêsus Christ, là Chúa chúng ta” (Rô-ma 8:31-32, 35-39).

Vì vậy, câu trả lời đơn giản là “Có”. Vâng, Chúa yêu bạn! Dù khó có thể tin thì đó vẫn là sự thật.

Những câu Kinh Thánh khác về tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho bạn:

1 Giăng 4:8 – “… Đức Chúa Trời là tình yêu thương”

Ê-phê-sô 5:1-2 – “Vậy anh em hãy trở nên kẻ bắt chước Đức Chúa Trời như con cái rất yêu dấu của Ngài; hãy bước đi trong sự yêu thương, cũng như Đấng Christ đã yêu thương anh em, và vì chúng ta phó chính mình Ngài cho Đức Chúa Trời làm của dâng và của tế lễ, như một thức hương có mùi thơm..”

Ê-phê-sô 5:25-27 – “Hỡi người làm chồng, hãy yêu vợ mình, như Đấng Christ đã yêu Hội thánh, phó chính mình vì Hội thánh, để khiến Hội nên thánh sau khi lấy nước rửa và dùng Đạo làm cho Hội tinh sạch, đặng tỏ ra hội thánh đầy vinh hiển, không vết, không nhăn, không chi giống như vậy, nhưng thánh sạch không chỗ trách được ở trước mặt Ngài.”

Giăng 15:9-11 – “Như Cha đã yêu thương ta thể nào, ta cũng yêu thương các ngươi thể ấy; hãy cứ ở trong sự yêu thương của ta. Nếu các ngươi vâng giữ các điều răn của ta, thì sẽ ở trong sự yêu thương ta, cũng như chính ta đã vâng giữ các điều răn của Cha ta, và cứ ở trong sự yêu thương Ngài. Ta nói cùng các ngươi những điều đó, hầu cho sự vui mừng của ta trong các ngươi, và sự vui mừng các ngươi được trọn vẹn.”

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Đức Chúa Trời có yêu tôi không?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries