settings icon
share icon
Câu hỏi

Vì sao Đức Chúa Trời để cho con người bị khuyết tật?

Trả lời


Chúa là Đức Chúa Trời của người khỏe mạnh về thể chất và người mạnh mẽ về tinh thần, nhưng Ngài cũng là Chúa của những người khuyết tật về thể chất hay người thiểu năng trí tuệ. Ngài tể trị trên sự mong manh, yếu đuối cũng như sự khéo léo và mạnh mẽ. Kinh Thánh dạy rằng mỗi người được sinh ra trên thế gian này đều là một tạo vật độc nhất của Đức Chúa Trời (xem Thi Thiên 139:16), và điều đó cũng bao gồm cả những người khuyết tật.

Một câu hỏi tự nhiên đó là vì sao Đức Chúa Trời để cho một số người được sinh ra với những khuyết tật hay tại sao Ngài cho phép xảy ra những tai nạn dẫn đến khuyết tật trong giai đoạn sau của cuộc đời họ. Vấn đề này nằm trong khuôn khổ cuộc tranh luận thần học / triết học rộng hơn với tên gọi “vấn đề của cái ác” hay “vấn đề của đau khổ.” Nếu Đức Chúa Trời vừa tốt lành lẫn toàn năng, vì sao Ngài lại cho phép những điều xấu xảy ra? Ý nghĩa của việc một số người mất đi thị giác hay bị buộc phải đi lại với chi giả là gì? Làm sao chúng ta hòa hợp được ý niệm về sự tốt lành và trọn vẹn của Đức Chúa Trời với sự thật rằng có quá nhiều sự đổ vỡ và tổn thương giữa vòng tạo vật của Ngài?

Trước khi đi tiếp, chúng ta nên nhìn nhận rằng tất cả chúng ta đều khuyết tật hay bất năng theo cách này hay cách khác. Nhu cầu đeo kính cho thấy sự khiếm khuyết hay “khuyết tật” về thị giác. Niềng răng là dấu hiệu của sự lệch lạc về răng. Tiểu đường, viêm khớp, chứng đỏ mặt, hay một khớp xương không vận động bình thường được – tất cả đều có thể được xem là khiếm khuyết ở một mức độ nào đó. Toàn nhân loại phải sống với thực trạng của sự kém hoàn hảo. Mỗi người đều trải nghiệm những điều kiện kém lý tưởng. Mỗi chúng ta đều đổ vỡ theo cách nào đó. Những sự khuyết tật chúng ta đang phải đối diện chỉ đơn giản khác nhau ở mức độ mà thôi.

Khi một người bị khiếm khuyết hay khuyết tật, ở bất kỳ mức độ nào, đó là một triệu chứng của tội lỗi đầu tiên, khi cái ác tràn vào trong thế gian. Tội lỗi vào thế gian như hậu quả của việc con người bất tuân Đức Chúa Trời, và tội lỗi kéo theo sau nó những đau ốm, bất toàn và bệnh tật (xem Rô-ma 5:12). Thế gian đã bị vấy bẩn. Một trong những lý do Đức Chúa Trời cho phép một số người bị khiếm khuyết hay khuyết tật là vì những điều kiện đó là kết quả tự nhiên của việc con người chống nghịch lại Chúa. Chúng ta sống trong một thế giới của nguyên nhân và kết quả, và đó là một thế giới sa ngã. Chúa Giê-su phán rằng “Các con sẽ có hoạn nạn trong thế gian” (Giăng 16:33). Điều này không có nghĩa là mọi khuyết tật đều là hậu quả trực tiếp của tội lỗi cá nhân (Chúa Giê-su phản bác ý kiến đó trong Giăng 9:1–3), nhưng nói chung, sự tồn tại của khuyết tật hay khiếm khuyết có thể bắt nguồn từ sự tồn tại của tội lỗi.

Một lý do căn bản khác mà Đức Chúa Trời để cho một số người phải sinh ra với những khiếm khuyết hay khuyết tật đó là để danh Ngài được cả sáng qua những điều đó. Khi các sứ đồ thắc mắc về một người mù từ thuở sinh ra, Chúa Giê-su đã phán bảo họ việc này xảy ra “để công việc của Đức Chúa Trời được tỏ ra trong anh ta” (Giăng 9:3). Khi cũng những sứ đồ đó thắc mắc về căn bệnh của La-xa-rơ, Chúa Giê-su đã bảo họ, “nhưng ấy là vì vinh quang của Đức Chúa Trời, để Con Đức Chúa Trời nhờ đó được tôn vinh” (Giăng 11:4). Trong cả hai trường hợp, Đức Chúa Trời đều được sáng danh qua những khiếm khuyết – trong trường hợp của người mù từ thuở sinh ra, các lãnh đạo đền thờ đã có một bằng chứng không thể chối cãi về quyền năng chữa lành của Chúa Giê-su; trong câu chuyện của La-xa-rơ, “Nhiều người Do Thái đến thăm Ma-ri, thấy điều Đức Chúa Giê-su làm thì tin Ngài” (Giăng 11:45).

Một lý do khác Đức Chúa Trời cho phép những khiếm khuyết hay khuyết tật đó là chúng ta phải học tin cậy Ngài hơn là cậy nơi bản thân mình. Khi Đức Chúa Trời kêu gọi Môi-se trong đồng vắng, Môi-se thoạt tiên đã do dự trước sự kêu gọi này. Thực chất, ông đang cố dùng sự khiếm khuyết của mình làm cớ để từ chối phục vụ: “Môi-se thưa với Đức Giê-hô-va rằng: “Ôi! Lạy Chúa, từ trước đến nay và ngay cả lúc Chúa phán bảo đầy tớ Ngài, con vốn không có tài ăn nói, miệng lưỡi con hay ngập ngừng” (Xuất Ê-díp-tô Ký 4:10). Nhưng Chúa vốn biết rõ về vấn đề của Môi-se: “Đức Giê-hô-va phán với ông: “Ai tạo ra môi miệng loài người? Ai đã làm cho con người thành câm, thành điếc, thành sáng, thành mù? Chẳng phải bởi Ta, là Đức Giê-hô-va đó sao? Vậy bây giờ hãy đi đi, Ta sẽ ở với miệng con và dạy con những lời phải nói” (Xuất Ê-díp-tô Ký 4:11-12). Trong phân đoạn tuyệt vời này, chúng ta thấy tất cả những khả năng – và bất năng – của con người đều là một phần trong chương trình của Đức Chúa Trời và rằng Ngài sẽ giúp đỡ cho những tôi tớ vâng lời Ngài. Chúa không kêu gọi những người đã được trang bị, nhưng Ngài trang bị cho người mà Ngài đã kêu gọi.

Joni Eareckson Tada gặp phải một tai nạn trong lúc lặn khi còn tuổi thiếu niên, và trong suốt năm thập kỷ qua bà đã phải sống trong cảnh liệt tứ chi. Joni tưởng tượng khung cảnh gặp được Chúa Giê-su trên thiên đàng và nói với Ngài về chiếc xe lăn của mình: “Con càng yếu đuối trên chiếc xe lăn đó, con càng nương cậy Ngài nhiều hơn. Và càng nương cậy nơi Ngài, con càng khám phá ra Ngài mạnh mẽ nhường nào. Điều đó sẽ không bao giờ xảy ra nếu Ngài không đem đến cho con sự hoạn nạn, và cũng là phước lành, là chính chiếc xe lăn này.” Làm thế nào bà có thể nói về “hoạn nạn” của mình như là một “phước lành”? Chỉ có thể nhờ vào ân điển của Chúa mà thôi. Trong cảm xúc đó, Joni hòa lòng với sứ đồ Phao-lô, người cũng đã chấp nhận ân điển đầy đủ của Đấng Christ qua cái dằm trong thân thể ông bằng những lời này: “Tôi rất vui mừng tự hào về những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đấng Christ ở trong tôi … Vì khi tôi yếu đuối chính là lúc tôi mạnh mẽ” (II Cô-rinh-tô 12:9-10).

Một lý do khác Đức Chúa Trời để cho một số khiếm khuyết và khuyết tật xảy ra đó là, trong chương trình đời đời của Ngài, Chúa đã chọn những sự yếu đuối trong thế gian này cho những mục đích đặc biệt: “Nhưng Đức Chúa Trời đã chọn những điều dại dột ở thế gian để làm hổ thẹn những người khôn ngoan; Đức Chúa Trời đã chọn những gì yếu đuối ở thế gian để làm hổ thẹn những người mạnh mẽ. Đức Chúa Trời đã chọn những gì thấp kém, bị khinh chê ở thế gian, ngay cả những gì không có, để làm cho những gì đã có ra hư không, để không một người nào có thể khoe khoang trước mặt Đức Chúa Trời” (I Cô-rinh-tô 1:27-29).

Đức Chúa Trời không cần đến sức mạnh, tài năng hay thể lực của con người để hoàn thành công việc của Ngài. Chúa có thể dùng những sự khiếm khuyết và khuyết tật một cách kết quả. Ngài có thể dùng đến cả con trẻ: “Để đối lại các kẻ thù của Chúa, Ngài dùng miệng trẻ thơ và trẻ con đang bú mà lập nên sức mạnh Ngài, Khiến bọn cừu địch và kẻ báo thù phải nín lặng” (Thi Thiên 8:2). Ngài có thể dùng bất cứ ai. Ghi nhớ sự thật này có thể giúp những tín hữu khuyết tật giữ sự tập chú vào Đức Chúa Trời. Thật dễ để từ bỏ khi cuộc đời dường như không còn ý nghĩa, nhưng sức mạnh của Đấng Christ được bày tỏ trọn vẹn trong sự yếu đuối của chúng ta (II Cô-rinh-tô 12:9).

Trong một khía cạnh nào đó, khi Chúa Giê-su đến trong thế gian, Ngài đã tự nguyện trở nên khiếm khuyết. Ngài tự giới hạn bản thân khi từ bỏ sự hoàn hảo của thiên đàng để sống giữa vòng tội nhân trên đất. Ngài tạm gác vinh quang của mình để mặc lấy hình loài người thấp kém. Trong sự nhập thể, Chúa Giê-su mang lấy xác thịt con người với tất cả sự mong manh và yếu đuối của nó. “Ngài đã từ bỏ chính mình, mang lấy hình đầy tớ, và trở nên giống như loài người” (Phi-líp 2:7). Con Đức Chúa Trời đến sống trong hoàn cảnh của con người và chịu thương khó thay cho chúng ta. Và đó là lý do “Vì chúng ta không có một thầy tế lễ thượng phẩm chẳng có thể cảm thông sự yếu đuối chúng ta” (Hê-bơ-rơ 4:15); thay vào đó, chúng ta có một Đấng Trung Bảo có thể thấu hiểu những yếu đuối, đặt mình vào sự khiếm khuyết và đồng trải qua những đau đớn như của chúng ta.

Lời hứa của Đức Chúa Trời đó là những khiếm khuyết và khuyết tật chỉ là tạm thời mà thôi. Những hoàn cảnh đó là một phần của thế gian sa ngã, không phải là thế gian sẽ đến. Con cái Đức Chúa Trời – những người nhờ niềm tin nơi Đấng Christ mà được gọi là con của Ngài (Giăng 1:12) – sở hữu một tương lai tươi sáng và vinh hiển. Khi Chúa Giê-su đến lần đầu tiên, Ngài cho chúng ta nếm trải những điều tốt đẹp sẽ đến: “Người ta đem những người đau ốm, mắc các thứ bệnh tật, bị quỷ ám, động kinh, bại xuội đến cho Ngài, và Ngài chữa lành tất cả” (Ma-thi-ơ 4:24). Khi Chúa Giê-su đến lần thứ hai, “Bấy giờ, mắt người mù sẽ thấy được, tai người điếc sẽ nghe được. Bấy giờ, người què sẽ nhảy nhót như con nai, lưỡi người câm sẽ ca hát vang lừng” (Ê-sai 35:5-6).

Góc nhìn gắn liền với chiếc xe lăn của bà Joni thật sự khai sáng: “Có lẽ những người thật sự khuyết tật là những người không cần đến Chúa nhiều như vậy.” Vị thế của sự yếu đuối, khiếm khuyết và khuyết tật – vị thế của sự tin cậy Chúa trong thế gian này – thực chất chính là vị thế của sự cao trọng và phước lành.

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Vì sao Đức Chúa Trời để cho con người bị khuyết tật?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries