settings icon
share icon
Câu hỏi

Những sự kiện nào quan trọng trong cuộc đời Chúa Giê-su Christ? (phần 1)

Trả lời


Sau đây là những sự kiện quan trọng trong cuộc đời của Đấng Christ và các sách Kinh Thánh đã mô tả từng sự kiện (Phần 1):

Sự Giáng Sinh: (Ma-thi-ơ 1—2; Lu-ca 2) – Trong những phân đoạn Kinh Thánh này có tất cả các yếu tố của câu chuyện Giáng Sinh nổi tiếng, sự khởi đầu cuộc đời trần thế của Đấng Christ. Ma-ri và Giô-sép, không có phòng trong quán trọ, Hài Nhi trong máng cỏ, những người chăn chiên với đàn chiên của họ, vô số thiên sứ đang vui mừng ca hát. Chúng ta cũng thấy những nhà thông thái từ phương Đông đi theo ngôi sao đến Bết-lê-hem và mang quà cho Chúa Hài Đồng, Giô-sép, Ma-ri và Chúa Giê-su trốn sang Ai Cập và sau đó trở về Na-xa-rét. Những đoạn văn này cũng kể về việc Chúa Giê-su được đem đến đền thờ lúc tám ngày tuổi để dâng cho Chúa và lúc mười hai tuổi, ở lại đền thờ đang nói chuyện với mấy thầy thông thái ở đó. Câu chuyện về sự ra đời của Đấng Cứu Rỗi cách đây hai ngàn năm thật đáng kinh ngạc, chứa đầy những chi tiết tinh tế và ý nghĩa được những người có mặt cũng như những người tin Chúa trân trọng trong nhiều thiên niên kỷ sau. Nhưng câu chuyện về việc Đức Chúa Trời đến trần gian như một con người đã bắt đầu từ hàng ngàn năm trước với những lời tiên tri về Đấng Mê-si sắp đến. Đức Chúa Trời nói về Đấng Cứu Rỗi trong Sáng thế ký 3:15. Nhiều thế kỷ sau, Ê-sai đã báo trước về một trinh nữ sẽ thọ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Em-ma-nu-ên, nghĩa là “Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta” (Ê-sai 7:14). Sự kiện quan trọng đầu tiên trong cuộc đời của Đấng Christ là sự khởi đầu khiêm nhường trong chuồng chiên khi Đức Chúa Trời đến ở với chúng ta, sinh ra để giải cứu dân Ngài và cứu chúng ta thoát khỏi tội lỗi.

Chịu phép Báp-têm: (Ma-thi-ơ 3:13-17; Mác 1:9-11; Lu-ca 3:21-23) – Phép báp-têm của Chúa Giê-su do Giăng Báp-tít thực hiện tại sông Giô-đanh là hành động đầu tiên trong chức vụ công khai của Ngài. Phép báp-têm của Giăng là phép báp-têm ăn năn tội, và mặc dù Chúa Giê-su không cần phép báp-têm như vậy, nhưng Ngài bằng lòng chịu phép báp-têm đó để đồng hóa chính Ngài với những tội nhân. Thực ra, khi Giăng Báp-tít phản đối việc Chúa Giê-su muốn ông làm phép báp-têm, nói rằng chính ông, Giăng, mới là người phải được Chúa Giê-su làm báp-têm, Chúa Giê-su đã mạnh mẽ phán: “Bây giờ cứ làm đi, vì chúng ta nên làm cho trọn mọi việc công bình”, và Giăng đã vâng theo lời Ngài (Ma-thi-ơ 3:13-15). Trong phép báp têm của Ngài, Chúa Giê-su đồng nhất với những tội nhân mà tội lỗi của họ Ngài sẽ sớm gánh chịu trên thập tự giá, nơi Ngài sẽ đổi sự công bình của Ngài lấy tội lỗi của họ (2 Cô-rinh-tô 5:21). Phép báp têm của Đấng Christ tượng trưng cho sự chết và sự phục sinh của Ngài, được báo trước, cho thấy tầm quan trọng của phép báp têm đối với Cơ Đốc giáo, đồng thời công khai xác nhận Đấng Christ với những ai mà Ngài đã chết cho. Ngoài ra, danh tính của Ngài là Đấng Mê-si được chờ đợi từ lâu đã được xác nhận bởi chính Đức Chúa Trời, Đấng đã phán từ trời: “Nầy là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đàng” (Ma-thi-ơ 3:17). Cuối cùng, phép báp-têm của Chúa Giê-su là cảnh Đức Chúa Trời Ba Ngôi hiện ra lần đầu tiên với con người. Chúa Con đã chịu báp-têm, Chúa Cha phán và Chúa Thánh Linh ngự xuống như chim bồ câu. Mạng lệnh của Chúa Cha, sự vâng phục của Chúa Con và sự trao quyền của Chúa Thánh Linh trình bày một bức tranh tuyệt đẹp về chức vụ và cuộc đời của Đấng Christ.

Phép lạ thứ nhất: (Giăng 2:1-11) – Thật phù hợp khi Phúc Âm Giăng là phúc âm duy nhất ghi lại phép lạ đầu tiên của Chúa Giê-su. Lời tường thuật của Giăng về cuộc đời của Đấng Christ có chủ đề và mục đích là bày tỏ thần tánh của Đấng Christ. Sự kiện này, nơi Chúa Giê-su biến nước thành rượu, cho thấy quyền năng thiêng liêng của Ngài trên các yếu tố của thế gian, quyền năng tương tự sẽ được bày tỏ một lần nữa trong nhiều phép lạ chữa lành và kiểm soát các yếu tố như gió và biển. Giăng tiếp tục cho chúng ta biết rằng phép lạ đầu tiên này có hai kết quả—sự vinh hiển của Đấng Christ được bày tỏ và các môn đồ tin vào Ngài (Giăng 2:11). Bản chất thiêng liêng, vinh hiển của Đấng Christ đã bị ẩn giấu khi Ngài mang lấy hình hài con người, nhưng trong những trường hợp như phép lạ này, bản chất thực sự của Ngài bày tỏ và được biểu lộ cho tất cả những ai có mắt để thấy (Ma-thi-ơ 13:16). Các môn đồ luôn tin vào Chúa Giê-su, nhưng các phép lạ đã giúp củng cố đức tin của họ và chuẩn bị cho họ những thời điểm khó khăn phía trước. Bài Giảng Trên Núi: (Ma-thi-ơ 5:1-7:29) – Có lẽ bài giảng nổi tiếng nhất mọi thời đại đã được Chúa Giê-su giảng cho các môn đồ ngay từ đầu trong chức vụ công khai của Ngài. Nhiều cụm từ đáng nhớ mà chúng ta biết ngày nay đều đến từ bài giảng này, bao gồm “Phước cho những kẻ nhu mì, vì sẽ hưởng được đất!”, “muối của đất”, “mắt đền mắt”, “hoa huệ ngoài đồng”, “hãy xin sẽ được,” và “sói đội lốt chiên,” cũng như những khái niệm xa hơn – nếu ai vả má bên hữu hãy đưa má bên kia cho họ luôn, đừng cho tay tả biết tay hữu đang làm việc gì. Trong bài giảng còn có Lời Cầu Nguyện. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là Bài Giảng Trên Núi đã giáng một đòn nặng nề vào người Pha-ri-si và tôn giáo về việc làm công chính của họ. Bằng cách giải thích Luật Pháp theo ý nghĩa tinh thần chứ không chỉ theo từng chữ từng lời của nó. Chúa Giê-su khẳng định chắc chắn rằng chủ nghĩa tuân thủ luật pháp không có ích gì cho sự cứu rỗi và những mạng lệnh của Luật Pháp là con người không thể đáp ứng được. Ngài kết thúc bài giảng bằng lời kêu gọi đức tin chân chính để được cứu rỗi, và cảnh báo rằng con đường dẫn đến sự cứu rỗi đó rất hẹp và ít người tìm được. Chúa Giê-su so sánh những người nghe lời Ngài và đem ra thực hành với những người thợ khôn ngoan xây nhà trên hòn đá vững chắc; khi bão táp mưa sa, nhà của họ chống đỡ được.

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Những sự kiện nào quan trọng trong cuộc đời Chúa Giê-su Christ? (phần 1)
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries