settings icon
share icon
Câu hỏi

Có phải Chúa Giê-xu là người theo chủ nghĩa hòa bình?

Trả lời


Một người theo chủ nghĩa hòa bình là một người phản đối bạo lực, đặc biệt là chiến tranh vì bất kỳ mục đích nào. Một người theo chủ nghĩa hòa bình thường từ chối mang vũ khí vì lý do lương tâm hoặc niềm tin tôn giáo.

Chúa Giê-xu là "Chúa bình an" (Ê-sai 9:5), một ngày nào đó Ngài sẽ mang lại hòa bình thật sự và lâu dài cho trái đất. Và sứ điệp của Ngài trong thế giới này nổi bật là phi bạo lực (Ma-thi-ơ 5:38-44). Nhưng Kinh Thánh nói rõ ràng là đôi khi chiến tranh là cần thiết (xem Thi Thiên 144:1). Và, với một số lời tiên tri của Kinh Thánh về Chúa Giê-xu thì thật khó để gọi Ngài là một người theo chủ nghĩa hòa bình. Khải Huyền 19:15 nói về Chúa Giê-xu rằng, "Từ miệng Ngài có một lưỡi gươm bén dùng để đánh các nước. Ngài sẽ cai trị họ bằng một cây gậy sắt. Ngài giày đạp thùng ép nho của cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời Toàn Năng". Việc thiết lập vương quốc ngàn năm của Chúa Giê-xu sẽ đòi hỏi bạo lực dưới hình thức một cuộc chiến tranh chống lại các lực lượng của người chống lại Đấng Christ. Áo choàng của Chúa Giê-xu sẽ được "nhúng trong máu" (Khải Huyền 19:13).

Trong sự tương tác của Chúa Giê-xu với thầy đội người La Mã, Chúa Giê-xu nhận được lời khen ngợi của thầy đội, đã chữa lành cho đầy tớ của ông, và khen ngợi đức tin của ông (Ma-thi-ơ 8:5-13). Điều Chúa Giê-xu đã không làm là nói với thầy đội hãy rời khỏi quân đội vì một lý do đơn giản là Chúa Giê-xu không rao giảng về chủ nghĩa hòa bình. Giăng Báp-tít cũng gặp những người lính và họ hỏi: "Còn chúng tôi phải làm gì?" (Lu-ca 3:14). Đây sẽ là cơ hội hoàn hảo để Giăng bảo họ phải hạ vũ khí. Nhưng Giăng đã không làm điều đó. Thay vào đó, Giăng nói với những người lính, "Đừng hăm dọa hoặc vu khống ai để tống tiền, nhưng hãy bằng lòng về đồng lương của mình".

Các môn đệ của Chúa Giê-xu sở hữu vũ khí, mâu thuẫn với ý tưởng rằng Chúa Giê-xu là một người theo chủ nghĩa hòa bình. Vào đêm Chúa Giê-xu bị phản bội, Ngài thậm chí còn bảo những môn đồ của Ngài đem theo gươm. Họ nói có hai thanh gươm và Chúa Giê-xu tuyên bố là đủ (Lu-ca 22:37-39). Khi Chúa Giê-xu bị bắt, Phi-e-rơ đã rút gươm và làm thương một trong những người có mặt ở đó (Giăng 18:10). Chúa Giê-xu đã chữa lành cho người đó (Lu-ca 22:51) và ra lệnh cho Phi-e-rơ cất vũ khí của mình (Giăng 18:11). Thực tế đáng chú ý là Chúa Giê-xu đã không lên án việc Phi-e-rơ sở hữu một thanh gươm, nhưng chỉ là việc sử dụng sai mục đích của ông ta.

Sách Truyền đạo cho thấy sự cân bằng của cuộc sống với các hoạt động tương phản: "Mọi việc đều có thời điểm, mọi sự dưới bầu trời đều có định kỳ của nó, có kỳ giết chết, có kỳ chữa lành, có kỳ phá đổ, có kỳ xây cất, có kỳ yêu, có kỳ ghét, có kỳ chiến tranh, có kỳ hòa bình" (Truyền đạo 3:1,3, và 8). Đây không phải là lời của một người theo chủ nghĩa hòa bình.

Chúa Giê-xu không có vẻ giống như một người theo chủ nghĩa hòa bình khi Ngài nói, "Chớ tưởng Ta đến để đem bình an cho thế gian. Ta đến, không phải để đem bình an, mà là gươm giáo. TA ĐẾN ĐỂ PHÂN RẼ CON TRAI VỚI CHA, CON GÁI VỚI MẸ, NÀNG DÂU VỚI MẸ CHỒNG, VÀ KẺ THÙ CỦA NGƯỜI TA LẠI LÀ NGƯỜI NHÀ CỦA MÌNH" (Ma-thi-ơ 10:34-36). Mặc dù Chúa Giê-xu không quy định chiến tranh, nhưng Ngài chắc chắn chấp nhận xung đột đi kèm với sự xâm nhập của lẽ thật.

Chúng ta không bao giờ bị bắt phải làm những người theo chủ nghĩa hòa bình, theo nghĩa thông thường của từ này. Thay vào đó, chúng ta ghét điều ác và giữ lấy điều thiện (Rô-ma 12:9). Khi làm như vậy, chúng ta phải chống lại cái ác trong thế giới này (là điều đòi hỏi xung đột) và theo đuổi sự công bình (II Ti-mô-thê 2:22). Chúa Giê-xu đã làm gương trong việc theo đuổi này và không bao giờ lùi bước khỏi xung đột khi nó là một phần của kế hoạch tối cao của Đức Chúa Cha. Chúa Giê-xu đã công khai chống lại những người cai trị tôn giáo và chính trị thời của Ngài bởi vì họ không tìm kiếm sự công bình của Đức Chúa Trời (Lu-ca 13:31-32; 19:45-47).

Khi nói đến việc đánh bại cái ác, Đức Chúa Trời không phải là một người theo chủ nghĩa hòa bình. Cựu Ước có đầy đủ các ví dụ về cách Đức Chúa Trời sử dụng dân sự của Ngài trong chiến tranh để mang đến sự phán xét cho các quốc gia mà tội lỗi của họ đã đạt đến mức đỉnh điểm. Một vài ví dụ được tìm thấy trong Sáng thế ký 15:16; Dân số ký 21:3; 31:1-7; 32:20-21; Phục truyền luật lệ ký 7:1-2; Giô-suê 6:20-21; 8:1-8; 10:29-32; 11:7-20. Trước trận chiến thành Giê-ri-cô, Giô-suê được gặp gỡ bởi "tướng chỉ huy đạo quân của Đức Giê-hô-va" (Giô-suê 5:14). Nhân vật này, người có khả năng nhất là Đấng Christ trước khi (tiền) nhập thể, được phân biệt bằng cách cầm một "thanh kiếm rút ra trong tay" (câu 13). Chúa đã sẵn sàng chiến đấu.

Chúng ta có thể yên tâm rằng luôn luôn có công lý mà Đức Chúa Trời phán xét và gây ra chiến tranh (Khải Huyền 19:11). "Vì chúng ta biết Đấng đã phán: 'Sự trả thù thuộc về Ta, Ta sẽ báo ứng'. Và lại phán: 'Chúa sẽ phán xét dân mình'. Sa vào tay Đức Chúa Trời hằng sống thì thật là kinh khiếp" (Hê-bơ-rơ 10:30-31). Những gì chúng ta học được từ những đoạn Kinh Thánh này và những đoạn Kinh Thánh khác là chúng ta chỉ tham gia vào chiến tranh khi nó chính đáng. Việc chống lại sự hung hăng, bất công, hoặc diệt chủng sẽ biện minh cho một cuộc chiến tranh, và chúng tôi tin rằng những người theo Chúa Giê-xu được tự do tham gia lực lượng vũ trang và tham gia vào chiến tranh.

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Có phải Chúa Giê-xu là người theo chủ nghĩa hòa bình?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries