settings icon
share icon
Câu hỏi

Tại sao Đức Chúa Trời lại ban cho chúng ta bốn sách Phúc âm?

Trả lời


Dưới đây là một số lý do tại sao Đức Chúa Trời lại ban cho chúng ta bốn sách Phúc âm thay vì chỉ là một:

1) Để đưa ra một bức tranh hoàn chỉnh hơn về Đấng Christ. Trong khi toàn bộ Kinh Thánh được hà hơi soi dẫn bởi Đức Chúa Trời (2 Ti-mô-thê 3:16), Ngài xử dụng các trước giả với nhiều tầng lớp xã hội cũng như cá tính khác nhau để hoàn thành mục đích của Ngài thông qua các tác phẩm của họ. Mỗi trước giả của phúc âm đều có một mục đích riêng biệt nằm sau phúc âm của mình và trong việc thực hiện các mục đích ấy, mỗi người nhấn mạnh mỗi khía cạnh khác nhau về thân vị cũng như chức vụ của Đức Chúa Giê-xu Christ.

Ma-thi-ơ viết cho độc giả người Hê-bơ-rơ, và một trong những mục đích của ông là chỉ ra từ gia phả của Chúa Giê-xu và việc ứng nghiệm các lời tiên tri trong Cựu Ước để cho thấy rằng Ngài là Đấng Mê-si đang được trông đợi, và vì vậy nên phải tin. Ma-thi-ơ nhấn mạnh việc Chúa Giê-xu là vị Vua đã được dự ngôn, là "Con của Đa-vít," Đấng sẽ mãi mãi ngồi trên ngôi của I-sơ-ra-ên (Ma-thi-ơ 9:27; 21:9).

Mác, một người anh em họ của Ba-na-ba (Cô-lô-se 4:10), là một người tận mắt chứng kiến những sự kiện trong cuộc đời của Đấng Christ cũng là một người bạn của sứ đồ Phi-e-rơ. Mác viết cho độc giả là Dân ngoại, khi những gì ông đưa ra không bao gồm những điều quan trọng đối với độc giả người Do-thái (gia phả, những tranh cãi giữa Đấng Christ với các nhà lãnh đạo Do Thái giáo cùng thời với Ngài, tài liệu tham khảo thường gặp với Cựu Ước, vv…). Mác nhấn mạnh Đấng Christ là Người Tôi Tớ thống khổ, là Đấng đã đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người (Mác 10:45).

Lu-ca, là "bác sĩ yêu dấu" (Cô-lô-se 4:14), nhà truyền giáo, và là người đồng hành cùng sứ đồ Phao-lô, đã viết cả hai Phúc âm Lu-ca và Công vụ các sứ đồ. Lu-ca là trước giả ngoại bang duy nhất của Tân Ước. Từ lâu những người dùng tác phẩm của ông để nghiên cứu về gia phả và lịch sử đã chấp nhận ông là một sử gia chuyên cần bậc thầy. Là một nhà sử học, ông nói rằng ý định của ông là viết lại một cách có thứ tự về cuộc đời của Đấng Christ dựa trên những lời tường thuật của những người đã từng mắt thấy tai nghe (Lu-ca 1:1-4). Bởi vì ông đặc biệt viết cho Thê-ô-phi-lơ, là một người ngoại giáo có vị thế, nên trong trí ông muốn biên soạn phúc âm của mình cho một độc giả là dân ngoại, và ý định của ông là để cho thấy rằng đức tin của Cơ-đốc-nhân được dựa trên các sự kiện lịch sử đáng tin cậy và có thể kiểm chứng. Lu-ca thường nhắc đến Đấng Christ như là "Con Người", nhấn mạnh đến nhân tánh của Ngài, và ông chia sẻ nhiều chi tiết mà các sách phúc âm khác không có ghi lại.

Phúc âm Giăng, được viết bởi sứ đồ Giăng, thì khác biệt với ba sách Phúc âm khác và chứa đựng nhiều nội dung thần học liên quan đến thân vị của Đấng Christ và ý nghĩa của đức tin. Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca được gọi là "Phúc Âm Đồng Quan" (cộng quan) bởi vì chúng có văn phong và nội dung tương tự và cũng vì chúng cùng đưa ra bản tóm lược về cuộc đời của Đấng Christ. Phúc âm Giăng không bắt đầu với sự giáng sinh hoặc khởi đầu chức vụ trên đất của Chúa Giê-xu nhưng với hành động và đặc tính của Con Đức Chúa Trời trước khi Ngài trở thành con người (Giăng 1:14). Phúc âm Giăng nhấn mạnh về thần tánh của Đấng Christ, được thấy trong cách ông sử dụng những câu như "Ngôi Lời là Đức Chúa Trời" (Giăng 1:1), "Cứu Chúa của Thế gian" (Giăng 4:42), "Con của Đức Chúa Trời "(được xử dụng nhiều lần), và "Chúa và…Đức Chúa Trời"(Giăng 20:28). Trong phúc âm Giăng, Chúa Giê-xu cũng đã khẳng định thần tánh của Ngài với nhiều lời tuyên bố ”Ta là”; đáng chú ý nhất trong số đó là Giăng 8:58, khi Ngài phán rằng "...trước khi Áp-ra-ham, đã có Ta" (so sánh với Xuất Ê-díp-tô ký 3:13-14). Nhưng Giăng cũng nhấn mạnh sự thật về nhân tánh của Chúa Giê-xu, với mong muốn cho thấy sự sai lầm của hệ thống tôn giáo trong thời đại của mình, là nhóm Trí huệ phái, là những người không tin vào nhân tánh của Đấng Christ. Phúc âm Giăng giải thích toàn bộ mục đích ông viết là: "Ðức Chúa Jesus đã làm nhiều phép lạ khác trước mặt các môn đồ Ngài nhưng không được chép trong sách nầy. Nhưng những việc nầy được chép ra để các người tin rằng Ðức Chúa Jesus chính là Ðấng Christ, Con Ðức Chúa Trời, và để khi tin các ngươi có được sự sống trong danh Ngài." (Giăng 20:30-31).

Như vậy, có bốn bản ký thuật khác biệt nhưng giống nhau về độ chính xác khi nói về Đấng Christ, các khía cạnh khác nhau về thân vị và chức vụ của Ngài được tỏ bày. Mỗi bản ký thuật trở nên như một sợi chỉ khác màu trong một tấm thảm dệt nên một bức tranh hoàn hảo về Đấng vượt quá sự mô tả. Trong khi chúng ta sẽ không bao giờ hiểu đầy trọn mọi điều về Đức Chúa Giê-xu Christ (Giăng 20:30), thì qua bốn sách Phúc âm chúng ta có thể biết đủ về Ngài để nhận ra Ngài là ai và những gì Ngài đã làm cho chúng ta để rồi chúng ta có thể có được sự sống nhờ đức tin đặt nơi Ngài.

2) Cho phép chúng ta xác minh tính trung thực trong các bản ký thuật của họ một cách khách quan. Từ rất sớm, Kinh Thánh tuyên bố rằng tại tòa án của pháp luật, phán quyết dựa trên lời khai của một người làm chứng sẽ không đủ yếu tố để buộc tội ai nhưng yêu cầu phải dựa vào lời chứng của ít nhất hai hoặc ba người (Phục truyền 19:15). Mặc dù vậy, các bản ký thuật khác nhau về thân vị và chức vụ của Chúa Giê-xu trên đất cho phép chúng ta đánh giá độ chính xác về các thông tin mà chúng ta có được liên quan đến Ngài.

Simon Greenleaf, một chuyên gia nổi tiếng và được thừa nhận về việc thiết lập các bằng chứng đáng tin cậy đối với pháp luật, đã kiểm tra cả bốn sách Phúc âm từ góc độ pháp lý. Ông ghi nhận rằng cách các nhân chứng đã ký thuật trong bốn sách Phúc âm – ăn khớp với nhau, nhưng việc mỗi người đã lựa chọn để bỏ qua hoặc thêm vào các chi tiết khác nhau – là điều đáng tin cậy, các nguồn tư liệu độc lập được chấp nhận là một bằng chứng mạnh mẽ đối với pháp luật. Nếu như các sách Phúc âm chứa đựng những thông tin giống nhau chính xác với các chi tiết giống nhau được viết từ quan điểm giống nhau, thì nó cho thấy có sự thông đồng, tức là, có một thời điểm nào đó các tác giả đã gặp nhau trước để "làm cho những câu chuyện của họ được minh bạch" nhằm để cho bài viết của mình trở nên đáng tin cậy. Sự khác biệt giữa các Phúc âm, ngay cả những mâu thuẫn rõ ràng về chi tiết khi kiểm định lần đầu, nói lên tính độc lập của các tác phẩm. Như vậy, tính độc lập của bốn Phúc âm được ký thuật, đồng thuận về thông tin của nhau, nhưng lại khác nhau về quan điểm, số lượng chi tiết, và các sự kiện được ghi lại, cho thấy rằng những ghi chép mà chúng ta có được về đời sống và chức vụ của Đấng Christ được trình bày trong các sách phúc âm là thực tế và đáng tin cậy.

3) Ban thưởng cho những ai dốc lòng tìm kiếm. Sẽ rất hữu ích nếu nghiên cứu từng Phúc âm riêng biệt. Tuy nhiên sẽ nhận được nhiều điều nếu so sánh và đối chiếu các sự kiện cụ thể trong chức vụ của Chúa Giê-xu từ các bản ký thuật khác nhau. Ví dụ, trong Ma-thi-ơ 14 chúng ta thấy được câu chuyện Chúa Giê-xu cho 5000 người ăn và việc Ngài đi bộ trên mặt nước. Trong Ma-thi-ơ 14:22 chúng ta biết rằng "Chúa Giê-xu cho các môn đệ xuống thuyền và đi trước qua bờ bên kia, trong khi Ngài cho đám đông giải tán." Người ta có thể hỏi, tại sao Ngài đã làm điều này? Ma-thi-ơ không đưa ra lý do rõ ràng. Nhưng khi chúng ta kết hợp nó với bản ký thuật của Mác trong chương 6, chúng ta thấy rằng các môn đệ đã trở lại sau khi họ đã đi ra để đuổi quỉ và chữa lành mọi người qua thẩm quyền mà Ngài đã ban cho họ khi sai họ đi ra từng đôi một. Nhưng họ trở về với "những cái đầu vĩ đại," quên mất vị trí của mình và bây giờ sẵn sàng để hướng dẫn Ngài (Mt 14:15). Vì vậy, việc họ phải đi ra vào buổi tối để đến bờ bên kia của biển Ga-li-lê, Chúa Giê-xu cho họ thấy hai điều. Khi họ đấu tranh chống lại gió và sóng trong nỗ lực riêng của mình cho đến sáng (Mác 6:48-50), họ bắt đầu thấy rằng 1) họ có thể chẳng đạt được điều gì cho Chúa cả bằng nổ lực của chính họ và 2) không có gì là không thể nếu họ kêu cầu Ngài và sống phụ thuộc vào quyền năng của Ngài. Có nhiều phân đoạn chứa "châu ngọc" giống như thế được tìm thấy bởi những người nghiên cứu cần mẫn Lời của Đức Chúa Trời tức là những người dành thời gian để so sánh Kinh Thánh với Thánh Kinh.

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Tại sao Đức Chúa Trời lại ban cho chúng ta bốn sách Phúc âm?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries