settings icon
share icon
Câu hỏi

Người vợ và người chồng có vai trò như thế nào trong gia đình?

Trả lời


Mặc dù cả người nam và người nữ đều có mối liên hệ bình đẳng với Đấng Christ, nhưng Kinh thánh có nêu ra những vai trò cụ thể dành cho mỗi người trong hôn nhân. Người chồng đảm nhận vai trò lãnh đạo trong gia đình (I Cô-rinh-tô 11:3; Ê-phê-sô 5:23). Vai trò lãnh đạo này không phải là độc tài, coi thường, hay tỏ vẻ bề trên đối với vợ, nhưng phải phù hợp với gương mẫu lãnh đạo Hội thánh của Chúa Giê-xu. “Hỡi người làm chồng, hãy yêu vợ mình, như Đấng Christ đã yêu Hội thánh, phó chính mình vì Hội thánh, để khiến Hội nên thánh sau khi lấy nước rửa và dùng Đạo làm cho Hội tinh sạch” (Ê-phê-sô 5:25-26). Đấng Christ yêu Hội thánh (con dân của Ngài) với sự thương cảm, nhân từ, tha thứ, tôn trọng và vị tha. Người chồng cũng phải yêu vợ mình y như vậy.

Người vợ phải vâng phục thẩm quyền của người chồng. “Hỡi kẻ làm vợ, phải vâng phục chồng mình như vâng phục Chúa, vì chồng là đầu vợ, khác nào Đấng Christ là đầu Hội thánh, Hội thánh là thân thể Ngài, và Ngài là Cứu Chúa của Hội thánh. Ấy vậy, như Hội thánh phục dưới Đấng Christ, thì đàn bà cũng phải phục dưới quyền chồng mình trong mọi sự.” (Ê-phê-sô 5:22-24). Mặc dù người phụ nữ phải vâng phục chồng mình, nhưng Kinh thánh cũng nhiều lần nói đến cách cư xử của người nam đối với vợ mình. Người chồng không được cư xử độc tài, nhưng phải tôn trọng những ý kiến của vợ mình. Thật vậy, Ê-phê-sô 5:28-29 nói rằng người nam phải yêu thương vợ mình giống như yêu chính bản thân mình vậy (giống như họ chăm sóc và nuôi dưỡng thân thể họ). Tình yêu của người nam dành cho vợ mình phải giống như tình yêu của Đấng Christ dành cho thân thể của Ngài, là Hội thánh.

“Hỡi người làm vợ, hãy vâng phục chồng mình, y như điều đó theo Chúa đáng phải nên vậy. Hỡi kẻ làm chồng, hãy yêu vợ mình, chớ hề ở cay nghiệt với người” (Cô-lô-se 3:18-19). “Hỡi người làm chồng, hãy tỏ điều khôn ngoan ra trong sự ăn ở với vợ mình, như là với giống yếu đuối hơn, vì họ sẽ cùng anh em hưởng phước sự sống, nên phải kính nể họ, hầu cho không điều gì làm rối loạn sự cầu nguyện của anh em” (I Phi-e-rơ 3:7). Từ những câu Kinh thánh trên chúng ta có thể thấy rằng tình yêu và sự tôn trọng bày tỏ vai trò của cả người vợ và người chồng. Nếu tình yêu và sự tôn trọng này được bày tỏ thì thẩm quyền, cương vị lãnh đạo, tình yêu, và sự vâng phục sẽ không là vấn đề gì đối với cả hai người.

Liên quan đến việc phân chia trách nhiệm trong nhà, thì Kinh thánh dạy rằng người chồng phải chu cấp cho gia đình. Điều này có nghĩa là người chồng phải đi làm và kiếm đủ tiền để chu cấp đầy đủ mọi nhu cầu cần thiết cho cuộc sống của vợ và con cái. Nếu không làm được như vậy thì chắc chắn sẽ dẫn đến hậu quả thuộc linh. “Ví bằng có ai không săn sóc đến bà con mình, nhứt là không săn sóc đến người nhà mình, ấy là người chối bỏ đức tin, lại xấu hơn người không tin nữa” (I Ti-mô-thê 5:8). Vì vậy, nếu một người nam không cố gắng chu cấp cho gia đình mình thì không thể được gọi là một Cơ Đốc nhân. Điều này không có nghĩa là người vợ không thể giúp đỡ trong việc nuôi nấng gia đình. Châm ngôn đoạn 31 chứng minh rằng một người vợ tin kính Chúa chắc chắn có thể làm được như vậy, nhưng chu cấp cho gia đình không phải là trách nhiệm ưu tiên của người vợ, mà là của người chồng. Mặc dù người chồng nên giúp đỡ vợ trong việc chăm sóc con cái cũng như làm công việc nhà (làm tròn bổn phận của mình để bày tỏ tình yêu đối với vợ), nhưng Châm ngôn đoạn 31 cũng nói rõ ràng rằng chăm sóc nhà cửa là trách nhiệm hàng đầu của người vợ. Dù người vợ có phải thức khuya dậy sớm thì vẫn phải chu toàn trách nhiệm của mình đối với gia đình. Đây là một cách sống không dễ dàng gì đối với nhiều người phụ nữ, đặc biệt là ở những quốc gia thịnh vượng phương Tây. Tuy nhiên, cũng có quá nhiều phụ nữ bị căng thẳng đến mức buông xuôi. Và để ngăn chặn sự căng thẳng như vậy, thì hai vợ chồng phải cầu nguyện sắp xếp lại thứ thự ưu tiên theo sự chỉ dẫn của Kinh thánh đối với vai trò của họ.

Sự xung đột trong việc phân chia lao động trong hôn nhân cũng có xảy ra, nhưng nếu cả hai vợ chồng đầu phục Đấng Christ thì những xung đột này sẽ rất nhỏ. Nếu hai vợ chồng nhận thấy rằng sự xung đột về vấn đề này quá kịch liệt và thường xuyên xảy ra, hoặc sự xung đột dường như luôn hiện diện trong hôn nhân, thì vấn đề nằm ở sự hiệp một thuộc linh. Trong trường hợp như vậy, hai vợ chồng nên tái cam kết lại để cầu nguyện và vâng phục Đấng Christ trước, sau đó mới vâng phục nhau trong thái độ yêu thương và tôn trọng.

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Người vợ và người chồng có vai trò như thế nào trong gia đình?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries