settings icon
share icon
Câu hỏi

Duy thần tái sanh thuyết và giáo lý Đức Chúa Trời và con người cộng tác trong sự tái sanh – Quan điểm nào là đúng?

Trả lời


Chủ đề này đã được tranh luận sôi nổi trong giáo hội trong nhiều thế kỷ. Không phải là phóng đại để nói rằng cuộc tranh luận này liên quan đến chính cốt lõi của phúc âm. Trước tiên, chúng ta hãy định nghĩa hai thuật ngữ. Khi chúng ta nói về duy thần tái sanh thuyết so với giáo lý Đức Chúa Trời và con người cộng tác trong sự tái sanh, nói theo thần học, chúng ta đang nói về ai mang lại sự cứu rỗi cho chúng ta. Duy thần tái sanh thuyết, có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp ghép, có nghĩa là "hành động một mình", là quan điểm cho thấy chỉ có Đức Chúa Trời mới có ảnh hưởng đến sự cứu chuộc của chúng ta. Quan điểm này chủ yếu tập trung vào các truyền thống của thuyết John Calvin và Cải cách chính thống và nó gắn bó chặt chẽ với những gì được gọi là "học thuyết của ân sủng". Giáo lý Đức Chúa Trời và con người cộng tác trong sự tái sanh, cũng có nguồn gốc từ một từ Hy lạp có nghĩa là "cùng nhau hành động", là quan điểm cho rằng Đức Chúa Trời hành động với chúng ta trong việc thực hiện sự cứu chuộc. Trong khi duy thần tái sanh thuyết liên quan chặt chẽ với John Calvin, thì giáo lý Đức Chúa Trời và con người cộng tác trong sự tái sanh lại liên quan đến Jacob Arminius, và quan điểm của ông đã định hình rất rõ nét quang cảnh Phúc Âm hiện đại. Calvin và Arminius không phải là những người sáng tạo ra những quan điểm này, nhưng là những người đề xướng nổi tiếng nhất của thuyết Calvin và thuyết Arminius.

Hai quan điểm này đã được bàn cãi nhiều trong đầu thế kỷ 17 khi những người theo Arminius đã xuất bản Năm Giáo Lý Chống Đối, một tài liệu nêu rõ thần học của họ khác với thần học của Calvin và những người theo ông. Điểm then chốt trong cuộc tranh luận này là giữa những người theo học thuyết John Calvin về sự chọn lựa vô điều kiện với những người theo học thuyết Arminius về sự chọn lựa có điều kiện. Nếu một người tin rằng sự chọn lựa là vô điều kiện, thì người đó sẽ hướng tới quan điểm duy thần tái sanh về sự cứu chuộc. Ngược lại, nếu một người cho rằng sự tuyển chọn dựa trên sự biết trước của Đức Chúa Trời về một người sẽ tin nơi Ngài, thì người ta hướng đến quan điểm hiệp đồng (Đức Chúa Trời và con người cộng tác trong sự tái sanh).

Quan điểm của sự chọn lựa vô điều kiện được nêu ra trong bản Tín Điều Westminster (Bản tuyên xưng đức tin): "Những ai được định trước cho sự sống, Đức Chúa Trời, trước khi thế gian được lập nên, theo mục đích đời đời, bất biến của Ngài, và ý định kín giấu cùng sự vui thỏa trong ý muốn của Ngài, đã được chọn trong Đấng Christ, đến sự vinh hiển đời đời, duy chỉ nhờ ân sủng và tình yêu vô điều kiện của Ngài mà không có bất kỳ sự biết trước nào về đức tin hay những việc lành (công đức), hoặc bất kỳ sự bền lòng nào của họ, hoặc bất cứ điều gì khác trong tạo vật, như những điều kiện; hoặc những nguyên nhân khiến Ngài làm như vậy; Và tất cả để ca ngợi ân sủng vinh quang của Ngài" (WCF III.5, nhấn mạnh thêm). Như chúng ta có thể thấy, sự chọn lựa vô điều kiện dạy rằng sự lựa chọn của Đức Chúa Trời cho người được chọn dựa trên sự vui thích trong ý muốn của Ngài và không có thêm điều gì nữa. Hơn nữa, sự chọn lựa của Ngài trong sự tuyển chọn không dựa trên sự thấy trước của Ngài về đức tin của một người hoặc bất kỳ một việc lành nào hoặc là người đó đang kiên trì trong đức tin hoặc những việc lành cũng vậy.

Hai đoạn kinh thánh kinh điển ủng hộ giáo lý này. Đầu tiên là Ê-phê-sô 1: 4-5, "Trước khi sáng thế, Ngài đã chọn chúng ta trong Đấng Christ, đặng làm nên thánh không chỗ trách được trước mặt Đức Chúa Trời, bởi sự thương yêu của Ngài đã định trước cho chúng ta được trở nên con nuôi của Ngài bởi Đức Chúa Jêsus Christ, theo ý tốt của Ngài". Theo đoạn này, chúng ta đã được Đức Chúa Trời chọn trong Đấng Christ - thánh khiết và vô tội - trước khi thế gian được tạo nên, và sự lựa chọn này dựa trên "mục đích của ý muốn Chúa". Ở đoạn khác là Rô-ma 9:16, "Vậy điều đó chẳng phải bởi người nào ao ước hay người nào bôn ba mà được, bèn là bởi Đức Chúa Trời thương xót." Sự chọn lựa của Đức Chúa Trời không phụ thuộc vào bất cứ điều gì chúng ta làm hoặc tin vào, nhưng chỉ được thực hiện theo ý muốn của lòng thương xót từ Đức Chúa Trời.

Đặc tính cơ bản của học thuyết John Calvin và cuộc tranh luận của thuyết duy thần tái sanh, rằng Đức Chúa Trời đang thực sự thi hành nhiệm vụ cứu người và không chỉ đơn thuần là làm cho họ được cứu. Bởi vì tất cả mọi người đều được sinh ra trong tội lỗi và vì bản chất sa ngã của họ (suy bại hoàn toàn), họ sẽ luôn luôn từ chối Đức Chúa Trời (Ê-phê-so 2:1-3); Do đó, Đức Chúa Trời phải hành động để cứu những người được chọn không có điều kiện tiên quyết về phần của họ như đức tin. Để ban tặng cho sự cứu rỗi và sự sống đời đời cho người được chọn, trước tiên, Đức Chúa Trời phải chịu tội lỗi của họ (việc chuộc tội). Ân sủng và sự cứu chuộc này phải được áp dụng cho những người được tuyển chọn, và do đó Chúa Thánh Linh tác động kết quả của sự cứu rỗi cho người được tuyển chọn bằng cách tái tạo tâm linh của họ và đem họ vào sự cứu chuộc (ân sủng không thể cưỡng lại được). Cuối cùng, những người mà Đức Chúa Trời đã cứu chuộc Ngài sẽ bảo hộ đến cùng (sự kiên trì của các thánh đồ). Từ đầu đến cuối, sự cứu chuộc (trên mọi phương diện của nó) là một công trình của Đức Chúa Trời và duy một mình Đức Chúa Trời - Duy thần tái sanh thuyết! Điều quan trọng là những người thực sự đang được cứu - những người được chọn lựa. Hãy xem Rô-ma 8: 28-30. Trong phân đoạn Kinh Thánh đó, chúng ta thấy có một nhóm người mà Đức Chúa Trời "kêu gọi theo mục đích của Ngài". Những người này được xác định là "những người yêu mến Đức Chúa Trời". Những người này cũng là những người trong câu 29-30 đã biết trước, đã được định trước, được kêu gọi, được xưng công bình và làm cho vinh hiển. Đức Chúa Trời là Đấng đang đưa nhóm người này (những người yêu mến Đức Chúa Trời, người được chọn lựa) từ sự biết trước sang vinh hiển, và không ai bị hư mất trên suốt cuộc hành trình.

Để hỗ trợ cho lập luận hiệp đồng, chúng ta hãy chú ý đến Năm Điểm Chống đối: "Đức Chúa Trời, bởi một mục đích đời đời và không hề thay đổi trong Chúa Giê-su Christ, Con của Ngài, trước khi thế gian được tạo lập, đã xác định, đưa ra khỏi dòng giống sự sa ngã, tội lỗi của loài người, để được cứu trong Đấng Christ, bởi Đấng Christ và qua Đấng Christ, những ai nhờ ân sủng của Đức Thánh Linh sẽ đặt niềm tin vào Con của Ngài là Chúa Giêsu, và sẽ bền lòng trong niềm tin này và vâng phục đức tin, qua ân sủng này, thậm chí đến cuối cùng; mặt khác, để từ bỏ những kẻ không thể sửa đổi và không tin trong tội lỗi dưới cơn thịnh nộ, và để đoán phạt họ như xa lánh Đấng Christ, theo Kinh Thánh trong Giăng 3:36: "Ai tin Con, thì được sự sống đời đời; ai không chịu tin Con, thì chẳng thấy sự sống đâu, nhưng cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người đó." (FAR, Điều I, nhấn mạnh thêm). Ở đây chúng ta thấy rằng sự cứu rỗi là điều kiện dựa trên đức tin và sự bền lòng của cá nhân người đó. Sự chọn lưa có điều kiện là điều đặt ra yếu tố quyết định cứu chuộc chúng ta ngay trên chúng ta, về khả năng của chúng ta để chọn Chúa Giê-su và ở trong Ngài. Bây giờ những người theo quan điểm Arminius sẽ cho rằng khả năng chọn Chúa Giê-su là kết quả của một ân sủng phổ quát mà Đức Chúa Trời ban đầu ban cho mọi người làm giảm tác động của sự sa ngã và cho phép con người chọn chấp nhận hoặc từ chối Đấng Christ (Ma-thi-ơ 11:28; Giăng 1:9). Nói cách khác, Đức Chúa Trời phải làm điều gì đó để có thể lựa chọn sự cứu chuộc, nhưng cuối cùng nó là sự lựa chọn của chúng ta để cứu chúng ta. Kinh Thánh cho biết rằng Điều 1 cung cấp chắc chắn khẳng định rằng những ai tin rằng có sự sống đời đời và những ai chối bỏ thì không có sự sống đời đời, thì có vẻ như có một sự hỗ trợ từ Kinh Thánh cho học thuyết này. Như vậy, các lập luận hiệp đồng tuyên bố rằng Đức Chúa Trời có thể làm nên sự cứu rỗi, nhưng nó là sự lựa chọn của chúng ta để thật sự làm nên sự cứu rỗi.

Vì vậy, trong khi duy thần tái sanh thuyết tuyên bố rằng Đức Chúa Trời là một điều kiện cần thiết và toàn vẹn cho sự cứu chuộc của chúng ta, thì thần nhân hợp tác thuyết sẽ đồng ý rằng Đức Chúa Trời là một điều kiện cần thiết, nhưng sẽ phủ nhận sự toàn vẹn của Ngài. Ý chí tự do của chúng ta cộng với hành động của Đức Chúa Trời làm cho nó được toàn vẹn. Nói một cách hợp lý, chúng ta sẽ có thể nhìn thấy lỗ hổng trong lập luận hiệp đồng - rằng Đức Chúa Trời không thực sự cứu ai. Điều này đặt trách nhiệm sự cứu chuộc trên chúng ta, bởi vì chính chúng ta phải làm cho sự cứu chuộc thành hiện thực bằng cách đặt niềm tin của chúng ta vào Đấng Christ. Nếu Đức Chúa Trời không thực sự cứu ai, thì có thể không ai được cứu. Nếu Đức Chúa Trời không thực sự cứu ai, làm sao chúng ta giải thích các đoạn văn mạnh mẽ như Rô-ma 8:28-30? Tất cả các động từ tiếng Hy Lạp trong đoạn văn này là một thuyết trình hay chỉ dẫn, có nghĩa là hành động được mô tả trong đó hoàn tất; không có khả năng ám chỉ trong phân đoạn Kinh Thánh đó. Theo quan điểm của Đức Chúa Trời, sự cứu chuộc đã được thực hiện. Hơn nữa, Điều IV của Chống đối cho biết ân huệ của Đức Chúa Trời có thể cưỡng lại, và Điều V khẳng định rằng những người đã chọn ân sủng của Đức Chúa Trời cũng có thể bị mất địa vị khỏi ân sủng đó và "trở về thế gian xấu xa hiện nay" trở nên "thiếu hụt ân sủng". Quan điểm này mâu thuẫn với giáo huấn rõ ràng về Kinh thánh liên quan đến sự bảo đảm đời đời cho người tin Chúa.

Nếu đúng như vậy, làm thế nào để chúng ta đáp lại sự ủng hộ của Kinh thánh trong việc chọn lựa có điều kiện (xem Giăng 3:36)? Không thể phủ nhận rằng đức tin là cần thiết để làm cho sự cứu chuộc thành một "kết thúc hoàn hảo" trong cuộc đời của chúng ta, nhưng đức tin lại được đưa vào trình tự của sự cứu chuộc ở đâu (Ordo Salutis)? Một lần nữa, nếu xét đến Rô-ma 8:29-30, chúng ta thấy một sự tiến triển hợp lý của sự cứu rỗi. Sự công chính, vốn thường được xem xét khi cân nhắc sự cứu rỗi bởi đức tin, đứng ở hàng thứ tư trong danh sách đó trước sự biết trước, tiền định và kêu gọi. Giờ đây, sự kêu gọi có thể được chia thành những điều sau: tái sanh, truyền bá phúc âm, đức tin và ăn năn tội. Nói cách khác, "lời mời gọi" (được đề cập đến như là "sự kêu gọi hiệu quả" của các nhà thần học Cải cách) trước tiên phải liên quan đến việc tái sanh bởi quyền năng của Chúa Thánh Linh (Giăng 3:3). Tiếp theo là việc rao giảng phúc âm (Rôma 10:14-17), tiếp theo là đức tin và ăn năn. Tuy nhiên, trên hết mọi điều đó có thể diễn ra, nó phải được đặt trước hợp lý bởi sự biết trước và sự định trước.

Điều này dẫn chúng ta tới câu hỏi về sự biết trước. Những người ủng hộ học thuyết của Arminius sẽ tuyên bố rằng sự biết trước đề cập đến Đức Chúa Trời biết trước đức tin của người được chọn. Nếu điều đó là đúng, thì việc Chúa chọn chúng ta không còn dựa trên "mục đích tốt đẹp trong sự vui thỏa của Ngài", mà đúng hơn là chúng ta có thể chọn Ngài, bất chấp tình trạng sa ngã của chúng ta, theo Rô-ma 8:7 là chống nghịch lại với Đức Chúa Trời và không thể có điều đó. Quan điểm của những người theo thuyết Arminius cũng mâu thuẫn với giáo huấn rõ ràng của những phân đoạn được đề cập ở trên để hỗ trợ cho sự chọn lựa vô điều kiện (Ephêsô 1:4-5 và Rôma 9:16). Quan điểm này về cơ bản đã cướp đi của Đức Chúa Trời về chủ quyền của Ngài và đặt trách nhiệm cứu chuộc thẳng thừng trên vai của những tạo vật hoàn toàn không có khả năng tự cứu mình.

Tóm lại, sức nặng của bằng chứng hợp lý và trọng lượng của những bằng chứng trong Kinh thánh hỗ trợ cho quan điểm của người theo duy thần tái sanh thuyết về sự cứu chuộc. Đức Chúa Trời là tác giả và là Đấng hoàn thiện sự cứu chuộc cho chúng ta (Hê-bơ-rơ 12:2). Ngài là Đấng khởi đầu công việc tốt lành trong chúng ta sẽ hoàn thiện nó vào ngày của Chúa Jêsus Christ (Phi-líp 1:6). Chủ thuyết duy thần tái sanh thuyết không chỉ có tác động sâu sắc đến cách con người nhìn nhận sự cứu chuộc, mà còn về việc truyền bá phúc âm nữa. Nếu sự cứu chuộc chỉ dựa trên ân sủng cứu rỗi của Đức Chúa Trời, thì không còn chỗ cho chúng ta tự hào nữa, và tất cả vinh hiển đều thuộc về Ngài (Ê-phê-sô 2:8-9). Ngoài ra, nếu Đức Chúa Trời thực sự cứu con người, thì những nỗ lực truyền bá phúc âm của chúng ta phải mang lại kết quả vì Đức Chúa Trời đã hứa sẽ cứu những người được chọn. Thuyết duy thần tái sanh đem lại sự vinh hiển hơn cho Đức Chúa Trời!

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Duy thần tái sanh thuyết và giáo lý Đức Chúa Trời và con người cộng tác trong sự tái sanh – Quan điểm nào là đúng?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries