settings icon
share icon
Câu hỏi

Ý tưởng Hồi giáo về thánh chiến khác với bạo lực trong Kinh Thánh như thế nào?

Trả lời


Ngay sau các cuộc tấn công khủng bố kinh hoàng vào ngày 11/9, nhiều người phương Tây đã bắt đầu chú ý đến Hồi giáo lần đầu tiên. Nhiều người đã bị sốc khi phát hiện ra rằng quyển sách thánh của Hồi giáo (Kinh Cô-ran) cung cấp các lệnh cụ thể để tham gia vào các hành vi bạo lực như là một phần của "cuộc chiến thánh" (thánh chiến) trong sự nghiệp tôn giáo của họ. Chẳng mấy chốc, nhiều nhà tư tưởng thế tục bắt đầu rút ra những so sánh giữa các cuộc tấn công khủng bố Hồi giáo và bạo lực được tìm thấy trong Kinh Thánh, cụ thể là trong Cựu Ước. Nhưng những so sánh này có hợp lý không? Các mạng lệnh của Đức Giê-hô-va đối với dân Y-sơ-ra-ên trong Cựu Ước có giống như thánh chiến được ra lệnh trong Kinh Cô-ran không? Sự khác biệt giữa bạo lực được tìm thấy trong Kinh Thánh và thánh chiến Hồi giáo là gì?

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải định nghĩa điều chúng ta muốn nói về "Jihad" (thánh chiến Hồi giáo). Từ jihad (thánh chiến) có nghĩa là "sự đấu tranh". Trong Hồi giáo, có một số loại thánh chiến. Từ này có thể được sử dụng để miêu tả các loại đấu tranh khác nhau, chẳng hạn như "jihad of the pen" (là cuộc đấu tranh có liên quan đến sự thuyết phục hoặc chỉ dẫn trong việc thúc đẩy Hồi giáo) hoặc "jihad of the heart" (là một trận chiến chống lại tội lỗi riêng của một người). Tuy nhiên, hình thức thánh chiến nổi tiếng nhất là có liên quan đến bạo lực thể xác hoặc chiến tranh trong sự nghiệp của Hồi giáo. Mặc dù Kinh Cô-ran có những phân đoạn khuyến khích người Hồi giáo lôi kéo những người không tin bằng ân sủng và sự thuyết phục (Su-ra 16:125), nhưng Kinh Cô-ran lại có những câu khác xuất hiện để ra lệnh cho người Hồi giáo tham gia vào cuộc chiến thể xác tấn công chống lại những người không theo đạo Hồi.

Trong Su-ra đoạn 9 chúng ta đọc thấy, "Do đó, khi những tháng cấm đã chấm dứt, hãy đánh và giết những kẻ thờ đa thần ở nơi nào các ngươi tìm thấy chúng, và bắt chúng và vây chúng và mai phục đánh chúng; nhưng nếu chúng hối cãi và dâng lễ "Salah" và đóng "Zakah" thì hãy mở đường cho chúng đi. Bởi vì Allah hằng tha thứ và rất mực khoan dung" (Su-ra 9:5). Cũng trong Su-ra đoạn 9: "Hãy đánh những ai không tin tưởng nơi Allah và ngày phán xử cuối cùng, và không tôn trọng các giới cấm mà Allah và Sứ giả của Ngài đã cấm, cũng không chấp nhận tôn giáo của sự thật trong số những ai đã được ban cho Kinh sách cho đến khi nào chúng chịu thần phục và tự tay chịu trả thuế "Jizyah" (Su-ra 9:29).

Ngoài những lời dạy của Kinh Cô-ran, người Hồi giáo cũng theo Hadith, một ghi chép được cho là được thần cảm của những lời nói và hành động của Muhammad. Hadith giải thích cách Muhammad chỉ thị cho người chỉ huy của mình khi được cử đi thám hiểm, "Khi bạn gặp kẻ thù của bạn là những người đa thần, hãy mời họ tham gia ba khóa hành động. Nếu họ đáp lại bất kỳ hành động nào trong số này, thì bạn cũng chấp nhận điều đó và không làm hại họ. Mời họ [chấp nhận] Hồi giáo; nếu họ đáp lại bạn, hãy chấp nhận điều đó từ họ và không chiến đấu chống lại họ. . . . Nếu họ từ chối chấp nhận Hồi giáo, yêu cầu họ đóng thuế jizya. Nếu họ đồng ý đóng thuế, hãy chấp nhận nó từ họ thì bạn hãy dừng tay lại. Nếu họ từ chối đóng thuế, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ của Allah và chiến đấu với họ" (Sahih Muslim, Book 19, Number 4294).

Nhưng còn bạo lực do Chúa ra lệnh trong Cựu Ước thì sao? Có khác gì không? Các phân đoạn bạo lực thường được thảo luận nhiều nhất trong Cựu Ước là lệnh của Đức Giê-hô-va yêu cầu dân Y-sơ-ra-ên tiêu diệt dân Ca-na-an và chiếm lấy vùng đất mà Ngài đã hứa với con của Gia-cốp. Khi đánh giá những sự kiện này, chúng ta phải hiểu bối cảnh diễn ra những sự kiện này. Người Ca-na-an là một nền văn hóa tàn bạo và độc ác, thường xuyên tham gia vào các hành vi vô cùng suy đồi. Như tác giả Cơ Đốc Norman Geisler đã nói, "Đây là một nền văn hóa hoàn toàn độc ác đến mức độ mà Kinh Thánh nói rằng nó ghê tởm Chúa. Họ rơi vào sự tàn bạo, độc ác, loạn luân, giao cấu với động vật, nghi lễ thờ cúng mại dâm và thậm chí là cúng tế trẻ em bằng lửa. Họ là một nền văn hóa hiếu chiến muốn tiêu diệt người Do Thái".

Bằng cách ra lệnh tiêu diệt người Ca-na-an, Chúa đã ban hành một hình thức tử hình tập thể đối với một dân tộc xứng đáng với sự phán xét đời đời của Chúa. Chúa đã ban cho dân Ca-na-an hơn 400 năm để ăn năn (Sáng thế ký 15:13-16). Nhưng họ đã không ăn năn, nên Chúa đã sử dụng dân Y-sơ-ra-ên như một công cụ phán xét một xã hội xấu xa và vô cùng đồi trụy. Người Ca-na-an không biết tin tức về sức mạnh tuyệt vời của Chúa đã đến với họ (Giô-suê 2:10-11; 9:9). Nếu họ nhận thức được như vậy thì đã thúc đẩy họ ăn năn. Ví dụ về Ra-háp và gia đình của cô là một bằng chứng chắc chắn rằng người Ca-na-an có thể tránh được sự hủy diệt nếu họ đã ăn năn trước Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên (Giô-suê 2). Không có ai phải chết. Mong muốn của Chúa là những kẻ độc ác sẽ quay lưng khỏi tội lỗi của họ chứ không phải bị diệt vong (Ê-xê-chi-ên 18:31-32; 33:11).

Chúng ta cũng phải nhớ rằng Đức Giê-hô-va đã không chấp thuận tất cả các cuộc chiến được ghi lại trong Cựu Ước, và các cuộc chiến do Ngài ủy thác đặc biệt ngoài thời của Giô-suê là có tính chất phòng thủ. Một số trận chiến mà Y-sơ-ra-ên đã chiến đấu trên đường đi đến và trong Ca-na-an cũng có tính chất phòng thủ về bản chất (Xuất Ê-díp-tô-ký 17:8; Dân số ký 21:21-32; Phục truyền 2:26-37; Giô-suê 10:4).

Tuy nhiên, câu hỏi khó hơn liên quan đến mạng lệnh của Chúa để tiêu diệt tất cả dân Ca-na-an, kể cả phụ nữ và trẻ em (Phục truyền 7:2-5; Giô-suê 6:21). Để đáp lại điều này, chúng ta có thể chỉ ra rằng, mặc dù Kinh Thánh ghi lại rằng một lệnh như vậy đã được đưa ra, thì trong một số trường hợp, nó có thể là không có phụ nữ hay trẻ em nào thực sự bị giết. Hầu hết các trận chiến ở Ca-na-an có lẽ chỉ có sự tham gia của những người lính, và nếu có cơ hội thì phụ nữ và trẻ em có thể đã bỏ trốn. Như Giê-rê-mi đoạn 4 cho thấy, "Khi nghe tiếng của kỵ binh và lính bắng cung, mọi thành đều chạy trốn. Kẻ chui vào bụi cây, người trèo lên các hẻm đá. Mọi thành đều bị bỏ hoang, không một ai cư ngụ" (Giê-rê-mi 4:29).

Tóm lại, có một sự khác biệt căn bản giữa bạo lực trong Cựu Ước và thánh chiến Hồi giáo. Đầu tiên, bạo lực do Chúa ra lệnh trong Cựu Ước nhằm vào một khoảng thời gian cụ thể và giới hạn trong một nhóm người cụ thể. Cuộc xâm chiếm xứ Ca-na-an có những giới hạn rõ ràng, về mặt địa lý và lịch sử, khiến nó trở nên rất khác biệt so với các mệnh lệnh đang tồn tại và sẽ tiếp tục tồn tại của Hồi giáo liên quan đến thánh chiến. Cuộc xâm chiếm xứ Ca-na-an không có tiền lệ để tiếp tục cuộc chiến vượt ra ngoài những gì Chúa đã ra lệnh. Ngược lại, Kinh Cô-ran thực sự ra lệnh và tha thứ cho các chiến binh thánh chiến trong việc thúc đẩy Hồi giáo. Không có lúc nào trong Kinh Thánh, chúng ta thấy Chúa đang truyền lệnh cho dân của Ngài giết những người không tin để thúc đẩy đức tin Kinh Thánh.

Không thể phủ nhận rằng, trong những năm đầu tiên của nó, Hồi giáo đã được thúc đẩy bởi chiến tranh. Nó hoàn toàn ngược lại với Cơ Đốc giáo thời kỳ đầu. Nhiều Cơ Đốc nhân đầu tiên đã bị bắt bớ khốc liệt và tử vì đạo vì cam kết của họ với Đấng Christ. Như một triết gia Cơ Đốc đã nói, "Cả Hồi giáo và Cơ Đốc giáo đều được truyền bá bởi chiến tranh, nhưng hai cuộc chiến đang chĩa về hai hướng trái ngược nhau!"

Cuối cùng, đối với Cơ Đốc nhân, sự mặc khải cuối cùng và đầy đủ của Đức Chúa Trời là ở Chúa Giê-xu Christ, người đặc biệt không có bạo lực trong cách tiếp cận của Ngài. Nếu một Cơ Đốc nhân tham gia vào bạo lực nhân danh Đấng Christ, thì việc anh ta đang làm thể hiện sự bất tuân hoàn đối với vị Thầy của mình. Chúa Giê-xu dạy rằng tất cả những người sống bằng gươm sẽ chết bởi nó (Ma-thi-ơ 26:52). Các giáo lý và ví dụ của Muhammad là hoàn toàn khác nhau. Một người Hồi giáo muốn thực hiện bạo lực nhân danh Hồi giáo có thể tìm thấy nhiều sự biện minh cho hành động của mình cả ở Kinh Cô-ran và trong lời nói và hành động của nhà tiên tri Muhammad.

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Ý tưởng Hồi giáo về thánh chiến khác với bạo lực trong Kinh Thánh như thế nào?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries