settings icon
share icon
Câu hỏi

Niềm tin về sự sáng tạo ảnh hưởng như thế nào đến phần còn lại của thần học?

Trả lời


Cuộc tranh luận sáng tạo/tiến hóa đang diễn ra dữ dội trong nhiều năm. Đối với nhiều người, có vẻ như hai bên đối lập đang hét vào mặt nhau mà không ai thực sự lắng nghe. Mỗi bên có khuynh hướng loại bỏ bên còn lại – những người ủng hộ thuyết tiến hóa loại bỏ những người theo thuyết sáng tạo là hoàn toàn phớt lờ khoa học, và những người theo sáng tạo đã cáo buộc những người ủng hộ thuyết tiến hóa vì tham gia vào các âm mưu gian dối để bắt bên sáng tạo phải nín lặng. Có rất ít cuộc đối thoại thành thật diễn ra trong cuộc chiến bằng lời nói này.

Nhiều Cơ Đốc nhân đã bỏ riêng cuộc tranh luận sáng tạo/tiến hóa ra là một vấn đề thứ yếu, một vấn đề không liên quan đến việc làm thế nào để một người trở nên tin Đức Chúa Trời thông qua phúc âm của Chúa Giê-xu Christ. Ở một mức độ nhất định, suy nghĩ này là chính xác. Chúng ta có thể quá bị cuốn vào cuộc tranh luận này đến nỗi mà mất tập trung vào vấn đề chính là – truyền bá phúc âm. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều vấn đề "thứ yếu" khác, điều mà một người tin vào sự sáng tạo đóng một vai trò quan trọng trong cách mà người đó suy nghĩ về thần học nói chung và phúc âm nói riêng.

Về học thuyết sáng tạo, có nhiều quan điểm trong vòng Cơ đốc giáo:

1. Sáng tạo 24x6 theo nghĩa đen – Đức Chúa Trời đã tạo dựng nên tất cả mọi thứ trong sáu ngày 24 giờ.

2. Quan điểm Ngày-Thời kỳ – Các sự kiện sáng tạo đã xảy ra được mô tả trong sách Sáng thế ký đoạn 1, nhưng thay vì 24 giờ trong các ngày, thì "ngày" của sự sáng tạo đại diện cho những khoảng thời gian vô định, hữu hạn.

3. Quan điểm về cốt truyện – Những ngày trong Sáng thế ký đoạn 1 miêu tả một cốt truyện thần học trong đó để kể lại sự sáng tạo vạn vật.

Trong suốt hầu hết lịch sử Hội thánh, cho đến 150 năm qua, quan điểm 24x6 về sự sáng tạo là quan điểm chi phối Hội thánh. Chúng ta không muốn tin điều gì đó đơn giản chỉ vì nó là truyền thống và lịch sử, bao gồm cả quan điểm 24x6 của sự sáng tạo, nhưng chúng ta muốn tin vào một học thuyết vì nó được hỗ trợ bởi văn bản Kinh Thánh. Trong trường hợp đặc biệt này, nhiều nhà thần học bảo thủ tin rằng quan điểm 24x6 có sự hỗ trợ giải thích mạnh mẽ nhất của văn bản. Thứ nhất, đó là quan điểm tự nhiên mà một người nhận được từ việc chỉ đọc văn bản. Ngoài ra, bất cứ khi nào từ chữ Do Thái cho "ngày" (Yom) đều được kèm theo một từ bổ nghĩa cho con số (ví dụ, bốn ngày) hoặc sự kết hợp "sáng và tối" (như trong Sáng thế ký đoạn 1), nó luôn luôn đề cập đến một ngày 24 giờ (ngoại trừ trong sách Ô-sê 6:2 nói không rõ ràng bởi vì những lý do ngữ pháp và giải thích). Cuối cùng, khuôn mẫu bảy ngày được đặt ra trong suốt tuần sáng tạo là khuôn mẫu mà chúng ta có được trong tuần của chúng ta (Xuất Ê-díp-tô ký 20:8-11).

Kể từ sự xuất hiện của khoa học hiện đại, thì quan điểm sáng tạo 24x6 ngày càng bị các Cơ Đốc nhân bỏ rơi. Lý do chính cho sự chối bỏ này là thực tế là quan điểm 24x6 về sự sáng tạo đòi hỏi một thời đại "thế giới trẻ" của vũ trụ (bất cứ nơi đâu từ 6.000 đến 30.000 năm), và quan điểm khoa học phổ biến hiện nay là vũ trụ là hàng tỷ năm tuổi. Quan điểm Ngày-Thời kỳ (đôi khi được gọi là thuyết sáng tạo tiến bộ) là một nổ lực để hòa hợp lời giải thích về sự sáng tạo trong Sáng thế ký với quan điểm "thế giới cũ" về thời đại của vũ trụ. Xin lưu ý rằng quan điểm Ngày-Thời kỳ vẫn cho rằng Đức Chúa Trời đã tạo nên vạn vật và nó vẫn bác bỏ sự tiến hóa Darwin, vì vậy không nên nhầm lẫn với "thuyết tiến hóa hữu thần" là quan điểm cho rằng sự tiến hóa của Darwin là đúng nhưng thay vì được hướng dẫn ngẫu nhiên thì nó thật sự được hướng dẫn bởi bàn tay của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, trong khi những người đề xướng quan điểm Ngày-Thời kỳ xem chính mình như là những người hòa hợp tài lời giải thích theo Kinh thánh với khoa học, thì những người phản đối coi quan điểm này là một con dốc trơn để bác bỏ tính xác thực của Lời Chúa.

Bởi vì cuộc tranh luận về sự sáng tạo/tiến hóa đã bị đẩy xuống vị trí thứ yếu nên có rất ít hoặc không có mối quan tâm về các hàm ý thần học của việc phủ nhận quan điểm Kinh thánh về sự sáng tạo (bất kể xem nó như thế nào). Sự khôn ngoan thông thường là nó không tạo ra sự khác biệt cho dù tiến hóa có đúng hay không. Học thuyết về sáng tạo được xem là không có kết nối với phần còn lại của sứ điệp Cơ Đốc giáo. Tuy nhiên, trong sự thật, những gì người ta tin về sự sáng tạo là rất quan trọng vì nó dẫn đến vấn đề về tính không thể sai lầm, đáng tin cậy và có thẩm quyền của Kinh thánh. Nếu Kinh thánh không thể tin cậy trong hai chương đầu tiên, điều gì làm cho nó đáng tin cậy trong suốt phần còn lại của cuốn sách? Thông thường, các nhà phê bình Kinh Thánh sẽ tập trung tấn công vào mười một chương đầu tiên của sách Sáng thế ký (cụ thể là lời giải thích về sự sáng tạo). Câu hỏi đặt ra là tại sao? Mười một chương đầu tiên của sách Sáng thế ký đã đặt nền móng cho phần còn lại của câu chuyện Kinh thánh. Bạn không thể hiểu được câu chuyện đang diễn ra của Kinh thánh mà không có Sáng thế ký chương 1-11. Có rất nhiều tài liệu cơ bản trong các chương này cho phần còn lại của Kinh thánh – chẳng hạn như sự sáng tạo, sự sa ngã, tội lỗi, sự chắc chắn của sự phán xét, sự cần thiết về một Đấng Cứu Rỗi, và sự giới thiệu về phúc âm. Để bỏ qua những giáo lý cơ bản này sẽ làm cho phần còn lại của Kinh thánh là không thể hiểu được và không liên quan.

Tuy nhiên, các nhà phê bình Kinh thánh và những người cho rằng khoa học có thẩm quyền hơn Kinh thánh muốn xem những chương mở đầu của sách Sáng thế ký như là chuyện thần thoại Do Thái cổ xưa hơn là lịch sử nguyên thủy. Sự thật của vấn đề là, so với những câu chuyện sáng tạo của các nền văn hoá khác thì lời giải thích của sách Sáng thế ký đọc giống lịch sử hơn là chuyện thần thoại. Trong hầu hết các tài liệu cổ xưa, sự sáng tạo được xem là một cuộc đấu tranh giữa các vị thần. Hầu hết các huyền thoại sáng tạo đều miêu tả sinh động nền văn hóa được đề cập đến như là trung tâm của vũ trụ tôn giáo. Mặc dù lời giải trình trong sách Sáng thế ký chia sẻ nhiều điểm tương đồng với các câu chuyện sáng tạo khác, nhưng khác ở chỗ là nó miêu tả sống động Đức Chúa Trời là Đấng tối cao duy nhất trên sự sáng tạo (không phải là một trong số nhiều vị thần) và nhân loại là đỉnh cao nhất trong sự sáng tạo của Ngài, phục vụ như là những người quản gia của Ngài trên sự sáng tạo. Chắc chắn, có những câu hỏi chưa được trả lời về lời giải trình của sách Sáng thế ký, chẳng hạn ngày chính xác của sự sáng tạo, nhưng mục đích của lời giải trình trong Sáng thế ký không phải là đưa ra một lời giải thích lịch sử hoàn chỉnh để thỏa mãn các sử gia ngày nay. Lời giải trình trong Sáng thế ký là một tiền sử của người Do Thái khi họ đang chuẩn bị đi vào Đất Hứa; họ cần biết họ là ai và họ đến từ đâu.

Một điều nữa cần lưu ý là phần lớn thần học Cơ Đốc giáo được dựa trên tính chính xác lịch sử của lời giải trình trong Sáng thế ký. Khái niệm hôn nhân được đưa ra ngay từ lời giải trình về sự sáng tạo (Sáng thế ký 2:24) và được Chúa Giê-xu đề cập đến trong cả ba sách phúc âm đồng quan. Chính Chúa của chúng ta công nhận rằng con người đã được tạo ra từ nam giới và nữ giới "từ lúc ban đầu của sự sáng tạo" (Ma-thi-ơ 19:4). Những sự công nhận này dựa vào tính chính xác lịch sử của lời giải trình về sự sáng tạo trong Sáng thế ký để làm cho chúng có ý nghĩa. Điều quan trọng nhất là giáo lý về sự cứu rỗi được xem trọng nhất của chúng ta phụ thuộc vào học thuyết về sự sáng tạo và sự tồn tại của một người phàm tục tên là A-đam. Hai lần trong các thư tín của Phao-lô (Rô-ma 5 và I Cô-rinh-tô 15), ông nối kết sự cứu rỗi của chúng ta trong Đấng Christ với sự nhận biết của chúng ta trong A-đam. Trong I Cô-rinh-tô 15:21-22 chúng ta đọc, "Vì như do một người mà có sự chết thì cũng nhờ một người mà có sự sống lại từ cõi chết. Như trong A-đam, mọi người đều chết; cũng vậy, trong Đấng Christ, mọi người đều sẽ sống lại". Toàn thể loài người đang rơi vào tình trạng sa ngã bởi vì "trong A-đam" thông qua sự sinh tự nhiên. Tương tự như vậy, những người mà Đức Chúa Trời đã chọn cho sự cứu rỗi được cứu bởi đức tin "trong Đấng Christ" thông qua sự sinh thuộc linh. Sự phân biệt "trong Adam/trong Đấng Christ" là điều cốt yếu cho sự hiểu biết đúng về thần học về Chúa Giê-xu cứu thế của Cơ Đốc giáo, và sự phân biệt này không có ý nghĩa nếu không có A-đam thật mà tất cả nhân loại đều có nguồn gốc từ đó.

Phao-lô cũng lập luận tương tự trong Rô-ma 5:12-21. Nhưng điều làm cho đoạn Kinh thánh này trở nên độc nhất là nó nói một cách rõ ràng: "Cho nên, như bởi một người mà tội lỗi đã vào trong thế gian, và bởi tội lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã lan tràn đến mọi người vì mọi người đều đã phạm tội" (Rô-ma 5:12). Câu này là nền tảng cho lập luận về sự hư hỏng hoàn toàn, và như phân đoạn I Cô-rinh-tô, nó phụ thuộc vào sự tồn tại của một A-đam thật để nó có ý nghĩa. Nếu không có một A-đam thật thì không có tội lỗi thật và không cần một Đấng Cứu Thế thật.

Bất luận quan điểm nào mà một người nhận lấy từ học thuyết về sự sáng tạo (quan điểm 24x6, quan điểm Ngày/Thời kỳ, hay quan điểm về Cốt Truyện), thì một điều rõ ràng là: Đức Chúa Trời đã tạo dựng nên trời và đất. Mặc dù chúng ta tin rằng quan điểm 24x6 có lập luận Kinh thánh mạnh mẽ nhất, nhưng hai quan điểm còn lại là những sự giải thích hợp lý trong phạm vi của Cơ Đốc giáo chính thống. Điều cần nhấn mạnh là Kinh thánh không (hoặc rõ ràng hay ngụ ý) dạy quan điểm về sự tiến hóa của Darwin. Do đó, để nói rằng cuộc tranh luận sáng tạo/tiến hoá không quan trọng là có một cái nhìn thấp về Kinh thánh. Nếu chúng ta không thể tin tưởng vào Kinh thánh khi nó nói về vấn đề sáng tạo, vậy thì tại sao chúng ta nên tin nó khi nó nói về sự cứu rỗi? Đó là lý do tại sao những gì chúng ta tin về sự sáng tạo lại quan trọng đối với phần còn lại của thần học của chúng ta.

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Niềm tin về sự sáng tạo ảnh hưởng như thế nào đến phần còn lại của thần học?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries