settings icon
share icon
Câu hỏi

Lời cầu nguyện gồm những cách thức nào?

Trả lời


Kinh Thánh bày tỏ nhiều cách thức cầu nguyện và sử dụng nhiều từ ngữ để mô tả sự thực hành. Ví dụ, trong I Ti-mô-thê 2:1 nói rằng "Vậy, trước hết ta khuyên dặn con phải dâng lời khẩn nguyện, cầu xin, cảm tạ và cầu thay cho mọi người". Ở đây, tất cả 4 từ Hy Lạp chính dùng cho cầu nguyện được đề cập trong 1 câu.

Đây là những phương cách cầu nguyện chính trong Kinh Thánh:

Lời cầu nguyện của đức tin: Trong Gia-cơ 5:15 nói rằng "Sự cầu nguyện bởi đức tin sẽ cứu người bệnh, Chúa sẽ đỡ người ấy dậy; nếu người bệnh có phạm tội, cũng sẽ được tha". Trong ngữ cảnh này, lời cầu nguyện được trình dâng trong đức tin cho những ai đang bị bệnh và cầu xin Chúa chữa lành. Khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta tin vào năng quyền và sự tốt lành của Chúa (Mác 9:23).

Lời cầu nguyện của sự đồng lòng (còn được biết đến là hội thánh cùng nguyện hiệp nhất): Sau khi Chúa Giê-xu thăng thiên, "tất cả mọi người đều đồng lòng một ý mà cầu nguyện" (Công vụ 1:14). Sau đó, sau lễ Ngũ Tuần, hội thánh đầu tiên "chuyên tâm" giữ sự cầu nguyện (Công vụ 2:42). Tấm gương của họ khuyến khích chúng ta cầu nguyện cho những người khác.

Lời cầu nguyện của sự cầu xin (hoặc nài xin): Chúng ta cầu xin lên Chúa. Phi-líp 4:6 dạy rằng "Đừng lo lắng gì cả, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin cùng sự tạ ơn mà trình dâng những nhu cầu của mình cho Đức Chúa Trời". Một phần trong chiến thắng chiến trận thuộc linh là "Hãy thường xuyên dùng mọi lời khẩn nguyện, nài xin, mà cầu nguyện trong Thánh Linh" (Ê-phê-sô 6:18).

Lời cầu nguyện của sự tạ ơn: Chúng ta thấy được phương cách khác trong lời cầu nguyện được chép trong Phi-líp 4:6: trình dâng cảm tạ lên cho Chúa. "Trình dâng những nhu cầu của mình cho Đức Chúa Trời". Nhiều lời cầu nguyện mẫu về sự cảm tạ có thể được tìm thấy trong Thi-thiên.

Lời cầu nguyện của sự thờ phượng: lời cầu nguyện của sự thờ phượng gần tương tự với lời cầu nguyện của sự tạ ơn. Điểm khác nhau là sự thờ phượng tập trung vào Chúa là ai; trong khi đó lời cảm tạ tập trung vào những gì Ngài đã làm. Những người đứng đầu trong hội thánh An-ti-ốt cầu nguyện trong tinh thần này với sự kiêng ăn: "Đang khi họ thờ phượng Chúa và kiêng ăn thì Đức Thánh Linh phán: "Hãy biệt riêng Ba-na-ba và Sau-lơ cho công tác Ta đã kêu gọi họ." Sau khi kiêng ăn và cầu nguyện, họ đặt tay trên hai người và sai đi" (Công-vụ 13:2-3)

Lời cầu nguyện của sự tận hiến: Thỉnh thoảng, cầu nguyện là thời gian tách mình ra để theo ý muốn của Chúa. Chúa Giê-xu đã cầu nguyện như vậy trong đêm trước khi Ngài bị đóng đinh trên thập tự giá: "Đi xa hơn một chút, Ngài sấp mặt xuống và cầu nguyện: "Cha ơi! Nếu có thể được, xin cho chén nầy lìa khỏi con! Dù vậy, không theo ý con, mà theo ý Cha" (Ma-thi-ơ 26:39).

Lời cầu nguyện của sự cầu thay: Nhiều lần, lời cầu nguyện của chúng ta bao gồm lời cầu xin cho người khác khi chúng ta cầu thay cho họ. Chúng ta được căn dặn cầu thay "cho mọi người" trong I Ti-mô-thê 2:1. Chúa Giê-xu làm tấm gương cho chúng ta trong sự cầu thay. Toàn bộ Giăng 17 là lời cầu nguyện của Chúa Giê-xu đại diện cho các môn đồ và những người tin Chúa.

Lời cầu nguyện xin sự trừng phạt: lời cầu nguyện xin sự trừng phạt được tìm thấy trong Thi-thiên (ví dụ 7,55,69). Họ đã cầu khẩn sự trừng phạt của Chúa trên kẻ ác và qua đó trả thù cho người công chính. Những tác giả Thi-thiên sử dụng phương cách cầu xin khẩn khoản này để nhấn mạnh sự thánh khiết của Chúa và sự chắc chắn của sự phán xét của Ngài. Chúa Giê-xu dạy chúng ta cầu nguyện ơn phước cho kẻ thù địch chúng ta, không phải nguyền rủa (Ma-thi-ơ 5:44-48).

Kinh Thánh cũng nói cầu nguyện trong Đức Thánh Linh (I Cô-rinh-tô 14:14-15) và những lời cầu nguyện không thể nói thành lời (Rô-ma 8:26-27). Trong những lúc đó, Đức Thánh Linh cầu thay cho chúng ta.

Lời cầu nguyện là mối tương giao với Chúa và cần được thực hiện liên tục (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:16-18). Khi chúng ta được lớn lên trong tình yêu với Chúa Giê-xu Christ, chúng ta sẽ tự nhiên khao khát nói chuyện với Ngài.

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Lời cầu nguyện gồm những cách thức nào?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries