settings icon
share icon
Câu hỏi

Chúa Giê-xu là nơi yên nghỉ của chúng ta như thế nào?

Trả lời


Chìa khóa để hiểu Chúa Giê-xu là nơi yên nghỉ của chúng ta như thế nào chính là từ “sabat” trong ngôn ngữ Hê-bơ-rơ, điều đó có nghĩa “để nghỉ ngơi hoặc ngừng lại hay là giảm tải công việc.” Nguồn gốc của ngày Sa-bát hướng về lại Sự sáng tạo. Sau khi sáng tạo thiên đàng và trái đất trong 6 ngày, Đức Chúa Trời “nghỉ các công việc Ngài đã làm” (Sáng thế ký 2:2). Điều này không có nghĩa là Chúa mệt mỏi và cần được nghỉ ngơi. Chúng ta biết rằng Chúa toàn năng, theo đúng nghĩa đen “luôn đầy năng lượng”. Ngài không bao giờ mệt mỏi, và dù là thực hiện hành động phải tiêu tốn rất nhiều công sức của Ngài đi nữa thì cũng không thể làm cạn kiệt nguồn sức lực của Ngài dù là một ít. Thế thì, Đức Chúa Trời nghỉ ngơi vào ngày thứ 7 có nghĩa là gì? Đơn giản là Chúa ngưng những gì Ngài đã làm xong. Ngài ngưng việc lao động. Đây là điều hết sức quan trọng để hiểu về sự thiết lập ngày Sa-bát và vai trò của Đấng Christ trong ngày Sa-bát của chúng ta.

Đức Chúa Trời đã dùng ví dụ về sự nghỉ ngơi của Ngài trong ngày thứ 7 của sự sáng tạo để thiết lập nguyên tắc trong ngày Sa-bát cho những người thuộc về Ngài. Trong Xuất Ê-díp-tô ký 20:8-11 và Phục truyền luật lệ ký 5:12-15, Đức Chúa Trời ban cho người Y-sơ-ra-ên điều răn thứ 4 trong số 10 Điều răn của Ngài. Để nhắc họ “ghi nhớ” ngày Sa-bát và “giữ ngày thánh”. Một ngày trong mỗi 7 ngày, dân Y-sơ-ra-ên được nghỉ ngơi mà không phải làm việc và cũng làm điều tương tự để người đầy tớ và các súc vật cũng được nghỉ ngơi. Đây chính là chấm dứt trọn vẹn công việc. Dù đó là việc mà họ đã định trước thì cũng phải dừng lại để ngày nghỉ được trọn vẹn trong mỗi tuần. (Vui lòng đọc bài báo của chúng tôi về ngày Sa-bát, thứ bảy hay Chúa nhật và giữ ngày Sa-bát để khám phá được kỹ lưỡng hơn.) Ngày Sa-bát được thiết lập để mọi người có thể nghỉ những công việc đang làm và bắt làm mới lại sau một ngày nghỉ ngơi.

Những yếu tố khác về ngày Sa-bát nhằm tượng trưng cho việc Đấng Mê-si sẽ đến, là Đấng đã cung ứng sự yên nghỉ đời đời cho dân của Ngài. Dưới thời luật pháp Cựu ước, người Do Thái luôn cho rằng “làm việc” là để họ có thể được Chúa chấp nhận. Họ cố gắng tuân theo vô số những điều nên và không nên trong luật về sự kỷ niệm, luật về đền thờ, luật về tội lỗi, v.v… Dĩ nhiên, họ không thể giữ được hết mọi luật lệ, vì thế Chúa cung cấp cho họ một danh sách về những của lễ dâng hiến chuộc tội và của tế lễ để họ có thể đến gần Ngài để được tha thứ và phục hồi mối quan hệ với Ngài, nhưng điều đó chỉ là tạm thời. Cũng như họ phục hồi sức lao động vật lý sau một ngày nghỉ ngơi, tương tự, họ phải tiếp tục dâng của tế lễ. Hê-bơ-rơ 10:1 cho chúng ta biết rằng luật pháp “chỉ là hình ảnh lu mờ của những việc tốt đẹp trong thời đại cứu rỗi. Sinh tế dâng lên hằng năm vẫn không thể khiến người dâng tế lễ trở nên hoàn hảo được.” Tuy nhiên, những của lễ này nhằm chỉ về tương lai. Họ được cung cấp một của lễ cuối cùng được báo trước là sự hy sinh của Đấng Christ trên thập giá, là Đấng, “đã vì tội lỗi dâng một sinh tế chuộc tội duy nhất và đời đời, rồi ngồi bên phải Đức Chúa Trời” (Hê-bơ-rơ 10:12). Sau khi hoàn tất của lễ sau cùng, Chúa Giê-xu ngồi xuống và “được nghỉ ngơi” – điều đó chính là, Ngài đã làm xong việc đền tội bởi vì không còn có điều gì khác phải được làm nữa cả, mãi mãi như vậy. Công tác cứu chuộc đã hoàn tất (Giăng 19:30). Bởi vì những điều Chúa Giê-xu đã làm, chúng ta không phải “làm việc” giữ luật phát để được xưng công bình trước mặt Chúa. Chúa Giê-xu đã đến để chúng ta được nghỉ ngơi trong Đức Chúa Trời và trong sự cứu rỗi bởi Ngài.

Một yếu tố quan trọng khác về sự nghỉ ngơi trong ngày Sa-bát chính là ngày đó được Đức Chúa Trời ban phước, thánh hóa và biệt nó ra thánh. Một lần nữa ở đây chúng ta thấy tượng trưng cho Đấng Christ chính là ngày sa-bát của chúng ta – là Thánh khiết, Con Đức Chúa Trời hoàn hảo đã thánh hóa và biệt nó riêng ra thánh cho tất cả những ai tin cậy Ngài. Cũng như việc Đức Chúa Trời thánh hóa ngày Sa-bát, Ngài cũng làm Đấng Christ được Thánh và đem Ngài đến thế gian (Giăng 10:36). Trong Ngài chúng ta tìm thấy sự yên nghỉ trọn vẹn khỏi những việc làm bằng nỗ lực của chúng ta, bởi vì chỉ duy Ngài là thánh và công bình. “Đức Chúa Trời đã khiến Đấng vô tội gánh chịu tội lỗi chúng ta, nhờ đó chúng ta được Thượng Đế nhìn nhận là người công chính trong Chúa Cứu Thế” (2 Cô-rinh-tô 5:21). Ngày nay chúng ta nghỉ ngơi thuộc linh trong Ngài, không chỉ một ngày một tuần, nhưng là luôn như vậy.

Chúa Giê-xu cũng chính là sự yên nghỉ của chúng ta bởi vì Ngài là “Chúa của ngày Sa-bát” (Ma-thi-ơ 12:8). Vì Ngài là Đức Chúa Trời trở nên xác thịt, Ngài quyết định ý nghĩa thật sự của ngày Sa-bát bởi vì Ngài tạo nên nó, và Ngài chính là sự yên nghỉ của chúng ta trong thân thể con người. Khi những người Pha-ri-si quở trách Chúa Giê-xu vì Ngài đã chữa lành trong ngày Sa-bát, Ngài nhắc họ rằng họ không nên do dự để kéo một con cừu ra khỏi hầm trong ngày Sa-bát. Bởi vì Ngài đến tìm và cứu “chiên” của Ngài, Ngài có thể phá luật của ngày Sa-bát. Con người quan trọng hơn chiên, và sự cứu chuộc mà Chúa Giê-xu mang đến thì quan trọng hơn những nguyên tắc. Bằng cách nói, “Ngày sa-bát được tạo nên vì loài người, chứ không phải loài người được tạo nên vì ngày sa-bát” (Mác 2:27), Chúa Giê-xu tuyên bố nguyên tắc căn bản rằng sự yên nghỉ được thiết lập là để làm giảm bớt gánh nặng công việc cho con người. Những người Pha-ri-si làm méo mó ngày Sa-bát trở thành một ngày của những nguyên tắc nặng nề. Chúa Giê-xu đến để cho con người được tự do khỏi luật pháp mà được ở dưới ân điển (Giăng 1:17; Rô-ma 6:14). Ngài là Chúa của ngày Sa-bát, là Đấng làm giảm nhẹ mọi nỗ lực của chúng ta để có thể đạt đến sự cứu chuộc. Trong Ngài, chúng ta được nghỉ ngơi và tin cậy vào việc Ngài làm cho chúng ta.

Hê-bơ-rơ 4 là phân đoạn có trình bày những điều liên quan cụ thể đến Chúa Giê-xu cũng sự nghỉ ngơi của chúng ta. Chúng ta được “bước vào” sự yên nghỉ được cung ứng bởi Đấng Christ. Sự lựa chọn khác làm tấm lòng cứng cỏi của chúng ta chống lại Ngài, cũng như điều dân Y-sơ-ra-ên đã làm trong hoang mạc. Bởi vì sự thiếu đức tin của họ, Đức Chúa Trời đã từ chối không cho thế hệ của dân Y-sơ-ra-ên vào trong đất hứa, Ngài nói rằng, “Chúng sẽ không được bước vào sự yên nghỉ của Ta” (Hê-bơ-rơ 3:11). Trước giả của sách Hê-bơ-rơ đã cảnh báo chúng ta đừng phạm lại sai lầm tương tự bằng cách từ chối sự yên nghỉ của Chúa trong Chúa Giê-xu. “Vậy, vẫn còn ngày yên nghỉ cho dân Chúa. Người nào vào nơi yên nghỉ của Chúa cũng thôi làm việc riêng, như Chúa đã nghỉ công việc của Ngài. Vậy ta hãy cố gắng vào nơi yên nghỉ đó, để không một ai bị khai trừ vì theo gương những người ngoan cố không tin” (Hê-bơ-rơ 4:9-11).

Không có sự nghỉ ngơi Sa-bát nào khác ngoài Chúa Giê-xu. Chỉ Ngài mới làm trọn được những đòi hỏi của Luật pháp, và chỉ Ngài cung ứng của lễ để chuộc tội. Ngài là sự dự phòng của Đức Chúa Trời cho chúng ta, cho phép chúng ta được chấm dứt gánh nặng trong những việc làm của chúng ta. Chúng ta đối diện với điều này và chỉ có duy nhất một phương cách cứu chuộc (Giăng 14:6). Đáp ứng của Chúa đối với những ai chọn từ chối kế hoạch của Ngài được tìm thấy trong Dân số ký 15. Ở đây, con người đã được gom nhóm lại trong ngày Sa-bát, dù cho những nguyên tắc đơn giản của Chúa là để giúp dừng lại công việc cho họ. Sự vi phạm này chính là một tội cố ý phạm, được thể hiện rõ rệt giữa ban ngày, trong cái nhìn thách thức đối với thẩm quyền thiên thượng. “Và Chúa bảo Môi-se: "Người ấy phải bị xử tử, toàn dân sẽ lấy đá ném cho người ấy chết đi bên ngoài trại." Vì thế đây chính là điều sẽ xảy ra với những ai dám từ chối sự dự phòng của Chúa trong ngày Sa-bát trong Chúa Giê-xu. “Thì ta làm sao thoát khỏi hình phạt, một khi khước từ ân cứu rỗi lớn lao nầy?” (Hê-bơ-rơ 2:3)



English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Chúa Giê-xu là nơi yên nghỉ của chúng ta như thế nào?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries