settings icon
share icon
Câu hỏi

Kinh Thánh nguyên thủy có vẫn còn tồn tại không?

Trả lời


Câu trả lời cho câu hỏi này là vừa "không" mà cũng vừa "có." Theo ý nghĩa chặt chẽ thì không, không có tổ chức nào có các tài liệu gốc bao gồm 66 sách của Kinh thánh – mà đôi khi được gọi là "những bút tích." Tuy nhiên, theo cách rất xác thực thì là có, nhân loại thật sự có ngôn từ và sách vở để tạo nên Lời của Đức Chúa Trời. Điều này có được như thế nào? Để hiểu được làm sao Kinh Thánh nguyên thủy được viết nên và làm cách nào để so sánh với những gì được đọc ngày hôm nay, thì cần phải xem xét quá trình đưa đến bộ sưu tập ban đầu và những gì đã xảy ra kể từ thời điểm đó.

Bối cảnh của Kinh Thánh nguyên thủy
Theo những người hoài nghi, chưa bao giờ có một quyển Kinh Thánh "nguyên thủy" thực sự. Họ tin rằng Kinh Thánh là sản phẩm của con người, chớ không phải là của Đức Chúa Trời, và nó đã được "cải tiến" trải qua nhiều thế kỷ sửa đổi.

Đúng là Kinh Thánh đã được viết trong một khoảng thời gian dài. Được viết nên bởi 40 tác giả trong khoảng thời gian gần 1,500 năm, Kinh Thánh bao gồm 66 sách – 39 trong Cựu Ước và 27 trong Tân Ước. Cựu Ước thường được chia thành ba phần: (1) Ngũ Kinh, đôi khi được gọi là "Luật Pháp" và bao gồm năm cuốn sách đầu tiên của Kinh Thánh; (2) Các sách Tiên Tri, bao gồm tất cả các tác phẩm tiên tri lớn và nhỏ; và (3) Các sách Văn Thơ, bao gồm các Thánh vịnh, Châm ngôn và một số sách khác (Lu-ca 24:44).

Tân Ước cũng được chia thành ba phần: (1) Các sách Phúc Âm; (2) Lịch sử Hội thánh, là về cơ bản chỉ bao gồm sách Công vụ; và (3) Các tác phẩm của Sứ Đồ, bao gồm tất cả những sách còn lại.

Bộ Sưu tập Cựu Ước Nguyên thủy
Kinh Thánh nguyên thủy được biên soạn như thế nào? Sự tập hợp của nó có thể được truy tìm qua Kinh Thánh một cách khá chính xác. Sau khi Môi-se viết Ngũ Kinh (Xuất hành 17:14; 24:4, 7; 34:27; Dân số 33:2; Giô-suê 1:8; Ma-thi-ơ 19:8; Giăng 5:46-47; Rô-ma 10:5), nó đã được đặt trong Hòm Giao Ước và được bảo tồn (Xuất hành 31:18; 40:20; Phục truyền 31:24). Theo thời gian, những bản văn được soi dẫn khác đã được thêm vào năm sách đầu tiên của Kinh Thánh. Trong thời của Đa-vít và Sô-lô-môn, các sách đã sưu tập được đặt trong kho báu của đền thờ (1 Kings 8:6) và được chăm sóc bởi các thầy tế lễ phục vụ trong đền thờ (2 Các Vua 22:8). Nhiều sách khác cũng được thêm vào dưới triều đại của vua Ê-xê-chia – thánh vịnh của Đa-vít, châm ngôn của Sô-lô-môn, cùng những sách tiên tri như Ê-sai, Ô-sê và Mi-chê (Châm ngôn 25:1). Nói chung, khi các tiên tri của Đức Chúa Trời nói, những lời của họ được viết xuống (so sánh Giê-rê-mi 30:2; 36:2), và những điều được ghi lại bao gồm trong những gì mà ngày nay gọi là Cựu Ước.

Trong thời kỳ bị lưu đày của người Do Thái vào thế kỷ thứ sáu trước Công Nguyện (2 Các Vua 25; 2 Sử ký 36:15-21), các sách bị phân tán, nhưng không bị mất. Khoảng năm 538 T.C. từ chốn lưu đày ở Ba-by-lôn, người Do Thái quay trở về (Ê-xơ-ra 1) và về sau thầy tế lễ Ê-xơ-ra đã thu thập lại tất cả các sách trước đây và thêm các tác phẩm khác nữa vào bộ sưu tập. Rồi sau đó một bản được sao lại và lưu trữ trong Hòm Giao Ước đã được hoàn thiện cho ngôi đền thờ thứ hai, và sau một quá trình tỉ mỉ, các bản sao khác đã được làm ra để bảo vệ các tác phẩm đã được soi dẫn. Bộ sưu tập các sách Cựu Ước này, được viết bằng tiếng Hê-bơ-rơ, là những gì mà Do Thái giáo gọi là "Kinh Thánh Hê-bơ-rơ".

Vào thế kỷ thứ ba T.C., các sách trong Cựu Ước được dịch sang tiếng Hy-lạp bởi một nhóm gồm 70 học giả Do Thái, với tác phẩm hoàn tất được gọi là Bản Bảy Mươi — LXX (viết tắt của "70"), hoặc Septuagint (một từ tiếng La-tin có nguồn gốc từ nhóm chữ "bản dịch của bảy mươi phiên dịch viên"). Septuagint chắc chắn đã được sử dụng và trích dẫn bởi các sứ đồ trong các tác phẩm của họ, kể cả Phao-lô. Các bản thảo cổ nhất của bản LXX bao gồm một số mảnh viết tay vào khoảng thế kỷ thứ 1 và 2 T.C.

Vào năm 1947, những Cuộn Sách Biển Chết được phát hiện tại khu vực Qumran ở Israel. Các cuộn sách có các niên đại khác nhau trong khoảng từ thế kỷ thứ 5 T.C. đến thế kỷ thứ 1 S.C. Các sử gia tin rằng các thầy thông giáo Do Thái đã bảo quản địa điểm này để lưu giữ Lời của Đức Chúa Trời và bảo vệ các tác phẩm trong khi thành Jerusalem bị tàn phá vào năm 70 S.C. Những Cuộn Sách Biển Chết gần như đại diện cho từng sách trong Cựu Ước, và khi so sánh với những bản thảo gần nhất thì thấy chúng gần như giống hệt nhau – những sai lệch chủ yếu là lỗi chánh tả của tên một vài cá nhân cùng với các số khác nhau được trích dẫn trong Kinh Thánh.

Những Cuộn Sách Biển Chết là một bằng chứng cho sự chính xác và bảo tồn của Cựu Ước cũng như đem lại sự tin chắc rằng Cựu Ước mà chúng ta có ngày nay cũng giống như Cựu Ước mà Chúa Jesus đã dùng. Thật vậy, Lu-ca có ghi lại một lời tuyên bố của Chúa Jesus liên quan đến việc tập hợp của Cựu Ước: "Vì thế, sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời đã phán: 'Ta sẽ sai các nhà tiên tri và sứ đồ đến với chúng nó. Chúng nó sẽ giết hại người nầy, bắt bớ kẻ kia.' Như vậy, thế hệ nầy sẽ bị đòi nợ máu của tất cả các nhà tiên tri đã đổ ra từ buổi sáng thế, tức là từ máu của A-bên cho đến máu của Xa-cha-ri, người đã bị giết giữa khoảng bàn thờ và nơi thánh. Phải, Ta bảo các ngươi, thế hệ nầy sẽ bị đòi nợ máu đó." (Lu-ca 11:49-51, phần nhấn mạnh được thêm vào). Chúa Jesus đã xác nhận 39 sách của Cựu Ước trong những câu này. Cái chết của A-bên được tìm thấy trong Sáng thế ký 4:8 và cái chết của Xa-cha-ri trong 2 Sử ký 24:20-22 – là sách đầu tiên và sách cuối cùng của Kinh Thánh Do Thái.

Bộ Sưu tập Tân Ước Nguyên thủy
Thành phần của Tân Ước đã chính thức được giải quyết tại Hội đồng Carthage vào năm 397 S.C. Tuy nhiên, phần lớn của Tân Ước đã được chấp nhận là có thẩm quyền từ trước đó rất lâu. Bộ sưu tập các sách Tân Ước đầu tiên được đề xuất bởi một người tên là Marcion vào năm 140 S.C. Marcion là người theo Thuyết Hiện Hình (Thuyết Hiện Hình là một hệ thống tín ngưỡng nói rằng tất cả các thần linh là tốt còn mọi sự thuộc về vật chất đều là xấu), và vì vậy mà Marcion loại trừ sách nào nói rằng Chúa Jesus có cả thần tánh lẫn nhân tánh, và ông cũng đã chỉnh sửa các thư tín của Phao-lô để phù hợp với triết lý riêng của mình.

Theo ghi lại thì bộ sưu tập các sách Tân Ước được đề xuất tiếp theo là Bộ Kinh điển Muratori (Muratorian Canon), vào năm 170 S.C. Nó bao gồm tất cả bốn sách phúc âm, Công vụ, 13 thư tín của Phao-lô, 1, 2, 3 Giăng Giu-đe, và Khải Huyền. "Kinh điển" Tân Ước cuối cùng được liệt kê trước tiên là bởi giáo phụ Athanasius vào năm 367 S.C. và được Hội đồng Carthage phê chuẩn vào năm 397 S.C.

Nhưng lịch sử cho thấy rằng Tân Ước thực tế trong Kinh Thánh ngày nay đã được công nhận sớm hơn rất nhiều và nó là sự phản ánh chính xác những gì mà "các bút tích" ghi lại. Trước nhất, chính Kinh Thánh cho thấy rằng các tác phẩm của Tân Ước được xem như đã được soi dẫn và ngang hàng với Cựu Ước. Chẳng hạn, Phao-lô viết khoảng 62 SCN: "Vì Kinh Thánh dạy: 'Chớ khớp miệng con bò đang đạp lúa,' và 'Người làm công đáng được nhận tiền công.'" (1 Ti-mô-thê 5:18, phần nhấn mạnh được thêm vào). Câu trích dẫn sau là từ Lu-ca 10:7, cho thấy Phao-lô xem Phúc âm của Lu-ca là "Kinh Thánh." Một ví dụ khác bao gồm lời tuyên bố của Phi-e-rơ: "Hãy nhớ rằng sự kiên nhẫn của Chúa chúng ta là vì sự cứu chuộc của anh em. Cũng như Phao-lô, người anh yêu dấu của chúng ta, đã viết cho anh em theo sự khôn ngoan được ban cho mình. Trong tất cả các thư tín, ông đều đề cập đến những điều nầy. Các thư của ông có một vài điều khó hiểu mà những kẻ dốt nát và không vững vàng đã xuyên tạc, như họ đã làm với các phần khác trong Kinh Thánh, để chuốc lấy sự hủy diệt cho chính mình." (2 Phi-e-rơ 3: 15-16, phần nhấn mạnh được thêm vào). Rõ ràng là Phi-e-rơ coi các thư của Phao-lô cũng được soi dẫn ngang hàng như với kinh điển Cựu Ước. Và, Phi-e-rơ nói (khoảng 65 SCN) rằng chúng ta nên "khắc ghi những lời tiên báo của các nhà tiên tri thánh [Cựu Ước] cũng như những điều răn của Chúa và Cứu Chúa chúng ta do các sứ đồ truyền lại" [Tân Ước] cho thấy Phi-e-rơ đã xem các môn đồ có thẩm quyền ngang hàng với các tiên tri trong Cựu Ước (2 Phi-e-rơ 3:2).

Thứ hai, những trích dẫn từ các giáo phụ đầu tiên cho phép sự tái cấu trúc hầu hết toàn bộ Tân Ước như được thấy ngày nay. Ví dụ, Clement (khoảng năm 95 S.C.) trích dẫn từ 11 sách Tân Ước, Ignatius (khoảng năm 107 S.C.) trích dẫn từ gần như mọi sách trong Tân Ước và Polycarp (môn đệ của Giăng, khoảng năm 110 S.C.) trích dẫn từ 17 sách Tân Ước. Xử dụng những lời trích dẫn của các giáo phụ đầu tiên, toàn bộ Tân Ước có thể được ghép lại với nhau, ngoại trừ 20-27 câu, hầu hết trong số đó là từ 3 Giăng. Chứng cứ như vậy nói lên thực tế rằng Tân Ước đã được công nhận sớm hơn nhiều so với Hội đồng Carthage vào năm 397 S.C. và rằng Tân Ước mà chúng ta có ngày nay giống như những gì đã được viết cách đây 2,000 năm.

Thứ ba, không có đối thủ văn học trong thế giới cổ đại nào về số lượng bản thảo và có niên đại xưa như của Tân Ước. Có 5,856 bản Hy-lạp, 10,000 bản La-tin, cũng như 9,000 bản sao khác của Tân Ước vẫn tồn tại cho đến ngày nay, và còn tiếp tục được khảo cổ học khai quật. Sự kết hợp giữa niên đại xưa và số lượng lớn về các bản sao của Tân Ước khiến các chuyên gia về lịch sử như Sir Frederic Kenyon (cựu giám đốc và là người đứng đầu thủ thư của viện Bảo tàng Anh quốc) nói rẳng, "Vậy thì, khoảng cách thời gian giữa những niên đại của tác phẩm nguyên thủy và bằng chứng xưa nhất vẫn còn tồn tại trở nên quá nhỏ thậm chí không đáng nhắc đến, nền tảng cuối cùng cho mọi nghi ngờ không tin rằng Kinh Thánh thực sự đã đến với chúng ta như cách chúng được viết ra bây giờ đã bị xóa bỏ. Cả tính xác thực lẫn tính toàn vẹn chung của các sách trong Tân Ước có thể được coi như cuối cùng đã được thiết lập."

Kinh Thánh nguyên thủy –Kết luận
Tóm lại, ngày nay, trong khi không có ai sở hữu các bút tích gốc, nhưng chúng ta có được nhiều bản sao vẫn còn tồn tại, và công trình của các nhà sử học Kinh Thánh qua khoa học phê bình văn bản cho chúng ta niềm tin rất lớn rằng Kinh Thánh ngày nay là sự phản ánh chính xác về sản phẩm của các tác giả nguyên thủy.

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Kinh Thánh nguyên thủy có vẫn còn tồn tại không?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries