settings icon
share icon
Câu hỏi

Đức Chúa Trời kéo chúng ta đến sự cứu rỗi có nghĩa là gì?

Trả lời


Câu Kinh Thánh rõ ràng nhất nói đến việc Đức Chúa Trời kéo chúng ta đến sự cứu rỗi là Giăng 6:44, Chúa Giê-xu tuyên bố rằng "ví bằng Cha, là Đấng sai ta, không kéo đến, thì chẳng có ai được đến cùng ta, và ta sẽ làm cho người đó sống lại nơi ngày sau rốt". Từ Hy Lạp dịch chữ "kéo" là helkuo có nghĩa là "lôi kéo" (nghĩ đen hoặc nghĩa bóng). Rõ ràng, hành động lôi kéo này là việc làm từ một phía. Đức Chúa Trời làm nên sự lôi kéo đến sự cứu rỗi; chúng ta là người được kéo đến đóng một vai trò bị động trong quá trình này. Không còn nghi ngờ gì nữa rằng chúng ta đáp lại sự lôi kéo của Ngài, nhưng tất cả sự lôi kéo chính là phần việc của Ngài.

Helkuo được dùng trong Giăng 21:6 để nói đến chiếc lưới nặng đầy cá được kéo vào bờ. Trong Giăng 18:10 chúng ta thấy Phi-e-rơ tuốt ("rút ra" — helkuo) gươm của ông, và trong Công Vụ 16:19 helkuo được dùng để miêu tả Phao-lô và Si-la bị "kéo đến" (helkuo) nơi công sở trước mặt các người cầm quyền. Rõ ràng, chiếc lưới không tự kéo vào bờ, gươm của Phi-e-rơ không tự bị rút ra, và Phao-lô và Si-la không tự lôi kéo mình đến nơi công sở. Cũng có thể nói tương tự cho việc Đức Chúa Trời lôi kéo ai đó đến sự cứu rỗi. Có người sẵn lòng đến, có người bị lôi kéo cách miễn cưỡng, nhưng rốt cuộc tất cả đều đến, dù chúng ta không có phần gì trong sự lôi kéo đó.

Tại sao Đức Chúa Trời cần kéo chúng ta đến sự cứu rỗi? Đơn giản, nếu Ngài không làm vậy, chúng ta sẽ không bao giờ đến. Chúa Giê-xu giải thích rằng không ai có thể đến trừ phi Cha kéo họ đến với Ngài (Giăng 6:65). Con người tự nhiên không có khả năng để đến gần Đức Chúa Trời, và cũng không có mong muốn đến gần. Bởi vì tấm lòng con người cứng cỏi và tâm trí bị làm cho mờ tối (Ê-phe-sô 4:18), con người không tái sinh không có khao khát Chúa và thật sự là kẻ thù của Chúa (Rô-ma 5:10; Cô-lô-se 1:21). Khi Chúa Giê-xu nói không người nào có thể đến mà không bởi sự lôi kéo của Chúa, Ngài đang đưa ra tuyên bố về toàn bộ sự đồi bại của tội nhân và tình trạng chung của hoàn cảnh đó. Lòng người chưa được cứu tối đen đến mức không nhận thức được điều đó: "lòng người ta là dối trá hơn mọi vật, và rất là xấu xa. Ai có thể biết được?" (Giê-rê-mi 17:9). Vì thế, chỉ bởi sự kéo đến đầy nhân từ và ân điển của Đức Chúa Trời mà chúng ta được cứu. Qua sự biến đổi của tội nhân, Chúa soi sáng tâm trí (Ê-phê-sô 1:18), khiến cho tấm lòng hướng về chính Ngài (Ê-xê-chi-ên 36:26-27), và ảnh hưởng tâm hồn, không có sự ảnh hưởng đó tâm hồn vẫn đen tối và chống nghịch lại Đức Chúa Trời. Tất cả những điều này là đều liên quan đến quá trình kéo đến.

Có một ý hiểu rằng Đức Chúa Trời lôi kéo tất cả mọi người. Điều này được biết đến là "tiếng gọi chung" và được phân biệt với "tiếng gọi có chủ đích" (sự kêu gọi công hiệu) của sự lựa chọn của Đức Chúa Trời. Những đoạn Kinh Thánh như Thi Thiên 19:1-4 và Rô-ma 1:20 chứng thực rằng quyền năng đời đời của Chúa và bản tính thiên thượng của Ngài là "thấy được rõ ràng" và "được hiểu" qua những gì đã được làm nên để con người không thể biện minh. Nhưng con người vẫn khước từ Đức Chúa Trời (bắt hiếp lẽ thật, Rô-ma 1:18), và những ai thừa nhận sự tồn tại của Ngài vẫn không đến với kiến thức cứu rỗi của Ngài khi còn bên ngoài sự kéo của Ngài. Chỉ có những ai được kéo đến sự khải thị đặc biệt – bởi quyền năng của Đức Thánh Linh và ân điển của Đức Chúa Trời – mới đến với Đấng Cứu Thế.

Có những cách thực hữu mà qua những cách đó người được kéo đến sự cứu rỗi trải nghiệm được sự kéo đó. Trước hết, Đức Thánh Linh cáo trách tình trạng tội lỗi của chúng ta và nhu cầu cần một Đấng Cứu Chuộc của chúng ta (Giăng 16:8). Thứ Hai, Ngài đánh thức trong chúng ta sự quan tâm không được nhận thức từ trước qua những điều thuộc linh và tạo ra một khát khao về những điều đó, điều chưa hề có từ trước. Đột nhiên tai chúng ta mở ra, tấm lòng chúng ta hướng về Ngài, và Lời Ngài bắt đầu nắm giữ sự thu hút mới đầy hào hứng với chúng ta. Tâm linh của chúng ta bắt đầu phân biệt lẽ thật thuộc linh những điều mà trước đây chúng ta cho là vô lý: "Người có tánh xác thịt không nhận được những sự thuộc về Thánh Linh của Đức Chúa Trời; bởi chứng người ấy coi sự đó như là sự rồ dại, và không có thể hiểu được, vì phải xem xét cách thiêng liêng" I Cô-rinh-tô 2:14). Cuối cùng, chúng ta bắt đầu có những khao khát mới. Ngài đặt trong chúng ta một tấm lòng mới hướng về Ngài, một tấm lòng khao khát nhận biết Ngài, vâng phục Ngài, và bước đi trong "đời mới" (Rô-ma 6:4) mà Ngài đã hứa.

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Đức Chúa Trời kéo chúng ta đến sự cứu rỗi có nghĩa là gì?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries